Trận đánh trước ngày giải phóng của một cảm tử quân

Thứ Bảy, 30/04/2022, 07:40

Người lính già tiếp tôi trong căn hộ tập thể đã nhuốm màu thời gian tại Q.5, TP Hồ Chí Minh. 71 tuổi, trải qua những năm tháng chiến trận, hai lần phơi nhiễm chất độc da cam, mang trong mình chằng chéo vết thương bom đạn, nhưng ông Cao Hoài Nhơn vẫn rất tinh anh và mẫn tiệp. Những trận đánh oanh liệt, gian khổ, cùng mất mát hy sinh, cảm xúc vỡ òa ngày giải phóng… tất cả hiện về nguyên vẹn trong ký ức của ông.

Cảm tử quân đường 1C

15 tuổi, Cao Long Phiêu rời mái nhà lá bên dòng kênh Cà Mau, trốn gia đình đi thanh niên xung phong. Tuổi trẻ của Phiêu gắn liền với tuyến đường 1C (tuyến đường vận chuyển cho mặt trận Tây Nam Bộ) ác liệt. Không chỉ là những chuyến chuyển hàng mà còn làm giao liên, cảnh giới, cùng bộ đội tham gia những trận đánh quyết tử để bảo vệ tuyến đường. Thấy được dũng khí chiến đấu của chàng thanh niên Cao Long Phiêu, cấp trên cho ông đi học để trở thành pháo thủ xuất sắc.

Cao Long Phiêu còn được lựa chọn để đi nhận những chuyến hàng đặc biệt và đưa đón những nhân vật đặc biệt với độ nguy hiểm rất cao, nói đúng hơn là “đầu sóng ngọn gió”. Lịch sử chọn người thanh niên này vào đội cảm tử quân khai hỏa những trận đánh để dụ địch cho lực lượng Thanh niên xung phong chuyển hàng. Chiến trường 1C đã khiến Cao Long Phiêu dày dạn trận mạc, không nhiều chữ nghĩa nhưng biết sáng tạo, đánh giặc hiệu quả.

DB29-Trận đánh trước ngày giải phóng của một cảm tử quân -0
Ông Cao Hoài Nhơn lần giở lại những tấm ảnh đã nhuốm màu thời gian ghi dấu những năm tháng hào hùng.

Đội cảm tử của Cao Long Phiêu có nhiệm vụ đi tìm địch mà đánh. Ông nhớ nhất là trận Krông Pông, đội cảm tử bò vào tới tận sào huyệt của địch, lấy xẻng xúc cát làm nền, rồi nằm đó chờ địch co cụm lại một chỗ là đánh.

Trong cuộc đời mình, ông Phiêu bảo rằng lần pháo kích vào Krông Pông là lợi hại nhất. Thông thường ở nước ngoài người ta đặt pháo cách bốn, năm cây số mới bắn. Còn mình, mỗi người mang hai trái, bò vô thật sát, đến chừng nào không còn vô được nữa mới nằm xuống moi đất, đắp mô. Mỗi người ba cục pin, gí điện vào là bắn.

Đạn nổ sáng trời, chỉ cách đội có mấy chục thước. Những trận đánh cảm tử thật nghiệt ngã. Đội của ông Phiêu sau này chỉ còn vài người vẫn tiếp tục vận chuyển, tải đạn, bảo vệ kho hàng trong các hang núi cheo leo hiểm trở vùng biên giới Tây Nam Bộ giáp với đất bạn Campuchia, giữ vững tuyến đường huyết mạch và thực hiện những công việc bí mật của Quân khu.

Ông Cao Long Phiêu được chính tay ông Lê Đức Anh, khi ấy là Tư lệnh Quân khu 9 giao hai máy quay phim với lời dặn: “Hai cậu quay cái gì thì phải nhớ và thực hiện cho bằng được”. Trong các trận đánh, bom đạn như vãi trấu mà ông Phiêu vẫn cố gắng ngóc đầu lên quay phim về chiến trường.

Dù không phải là quay phim chuyên nghiệp nhưng ở chiến trường nóng bỏng khói súng, các nhà quay phim của điện ảnh không dễ tiếp cận các mục tiêu, đặc biệt những vị trí nhạy cảm, nên ông Phiêu luôn xem đây là nhiệm vụ “cảm tử”, chấp nhận hy sinh để quay cho bằng được những thước phim do cấp trên yêu cầu.

Trong một trận đánh, đồng đội hy sinh, chiếc máy quay bị chìm xuống sông cùng xác người. Vậy là tất cả thước phim quý giá mà đồng đội quay được bị mất. Chiếc máy quay của ông Phiêu trở thành báu vật, quý giá như một mạng sống. Sau khi chuyển đơn vị, ông Phiêu giao lại máy quay cùng các thước phim cho tổ chức.

Tuyến đường 1C gắn liền với mặt trận Tây Nam Bộ xuyên suốt những năm tháng khốc liệt nhất của chiến tranh và hoàn thành sứ mệnh một cách oanh liệt cho đến ngày đất nước hoàn toàn thống nhất. Riêng Cao Long Phiêu, sống sót sau những trận đánh cảm tử quân, năm 1971, ông được rút về Quân khu. 

Trận đánh trước ngày giải phóng

Năm 1973, Cao Long Phiêu được chọn về Đại đội 2, Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 180 thuộc Công an nhân dân vũ trang của Miền để thực hiện những nhiệm vụ quan trọng do tổ chức phân công. Từ đây, ông được đổi tên thành Cao Hoài Nhơn và chuẩn bị tham gia vào một trận đánh lớn. 

