Tuổi thanh xuân hiến dâng nơi tuyến lửa

Thứ Sáu, 10/03/2023, 20:19

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Quảng Bình là “tuyến lửa”, là “túi bom đạn” của kẻ thù, là “hậu phương trực tiếp” của tiền tuyến miền Nam.

Theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, nhiều thanh niên, sinh viên, trong đó có nhiều cán bộ, chiến sĩ Công an đã tạm biệt mái trường, quê hương, gia đình để lên đường. Quảng Bình là nơi họ đến để “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước/ Mà lòng phơi phới dậy tương lai”.

Nhiều chiến sĩ Công an đã hiến dâng trọn vẹn thanh xuân cho đất nước đến ngày toàn thắng. Kết thúc chiến tranh, ở Quảng Bình có 3 trạm CSGT và 5 cán bộ, chiến sĩ CSGT được phong tặng, truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

abc.jpg -0
Di ảnh Anh hùng liệt sĩ Huỳnh Kim Trung cùng những trang nhật ký sáng ngời chủ nghĩa anh hùng cách mạng.

Rưng rưng dòng nhật ký bên bờ sông Gianh

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, lực lượng CSGT thuộc Công an tỉnh Quảng Bình là lực lượng chịu nhiều gian khổ, hy sinh. Cán bộ, chiến sĩ CSGT ở Quảng Bình được giao nhiệm vụ rất nặng nề: bằng mọi cách phải vừa chiến đấu, vừa đảm bảo an toàn giao thông để cho hàng vạn chuyến xe kịp ra tiền tuyến.

Lực lượng CSGT Quảng Bình được bổ sung nhiều cán bộ, chiến sĩ từ miền Bắc vào để tập trung toàn lực bám cầu, bám đường, bám phà và các tuyến giao thông trọng điểm nhằm bảo đảm giao thông thông suốt. Kết thúc chiến tranh, nhiều địa danh trên đất Quảng Bình đã đi vào lịch sử từng in đậm dấu chân của những cán bộ, chiến sĩ CSGT như: Đèo Ngang, Tân Ấp, Khe Tang, Phà Gianh, Phà Xuân Sơn, Đường Ba Trại, Đường 20, Phà Quán Hàu, Đường 10, Dốc Sỏi…

Chiều xuân, chúng tôi về thăm lại bến phà Gianh, nơi từng được coi là “túi bom” khi địch bắn phá suốt ngày đêm để cắt tuyến đường chi viện vào miền Nam. Tôi rưng rưng rưng lần đọc từng trang nhật ký của anh hùng liệt sĩ Huỳnh Kim Trung. Năm 1972, đang là thực tập sinh của Trường Công an Trung ương, nay là Học viện An ninh nhân dân, Huỳnh Kim Trung đã viết đơn tình nguyện ra chiến trường và anh được Bộ Công an tăng cường vào Ty Công an Quảng Bình.

Vào vùng đất lửa, anh được phân công về Trạm CSGT ở bến phà Gianh, nơi địch bắn phá suốt ngày đêm. Trang nhật ký đã ố màu thời gian, nhưng tình cảm của người anh hùng liệt sĩ còn in đậm trong từng câu chữ “Ngày 30/6/1972: liên tiếp hơn 10 ngày địch đều cho nhiều lượt B-52 thả bom xuống đất Quảng Bình này. Có lần mình cùng anh Vân đi làm hầm ở nhà anh ấy, B-52 thả bom rải thảm cách đó 1km, bom đạn nổ xé trời, đất rung chuyển như muốn sập xuống rồi tung tất cả lên. Nghe nó rền rĩ ào ào như bão tố thế mà hai anh em chỉ biết đứng nhìn nhau cười vì hầm mới đào chỉ tới đầu gối, nguy hiểm thật. Suốt 15 ngày qua đêm nào cũng mất ngủ vì ngày đi dỡ nhà cũ dựng nhà mới, đào hầm, đắp hầm… đêm lại trực.

