Tấm lòng nhân ái của một bác sĩ ở Trường Sơn

Chủ Nhật, 16/02/2020, 09:16
Đồng bào các dân tộc thiểu số Pa Cô, Vân Kiều ở A Vao (huyện Đakrông, Quảng Trị) đều xem bác sĩ Trịnh Đức Thiện, Trưởng Trạm Y tế A Vao, là người thân của gia đình mình.


Hơn 20 năm qua, ông Thiện đã tận tình khám chữa bệnh, quan tâm, chia sẻ những khó khăn của bà con nơi này; đặc biệt chăm nuôi bao đứa trẻ mồ côi, cơ nhỡ, giúp đỡ các em được đến trường học hành...

Trạm Y tế A Vao nằm giữa đại ngàn Trường Sơn. Tôi đến trạm lúc mặt trời đã xế bóng. Vừa gặp bác sĩ Thiện vừa đi khám chữa bệnh ở bản Pa Linh giáp biên giới Lào về. A Vao có 9 thôn bản, với khoảng 2.500 nhân khẩu.

Hơn 20 năm qua, tháng nào ông cũng dành thời gian đi đến những thôn bản xa nhất, như Kỳ Nơi, Pa Linh, Ro Ró 1 và 2 để hỏi thăm khám sức khỏe và chữa bệnh cho người dân. Rót bát nước lá vối nóng hổi mời khách, ông Thiện bộc bạch: “Khi tôi lên đây, muốn đến các thôn bản này phải băng rừng, lội suối, trèo đèo vượt dốc mất cả ngày trời. Cách đây 10 năm đường sá được mở nối các thôn bản về trung tâm xã, bà con các thôn, bản giáp biên đi khám, chữa bệnh thuận tiện hơn rất nhiều. Tuy nhiên, đối với người già, trẻ nhỏ đi lại khó khăn thì mỗi tháng tôi vẫn dành thời gian vào để khám, chữa bệnh cho họ”.

Ông Thiện quê ở xã Hồng Thủy, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên- Huế. Năm 1998, tốt nghiệp Trung cấp Y tế Huế, biết A Vao chưa có y, bác sĩ nên ông tình nguyện lên đây công tác. “Khi về A Vao mới biết nơi này heo hút ngoài sự tưởng tượng. Nhiều đêm tôi thao thức, đấu tranh giữa việc nên về hay ở và cuối cùng quyết tâm ở lại, do nhìn cảnh bà con thiếu thốn, mỗi khi ốm đau chỉ biết tin vào thầy mo cúng bái, hậu quả có không ít cái chết vì bệnh tật rất thương tâm”.

Ông Thiện kể tiếp, ngay sau quyết tâm ấy, ông dựng một cái chòi cạnh Trung tâm Y tế xã, vận động bà con ốm đau và thầy mo đến đây cúng bái cho người bệnh.

Hay tin, lãnh đạo chính quyền, ban ngành chức năng địa phương “tá hỏa”, nhưng ông giải thích rất có lý và thực tế rằng, việc khám chữa bệnh bằng Tây y còn rất xa lạ đối với bà con; ốm đau, bệnh tật bà con đều nghĩ do bị Giàng bắt, ma bắt và tin tưởng, nhờ vã cả vào thầy mo cúng bái cho hết bệnh.

Việc đẩy lùi, xóa bỏ một hủ tục ở vùng sâu như A Vao không dễ trong vài tháng, thậm chí vài năm mà đòi hỏi lâu dài, kiên trì và có phương pháp thích hợp.

Ông cho thầy mo cúng bái cho số người bệnh này, còn ông chữa trị cho số người bệnh kia để kết quả làm cho bà con thấy rằng đau ốm, bệnh tật thì phải được khám, chữa bằng phương pháp khoa học, mà không phải mê tín bằng cúng bái gây ra những kết quả xấu. Bằng cách này, hiệu quả thu được khá bất ngờ, chỉ sau nửa năm, ở xã A Vao và các vùng lân cận không còn tồn tại hủ tục đau ốm nhờ thầy mo cúng bái.

Bác sĩ Thiện chăm các cây thuốc nam trồng trong vườn nhà.

“Hủ tục đấy chưa kinh khủng, đau buồn bằng hủ tục người phụ nữ ở đây khi sinh nở phải ra đẻ ở chòi ven các con suối, bìa rừng”, ông chùng giọng kể lại: “Bà con trước đây họ quan niệm rằng phụ nữ sinh nở trong nhà là mang tới điềm xấu, xui xẻo, nên buộc phải ra đẻ ở chòi một mình, hoặc cùng lắm thì có mẹ và vài chị em máu mủ phụ giúp.

Gọi là chòi, song thực ra chỉ vài ba ngọn cây chụm lại, quây tấm bạt, hoặc lá rừng. Rồi trong cái chòi bé tí nằm ở bìa rừng hay ven suối đó, người phụ nữ phải một mình vượt cạn rất nguy hiểm. Tôi đã kiên trì giải thích, vận động bà con mới xóa bỏ được cái hủ tục khủng khiếp đó”. 

Hơn 20 năm sống, làm việc hết mình không chỉ bằng trách nhiệm, mà trên hết là vì sự cảm thông, chia sẻ, tình yêu thương với đồng bào.

Ông còn hằng đêm tự mình tìm tòi, học tập nâng cao kiến thức chuyên môn để phục vụ công tác khám chữa bệnh cho bà con được tốt hơn. Ông đồng thời thi đỗ, học chính quy Đại học Y Huế và hoàn thành chương trình thạc sĩ cách đây 3 năm. Trong 3 năm nay, ông liên tục có đề tài nghiên cứu khoa học về những cách làm mới thiết thực nhằm phục vụ công tác chữa bệnh ở vùng cao.

Còn một việc làm nữa của ông rất đáng trân trọng và ghi nhận. Cách đây 5 năm, ông thấy trên địa bàn có không ít trẻ em mồ côi, cơ nhỡ, hoặc gia đình có điều kiện kinh tế rất khó khăn, nên các cháu không được đi học.

Ông đã bàn với vợ đưa những đứa trẻ này về nhà mình nuôi dưỡng. Vốn có tính hiền lành và tốt bụng, vợ ông, bà Hoàng Thị Thương gật đầu, đồng ý. Thế là ngôi nhà nhỏ của vợ chồng ông đã “bất đắc dĩ” trở thành một “cô nhi viện” ở A Vao.

Trong nhà lúc nào cũng có vài chục em ăn, ở để theo học. Có em hiện đã tốt nghiệp THCS, phải ra trung tâm cụm xã Tà Rụt cách A Vao gần 10km mới có trường THPT có nội trú ở gần đó, song các cháu không muốn rời ngôi nhà của vợ chồng ông bà.

Nói về bác sĩ Thiện, Trung tá Nguyễn Thanh Hồng, Trưởng Đồn Công an Tà Rụt cười bảo: “Chuyện tốt của bác sĩ Thiện ai cũng biết, nhưng tìm câu từ chính xác để nói về việc làm, lòng tốt của ông ấy quả là rất khó. Tôi chỉ có thể nói với anh thế này, ông ấy có một cái tâm lúc nào cũng tinh khiết như chính chiếc áo blouse trắng ông ấy mặc để khám chữa bệnh cho người dân ở đây!”.

Thanh Bình
.
.
.