Nhói lòng cảnh rừng nghiến tan hoang

Thứ Ba, 22/05/2018, 07:52
Tình trạng khai thác, vận chuyển trái phép gỗ nghiến ở những cánh rừng của huyện Tủa Chùa (Điện Biên) và một số địa bàn lân cận không phải mới xuất hiện. Song với những gì mà PV Báo CAND ghi nhận được có thể khẳng định rằng, dù các cơ quan chức năng của địa phương đã nhiều lần ra quân xử lý, nhưng máu rừng nghiến vẫn đang chảy và cơ thể rừng nơi đây đang đứng trước nguy cơ cạn kiệt theo thời gian.


Bài 2: Nhói lòng cảnh rừng nghiến tan hoang


Chặt từ cây to đến cây nhỏ

Tủa Chùa với 12 xã, thị trấn là một trong những huyện nghèo của cả nước đang được thụ hưởng các chính sách hỗ trợ giảm nghèo theo Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP của Chính phủ. Nơi đây được biết đến như “thủ phủ” của những cánh rừng nghiến ngàn tuổi. 

Theo nhiều vị cao niên sinh sống ở các bản làng Tủa Chùa, thì nghiến là loại gỗ thuộc nhóm IIA. Cây nghiến sinh trưởng chủ yếu tại các ngọn núi đá xen lẫn đất. Với các loại cây có đường kính 80cm – 100cm, tuổi đời của nó cũng lên đến 200-300 năm.

 Vì quý hiếm, khó trồng nhân tạo, nên thời gian qua lâm tặc đã ra sức tàn khá, khai thác trái phép cây gỗ nghiến bất chấp lệnh cấm, nhất là tại khu vực có nhiều cây gỗ nghiến sinh trưởng thuộc rừng phòng hộ thượng nguồn sông Đà.
Nhiều thân gỗ nghiến vừa bị lâm tặc cắt xẻ, mạt cưa còn mới nguyên. (Chùm ảnh trong bài chụp ngày 17-5-2018).

Tại hiện trường cây gỗ nghiến ngàn tuổi bị đốn hạ ở núi Đúm Cáy – bản Kép, xã Mường Đun (đã nêu ở bài trước), chúng tôi đau lòng chứng kiến nhiều cột gỗ nghiến đã được lâm tặc xẻ thành khối tập kết ở dọc lối mòn dẫn vào trong cánh rừng.

Tại mỏm đá nằm cách điểm cây nghiến ngàn tuổi khoảng 800m là 3 chiếc cột gỗ nghiến hình khối (chiều dài khoảng 2,4m, đường kính là 16cm) mới được cưa xẻ, lâm tặc dựng vào một vách đá. Theo như lời của Ch – người làm “hoa tiêu” dẫn đường cho chúng tôi, vì gỗ nghiến nặng, vị trí khai thác nằm cách bìa rừng nên lâm tặc đã tạm tập kết ở đây và chờ thời điểm thích hợp sẽ tuồn ra cho đầu nậu thu gom. 

Đúng như lời Ch nói, tôi phải cố gắng hết sức mới nâng được cột gỗ nghiến này lên khỏi mặt đất. Từ vị trí trên, chúng tôi phải loay hoay tìm chỗ bấu víu rồi mới lên được hiện trường. Trước mắt tôi lúc này là cảnh gốc cây gỗ nghiến có đường kính 56cm còn vương vãi mùn cưa đỏ au vì mới bị đốn hạ. 

Xung quanh là những thớ gỗ đã bị xẻ thành hình hộp. Nhìn gốc cây nghiến nhỏ này, Ch cho biết, rừng ngày càng thưa nên lâm tặc gần như không buông tha cây nào, từ cây có độ tuổi 20-30 năm hay 200-300 năm, thậm chí cả ngàn năm tuổi đi chăng nữa. 

Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết với đặc tính là loại cây gỗ rắn, cưa bằng tay rất khó nên lâm tặc chỉ dùng cưa máy để chặt cây gỗ nghiến. Số lâm tặc tham gia thường từ 2-3 người trở lên. Có lẽ vì thế mà trong lúc khảo sát tại khu vực rừng nghiến thuộc địa bàn bản Kép – xã Mường Đun chiều 17-5, vừa thấy chúng tôi, một tốp 3 thanh niên mang theo ba lô đang định tiến sâu vào rừng nghiến liền lảng đi hướng khác.

PV Báo CAND tiếp cận hiện trường vụ phá rừng nghiến

Bất chấp lệnh đóng cửa rừng

Là loại gỗ quý hiếm và chỉ xuất hiện chủ yếu ở một số cánh rừng phía Bắc, trong đó có huyện Tủa Chùa, Tuần Giáo và một số địa bàn lân cận nên thời gian qua, nhiều cánh rừng nghiến, nhất là tại các vị trí giáp ranh đang trở thành đích ngắm của lâm tặc. 