Một ngày ngủ nhiều nhất chỉ 2-3 tiếng, người đen thui, hai hố mắt trũng sâu, hốc hác. Thế nhưng vẫn ca hát, vui cười. Giá như có cái đài mà nghe ca nhạc thì vui biết mấy hoặc có cái đàn ghi-ta cũng được. Lại nhớ những đêm ca nhạc thứ 7 hoặc chiếu phim ở Hà Nội. Hà Nội ơi, sẽ có ngày tôi trở về với chiến công chói lọi từ tuyến lửa anh hùng”.

Trong khuôn khổ một bài báo, chúng tôi không thể ghi lại hết được những chiến công của liệt sĩ Huỳnh Kim Trung và đồng đội, nhưng những tư liệu, hình ảnh về anh xông pha dưới mưa bom, bão đạn để hướng dẫn cho từng đoàn xe vượt bom, trên đường vào tiền tuyến; hay anh lao vào đám cháy để dập lửa tránh máy bay địch phát hiện để cứu cả đoàn xe… vẫn luôn in đậm trong tâm trí đồng chí, đồng đội và người dân Quảng Bình bên bến phà Gianh.

DB30-Tuổi thanh xuân hiến dâng nơi tuyến lửa -0
Tiếp nối truyền thống cha anh, Công an Quảng Bình nỗ lực, phấn đấu đạt được nhiều thành tích, được các cấp uỷ Đảng, chính quyền và nhân dân ghi nhận.

Bên cạnh hình ảnh chiến sĩ Công an Huỳnh Kim Trung không quản ngại gian khổ, hy sinh, là hình ảnh một Huỳnh Kim Trung rất nhẹ nhàng, tình cảm hoà vào cuộc sống của nhân dân Quảng Bình trong năm tháng lửa đạn chiến tranh. Nét chữ mạch lạc được anh nắn nót viết trên trang nhật ký: “Ngày 4/6/1972; suốt mấy ngày Quảng Bình mưa to, thế nhưng bom đạn Mỹ đâu có từ…

Những vụ pháo kích, ném bom tọa độ, B-52 ném bom như rải thảm, biết bao đồng bào, đồng chí đã đổ máu, biết bao những người dân lương thiện đã phải chết. Chúng hòng làm khiếp nhược ý chí của dân ta, nhưng chúng đã lầm to. Chính trong sự tàn phá ấy, từ trong đau khổ, dân ta càng trở nên cứng rắn, ý chí quyết thắng ngày càng cao.

Trong gian khổ thì người đẹp hơn nghìn lần. Gang vẫn ra lò, xe hàng vẫn thông chạy. Từng hàng lúa chín vẫn trở về đầy sân. Giặc phá đường ta lại lấp, giặc phá nhà ta lại dựng lên nhà mới ngay trên nền nhà còn mùi khói súng. Ở đây, có những bà mẹ kiên cường, chồng và hai con bị bom thả chết nhưng mẹ vẫn anh dũng bám đất, trồng màu chăm sóc bộ đội…”.

Đêm 20/8/1972, máy bay Mỹ ném bom như rải thảm bên phà Gianh. Cứu kho đạn để chuyển vào tiền tuyến là nhiệm vụ cấp bách, Huỳnh Kim Trung cùng đồng đội đã lao vào kho đạn để thực thi nhiệm vụ. Đám cháy mỗi lúc một lớn, sau khi vác được 50 thùng đạn chuyển ra ngoài thì một số hòm đạn bị bắt lửa, quả đạn 85 ly nổ làm Huỳnh Kim Trung bị thương nặng.

Trên đường đi cấp cứu, anh chỉ kịp nhắn lại với đồng chí, đồng đội: “Tôi không thể sống được nữa, các đồng chí hãy tìm, cứu chữa cho những người bị thương khác. Chỉ tiếc là tôi chưa làm tròn nhiệm vụ được Đảng giao…”. Anh đã ngã xuống bên bến phà Gianh khi vừa tròn tuổi 20. Ngày 31/12/1973, liệt sĩ Huỳnh Kim Trung đã được Đảng, Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân và Huân chương Chiến công hạng Nhất.

