Người "mang" Internet vào Việt Nam

Thứ Bảy, 13/01/2007, 08:37

Cách đây 15 năm, trong chuyến du lịch Việt Nam, chuyên gia người Australia Rob Hurle cùng vợ đã khệ nệ "vác" theo 1 chiếc modem "cục gạch". Ít ai ngờ, Rob đã trở thành một trong những người đặt viên gạch đầu tiên cho Internet việt nam với gần 13 triệu người sử dụng hiện nay.

Mỗi lần đến Hà Nội, Rob lại mượn đâu đó chiếc xe đạp cà tàng và rủ tôi cùng một số người bạn Việt Nam (VN) đi uống bia hơi để tâm tình về các vấn đề văn hóa, lịch sử của VN. Rob gây ấn tượng đặc biệt cho bạn bè VN với mái tóc trắng xóa, lòng nhiệt tình với bất kỳ điều gì liên quan đến VN và đặc biệt là sự giản dị, khiêm tốn của mình.

Người “kỳ lạ”

Ông có lẽ cũng là người nước ngoài kỳ lạ nhất mà tôi được gặp. Ông nghiên cứu chuyên sâu về lịch sử văn hóa các nước Đông Nam Á và là giảng viên lâu năm tại Khoa Châu Á, Đại học Quốc gia Australia (ANU).

Chưa hết, ở tuổi 66, Rob vẫn theo đuổi niềm đam mê với lịch sử VN để trở thành Tiến sĩ Triết học. Trong thư gửi cho tôi cuối tháng 12/2006, Rob khoe rằng ông vừa lấy bằng Thạc sĩ Triết học về “Chiến lược tuyên truyền của Việt Minh trong kháng chiến chống Pháp” và đang chuẩn bị học lấy bằng tiến sĩ với cùng đề tài trên.

Quen biết Rob đã lâu, tôi thường gọi Rob là giáo sư, triết gia hoặc sử gia. Tuy nhiên, mãi sau này thông qua một số người bạn ở Liên Hiệp Quốc, tôi mới tình cờ biết rằng Rob là chuyên gia hàng đầu về công nghệ thông tin ở Australia và chính là nhân vật được xem như một trong những người đặt viên gạch đầu tiên cho Internet VN. Rob chưa bao giờ tâm sự về những ngày đầu của Internet VN cho đến khi tôi gặng hỏi.

Rob sinh năm 1940, có vợ, 2 con và đã lên chức ông nội. Vợ Rob, bà Clare cũng là nhà khoa học có mối quan tâm đặc biệt đến VN. Bà từng làm việc tại Bảo tàng Dân tộc học VN, nghiên cứu về nghệ thuật điêu khắc cung đình tại Huế...

Ngoài việc dạy thêm ở ANU, Rob luôn bận rộn vì được nhiều cơ quan Chính phủ Australia mời tới tư vấn về công nghệ thông tin. Rob càng khiến tôi ngạc nhiên hơn với việc ông đang dồn nhiều tâm huyết để giúp một người bạn VN phát triển Công ty IBN Pty hoạt động trong lĩnh vực tư vấn du học và đưa lao động VN sang Australia làm việc...

Modem “cục gạch”...

Cuối những năm 80 của thế kỷ trước, khi mới về nhận công tác tại Khoa Châu Á, ANU, Rob có cảm tình đặc biệt với các du học sinh VN về sự thông minh, chăm chỉ của họ. Tuy nhiên, ông rất buồn bởi khi trở về VN họ không còn cơ hội được sử dụng những chiếc máy tính có dung lượng lớn như tại ANU.

Kinh nghiệm của hơn 20 năm làm chuyên gia máy tính tại Trung tâm Khoa học Tự nhiên quốc gia Australia (CSIRO) giúp Rob nảy ra ý tưởng thú vị là dùng thử modem để giúp các sinh viên VN khi trở về nước vẫn có thể truy nhập vào hệ thống máy tính tại ANU.

Nghĩ là làm. Năm 1991, Rob cùng vợ quyết định đi du lịch VN, nước duy nhất ở Đông Nam Á mà Rob chưa từng đến. Rob cất công tìm kiếm 1 chiếc modem được cho là hiện đại nhất hồi đó, “nhưng vẫn to bằng cục gạch” như lời ông mô tả, để mang sang VN với hy vọng có thể biến ý tưởng của mình thành hiện thực.

Gặp lại các học sinh VN từng du học ở Australia, Rob trình bày ý tưởng của mình và nhận được sự ủng hộ. Tuy nhiên, mỗi khi nhắc lại chuyện cái modem “cục gạch”, Rob lại cười phá lên và bảo rằng đây có lẽ là câu chuyện ngớ ngẩn nhất trong đời của chuyên gia máy tính như ông.

Ngớ ngẩn ở chỗ, hồi đó phí điện thoại gọi từ VN sang Australia quá đắt nên ý tưởng truy nhập vào hệ thống máy tính tại Australia qua đường dây điện thoại của Rob “phá sản”. Cũng từ đó, Rob quyết tâm nghiên cứu chuyên sâu về các lĩnh vực kinh tế, xã hội cũng như văn hóa, lịch sử VN để không bao giờ lặp lại những ý tưởng thiếu thực tế.

Từ thuở ban đầu chuyển e-mail bằng... xe đạp

Không nản trước thất bại, Rob vẫn nung nấu quyết tâm giúp các cựu du học sinh VN có thể kết nối với hệ thống máy tính tại Australia. Cũng năm 1991, máy tính ở ANU bắt đầu được thay thế bằng những chiếc nhỏ hơn, nhưng có cấu hình cao hơn và được cài hệ thống UNIX.