Trưởng bản Hột (xã Mường Đun) Nguyễn Mạnh Hùng làm “hoa tiêu” đưa đường cho chúng tôi đến với cánh rừng nghiến thuộc khu vực giáp ranh giữa bản Hột và xã Cà Nàng, huyện Quỳnh Nhai (Sơn La).

Ngọn núi lởm chởm đá sừng sững phía cuối cánh đồng của bản Hột chính là chướng ngại vật mà chúng tôi phải vượt qua trước khi tiếp cận hiện trường vụ đốn hạ 4 cây nghiến. Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất bản Hột và có 8 năm làm Trưởng bản, Nguyễn Mạnh Hùng hiểu khá rõ về địa hình, tiết trời nơi đây. 

Hùng bảo: “Trong cánh rừng ở khu vực giáp ranh với xã mình kia, nhiều cây nghiến đã bị kẻ xấu đốn hạ rồi!”. Bản Hột gồm 130 hộ (đa phần là bà con người dân tộc Thái) thì có tới hơn 60% là hộ nghèo. 

Khoảng 8h ngày 17-5, chúng tôi gửi xe máy ở ngã ba bản Hột vì con đường dẫn lên cánh rừng nghiến phía trước, xe máy không thể lăn bánh được. Trời bỗng nhiên đổ mưa. “Ối! Cứ mưa thế này thì không lên được đâu”, Trưởng bản Nguyễn Mạnh Hùng tỏ vẻ lo lắng. 

Phóng viên Báo CAND đo đường kính một gốc cây gỗ nghiến bị chặt hạ từ trước; phần thân cây vẫn nằm ngay phía dưới và bị lâm tặc lén lút cưa cắt thành lóng để vận chuyển ra khỏi rừng bán cho đầu nậu.

Theo lời của Hùng, trời mưa thì đường lên rừng nghiến trơn trượt. Nhưng ông trời như chiều lòng chúng tôi, chưa đầy 2 phút sau, cơn mưa đã di chuyển sang bên kia đỉnh núi. Cuộc hành trình mục kích thực tế “máu” rừng nghiến đang chảy được thực hiện. 

Sau hơn 2 giờ đồng hồ vật lộn với những mỏm đá cheo leo, áo quần ướt sũng mồ hôi, đôi chân có những lúc tưởng chừng như đang đi mượn, chúng tôi đã có mặt tại hiện trường một vụ chặt hạ, khai thác trái phép cây gỗ nghiến, tại sát đỉnh núi Pom Hay Xà Tráng. 

Để tiếp cận được phần gốc cây đã bị cưa, chúng tôi phải trèo lên những phiến đá hộc sắc lẹm. Chỉ một chút bất cẩn thôi, tính mạng sẽ bị đe dọa. Cây gỗ nghiến có chu vi bằng cả hai người ôm đã bị đốn hạ từ trước, mặt gốc đã cũ nhưng xung quanh nó là rất nhiều lóng gỗ mới được cưa xẻ, mùn cưa còn mới và đỏ au, bắn tung tóe. Tôi hỏi về tuổi thọ của cây nghiến có đường kính gần 1m này, Trưởng bản Hùng bùi ngùi: “Tuổi thọ của nó cũng đến 300-400 năm ấy chứ!”.

Phía trên gốc nghiến lớn này, có một thân cây nghiến đường kính 50cm đã bị đốn hạ nhưng chưa xẻ thịt hết. Phần thân cây còn lại dài khoảng 10m, nằm dọc triền núi. Rất vất vả và mạo hiểm, tôi và một trinh sát Công an tỉnh Điện Biên mới leo được đến phần gốc còn lại của cây nghiến. 

Nhìn vết cắt, có thể nhận thấy cây bị chặt hạ từ trước đó nhưng xung quanh cũng có rất nhiều mạt cưa mới tinh, do lâm tặc vừa thâm nhập xẻ một phần của cây thành từng thớt và vận chuyển ra khỏi rừng. Trưởng bản Hùng chỉ tay vào triền núi đối diện gốc nghiến này, cho biết: "Bên kia, cũng có 4 cây nghiến rất to mới bị đốn hạ, cây to nhất đường kính phải trên 1 mét!". "Bên đó thuộc địa bàn nào?". Hùng trả lời: "Xã Mường Đun, Tủa Chùa. Nhưng nếu sang được đến đó, thì cũng phải mất cả tiếng đồng hồ!".

