Đại đội nữ pháo binh Ngư Thuỷ - Ngày ấy, bây giờ

Thứ Bảy, 30/04/2022, 12:52

Những ngày đầu tháng 4, nắng vàng phủ lấp lánh đồi cát trắng Quảng Bình, khi người dân nơi đây đang chuẩn bị cho ngày kỷ niệm thống nhất non sông (30/4/1975-30/4/2022), chúng tôi tìm về Ngư Thuỷ gặp những cựu binh Đại đội nữ pháo binh Ngư Thuỷ.

Nhiều sách, báo và phim ảnh đã nói về những nữ pháo binh Ngư Thuỷ, nhưng có lẽ không câu từ hay thước phim nào có thể nói hết những chiến công cũng như những góc khuất số phận của họ. Trong buổi chiều cuối xuân đầu hạ, chúng tôi như được đắm chìm trong câu chuyện xưa, chuyện nay của những nữ pháo thủ anh hùng. 

Những nữ anh hùng trên mâm pháo

Gần 50 năm ngày đất nước thống nhất, các nữ pháo thủ Ngư Thủy năm xưa giờ đã bước sang tuổi 70, 80. Những ký ức hào hùng, những kỷ niệm chiến trận, những suy tư, trăn trở của các chị kể với chúng tôi trong buổi chiều bên cát và sóng biển.

Trong những năm kháng chiến chống Mỹ, Quảng Bình được xem là hậu phương trực tiếp của chiến trường miền Nam, và Ngư Thuỷ cùng với Vĩnh Linh, Quảng Trị được xem là tuyến lửa đối đầu trực tiếp với kẻ thù. Bước sang năm 1967, Mỹ leo thang phá hoại miền Bắc, và Quảng Bình trở thành tọa độ lửa của tàu chiến, máy bay Mỹ dội bom, bắn phá. Tại yết hầu xã Ngư Thủy, Quảng Bình, địch đánh phá suốt ngày đêm. Trung bình mỗi người dân Ngư Thủy phải gánh chịu trên 130 quả bom, đạn các loại.

Thà hy sinh tất cả để cứu nước cứu làng, hầu hết người dân Ngư Thủy viết đơn tình nguyện xin được đánh giặc. Đại đội nữ pháo binh Ngư Thuỷ được thành lập để góp sức đánh bật sức mạnh của kẻ thù. “Đêm trận địa tiếng pháo gầm bãi biển/ Đuổi giặc thù nghe rõ tiếng chân em”.

Đại đội nữ pháo binh Ngư Thuỷ được thành lập vào ngày 20/11/1967, lúc mới thành lập, Đại đội gồm 37 chị em tuổi đời mới mười tám, đôi mươi, được biên chế thành ba trung đội, một trung đội chỉ huy và hai trung đội trận địa, Đại đội nữ pháo binh được trang bị 4 khẩu pháo 85 ly, 4 xe kéo pháo và một số phương tiện máy móc, súng ống phục vụ chiến đấu. Trong suốt 10 năm chiến đấu (21/11/1967 đến 16/12/1976) đơn vị đã nhiều lần bổ sung vì thế quân số của toàn đại đội lên tới 91 người.

Đại đội nữ pháo binh Ngư Thuỷ - Ngày ấy, bây giờ_SỐ ĐB_30/4_T14 -0
Chị Trần Thị Huân-nguyên Đại đội trưởng pháo binh Ngư Thuỷ kể chuyện với tác giả.

Chị Trần Thị Huân, Nguyên Đại đội trưởng nhớ lại: "Chị em chủ yếu tuổi từ 16 đến 22, được trang bị 4 khẩu pháo 85 ly, mấy khẩu súng trường, súng tiểu liên. Được cầm súng đánh giặc chị em hăng hái lắm. Sau hai tháng huấn luyện, đại đội đã bắn cháy tàu khu trục Mỹ mang số hiệu 013 vào ngày 7/2/1968". Chiến đấu ngoan cường, nhiều chị được kết nạp Đảng ngay trên mâm pháo. Nhiều nữ pháo thủ bị thương vẫn cương quyết bám trận địa, sát cánh cùng đồng đội như chị Trần Thị Gắng, Nguyễn Thị Bé, Ngô Thị Mãi…

Hồi mới thành lập Đại đội pháo binh Ngư Thủy, o Thắt là em áp út của đại đội vì mới 16 tuổi, nhưng hăng hái lắm. Nó là pháo thủ số 3, lo việc tiếp đạn. Người nó gầy, nhỏ, nên hồi đó trong bài vè về đại đội, có câu như ri: Thắt 16 tuổi, viên đạn nặng 16 cân, dù đạn cao ngang người, Thắt càng thêm vững chí".

Trong quá trình hoạt động Đại đội nữ pháo binh Ngư Thủy đã đánh 8 trận và 5 lần bắn cháy và bắn chìm tàu chiến Mỹ bằng pháo mặt đất 85 ly để bảo vệ vùng biển ở Quảng Bình. Ngày 25/8/1970, Đại đội nữ pháo binh Ngư Thủy đã được Đảng, Nhà nước tuyên dương đơn vị Anh hùng lực lượng vũ tranh nhân dân.

