Từ Biển Hồ, trăn trở cho châu thổ Cửu Long

Từ Biển Hồ, trăn trở cho châu thổ Cửu Long

Thứ Ba, 27/06/2017, 07:57
Lượng cá di cư trên sông Mê Kông ở một số nơi, trong đó có Biển Hồ vào đỉnh đạt 30 tấn/giờ. Nhiều lần ngược xuôi trên dòng sông cùng mang tên hồ Tonle Sap, nhiều chuyên gia không giấu được suy tư về những toan tính cục bộ dừng lại ở cấp độ quốc gia, ảnh hưởng đến việc duy trì tính bền vững của thủy sản di cư trên toàn vùng hạ lưu vực Mê Kông.

Lỗ hổng mang tên… báo cáo đánh giá tác động môi trường (!) (bài 2)

Đáng ngại hơn khi mới chỉ ghé mắt vào báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) một số dự án “đình đám” của thủy điện và lấy/chuyển nước mọc lên với mật độ dày đặc trên “dòng mẹ” Mê Kông, các chuyên gia thật sự lo ngại về những lổ hổng do thiếu tính đến các tác động xuyên biên giới.

Hoài nghi… “thượng sách” (!)

Bồng bềnh trên mặt Biển Hồ và di chuyển về hướng biên giới, đặt chân đến đất Thái Lan giữa những ngày tháng 6-2017, chúng tôi được nghe kể về các dự án lấy/chuyển nước tại quốc gia này. Dự án lấy/chuyển nước từ sông Huai Luang sang Song Khran, do bị người dân phản đối gay gắt nên đã dừng.

Hay như dự án Kong-Loei-Chi-Mun, người dân Thái Puôn ở Bản Klang, huyện Chiang Khan, tỉnh Loei bức xúc do chủ đầu tư không thông báo cho họ biết về dự án; cũng không tham vấn từ họ để có dữ liệu xác lập báo cáo ĐTM.

Cửa nước Dom Nak Preen, tỉnh Kampong Cham, nơi lấy nước từ sông Samdei, nhánh của Mekong vào hồ Krapik rồi chuyển sang sông Vaico (tức sông Vàm Cỏ của Việt Nam).

Người dân đã in biểu ngữ phản đối, không cho người chủ dự án tới làng; đồng thời tuyên bố “một tấc không đi, một li không rời” dù được chi phí đền bù cao.

Còn dự án tuyến Mê Kông - Huai Luang - Nong Han - Lam Pao (xây dựng khoảng 30 hồ chứa lấy nước từ sông Mê Kông vào), trong lúc chưa được phê duyệt thẩm định báo cáo ĐTM, dự án đã khởi động tại khu vực rộng khoảng 125,2km2  từng đang được đề xuất công nhận là điểm Ramsar, thuận lợi phát triển du lịch.

Nếu hồ được đào sâu hơn, đê tôn cao hơn để dung tích hồ đạt gần 110 triệu m3, cần lượng nước phải chuyển hàng năm từ sông Mê Kông vào khoảng 2,8 tỷ m3 sẽ dẫn đến nhiều bất lợi, trong đó ảnh hưởng trực tiếp tới ít nhất 107 loài chim, 44 loài cá và 50 loài cây sống trong nước tại đây.

Tại Campuchia, từng xuất hiện ý tưởng khai thác tối ưu lượng nước “khủng” (khoảng 75 tỷ m3) của Biển Hồ, trong số này có dự án chuyển thẳng nước lũ sớm từ sông Mê Kông theo một kênh có lưu lượng 20.000m3/s; kèm theo hai đê dài khá tốn kém và một đập trên sông Tonle Sap ở Prek Kdam tới Biển Hồ.

Tuy nhiên, ngay từ khâu tham vấn, dự án đã không nhận được sự đồng thuận từ người dân bởi nó sẽ làm cho họ mất lợi tức do lượng phù sa và cá bột dồi dào mỗi mùa lũ mang lại.

Trước thực tế này, giải pháp khác dựa trên ý tưởng xây đập sà lan ở Phnôm Pênh (ĐSLP) được cân nhắc; hàng loạt “cái được” được chỉ ra. Cụ thể, tại vị trí Phnôm Pênh, người ta sẽ xây đập, chi phí cao hơn xây tại Prek Kdam, song rẻ so với phải xác lập kênh và đập.

ĐSLP không ảnh hưởng xấu hơn đập đặt ở Prek Kdam lên các vùng dễ bị thiệt hại do ngập lụt hoặc do khô như tam giác Phnôm Pênh - Kampong Cham - Prek Kdam. Khi có ĐSLP, nếu mực nước cao nhất ở thượng lưu đập 9m (đỉnh lũ lịch sử năm 2000 là 10m), thì Phnôm Pênh không lo bị ngập.

Khi nước cao hơn, lưu lượng sông Mê Kông (giữa Kompong Cham và Phnôm Pênh) lên quá 25.000m3/s, mực nước sông Phnôm Pênh tràn hai bên bờ; nước tràn bờ bên phải ngập các ruộng trong tam giác trên và chuyển vào Biển Hồ; bờ trái tràn ngập toàn châu thổ ở Campuchia và ngập một nửa ĐBSCL Việt Nam...

