Siết chặt quản lý, chống tham nhũng, trục lợi từ đất đai

Những khe hở của luật pháp (Kỳ 3)

Thứ Năm, 23/06/2022, 06:32

Các vụ án hình sự liên quan đến đất đai diễn ra rất đa dạng, động cơ, mục đích phạm tội rất phức tạp. Vẫn còn tình trạng cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu cơ quan, tổ chức lợi dụng chức quyền tham ô, tham nhũng, sách nhiễu, lợi ích nhóm. Việc sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai, hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách là một việc làm cần thiết, mang tính cấp bách, quan trọng.

Vi phạm xảy ra phổ biến

Luật Đất đai đã ra đời hơn 30 năm với 5 lần sửa đổi, gần nhất là vào năm 2013. Luật đã thể chế chủ trương, quan điểm của Đảng, Hiến pháp về đất đai, tạo hành lang pháp lý trong công tác tổ chức, quản lý sử dụng đất đai.

Công tác quản lý và sử dụng đất đã đạt được những kết quả quan trọng: Thị trường bất động sản, quyền sử dụng đất từng bước được hoàn thiện, quyền và nghĩa vụ của các tổ chức, hộ gia đình và cá nhân được giao quyền sử dụng đất được bảo đảm và phát huy. Nguồn lực từ đất đai được khai thác và sử dụng hiệu quả hơn.

540856-2-7570.jpeg -0
Khu đất dự án Nha Trang Golden Gate. Ảnh CTV

Tại Hội thảo "Tổng kết thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI: Thực trạng vi phạm pháp luật về đất đai và kiến nghị sửa đổi chính sách, pháp luật về đất đai" do Ban Cán sự Đảng Tòa án nhân dân Tối cao phối hợp với Ban Kinh tế Trung ương tổ chức đã đưa ra những bất cập, chồng chéo dẫn đến khó khăn trong quá trình tổ chức, thực hiện, ảnh hưởng đến quyền, lợi ích của người sử dụng đất, nhà đầu tư cũng như gây lúng túng cho cơ quan Nhà nước trong việc thực thi chính sách pháp luật về đất đai.

Phát biểu khai mạc hội thảo, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Tổng kết Nghị quyết số 19-NQ/TW Trần Tuấn Anh nhấn mạnh: Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết 19-NQ/TW, tại Kết luận số 36-KL/TW ngày 6/9/2018 của Bộ Chính trị về "đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 Khóa XI về tiếp tục đổi mới chính sách pháp luật đất đai trong thời kỳ đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, tạo nền tảng để đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại" chỉ rõ tồn tại như: "Tình trạng vi phạm chính sách pháp luật đất đai còn diễn ra phổ biến, phức tạp", "công tác thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo liên quan đến đất đai chưa được cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền quan tâm kịp thời, xử lý dứt điểm".

Nguyên nhân của những tồn tại, đó là "ý thức chấp hành chủ trương, chính sách, pháp luật về đất đai của một bộ phận cán bộ, đảng viên và người dân chưa đầy đủ, chưa nghiêm", "vẫn còn tình trạng cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu cơ quan, tổ chức lợi dụng chức quyền tham ô, tham nhũng, sách nhiễu, lợi ích nhóm".

Tại Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII, Đảng xác định những nội dung quan trọng trong lĩnh vực này, cụ thể như: Tăng cường thanh tra, kiểm tra việc quản lý, sử dụng đất; kịp thời phát hiện xử lý dứt điểm các vi phạm, tranh chấp, lấn chiếm đất đai. Kiên quyết ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi tham nhũng, trục lợi làm thất thoát nguồn thu ngân sách liên quan tới đất đai.

Tại hội thảo, nhiều ý kiến cho thấy, đất đai là vấn đề phức tạp, có liên quan chặt chẽ đến đời sống của người dân và có ảnh hưởng đến an ninh, trật tự và an toàn xã hội. Mặc dù có xu hướng giảm nhưng trong giai đoạn 2013 đến nay, đơn thư khiếu nại, tố cáo có liên quan đến đất đai vẫn chiếm tỷ lệ cao trong tổng số các đơn thư khiếu nại, tố cáo (trên 60%). Các vụ án hành chính liên quan đến đất đai có xu hướng tăng liên tục từ mức chiếm 64,2% tổng số các vụ án về hành chính năm 2015 lên trên 80% năm 2020.