Với mối quan hệ rộng trong ngành thông tin, Rob đã liên lạc với nhiều chuyên gia đầu ngành tại Australia, Mỹ và được giới thiệu với ông Trần Bá Thái ở Viện Công nghệ thông tin tại Hà Nội (IOIT). Sau nhiều lần nói chuyện qua điện thoại, Rob và ông Trần Bá Thái quyết định thực hiện thí nghiệm để kết nối các máy tính ở Australia và VN thông qua đường dây điện thoại.--PageBreak--

Khó khăn lại nảy sinh và Rob lại phải nhiều đêm thức trắng để viết xong phần mềm mới cho hệ thống UNIX để có thể sử dụng modem liên lạc sang VN. Thí nghiệm thành công và năm 1992, IOIT Hà Nội có lẽ là cơ quan đầu tiên tại VN có hộp thư điện tử riêng với “đuôi” ở tận xứ sở kangaroo để trao đổi e-mail với Rob.

Theo Rob, đó cũng có thể là lần đầu tiên người ở VN gửi e-mail ra nước ngoài. Tuy nhiên, để giúp IOIT kết nối Internet, Rob và đồng nghiệp thường xuyên phải gọi điện thoại từ Australia với giá 1 USD/phút, nhưng nếu gọi từ VN phải mất hơn 5 USD.

Thí nghiệm thành công của Rob thu hút sự quan tâm đặc biệt của giới công nghệ thông tin tại Australia. Công ty Viễn thông Telstra (Australia) tài trợ cho Rob cùng một đồng nghiệp Việt kiều ở Đại học Tasmania tới Hà Nội dự hội thảo vào tháng 9/1993 và lần đầu tiên trực tiếp gặp gỡ ông Trần Bá Thái cùng các chuyên gia công nghệ thông tin VN để bàn về kế hoạch phát triển Internet. Các giáo sư Ben Kervliet và David Marr thuộc ANU cũng quan tâm tới việc kết nối qua Internet giữa Đại học Tổng hợp Hà Nội và ANU.

Với uy tín cao, các giáo sư đã xin được tài trợ từ Chính phủ Australia trả cho chi phí điện thoại gọi hàng ngày từ Australia tới VN để kết nối Internet. Phía IOIT cũng đầu tư thêm nhiều thiết bị để phục vụ cho việc kết nối tốt hơn.

Mỗi khi nhắc lại thuở ban đầu của Internet VN Rob đều cười rất to và giải thích rằng, các e-mail từ khắp thế giới gửi tới VN đều phải qua “tổng đài” ở ANU rồi truyền bằng đường dây điện thoại đến Hà Nội. Sau đó, nơi tiếp nhận e-mail tại Hà Nội in ra và cử người mang tới tận tay cho người nhận bằng... xe đạp.

Năm 1994, với tiền tài trợ của Chính phủ Australia, Rob và các đồng nghiệp tại ANU mua tặng Khoa Lịch sử Trường đại học Tổng hợp Hà Nội 1 chiếc máy tính, modem và thực hiện việc kết nối Internet. Sau đó, một số cơ quan khác ở VN cũng được Rob và các chuyên gia ở IOIT giúp kết nối Internet như Thư viện Quốc gia, Trung tâm Nghiên cứu môi trường, Viện Khảo cổ...

Nhu cầu sử dụng Internet ở VN tăng quá nhanh, Rob và các đồng nghiệp ở IOIT bắt đầu hợp tác với Tổng Công ty Bưu chính viễn thông VN (VNPT) để phát triển dịch vụ.

Rob cho biết, tới năm 1995, nhu cầu sử dụng Internet tăng quá lớn và họ cạn tiền tài trợ từ Chính phủ Australia nên bắt đầu thu tiền của người VN sử dụng Internet. Việc thương mại hóa Internet cũng bắt đầu.

Từ đó, khối lượng thông tin truyền tải trên Internet từ VN cứ 5 tháng lại tăng gấp đôi nên Rob và các đồng nghiệp tại ANU với vai trò trung gian nên phải làm việc rất vất vả. Rob liên tục phải thay modem công suất lớn và nhanh hơn, nhưng vẫn không thể đáp ứng được nhu cầu Internet từ VN... Mãi đến năm 1997, Công ty Telstra mới thiết lập một đường truyền dữ liệu trực tiếp dành riêng cho Internet từ VN tới Australia.

… Đến thành công

Trong khoảng thời gian giúp một số cơ quan tại Hà Nội kết nối Internet, Rob cũng là một trong những người đầu tiên nghĩ tới việc đăng ký tên miền .vn cho VN thay cho tên miền .au (Australia).

Rob nói, ông thực sự lo lắng cho vấn đề này bởi ví dụ điển hình về tên miền .ph đã bị một cá nhân đăng ký trước và sau đó Chính phủ Philippines gặp rất nhiều rắc rối mới lấy lại được. Theo lời kể của Rob, sau các cuộc thảo luận, cuối cùng Bộ Khoa học Công nghệ và Môi trường VN hồi đó đã ủy quyền cho Rob và các đồng nghiệp tại Australia đăng ký tên miền .vn. Với lòng nhiệt tình sẵn có, việc đăng ký tên miền .vn đã thực hiện nhanh chóng.

Năm 2005 trở lại VN sau nhiều năm, Rob đã rất ngỡ ngàng khi biết rằng đã có khoảng 8 triệu người VN sử dụng Internet. Cuối năm 2006, khi tôi thông báo con số 13 triệu người sử dụng Internet tại VN, Rob thú thực rằng chính ông cũng không thể ngờ về sự phát triển nhanh chóng này. Rob nói, ông rất vui trong thành công đó có sự đóng góp của mình nhưng phần quan trọng là nhờ vào thiện chí của các quan chức, đồng nghiệp tại VN

Trí Đường
.
.
.