Chuyện chưa kể về các cơ trưởng đưa người Việt từ Ukraine hồi hương

Chủ Nhật, 01/05/2022, 09:15

Xung đột giữa Nga và Ukraine vẫn diễn biến phức tạp. Thế nhưng đến nay, nhiều người Việt từng ở Ukraine đã và đang có được những tháng ngày bình yên ở quê nhà nhờ những chuyến bay nhân văn, đưa người Việt hồi hương. Tính đến cuối tháng 3, các cơ quan đại diện Việt Nam đã đón hơn 4.600 người sơ tán từ Ukraine sang các nước lân cận, trong đó hơn 1.200 người đã về nước an toàn.

Đây là sự nỗ lực không ngừng nghỉ của Chính phủ và các hãng hàng không. Trong đó, không thể không kể đến vai trò của các cơ trưởng, người điều khiển những chuyến bay đặc biệt.

3 ngày thần tốc cho chuyến bay nghĩa tình

Kết thúc chuyến bay hành trình kéo dài hơn 12 giờ đồng hồ từ Romania về Việt Nam, với chặng bay gần 10.000km, Cơ trưởng Hồ Minh Tâm, chỉ huy trưởng chuyến bay đầu tiên VN88 đưa hơn 200 người Việt từng sống ở Ukraine hồi hương mới thật sự an lòng. Anh cũng là Giám đốc Trung tâm điều hành khai thác Vietnam Airlines. Anh gọi đây là chuyến đi “đặc biệt có một không hai”.

Chuyện chưa kể về các cơ trưởng đưa người Việt từ Ukraine hồi hương -0
Cơ trưởng Hồ Minh Tâm.
Cơ trưởng Tâm nhớ lại: “Chúng tôi chỉ có 3 ngày để chuẩn bị. Phương án tính toán chi tiết được xây dựng vào chiều thứ sáu, cũng là ngày làm việc cuối cùng ở châu Âu. Tất cả phải căng sức trong hai ngày cuối tuần”. Theo Cơ trưởng Tâm, vấn đề khó khăn nhất lúc bấy giờ là việc xin phép cũng như việc chuẩn bị bay thế nào? Bởi địa điểm đón đồng bào bị ảnh hưởng do tình hình bất ổn tại Ukraine là Bucharest tại Romania. Đây là sân bay mà Vietnam Airlines không thường xuyên khai thác và cũng không có đại diện thường trú. Để đảm bảo liên lạc thông suốt, Vietnam Airlines đã ngay lập tức cử đại diện hãng tại một số nước châu Âu di chuyển sang Romania. Bên cạnh đó, một lộ trình bay đặc biệt và hoàn toàn mới cũng  được xây dựng chỉ trong 24 tiếng đồng hồ.
“Hành trình lần này sẽ phải qua một số nước lần đầu tiên chúng tôi bay. May mắn là Bộ Ngoại giao, Cục Lãnh sự, Cục Hàng không, Bộ Giao thông Vận tải và Bộ Y tế đã đưa ra những phương án trợ giúp rất kịp thời”, Cơ trưởng Tâm chia sẻ. Cụ thể, Bộ Ngoại giao đã phối hợp chặt chẽ với Vietnam Airlines để xin cấp phép bay các nước theo kênh ngoại giao. Bộ Y tế cũng đã có công văn đáp ứng các yêu cầu về phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe hành khách trên chuyến bay. Chiếm đại đa số hành khách trên hai chuyến bay đặc biệt này là trẻ em, người già, phụ nữ mang thai, người có bệnh nền và hoàn cảnh khó khăn... Thế nên, để thực hiện các chuyến bay này, Vietnam Airlines đã sắp xếp tổ bay gồm 25 thành viên, trong đó có 5 phi công với 3 cơ trưởng và 2 cơ phó, 12 tiếp viên, 2 kỹ thuật, 4 nhân viên phục vụ mặt đất… để đảm bảo mọi hoạt động diễn ra nhanh chóng, hiệu quả đồng bộ và an toàn tuyệt đối.