Mãi mãi tuổi 20

Lịch sử CAND ghi nhận CSGT Quảng Bình đã chỉ dẫn cho hàng vạn đoàn xe vận chuyển hàng hoá và chuyển quân vào tiền tuyến an toàn. Nhiều đơn vị đã nêu gương sáng chủ nghĩa anh hùng cách mạng như: Trạm CSGT Khương Hà bị địch bắn phá trên 600 lần nhưng các chiến sĩ vẫn kiên cường chiến đấu bảo vệ an toàn 45 ngàn tấn hàng, cứu chữa cho hàng trăm người bị thương.

Đồn CSGT số 64 - CSGT Quảng Bình hai lần được Nhà nước tuyên dương Anh hùng, bị địch đánh phá 926 lần, 24 lần địch rải chất độc hoá học, song các chiến sĩ CSGT đồn 64 vẫn hiên ngang chắc tay súng, dũng cảm xông pha nơi bom rơi đạn nổ, cứu được hàng ngàn tấn hàng hoá. Nhiều chiến sĩ CSGT ở Quảng Bình đã tự nguyện làm cọc tiêu sống qua các bến phà, bến ngầm cho các đoàn xe kịp vào chiến trường.

Rời bến phà Gianh, chúng tôi về ngã ba đường Ba Trại - Thọ Lộc thuộc xã Vạn Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình, đây là giao điểm của đường tỉnh lộ 2 nối quốc lộ 1A, đường 15A, đường 20 quyết thắng và nối liền với 2 phà Sông Gianh. Dưới mưa bom, bão đạn của kẻ thù, tổ CSGT gồm 5 đồng chí do Trung sĩ Nguyễn Bá Chưng quê ở Thanh Trường, Thanh Chương, Nghệ An làm tổ trưởng, vừa phải đảm bảo giao thông thông suốt, vừa bảo vệ an toàn cho 7 xe chở 141 cháu học sinh K8 - K9 của Vĩnh Linh, Quảng Trị sơ tán ra các tỉnh miền Bắc.

Đêm 30 Tết Mậu Thân năm 1968, hàng trăm em nhỏ đi sơ tán đang vui Tết với người dân địa phương thì máy bay Mỹ ập đến trút bom xuống khu vực này. Đồng chí Nguyễn Bá Chưng cùng đồng đội không quản hy sinh đã chạy băng băng giữa mưa bom để bồng bề từng em nhỏ xuống hầm trú ẩn. Khi đưa được các em trú ẩn an toàn thì xe chở hàng tiếp viện cho chiến trường trúng bom bốc cháy dữ dội, đồng chí Nguyễn Bá Chưng lại lao ra để dập lửa cứu xe, cứu hàng. Một quả bom rơi cạnh đám cháy phát nổ làm anh hy sinh tại chỗ. Khâm phục sự hy sinh anh dũng của chiến sĩ CAND Nguyễn Bá Chưng, người dân địa phương đã truyền nhau câu thơ tặng anh “Thọ Lộc-Ba Trại địa danh/ Đi vào lịch sử tên anh sáng ngời”. Với thành tích đặc biệt xuất sắc, ngày 31/12/1973, Quốc hội và Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã tuyên dương danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cho Nguyễn Bá Chưng.

Mặc cho trên đầu mưa bom, bão đạn, các chiến sĩ CSGT đóng quân trên đất lửa Quảng Bình vẫn nắm chặt tay nhau với niềm tin và tự nguyện dâng hiến tuổi thanh xuân cho Tổ quốc. Từ trong cuộc chiến tranh ác liệt, lực lượng CSGT Quảng Bình đã xuất hiện nhiều tấm gương sáng ngời chủ nghĩa anh hùng cách mạng như: Anh hùng Hồ Bá Thọ; Anh hùng Hoàng Hữu Nờ; Anh hùng liệt sĩ Nguyễn Bá Chưng; Anh hùng liệt sĩ Huỳnh Kim Trung... Và nhiều liệt sĩ CAND ở lại mảnh đất Quảng Bình mãi mãi tuổi 20 như: liệt sĩ Phạm Văn Luyện; liệt sĩ Lê Văn Thành, quê Thọ Xuân, Thanh Hóa; liệt sĩ Phan Tín, xã Thuận Lộc, Can Lộc, Hà Tĩnh; liệt sĩ Trần Văn Sòi, xã Vĩnh Nam, Vĩnh Linh, Quảng Trị…

Dương Sông Lam
.
.
.