Cũng trong khoảng thời gian này, số lượng thụ lý, giải quyết các vụ án dân sự, kinh doanh thương mại liên quan đến đất đai chiếm 75% tổng số các vụ án Tòa án nhân dân Tối cao thụ lý, giải quyết theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm (trong đó, số vụ đã giải quyết chiếm 83,49%). Các vụ án hình sự liên quan đến đất đai diễn ra rất đa dạng, động cơ, mục đích phạm tội rất phức tạp.

Có nhiều vụ án đặc biệt nghiêm trọng, liên quan đến nhiều tổ chức, nhiều người, trong đó có cả cán bộ có chức vụ cao, gây thiệt hại lớn đối với tài sản của Nhà nước, làm ảnh hưởng đến uy tín của tổ chức và niềm tin của xã hội đối với Đảng và Nhà nước. Mặt khác, tình trạng vi phạm pháp luật trong quản lý đất đai xảy ra phổ biến trong các hoạt động chủ yếu như: Giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất (không đúng mục đích, không qua đấu giá quyền sử dụng đất, không theo quy hoạch đã được phê duyệt…).

Thu hồi, giải phóng mặt bằng, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư (không đảm bảo quyền lợi của Nhà nước, người sử dụng đất có đất bị thu hồi, nhà đầu tư; chậm trễ trong trả tiền đền bù…). Quản lý đất đai trước và sau khi cổ phần hoá doanh nghiệp Nhà nước (vi phạm trong việc xác định giá trị đất đai trước khi cổ phần hoá; chuyển mục đích sử dụng đất sau khi cổ phần hoá…). Cấp, thu hồi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (không đúng trình tự thủ tục, không đúng thẩm quyền…).

Quản lý quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất (không tương thích với các quy hoạch khác; thường xuyên bị điều chỉnh…). Một trong những nguyên nhân chính là do còn có những hạn chế, bất cập trong chính sách, pháp luật về đất đai cũng như sự chồng chéo, chưa thống nhất trong một số quy định giữa Luật Đất đai 2013 với các hướng dẫn thi hành luật và với một số luật khác (Bộ luật Dân sự, Luật Đầu tư, Luật Xây dựng, Luật Nhà ở…).

Điều này dẫn đến sự lúng túng trong quản lý và tạo ra những khe hở của luật pháp để một số cá nhân và tổ chức lợi dụng để tham nhũng và trục lợi, gây lãng phí, thất thoát tài sản của Nhà nước. Thêm vào đó là năng lực của bộ máy quản lý Nhà nước về đất đai còn chưa cao, nhất là chất lượng nguồn nhân lực. Hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu về đất đai còn sơ sài, thiếu thống nhất…

Tài sản lớn của quốc gia đã thất thoát

Lợi dụng những bất cập của Luật Đất đai và những lỗ hổng trong các nghị định hướng dẫn cổ phần hoá doanh nghiệp Nhà nước, một khối lượng tài sản lớn của quốc gia đã thất thoát trong quá trình chuyển đổi mục đích sử dụng đất, cổ phần hoá, các dự án đổi đất lấy công trình (BT). Ngày 8/6/2022, Quốc hội tiến hành phiên chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc.

Có tới 79 đại biểu đăng ký chất vấn Tư lệnh ngành Tài chính với hàng loạt điểm nghẽn, nút thắt trong tiến trình cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước tại doanh nghiệp; vấn đề thất thoát đất đai, vốn khi chuyển đổi cổ phần hoá doanh nghiệp Nhà nước gây thất thu ngân sách. Đại biểu Nguyễn Thị Lệ (đoàn TP. Hồ Chí Minh) nêu việc một số doanh nghiệp thực hiện thoái vốn nhưng thực hiện chưa triệt để, công tác cổ phần hóa thoái vốn của một số bộ, ngành, địa phương còn nhiều hạn chế đặc biệt liên quan đến đất đai, làm thất thoát vốn Nhà nước.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thành Công (đoàn Ninh Bình) cho rằng, tình hình cổ phần hoá, thoái vốn thời gian qua cho thấy công tác xử lý về đất đai gặp nhiều vướng mắc. Việc xác định thẩm quyền phê duyệt phương án sử dụng đất, sắp xếp lại xử lý nhà đất, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp Nhà nước có số lượng nhà đất lớn, nằm trên địa bàn nhiều địa phương, có lịch sử pháp lý đất đai phức tạp. Đại biểu Nguyễn Thành Công đề nghị Bộ trưởng báo cáo, giải trình tính hợp lý của việc gắn phương án xử lý, sắp xếp nhà đất vào quy trình cổ phần hóa, thoái vốn.

