Sưu tầm đồ gốm Việt cổ: Mạo hiểm và may rủi

Thứ Ba, 01/06/2010, 08:46
"Với những người sưu tập và ham mê đồ gốm cổ thì bản thân mỗi hiện vật đã là một câu chuyện thú vị về văn hóa, mỹ thuật, lịch sử. Chỉ có điều câu chuyện ấy không được viết bằng chữ hay kể bằng miệng mà kể bằng ngôn ngữ rất riêng của gốm: kỹ thuật sản xuất, họa tiết hoa văn, nước men…" - nhà sưu tập đồ cổ đến từ thành phố biển Vũng Tàu, Nguyễn Ngô Như Thụy cho biết.

Tuy nhiên, cùng với những giá trị về văn hóa, mỹ thuật, lịch sử, đồ gốm cổ đã, đang trở thành món hàng được nhiều đại gia săn lùng, trưng bày trong nhà như một đồ trang sức khẳng định đẳng cấp. Thế nhưng, không phải ai cũng đủ trình độ để thẩm định món đồ mình bỏ tiền mua, chưa kể việc thẩm định cũng còn 9 người 10 ý càng khiến thị trường nhộn nhạo, nhiều người bỏ cả đống tiền có khi chỉ "ôm" về một sản phẩm giả cổ chỉ giá trị vài chục đến vài trăm ngàn đồng…

"Hôm nay có mấy địa chỉ ở TP HCM cần ghé thăm!". Câu thông báo ngắn gọn cũng gần như khẩu lệnh bắt đầu một đoạn hành trình "săn hàng" của Thành Hải Dương, một gương mặt không còn lạ với khá nhiều người chơi, nghiên cứu đồ cổ, đặc biệt là gốm cổ ở TP HCM.

Đến Lê Công Kiều, con phố nổi tiếng về buôn bán đồ cổ nhưng không mất thời gian qua nhiều cửa hàng tìm kiếm, chọn lựa, Thành cứ một mạch tiến thẳng đến một cửa hàng cũ kỹ với đủ thứ từ vòng trang sức cho đến mảnh đá đầy vết sứt mẻ, chỉ rặt một vẻ cũ kỹ. Bỏ qua tất cả, Thành xưng danh rồi lọt thỏm vào phía bên trong, chưa đầy 10 phút sau đã ôm một túi nilon đen với chiếc đĩa cũ. "Gã" cười toe: 750 USD, bị sứt mất một mẩu, không thì còn lâu mới có cái giá này!

Lòng vòng thêm rất nhiều con đường mới đến được địa chỉ thứ hai. Ngôi nhà khá bề thế nằm kín đáo trong ngõ nhỏ được Thành giới thiệu là nhà của người đàn ông tên Tùng, có thâm niên trong lĩnh vực đồ cổ. Khách vừa bước chân vào cửa, ông Tùng đã chỉ ngay vào chiếc bình trên chiếc kệ nhỏ góc nhà.

Hình như đã quen với kiểu tiếp khách này nên chỉ mất vài phút, khách "phán" như đinh đóng cột: Thời Lý, ngàn tám (1.800 USD). Sau nụ cười và tiếng khen "được đấy" của chủ nhà, trà mời khách mới được đưa lên. Gần như suốt toàn bộ câu chuyện, nội dung trao đổi giữa chủ và khách không có gì khác ngoài gốm cổ. Đồ đạc thì la liệt khắp phòng với đủ thứ từ tranh cũ, tượng ngọc còn mới tinh, đồ gốm cho đến lá thư viết tay đã ngả màu thời gian.

Ông Tùng cho biết, "bà nhà" có cửa tiệm bên ngoài nên mới có mấy cái món đồ mới. Những bút tích, đồ dùng cũ của tướng lĩnh được xếp ngăn nắp trong tủ kính mà chúng tôi quan sát, ông chỉ sưu tập vì thích nhưng… biết đâu!

Thực tế, những màn "thử gân" giữa kẻ bán người mua mà chúng tôi chứng kiến ở trên không phải hiếm hoi bởi chỉ với một phép thử cụ thể thế thôi, người trong nghề sẽ hiểu "đối tượng" tìm đến thuộc hạng người nào. Đó là chưa kể, cái giá của một món đồ có khi cũng vô cùng vì ngoài niên đại, kiểu dáng, họa tiết hoa văn thì độ "quý hiếm" còn dựa vào cả số lượng mà mức thừa nhận, lưu truyền của cộng đồng chơi đồ cổ và ý thích của người sưu tầm.

Nhà sưu tập Nguyễn Ngô Như Thụy chia sẻ rằng, một món đồ có thể có giá tối thiểu nhưng không bao giờ có giá tối đa, nhất là khi người mua chỉ thiếu món đó mà người sở hữu thì nhất định không bán. Thế nên, những thương vụ xuất phát điểm vài trăm USD được đẩy lên vài ngàn, vài chục ngàn, vài trăm ngàn USD không phải là chuyện hiếm.

Một điểm rất khác nữa là những người đã "trót dính" đến đồ cổ này, hầu hết đều mê sưu tầm nên dù có buôn bán kiếm lời thì phần lớn tiền kiếm được cũng lại tái đầu tư cho chính nó. Nếu lỡ mạo hiểm lớn mà "hố hàng" thì không chỉ trắng tay cả về vật chất lẫn uy tín. Ngay người lắm tiền nhiều của, muốn mượn chúng làm "trang sức", có lỡ mua phải đồ giả cũng không bao giờ muốn vạch áo cho người xem lưng, thường chỉ "ngậm bồ hòn làm ngọt"

Phó Giám đốc Bảo tàng TP HCM, ông Hoàng Anh Tuấn, người từng nhiều năm gắn bó với công tác sưu tầm hiện vật cho bảo tàng cho biết: Với những người đam mê và am hiểu về gốm cổ thì mỗi hiện vật có tiếng nói riêng, chứa đựng những câu chuyện thú vị riêng về đời sống văn hóa tinh thần, tiêu chí thẩm mỹ cho đến những đổi thay của xã hội, của dân tộc, con người của từng thời kỳ lịch sử trong quá khứ…

 

Nhưng hiện nay, một số nơi đã sản xuất được những sản phẩm đồ gốm rất giống đồ gốm cổ, dù rằng, chất lượng chưa thể cao bằng. Nếu không tinh ý sẽ rất dễ bị nhầm…

PV
.
.
.