Tân Biên, tỉnh Tây Ninh là “đại bản doanh” của Trung ương Cục miền Nam, phần lớn địa bàn là vùng giải phóng. Duy chỉ có khu vực xã Mỏ Công, suối Ông Đình là ấp chiến lược, thuộc quyền kiểm soát của chính quyền Sài Gòn. Nơi đây đã diễn ra nhiều cuộc tàn sát, tra tấn các chiến sĩ cách mạng và đồng bào ủng hộ kháng chiến.

Bởi vậy, nhiệm vụ giải phóng ấp chiến lược, tiêu diệt đồn địch ở Mỏ Công có ý nghĩa quan trọng để ổn định tình hình, làm lung lay tuyến phòng thủ cuối cùng của địch tại thị xã Tây Ninh, mở hành lang thông thoáng cho các cánh quân tiến về giải phóng Sài Gòn. Địch ở Mỏ Công được huy động quân số tối đa, bao gồm các lực lượng quân sự, bảo an, biệt kích và bố trí hệ thống phòng thủ nghiêm ngặt.

Chúng lập đồn bốt kiên cố nhằm ngăn chặn sự tiến công của bộ đội ta. Thời gian này, trên các chiến trường, quân ta đang áp đảo, dồn địch vào thế bị động, tổn thất lớn. Đêm cuối tháng 3/1975, lệnh nổ súng được truyền đi, các mũi tấn công thuộc lực lượng vũ trang huyện Tân Biên cùng các chiến sĩ an ninh của Đoàn 180 hiệp đồng tác chiến.

Đại đội 2 khoảng 60 đồng chí, được chia thành 3 mũi vừa đánh vừa bao vây. Cao Hoài Nhơn giữ vai trò mũi phó mũi 2, đồng chí Bảy Khởi làm mũi trưởng. Mũi 2 được giao phụ trách tổ đội B41. 

Chỉ sau ít phút khai hỏa, địch trong đồn Mỏ Công lấy lại tinh thần đã tập trung lực lượng chống trả quyết liệt. Hỏa lực của chúng bắn mạnh về phía đội hình các mũi tiến công, nhất là vị trí đội B41 của Cao Hoài Nhơn. Trong đêm chiến đấu anh dũng ngoan cường, 4/6 đồng chí trong đội của ông Nhơn hy sinh.

Riêng Cao Hoài Nhơn bị thương rất nặng, bị gãy tay, giập bể đầu gối, các mảnh đạn M79, miểng pháo găm vào khắp cơ thể, ở ngực, bụng, ở sau lưng, trên đầu, nhưng bằng sự tỉnh táo trước lằn ranh sinh tử, Cao Hoài Nhơn đã bình tĩnh lấy túi thuốc cá nhân mang theo tự cứu thương cho mình.

Băng bó tạm bợ, Cao Hoài Nhơn tiếp tục cầm súng cùng với đồng đội đánh đến quả hỏa tiễn cuối cùng và xác định sẽ hy sinh. May mắn đã mỉm cười với Cao Hoài Nhơn, ông vẫn còn sống sau trận chiến khốc liệt một mất một còn với địch. 9 giờ sáng địch bị đẩy lùi, đồn Mỏ Công được giải phóng.

“Lúc ấy chúng tôi đánh theo bản năng của những người lính, không ai nghĩ mình là thương binh cả, cứ xông lên mà chiến đấu để mở đường sống”. Ông Cao Hoài Nhơn

Đoàn thương binh từ chiến khu di chuyển về Sài Gòn như một đoàn quân chiến đấu thật sự, họ vẫn mang theo súng và vũ khí để sẵn sàng chiến đấu với địch. Khi tới cầu Bông ở Hóc Môn, đoàn gặp một chốt chặn của địch, tất cả thương binh, y tá đều cầm súng đánh. Cao Hoài Nhơn chân đi tập tễnh, một tay bó bột, tay kia ôm vũ khí chiến đấu sống còn với địch. “Lúc ấy chúng tôi đánh theo bản năng của những người lính, không ai nghĩ mình là thương binh cả, cứ xông lên mà chiến đấu để mở đường sống”, ông Nhơn kể.

Đoàn thương binh về tới Sài Gòn, ông Nhơn được đưa vào điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy. Những ngày tháng 4, thông tin giải phóng tràn về khiến Sài Gòn nhiều biến động. Ông Nhơn dù trong bệnh viện vẫn luôn dắt bên mình khẩu súng để khi cần là chiến đấu. Ngày Sài Gòn giải phóng, mắt ông nhòe lệ, sung sướng chỉ muốn hét lên thật to, gào một tiếng thật lớn.

Đất nước hòa bình, Cao Hoài Nhơn được tổ chức cho đi học nghiệp vụ Công an ở Bà Rịa – Vũng Tàu. Học xong, ông về công tác tại Công an quận Gò Vấp, phụ trách Đội giao thông. Vài năm sau, do ảnh hưởng của chất độc da cam cùng những vết thương thời chiến tái phát hành hạ khiến ông không còn đủ sức khỏe để phục vụ trong ngành Công an. Ông đã xin ra khỏi ngành và trở thành người thương binh lao vào cuộc sống thường nhật.

Dù kinh tế còn khó khăn, nhưng nhiều năm nay, ông Nhơn luôn tích cực về lại chiến trường xưa để làm những công việc mà ông cho đó là bổn phận của mình. Ông bảo rằng, mỗi độ 30/4 về, lòng ông lại chảy tràn cảm xúc thương nhớ về anh em đã hy sinh. Ông tự hứa với mình, ngày nào còn sống và còn đi lại được thì ông sẽ không bao giờ từ bỏ những chuyến đi đi tìm hài cốt đồng đội.

Ngọc Hoa
.
.
.