Cũng giống như Cơ trưởng Hồ Minh Tâm, Cơ trưởng Nguyễn Thế Phong vẫn xúc động khi anh nhớ lại hình ảnh những ánh mắt khát khao trở về quê nhà của đồng bào. Theo anh Phong, dù tham gia khá nhiều chuyến hỗ trợ công dân từ khắp nơi trên thế giới về nước trong giai đoạn dịch COVID-19 hay chuyến bay đến Lybia qua không phận 15 quốc gia đưa hàng nghìn người lao động về Việt Nam, nhưng nhiệm vụ đưa công dân từ Ukraine về nước lần này là kỷ niệm không thể nào quên đối với anh. Anh cho biết, ngay khi nhận được thông tin về kế hoạch triển khai các chuyến bay sơ tán công dân Việt Nam tại Ukraine, nhiều thành viên trong đoàn bay của Vietnam Airlines từ phi công đến tiếp viên đã tình nguyện xung phong thực hiện nhiệm vụ.

Chuyện chưa kể về các cơ trưởng đưa người Việt từ Ukraine hồi hương -0
Chuyến bay sơ tán người Việt Nam tại Ukraine về nước vào ngày 10/3.

“Chúng tôi nhận thức rất rõ ràng đây không chỉ là nhiệm vụ cao cả được Chính phủ giao phó mà còn là niềm mong mỏi lớn của đông đảo đồng bào Việt Nam và gia đình. Chúng tôi đã thực hiện chuyến bay với niềm tự hào và cảm xúc như đang đi đón người thân từ vùng chiến sự trở về”, Cơ trưởng Nguyễn Thế Phong nói và chia sẻ thêm: “Rất khác các chuyến bay giải cứu công dân từ vùng dịch 2 năm qua, chuyến bay lần này, khách của chúng tôi là người Việt vừa thoát khỏi vùng chiến sự. Họ căng thẳng và buồn bã. Họ là những người thiệt thòi nhất. Khi chiến sự nổ ra, nhà cửa, tài sản bao năm tích cóp, đều bỏ lại để chạy nạn. Họ phải vượt chặng đường rất xa, kéo dài nhiều ngày để có thể rời các vùng chiến sự ở Ukraine tới được Rumania và lên được chuyến bay về nước.

“Tinh thần người lính, có lệnh là chúng tôi lên đường!”

Sự bất thường của bầu trời khi có chiến sự với những nguy cơ không thể dự báo là điều mà bất cứ phi công nào cũng có thể nhìn ra. Thế nhưng, với gần chục chuyến bay giải cứu, các hãng hàng không chưa từng nhận được một lời “từ chối bay” nào của các phi công và thành viên của đoàn bay.

Chuyện chưa kể về các cơ trưởng đưa người Việt từ Ukraine hồi hương -0
Cơ trưởng Đào Văn Quang.

Là người học lái máy bay từ năm 1979, đến nay đã có hơn 40 năm trong nghề, Cơ trưởng Đào Văn Quang chia sẻ: “Tôi từng là phi công quân sự lái máy bay AN-26 thuộc trung đoàn 9-18 Phòng không không quân. Đến năm 1993, tôi chuyển sang Vietnam Airlines. Sau đó tôi đi học các lớp đào tạo và trở thành phi công thương mại của hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines. Trong người sẵn có tinh thần của người lính, khi nghe tin về chiến sự giữa Nga và Ukraine, tôi cũng như nhiều người rất lo lắng cho đồng bào mình. Chính vì vậy, khi biết tin tổ chức phân công bay chuyến bay đặc biệt đón người Việt Nam từ chiến sự Ukraine hồi hương về nước, tôi không một chút chần chừ mà nhận lời ngay và cảm thấy rất vinh dự”. 

