Nỗi đau mang tên... ma túy đá

Lối ra cho công tác cai nghiện tại cộng đồng (kỳ cuối)

Thứ Tư, 22/05/2019, 09:16
Trong công tác phòng ngừa, đấu tranh tội phạm và tệ nạn ma túy, lực lượng chức năng xác định, thách thức lớn nhất hiện nay là xu hướng tàng trữ, vận chuyển, mua bán, sử dụng ma túy tổng hợp, đặc biệt là ma túy đá ngày càng gia tăng. 

Trong khi đó, công tác phòng ngừa, đấu tranh, kiểm soát ma túy tại thành phố còn nhiều khó khăn.

Theo Công an TP Hồ Chí Minh, hiện thành phố có 23.000 người nghiện có hồ sơ quản lý. Tuy nhiên, trên thực tế, số người nghiện cao hơn gấp nhiều lần, có đến trên 80% số người nghiện ma tuý nằm ngoài quản lý của cơ quan chức năng. Trong khi đó, việc hỗ trợ cai nghiện - giải pháp cơ bản để người nghiện tái hòa nhập cộng đồng, giảm gánh nặng cho gia đình, xã hội đã và đang bộc lộ sự bất cập.

Theo BS CK II Huỳnh Thanh Hiển, Trưởng khoa T3 Bệnh viện Tâm thần TP Hồ Chí Minh, ma túy được xếp vào 2 nhóm: nhóm ức chế và nhóm kích thích não bộ. Nhóm ức chế gần như chỉ có 1 chất là thuốc phiện và dẫn xuất của nó là heroin, gần đây có thêm ketamine. 

Nhóm kích thích bao gồm tất cả các chất ma túy được tổng hợp và mới xuất hiện trong thời gian gần đây như: đá (methamphetamine), lắc (MDMA), tem giấy/bùa lưỡi (LSD), nấm thần (psilocybine), muối tắm (mephedrone/cathinone)...

Khác với heroin có hội chứng cai rất điển hình và người nghiện phải sử dụng ít nhất 2-4 cữ/ngày thì với các loại ma túy tổng hợp, người nghiện có khi chỉ một vài lần/tuần hoặc thậm chí vài lần/tháng. Triệu chứng cai cũng mờ nhạt và khó nhận biết.

Ngoại trừ heroin hiện có thuốc cai nghiện là methadone, còn lại tất cả các chất ma túy khác không có thuốc điều trị đặc hiệu.

Ngoài ra, hiện, các test nhanh dùng để phát hiện chất ma túy trong nước tiểu chỉ có thể phát hiện được 4 chất ma túy thông dụng là: đá, lắc, cần sa và heroin (morphine). Các chất ma túy còn lại phải được thử nghiệm tại các phòng thí nghiệm của ngành khoa học hình sự hay Trung tâm Pháp y tại TP Hồ Chí Minh và Hà Nội.

Ngoài ra, khó khăn trong việc chẩn đoán một người nghiện ma túy tổng hợp (đá) là do tính chất sử dụng không thường xuyên, triệu chứng cai mờ nhạt nên khó phân biệt được người sử dụng cơ hội (do bị rủ rê) và người nghiện thực sự, nên trong thực hành, các bác sĩ thường áp dụng nguyên tắc “cơ hội duy nhất”. 

Nếu người có kết quả test nhanh dương tính với ma túy đá và sau khi tham khảo với Công an địa phương về nhân thân và nghề nghiệp thì có thể chưa cần đưa đi cai nghiện tập trung mà cảnh cáo, giáo dục và hướng dẫn họ đến bệnh viện tâm thần để điều trị ngoại trú và đặt dưới sự giám sát của Công an địa phương. Nếu bị phát hiện tái sử dụng thì sẽ bị đưa đi cai nghiện tập trung.

Khi dùng ma túy, người lạm dụng cũng sẽ chịu nhiều tác hại của “chất độc” phát tác trên một cơ thể. Trong đó, sự khác biệt nguy hiểm giữa người nghiện heroin và đá là nếu người nghiện heroin nguy hiểm khi họ “đói thuốc”, xu hướng chung là sẽ tìm cách có tiền thỏa mãn cơn nghiện thì người nghiện đá sẽ nguy hiểm khi họ “no”, đặc biệt là quá no (dùng quá liều/ngáo đá). 

Người nghiện heroin ít khi giết người vô cớ trong khi người nghiện đá do bị loạn thần nên có thể gây án. Heroin ít khi gây loạn thần, trong khi có 20-30% người sử dụng ma túy đá bị loạn thần. Các triệu chứng loạn thần bao gồm: Ảo thanh - người lạm dụng ma túy đá nghe có tiếng người nói từ trong đầu, trong tai phát ra, chửi mắng, chê bai, bình phẩm người nghiện. 