TS Vĩnh Phong (Pháp) cho rằng ĐSLP là “thượng sách” để giảm thiểu tác động tiêu cực của các đập thủy điện thượng lưu đối với Biển Hồ (duy trì lượng cá) và để cấp nước vào mùa kiệt cho châu thổ Campuchia và Việt Nam.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia khác lại băn khoăn về tính đúng đắn của ý tưởng “biến sông thành hồ”, nhất là sự can thiệp vào dòng chảy tự nhiên sẽ dẫn đến một số hệ lụy, trong đó có nguồn nước của dòng Tonle Sap bị đe dọa.

Báo cáo… lạ (!)

Mon men về hướng Don Sahong - dự án đập thủy điện “khủng” thứ hai của Lào (sau đập Xayaburi) trên dòng chính Mê Kông, chúng tôi được biết tuy công suất chỉ 260 MW - nhỏ hơn cả mấy đập phụ lưu của nước này nhưng Don Sahong lại chắn ngay hẻm nước Hou Sahong được coi là quan trọng nhất đối với ngư dân nơi đây nhất là vào mùa khô. Gọi đây là “đập nút chặn” do nó làm đảo lộn sinh cảnh, gây rối loạn môi trường nước đưa tới nguy cơ tuyệt chủng của nhiều loài cá.

Don Sahong được khởi công đầu 2016, chặn dòng Hou Sahong vào giữa 2016 và bắt đầu xây dựng nhà máy thủy điện 2 tháng sau đó, khi hoàn thành (dự kiến vận hành thương mại vào 2019), khoảng 37-50% dòng chảy Mê Kông sẽ đi qua dòng Hou Sahong trong 6 tháng mùa khô, tức là tăng 17 lần so với mức 5% khi chưa có đập; cũng có nghĩa lưu lượng nước qua Hou Phapeng, Hou Sadam, Hou Xangpeak và các dòng nhỏ khác sẽ giảm nghiêm trọng trong mùa khô.

Chuyên gia Nguyễn Hữu Thiện phát hiện báo cáo ĐTM đập này chưa chứng minh được việc cá có chấp nhận đường di cư khác sau khi Hou Sahong bị đóng; cũng như đánh giá tác động của việc thay đổi chế độ chảy đối với cá di cư sau khi xây đập.

Một khiếm khuyết nghiêm trọng của báo cáo ĐTM không phân tích tác động xuyên biên giới dù đập chỉ cách biên giới Campuchia khoảng 2km và có khả năng tác động lên thủy sản toàn lưu vực. Số liệu nghiên cứu thủy sản trong báo cáo chỉ dựa vào khảo sát hộ gia đình ở 6 làng quanh dự án.

Tác động xuyên biên giới về thủy sản từ phía lượng lưu ở Lào đến phía hạ lưu ở Campuchia, Biển Hồ và ĐBSCL chưa được đánh giá về loài, sản lượng, giá trị kinh tế, giá trị an ninh lương thực, tác động về mặt xã hội, kinh tế.

Tác động tích lũy, tác động liên hoàn lên chuỗi thực phẩm và đa dạng sinh học cũng chưa được phân tích; giá trị thu nhập từ khai thác du lịch sinh thái tại các thác nước và cá heo, tác động do nổ mìn, nạo vét trong quá trình xây dựng và lưu lượng xả tăng 17 lần khi vận hành đập trong mùa khô chưa được đánh giá.

Một thiếu sót trầm trọng nữa của báo cáo ĐTM về vấn đề thủy sản chính dữ liệu nghiên cứu không phân biệt loài cá, trong khi cá ở Mê Kông rất đa dạng, với đặc tính rất khác nhau.

Việc báo cáo cho rằng sử dụng tua bin loại Von Raben thân thiện với cá là không có cơ sở vì điều này chưa được chứng minh ở sông Mê Kông, chỉ dựa vào kinh nghiệm ở các dòng khác vốn chỉ một số ít loài cá. 

Chưa hết, nhà thầu còn tuyên bố điều rất khó kiểm chứng rằng vận hành tua bin sẽ giảm trong các giai đoạn trứng cá và cá con chết vượt mức 30%; 88-90% cá có thể đi qua đập được ở một số thời điểm trong năm nhưng lại dựa vào kinh nghiệm với các loài cá ở… Bắc Mỹ.

Càng khó hiểu khi báo cáo ĐTM khẳng định nghiên cứu thủy sản sẽ được tiến hành trong 10 năm (thời gian xây đập và các năm đầu vận hành) các biện pháp thích ứng sẽ được thực hiện khi có số liệu.

Vậy nếu các biện pháp thích ứng không hiệu quả thì làm sao sửa được thiết kế kỹ thuật đập? Ai sẽ gánh chịu tổn thất nếu các biện pháp bảo vệ cá không thành công?

Chỉ ra thêm nhiều bất ổn trong báo cáo ĐTM của dự án này (về phù sa, thủy văn, dòng chảy, chất lượng nước của việc đào hơn 1 triệu m3 đất đá), chuyên gia Nguyễn Hữu Thiện cho rằng báo cáo ĐTM của đập Don Sahong chưa đạt yêu cầu, chưa cung cấp đủ thông tin và phân tích để giúp hiểu được tác động môi trường và các biện pháp giảm thiểu tác động…

Thái Bình
.
.
.