Người mẹ thứ hai của học sinh dân tộc Chứt

Thứ Hai, 31/10/2022, 08:24

Nhiều năm liền là giáo viên phụ trách các lớp ghép của học sinh dân tộc Chứt tại trường Tiểu học Hương Liên (huyện Hương Khê, Hà Tĩnh), cô giáo Hoàng Thị Thưu, được coi là người mẹ thứ hai của học trò. Bằng sự nhiệt tình, tâm huyết, tình yêu thương của mình, cô Thưu đã dẫn dắt nhiều lứa học sinh dân tộc Chứt đọc thông, viết thạo, tính toán giỏi.

Bám bản “gieo chữ”

Sinh năm 1971, tốt nghiệp lớp đào tạo giáo viên cấp tốc năm 1998, cô Thưu ra trường và được phân công về giảng dạy tại Trường Tiểu học Hương Liên từ đó đến nay.

Trường Tiểu học Hương Liên nằm trên địa bàn xã Hương Liên, là xã vùng sâu, vùng xa, còn nhiều khó khăn của huyện Hương Khê. Toàn xã có 5 thôn và một bản dân tộc Chứt với 2.414 nhân khẩu. Đời sống nhân dân nhìn chung còn khó khăn với thu nhập thấp vì phụ thuộc hầu hết vào đi rừng và làm ruộng. Về giáo dục, ngoài khó khăn chung của toàn xã, điều đặc biệt khó khăn ở nơi đây là việc vận động con em dân tộc Chứt ở bản Rào Tre đến trường.

Ðể bảo đảm quyền học của trẻ em dân tộc Chứt, năm 2015, ngành Giáo dục Hà Tĩnh đã duy trì mô hình lớp ghép bậc Tiểu học tại Trường Tiểu học Hương Liên. Mô hình lớp ghép sau này đã góp phần quan trọng giúp học sinh là con em đồng bào dân tộc Chứt tự tin hơn khi về trường trung tâm học tập hoặc theo học các bậc cao hơn.

Năm 2016, cô Thưu bắt đầu tham gia giảng dạy lớp ghép cho đến hết năm học 2021-2022. Cô kể, năm học đầu tiên được phân công dạy lớp ghép, cô phải chuẩn bị từ cả mùa hè để học tiếng dân tộc Chứt cùng các phong tục tập quán của người Chứt. Con đường từ nhà vào bản Rào Tre đã trở nên quen thuộc với cô Thưu trong nhiều năm liền để làm công tác vận động phụ huynh và học sinh.

Cô giáo Hoàng Thị Thưu kể: “Vất vả nhất là những ngày mưa gió, rét, các em sẽ không đến trường. Vì vậy mà, cô  phải dậy từ tinh mơ, đến gõ cửa từng nhà để chở học sinh đi học”.

Thời gian đầu, phải đến gần 2 tháng, cô Thưu mới ổn định được tâm lý cho học sinh bởi học sinh dân tộc Chứt thường e dè, mặc cảm, khó hòa nhập nên khi đến trường các em luôn trong tâm lý lo sợ. Hơn nữa, phụ huynh của các em không quan tâm đến việc học của con, để các em nghỉ học thường xuyên. Các cô giáo Trường Tiểu học Hương Liên thường xuyên phối hợp với cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Bản Giàng đến từng nhà trong bản Rào Tre tuyên truyền phụ huynh để hỗ trợ con em đến trường.

Người mẹ thứ hai của học sinh dân tộc Chứt -0
Cô Thưu ân cần hướng dẫn các em học sinh.

“Trái ngọt” từ tình thương

“Nhiều em đến trường luôn trong tình trạng bụng rỗng, chưa có gì ăn sáng. Vì vậy, giáo viên mỗi sáng đến trường thường mang thêm gói bánh, nắm xôi để các em ăn còn có sức học”, cô Thưu chia sẻ.