Trả lời chất vấn các đại biểu, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc thừa nhận việc sắp xếp nhà đất và phê duyệt phương án sử dụng đất là "nút thắt" trong quá trình cổ phần hoá. Khi trình phương án sắp xếp tài sản công, tức nhà cửa đất đai của các doanh nghiệp Nhà nước thì Ủy ban nhân dân các tỉnh được giao thẩm quyền phê duyệt phương án. Tuy nhiên, việc phê duyệt phương án hiện nay cũng rất chậm.

Tại nghị trường Quốc hội, các đại biểu đặt nhiều câu hỏi "nóng" về trách nhiệm tham mưu, quản lý Nhà nước và năng lực, phẩm chất của một bộ phận cán bộ được giao trực tiếp trong lĩnh vực này, để làm rõ đâu là năng lực yếu, đâu là có sự lợi dụng chức vụ, quyền hạn để trục lợi, đâu là sự buông lỏng trong công tác quản lý?

Khi sai phạm được phát hiện qua thanh tra, ngoài xử lý nghiêm công chức cơ quan Nhà nước vi phạm cũng cần phải xử lý tương xứng đối với cả doanh nghiệp, các chủ đầu tư. Vì sai phạm không thể xảy ra nếu như không có sự tham gia của "các bên", như có đại biểu ví, "không thể vỗ tay bằng một bàn tay".

Phát biểu khai mạc Hội nghị Trung ương 5 (khóa XIII), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ rõ: Việc tổng kết thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 khoá XI về đất đai lần này là một yêu cầu cần thiết nhằm thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, kịp thời tháo gỡ những vướng mắc trong công tác quản lý và sử dụng đất đai, bảo đảm hài hoà các lợi ích của Nhà nước, người dân và nhà đầu tư, tạo nguồn lực và động lực mới để phấn đấu đến năm 2030 nước ta trở thành nước công nghiệp hiện đại, có thu nhập trung bình cao; và đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng nhấn mạnh đây là một lĩnh vực rất rộng lớn, cơ bản, hết sức phức tạp, nhạy cảm, đặc biệt quan trọng, hệ trọng đối với sự ổn định và phát triển bền vững đất nước, hiện vẫn còn không ít ý kiến khác nhau. Đồng thời với việc khẳng định những chuyển biến tích cực và những kết quả nổi bật đã đạt được trong gần 10 năm qua, cũng cần thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, yếu kém và nguyên nhân.

Tổng Bí thư đề nghị tập trung làm rõ: Vì sao nguồn lực đất đai chưa được phát huy đầy đủ để trở thành nội lực quan trọng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội? Vì sao ở nhiều nơi, việc sử dụng đất còn lãng phí, hiệu quả thấp; tệ tham nhũng, tiêu cực liên quan đến đất đai chậm được đẩy lùi, thậm chí gia tăng? Vì sao số vụ khiếu nại, tố cáo thuộc về lĩnh vực đất đai vẫn còn nhiều và phức tạp? Vì sao thị trường bất động sản phát triển thiếu lành mạnh, chưa bền vững và còn tiềm ẩn nhiều rủi ro?...

Đâu là nguyên nhân thuộc về quan điểm, chủ trương, chính sách nêu trong Nghị quyết và bất cập của Luật Đất đai năm 2013?

Đâu là do các quy định dưới luật còn bất cập; có quá nhiều quy định chồng chéo, mâu thuẫn? Và đâu là do việc tổ chức thực hiện yếu kém của các cơ quan quản lý Nhà nước; do nhận thức chưa đầy đủ và ý thức chấp hành luật pháp chưa nghiêm? Trên cơ sở đó, đề xuất các chủ trương, định hướng tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách về đất đai; chú ý các vấn đề hiện đang vướng mắc hoặc gây bức xúc trong xã hội và những nội dung còn có ý kiến khác nhau…

Trên cơ sở những bất cập bộc lộ từ thực tiễn, việc sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai là một việc làm cần thiết mang tính cấp bách, quan trọng để tiếp tục hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách để phát huy tốt nhất nguồn lực đất đai, hạn chế thấp nhất các sai phạm, tiêu cực, tham nhũng; góp phần làm lành mạnh hóa thị trường bất động sản, phát triển kinh tế-xã hội, quốc phòng-an ninh; đảm bảo ổn định chính trị xã hội, đáp ứng yêu cầu của hội nhập.

Việt Hưng
.
.
.