003 Một gốc nghiến bị chặt hạ từ trước, phần thân cây còn lại đang bị lâm tặc lén lút xẻ lóng.

Kiểm lâm viên Thào A Tú – Hạt Kiểm lâm huyện Tủa Chùa rút chiếc máy định vị chuyên dụng từ trong túi xách. Sau vài thao tác, Tú thông báo: “Vị trí cây nghiến bị đốn hạ ở tọa độ X550876Y2421427. Đây là địa phận thuộc xã Cà Nàng, huyện Quỳnh Nhai (Sơn La)”. Thào A Tú cho biết thêm, vì là khu vực giáp ranh, vắng vẻ, nên lâm tặc đã lén lút lui tới đây khai thác, vận chuyển trái phép cây gỗ nghiến.

Khu vực chúng tôi thâm nhập giáp ranh giữa hai huyện Tủa Chùa (Điện Biên) và Quỳnh Nhai (Sơn La), là rừng phòng hộ đầu nguồn sông Đà (khu vực phía trên Nhà máy Thủy điện Sơn La) và việc bảo vệ rừng được quy định rất nghiêm ngặt. 

Ngoài việc cấm khai thác, dù cây rừng đổ vì nguyên nhân tự nhiên (mưa bão, sâu, già…) thì cũng phải giữ nguyên hiện trạng, cấm cưa xẻ, vận chuyển ra khỏi rừng. Vậy nhưng, tình trạng những cây nghiến bị chặt hạ, cưa xẻ, vận chuyển ra khỏi rừng đã diễn ra nhiều năm qua, có lúc lại rộ lên tùy vào quy luật cầu – cung và sự quyết liệt của lực lượng chức năng trong công tác bảo vệ rừng.

Thực trạng trên cho thấy, máu rừng nghiến vẫn đang chảy, ảnh hưởng nghiêm trọng tới đa dạng sinh thái rừng và nguồn nước thượng nguồn sông Đà, nơi có những nhà máy thủy điện lớn của đất nước. Trách nhiệm thuộc về ai, chúng tôi sẽ tiếp tục đề cập trong các phần sau của loạt bài.

Trưởng bản Hột (xã Mường Đun) Nguyễn Mạnh Hùng: “Rừng cứ lùi dần và phía trên đỉnh núi kia cũng có những cây nghiến bị chặt hạ”. (Ảnh chụp tại khu vực giáp ranh xã Mường Đun và xã Cà Nàng).

Đã có hơn 1.000 cây gỗ nghiến ở Tủa Chùa bị đốn hạ

Chiều 16-5, trao đổi với PV Báo CAND, ông Lò Văn Sân, Quyền Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Tủa Chùa cho biết, huyện Tủa Chùa có diện tích rừng và đất lâm nghiệp lớn với hơn 23 ngàn hécta rừng. Địa bàn rộng, địa hình phức tạp, đường giao thông đi lại còn gặp nhiều khó khăn. Đến thời điểm hiện tại đã có hơn 1.000 cây gỗ nghiến (trên 3.000m3 gỗ) bị đốn hạ ở địa bàn 4 xã: Xá Nhè, Mường Đun, Tủa Thàng và Huổi Só. Khu vực các cây gỗ nghiến bị đốn hạ đều thuộc địa giới rừng phòng hộ. Công tác quản lý đang gặp nhiều khó khăn, vì các cây gỗ nghiến bị đốn hạ, đổ nằm ở các vị trí khác nhau.

Một số vụ vận chuyển, cất giấu lâm sản điển hình mới bị bắt giữ:

1. Hồi 22h30 ngày 8-5, qua tuần tra kiểm soát, Tổ công tác của Công an huyện Tủa Chùa và Phòng Cảnh sát môi trường phát hiện xe ôtô tải mang BKS 34C-198.52 đang đỗ trong khuôn viên nhà ông Ngô Văn Ban, ở xã Mường Báng có 351 lóng gỗ nghiến (dạng thớt) nhóm IIA với tổng khối lượng 2,338m3 không có dấu búa kiểm lâm ở phía sau thùng xe.

Ngày 9-5, Công an huyện Tủa Chùa phối hợp với Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về Môi trường – Công an tỉnh Điện Biên kiểm tra, phát hiện tại nhà ông Đoàn Xuân Nhật (SN 1964) ở thôn Pàng Dề B, xã Xá Nhè cất giữ 66 lóng gỗ nghiến (dạng thớt), 1 tấm gỗ nghiến xẻ dạng mặt bàn, 69 hộp đinh hương và 2 khúc gỗ muồng với tổng khối lượng 2,38m3 không có dấu búa kiểm lâm.

Xem tiếp bài 3: Lâm tặc và đầu nậu nhởn nhơ vì “giơ thấp đánh khẽ”.

D.Hiển - T.Huy – X.Trường – T.Trung
.
.
.