Bằng tình thương, sự bền bỉ, nhiệt tình của các cô giáo, các em dần yêu trường lớp, đến trường đều đặn hơn. Nhiều em từ chỗ chưa biết mặt chữ, chưa cầm được cây bút để viết, đến nay đã đọc thông, viết thạo, tính toán giỏi. Cô Thưu hào hứng khoe, nhiều học sinh người Chứt viết chữ đẹp không kém gì các bạn khác, như em Hồ Thị Oanh, em Hồ Kiều Loan, học sinh lớp 4A1…

Chia sẻ về phương pháp hiệu quả để dạy lớp ghép, cô Thưu cho biết: “Đặc thù của việc dạy lớp ghép là ít học sinh hơn các lớp học khác. Vì vậy,  giáo viên có thời gian kèm cặp học sinh hơn. Một lớp ghép thường bao gồm 2 đến 3 trình độ, chia 2 bảng, ngồi học quay lưng vào nhau. Đầu tiên, khi dạy Toán lớp 2, cô giáo sẽ hướng dẫn các em làm bài tập, trong lúc đó, học sinh lớp 1 viết chính tả hoặc tập đọc”.

Cô Thưu kể: “Học trò mà tôi ấn tượng nhất là Hồ Huyền Trang, sinh năm 2011. Trang là học sinh khuyết tật của dân tộc Chứt do sinh ra bởi nạn hôn nhân cận huyết. Thời gian đầu khi bước vào môi trường học tiểu học, em thường xuyên đứng ở cổng trường không chịu vào lớp, nhiều lần bỏ về nhà do mặc cảm. Thấy em như vậy, tôi rất thương và tìm cách tiếp cận để động viên em, giúp em vượt qua rào cản của bản thân, tự tin hòa nhập cùng các bạn. Từ chỗ rụt rè, nhút nhát, không thích đi học, đến nay, Trang đã là học sinh lớp 7 của Trường Phổ thông dân tộc nội trú huyện Hương Khê, viết chữ đẹp, tính toán giỏi.

Tháng 5/2022, Đoàn công tác của Vụ Tiểu học, Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hà Tĩnh đã về lớp ghép mà cô Thưu dạy dự giờ và kiểm tra chất lượng của học sinh. Nhận thấy chất lượng học sinh lớp ghép đạt chuẩn, Đoàn kiểm tra đã đề nghị xóa lớp ghép và cho học sinh dân tộc Chứt bắt đầu học hòa nhập từ năm học 2022-2023.

Năm học này, tuy không còn giảng dạy lớp ghép, nhưng cô Thưu vẫn luôn dành sự quan tâm đặc biệt của mình cho các học sinh người Chứt, bởi cô biết thời gian đầu học hòa nhập sẽ rất khó khăn cho các em. Với lợi thế am hiểu tiếng của người Chứt, cô Thưu đã cùng xây dựng bộ ngôn ngữ Chứt - Việt để giúp các giáo viên hiểu một số từ ngữ thông dụng, giúp cô trò thuận lợi hơn trong việc học tập.

Em Hồ Thị Oanh, học sinh lớp 4A1, Trường Tiểu học Hương Liên cho biết: "Năm nay là năm học đầu tiên chúng em chuyển từ lớp ghép sang học hòa nhập cùng các bạn. Em rất vui vì sang lớp mới, chúng em được các bạn chơi cùng thân thiết. Em biết ơn các cô giáo rất nhiều vì đã hỗ trợ chúng em, để chúng em tự tin, mạnh dạn hơn".

Nói về người đồng nghiệp của mình, thầy Đặng Thanh Tùng (Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hương Liên, huyện Hương Khê) chia sẻ: Là một giáo viên có bề dày kinh nghiệm, năng nổ, nhiệt tình, cô Thưu đã cùng với các giáo viên khác dìu dắt học sinh các lớp ghép tiến bộ rõ rệt. Không chỉ giỏi chuyên môn, cô Thưu còn là một người đồng nghiệp có lối sống chan hòa, gần gũi. Cô là tấm gương cho những giáo viên trẻ noi theo, học tập.

Hoàng Ngà
.
.
.