Sức sống Trường Sa

Thứ Bảy, 23/05/2015, 15:34
Chuyến tàu HQ 571 của Bộ Tư lệnh Hải quân vùng 4 xuất phát từ quân cảng Cam Ranh rẽ sóng đưa chúng tôi đến với Trường Sa, vùng biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Bài 1: Nhộn nhịp nơi đảo xa

Cảm nhận của người lần đầu tiên được ra thăm đảo như chúng tôi, Trường Sa thật gần gũi. Cái gần gũi ấy thể hiện trong từng chi tiết nhỏ trong cuộc sống thường nhật của quân và dân nơi đây. Vẫn những nếp nhà mái ngói đỏ tươi nằm nép mình dưới những bóng dừa của người dân miền biển, những đứa trẻ nô đùa dưới những hàng cây rợp bóng giữa giờ lên lớp, dưới những mái hiên những người vợ ngồi đan lại tấm lưới chuẩn bị cho chồng ngày mai ra khơi… Ở nơi đầu sóng ngọn gió, thời tiết khắc nghiệt nhưng cuộc sống của quân và dân trên các đảo vẫn vươn lên hàng ngày, hòa vào nhịp phát triển chung của cả nước.

Tháng 5 là thời điểm sóng yên, biển lặng, cũng là khoảng thời gian thuận lợi nhất cho người dân trên các đảo ở Trường Sa ra khơi đánh cá. 5 rưỡi sáng, là lúc khu dân cư trên xã đảo Song Tử Tây nhộn nhịp nhất trong ngày, bởi đây là lúc các cặp vợ chồng chuẩn bị lưới và ngư cụ cho hoạt động sản xuất, đánh bắt cá hàng ngày. Cư dân trên các đảo đánh bắt khác với ngư dân trong đất liền ra khu vực này khai thác.

6h sáng ra thả lưới, đến khoảng 8h. Tầm 3h chiều bà con mới ra thu lưới là đã có mẻ cá đầy. Do đó, các gia đình có cả ngày để sinh hoạt cùng nhau. Cũng giống như ở đất liền, các căn nhà ở đây cũng được thiết kế khang trang có khoảng sân phía trước, phía sau nhà là một phần đất nhỏ để các hộ gia đình trồng rau, chăn nuôi.

Tiếp chúng tôi trong căn nhà có đầy đủ các vật dụng sinh hoạt chạy bằng điện như: tivi, tủ lạnh… vợ chồng anh Nguyễn Thành Chung vui vẻ chia sẻ về cuộc sống mới giữa trùng khơi này. Trước khi ra sinh sống ở đảo Song Tử Tây, anh Chung cùng vợ là chị Trương Thị Thanh Xuân sống ở TP Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa. Những ngày đầu ra đảo chưa quen nơi ở mới nên nếp sinh hoạt có phần lạ lẫm nhưng chỉ ít lâu sau cuộc sống cũng chẳng khác gì trong đất liền.

“Nói là ở đảo xa nhưng ở đây chúng tôi cũng đầy đủ như trong bờ. Cũng có tivi, tủ lạnh, quạt mát chạy bằng điện năng lượng mặt trời và điện gió. Hàng ngày vợ chồng vẫn chăn nuôi, sản xuất như trong đất liền. Cứ trời yên biển lặng thì lại đi đánh cá gần bờ. Được nhiều, được ít thì một phần để nhà dùng, còn lại đem biếu bộ đội trên đảo”, anh Chung chia sẻ.

Những đứa trẻ nô đùa sau giờ lên lớp tại xã đảo Song Tử Tây.

Người đàn ông mới ngoài 40 tuổi nhưng nước da đen sạm vì nắng gió Trường Sa. Thế nhưng trong anh luôn toát lên vẻ thân thiện, gần gũi, đặc biệt nụ cười luôn thường trực trên môi. Theo vợ chồng anh ra Song Tử Tây còn có cô con gái Nguyễn Trương Quỳnh Thư năm nay được 6 tuổi.

Chỉ tay ra phía xa xa một khu nhà 2 tầng khang trang là ngôi trường của xã đảo Song Tử Tây, anh Chung phấn khởi: “Con gái năm nay lên lớp 1, đang học trên lớp. Ra đây con cái cũng vẫn được ăn học đàng hoàng. Cũng như trong đất liền, sáng đưa cháu đến lớp, trưa đón về sinh hoạt với bố mẹ, chiều lại ra lớp học. Trường lớp khang trang, trước khi ra đây chúng tôi không nghĩ là lại được tạo điều kiện nhiều như thế”.

Niềm vui của vợ chồng anh Nguyễn Thành Chung và chị Trương Thị Thanh Xuân còn được nhân lên gấp bội khi chỉ một thời gian ngắn nữa, gia đình nhỏ này sẽ có thêm một thành viên mới, một công dân Trường Sa chính hiệu.

Đối với người dân trên các đảo thuộc quần đảo Trường Sa, nước ngọt là vấn đề khó khăn nhất. Về mùa mưa nước dùng không hết nhưng đến mùa khô có khi nửa năm trời không có mưa thì nước ngọt rất khan hiếm. Tuy nhiên, với một trạm lọc nước biển thành nước ngọt vừa được khánh thành cách đây ít ngày, người dân xã đảo Song Tử Tây đã phần nào giải được “cơn khát giữa biển khơi”.

Vợ chồng anh Nguyễn Thành Chung trong ngôi nhà khang trang với đầy đủ vật dụng sinh hoạt như ở đất liền.

Chỉ tay vào những luống rau muống, rau mồng tơi xanh mướt trong khu vườn tăng gia nhà mình, chị Nguyễn Thị Ngọc Trang cho biết, trước vì nước ngọt khó khăn nên tăng gia rất vất vả, đặc biệt là vào mùa khô, thế nhưng năm nay có trạm lọc nước, mỗi ngày có thêm 18m3 nước ngọt nên nỗi lo nước ngọt trên đảo đã đỡ đi rất nhiều. Chính vì thế mà mặc dù từ Tết đến giờ trên đảo không có lấy một giọt mưa nhưng có thêm nước tưới nên vườn rau nhà ai cũng xanh mướt không những đủ phục vụ gia đình mà còn có thêm cả rau xanh cho bộ đội.

“Giờ sóng điện thoại đã phủ khắp các đảo nên giữa đất liền và ngoài đảo cũng chẳng xa xôi gì. Ở đây được các cấp chính quyền và các lực lượng trên đảo hết sức quan tâm, động viên nên người dân chúng tôi cũng rất yên tâm sinh sống, học tập và lao động”.

Ông Hồ Việt Trần Giang, Chủ tịch MTTQ Việt Nam xã đảo Song Tử Tây: Cán bộ xã ngoài đảo thì cứ có việc là làm, bất kể việc gì, từ tuyên truyền phổ biến pháp luật, giải đáp thắc mắc của người dân, thậm chí tuyên truyền luôn cả công tác dân số kế hoạch hóa gia đình… Nhưng quan trọng nhất là tập trung thực hiện tốt các chính sách của Đảng và Nhà nước cho nhân dân, tạo điều kiện tốt nhất để người dân yên tâm sinh sống, lao động và học tập. Xây dựng khối đoàn kết, gắn bó giữa người dân, chính quyền và các lực lượng trên đảo để giữ vững chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.
Phan Hoạt
.
.
.