Trở về cuộc sống trên vùng đất cát

Chủ tịch UBND xã Ngư Thuỷ, anh Nguyễn Hữu Hiến tự hào khi nói về vùng quê mình; Ngư Thủy có lẽ là xã duy nhất ở nước ta khi sở hữu đến 4 danh hiệu Anh hùng: Xã Anh hùng, Đại đội nữ pháo binh Anh hùng, Đồn Biên phòng 200 Anh hùng, Trung đội du kích Tây Thôn Anh hùng. Từ một vùng đất cắt trắng, cuộc sống người dân gặp rất nhiều khó khăn, nay Ngư Thuỷ trở mình, trở thành vùng quê khấm khá.

Chị Trần Thị Huân giờ bán một sạp bách hoá bánh kẹo nhỏ ở cổng chợ Ngư Thuỷ. Khi biết tôi tìm gặp để nghe về những câu chuyện xưa, chuyện nay của những nữ pháo binh Ngư Thuỷ, chị Huân rất xúc động. Trong câu chuyện của chị nhiều lần dừng lại để ngăn dòng cảm xúc trực trào khi nói về đồng đội. Chị Huân nhìn xa xăm.

Hết chiến tranh, Đại đội nữ pháo binh Ngư Thủy về với cuộc sống đời thường. Gánh nặng cơm áo, chắt chiu tảo tần trên cát nên chị em có phần lãng quên chiến công của mình. Cả tuổi thanh xuân rừng rực khí thế đánh giặc cứu nước, nên nhiều nữ pháo binh Ngư Thủy không kịp, hoặc không nhớ chuyện xây dựng gia đình như chị Nguyễn Thị Huệ, Trần Thị Tất, Nguyễn Thị Đa…

Có nhiều chị phải một mình bươn chải với cuộc sống để nuôi con trưởng thành như chị Trần Thị Hường, Trần Thị Ngột, Trần Thị Đính. Trong số các nữ pháo binh giờ có chị Trần Thị Thảo, nguyên Chính trị viên Đại đội và chị Nguyễn Thị Toan là cuộc sống đỡ hơn cả, con cái các chị đã trưởng thành.

Đại đội nữ pháo binh Ngư Thuỷ - Ngày ấy, bây giờ_SỐ ĐB_30/4_T14 -0
Các nữ pháo binh Ngư Thuỷ (ảnh tư liệu).

Nói về hoàn cảnh của mình, chị Huân tự hào có 5 đứa con đều ở gần nhà, các con có gia đình ổn định, sớm tối thăm hỏi chăm nom chị. Chị Huân rơi nước mắt khi nói về đồng đội như chị Thà bị đột quỵ, giờ đau nằm một chỗ. Đặc biệt là chị Ngô Thị Thúy Phường, nữ pháo binh Ngư Thủy ngày nào sau đó là Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Ngư Thủy nhiều năm liền nhưng không may gặp nạn bị điện giật chết.

Chị Phường là nữ pháo binh trẻ nhất của đơn vị, khi tham gia chị mới có 15 tuổi nhưng gan dạ, nhanh nhẹn ít ai bằng. Năm 1996, khi quay bộ phim về pháo binh Ngư Thủy, con gái của chị Phường lúc đó mới được 7 tháng tuổi đã được đạo diễn Lê Mạnh Thích chọn đóng nhân vật cháu bé khát sữa mẹ ở trong phim.

Khi đạo diễn hỏi cháu tên gì? Chị Phường đáp: "Tui đặt cháu tên Ép". "Vì sao lại Ép?". "Vì họ không cho vay tiền vì không có người thừa kế", chị trả lời vậy. Đạo diễn Lê Mạnh Thích đã đặt tên đi học cho Ép là Tôn Nữ Quỳnh Anh, giờ đây cháu Quỳnh Anh đã trưởng thành, còn chị Phường đã đi xa.

Nhiều nữ pháo binh Ngư Thuỷ và chị em phụ nữ ở xã Ngư Thuỷ vẫn nhắc về chị Phường như người cứu cánh cho chị em thoát nghèo. Chị Phường vay vốn thu mua hải sản cho chị em với giá cao để sấy rồi bán cho tiểu thương đưa qua Hàn Quốc, Nhật Bản… Đêm đêm cả Ngư Thủy đỏ lửa bếp hong, sấy mực để chị Phường kịp chuyển cho tư thương. Trong cuộc tiếp xúc của lãnh đạo huyện Lệ Thủy với người dân Ngư Thủy, cán bộ nông nghiệp khuyên bà con nên chăm bẵm cây sắn đang trồng.

Chị Phường đã mạnh dạn cắt ngang, đề nghị bà con không nên trồng sắn mà chuyển qua trồng lạc. Năm đó cả Ngư Thủy chuyển qua trồng lạc, trời nắng như lửa, cát bỏng chân. Nhiều người trong xã gặp chị Phường là đe: "Nếu mất mùa lạc, dân Ngư Thủy chết đói hết, o Phường phải chịu trách nhiệm". Ai ngờ năm đó Ngư Thủy trúng to mùa lạc, từ đó đến nay người dân chuyển qua trồng lạc.

Hiện tại, các nữ pháo binh Ngư Thuỷ đều đã bước qua tuổi 70 gần 80 nhưng các chị vẫn đang hàng ngày tham gia sản xuất, trồng rau, chăn nuôi, nuôi dạy con cháu trưởng thành. 

Dương Sông Lam
.
.
.