Đặc biệt nguy hiểm nếu đó là “ảo thanh mệnh lệnh” - đó là có tiếng nói phát ra như: “thằng đó nó hại mày đó, giết nó đi!” và nếu ảo thanh này kéo dài nhiều ngày thì người nghiện sẽ làm theo. Thứ nữa là ảo thị xảy ra khi “no” đá. 

Nhìn người khác thành ác quỷ, họ sợ bị đe dọa tấn công nên họ tấn công người vô cớ để tự vệ. Người nghiện ma túy đá cũng bị chứng hoang tưởng bị hại, hoang tưởng bị theo dõi và nếu hoang tưởng bị hại kết hợp với ảo thanh mệnh lệnh thì người nghiện có thể có hành vi tấn công người vô cớ.

Trong khi ấy, ngoại trừ heroin hiện có thuốc cai nghiện là methadone thì tất cả các chất ma túy khác không có thuốc điều trị đặc hiệu. Ngoài ra, nếu người nghiện trong giai đoạn “ngáo đá” sẽ được điều trị giống như 1 bệnh nhân tâm thần phân liệt và duy trì chống tái nghiện.

Hiện nay, Bộ Y tế đã có phác đồ điều trị. Tuy nhiên, chỉ là hỗ trợ bằng các thuốc chống trầm cảm để người nghiện không rơi vào trạng thái hụt hẫng khi từ bỏ 1 “thú vui”. Kết hợp với các liệu pháp tâm lý và sự răn đe của luật pháp (đưa đi cai nghiện tập trung) có thể giúp người nghiện từ bỏ được ma túy đá. 

Ma túy đá đang được hiểu lầm là không gây nghiện và được giới trẻ ưa chuộng hơn. Đúng là đá “chậm nghiện” hơn heroin nhưng gây những tổn thương không hồi phục trên não bộ và dễ gây ra loạn thần và có thể gây án. Đó là điều đáng sợ nhất của ma túy đá với giới trẻ hiện nay.

Hiện nay, tại TP Hồ Chí Minh, tất cả người có xét nghiệm dương tính với heroin đều bị cai nghiện bắt buộc vì khả năng từ bỏ heroin gần như là không thể nếu như họ không tham gia chương trình methadone. Các trường hợp ma túy đá thì sẽ cân nhắc từng trường hợp, nếu thấy chưa gây hại cho cộng đồng và có nơi cư trú ổn định (có thể giám sát được) thì có thể cho điều trị ngoại trú.

Cũng theo BS Hiển, hiện qui trình cai nghiện ma túy tại gia đình và cộng đồng gồm cắt cơn giải độc tại các cơ sở y tế (trạm y tế xã, phường trong 15 ngày), sau đó được chuyển về cai nghiện tại gia đình và cộng đồng 3 tháng. Nhưng thực tế là  90% đối tượng cai nghiện tại gia đình và cộng đồng đều tái nghiện.

Trong đó, việc cai ma túy đá so với heroin thì vừa dễ hơn vừa khó hơn: dễ hơn vì heroin có thuốc cai đặc hiệu là methadone dù heroin là chất gây nghiện “kinh khủng” nhất và khó từ bỏ nhất. Trong khi đá và hầu hết các loại ma túy còn lại tuy có khả năng gây nghiện thấp hơn nhưng khó là hiện nay chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. 

Trong khi đó, điều trị nghiện ma túy cần quá trình lâu dài hỗ trợ về y tế, tâm lý. Do quá trình cai nghiện tại gia đình, cộng đồng, người nghiện dễ dàng gặp gỡ, tiếp xúc với các đối tượng xấu nên rất dễ tái nghiện.

Người nghiện ma túy được coi là mắc “tâm bệnh” do bị tác động của ma túy làm hỏng não bộ dẫn tới sự lệ thuộc ma tuý, rối loạn nhân cách, đạo đức. Việc chữa tâm bệnh này chỉ thành công khi họ rời bỏ được ma túy, xây dựng lại được nhân cách. 

Song, thực tế công tác cai nghiện cộng đồng như đã triển khai hơn 8 năm qua tại TP Hồ Chí Minh cho thấy hiệu quả chưa đạt, nỗi bất an với cộng đồng thì tiếp tục tỉ lệ thuận với số vụ việc buôn bán ma túy đá “khủng” được phát hiện gia tăng và gần đây nhất là vụ bắt giữ 500kg ketamine.

Việc cai nghiện tại gia đình, cộng đồng là thực hiện theo quy định tại Nghị định số 94/2010/NĐ-CP của Chính phủ. Trong đó có qui định, người nghiện ma túy và gia đình phải tự giác khai báo với chính quyền địa phương để tự nguyện đăng ký cai nghiện tại gia đình, cộng đồng. Việc này hiện rất khó thực thi. Từ những bất cập đã nêu cho thấy, một số quy định hiện hành về cai nghiện tự nguyện cần phải sửa đổi cho phù hợp với tình hình thực tế.

Huyền Nga-Nhân Sơn
.
.
.