Theo Cơ trưởng  Đào Văn Quang, khó khăn tại thời điểm chuyến bay hồi hương được thực hiện là điều kiện thời tiết, đường bay mới phải bay qua nhiều nước, tránh vùng trời đang xảy ra chiến sự. Là cơ trưởng khi thực hiện một chuyến bay mới, anh đã nghiêm túc chuẩn bị kỹ  lưỡng và hiệp đồng cùng tổ lái, tiếp viên, kỹ thuật, an ninh và các bộ phận khác thật kỹ càng, làm sao cho chuyến bay được an toàn nhất và hiệu quả nhất. Với đường bay mới này, những hiểm nguy mà phi hành đoàn có thể bị đối mặt là sự bất thường của bầu trời, có thể có tên rơi, đạn lạc. “Thế nhưng, không có khó khăn nào có thể gây khó cho chúng tôi. Bản thân tôi cũng như toàn thể phi hành đoàn rất tự hào và rất hạnh phúc khi thực hiện chuyến bay đưa những người con của đất Việt từ nơi hiểm nguy về với Việt Nam hoà bình và hạnh phúc”, Cơ trưởng Đào Văn Quang cho hay.

Khi biết mình có tên trong danh sách tổ bay thực hiện chuyến bay tới thủ đô Bucharest, Romania,

Chuyện chưa kể về các cơ trưởng đưa người Việt từ Ukraine hồi hương -0
Cơ trưởng Đỗ Trung Hiếu.

Cơ trưởng Đỗ Trung Hiếu cũng không suy nghĩ gì nhiều mà nhận lời ngay lập tức. Anh nói, đó là một chuyến bay đặc biệt mà anh vinh dự được tham gia. Cơ trưởng từng thực hiện trên 3.000 chuyến bay an toàn cho biết thêm: “Khi biết trước được kế hoạch bay, tôi không khỏi lo lắng vì đường bay này là lần đầu tiên tôi thực hiện. Với lộ trình mới này, chúng tôi sẽ phải bay qua không phận Afghanistan, vốn đã rất phức tạp về mặt an ninh, và vùng núi cao Karakoram nằm bao trùm biên giới Pakistan và Tân Cương (Trung Quốc), đây là đỉnh núi cao nhất lên tới 8.611 mét. Tôi đã dành cả  buổi để nghiên cứu kĩ lưỡng đặc thù, phương thức liên lạc của từng không phận, cũng như phương án dự phòng trong trường hợp máy bay gặp trục trặc trên đường bay”. Dẫu chuẩn bị kĩ đến vậy, nhưng khi tới Bucharest, cả đoàn bay vẫn gặp đôi chút khó khăn khi liên lạc với kiểm soát viên không lưu mặc dù cả hai bên đều nói tiếng Anh. Nguyên nhân là bởi vì tiếng Anh không phải là ngôn ngữ mẹ đẻ của cả hai bên, cũng như ngữ điệu của họ cũng rất khác so với người Việt chúng ta. Thế rồi, với kinh nghiệm của tổ bay, cuối cùng chúng tôi vẫn thực hiện chuyến bay an toàn”.

Nhắc đến cảm giác đầu tiên khi máy bay hạ cánh xuống sân bay nước bạn và khi đón những vị khách Việt đầu tiên bước lên máy bay, Cơ trưởng Đỗ Trung Hiếu bày tỏ, đó là một cảm giác khó tả: “Hồi hộp khi tôi lần đầu tiên đặt chân đến đây, là khi tôi biết mình sắp sửa đưa đồng bào mình vì chiến tranh loạn lạc đã sẵn sàng bỏ lại tất cả để trở về lại quê hương. Chính vì vậy, khi kết thúc chặng bay đầu tiên, mọi người trong phi hành đoàn quên cả mệt mỏi, cố gắng thực hiện công việc chuẩn bị trước chuyến bay nhanh nhất có thể, để họ, những vị khách đặc biệt, không phải chờ lâu thêm nữa”.

Phạm Huyền
.
.
.