Học chữ Hán - Nôm, hiểu thêm hồn dân tộc

Thứ Ba, 02/01/2007, 08:25
Cũng nhờ phong trào học chữ Hán - Nôm tại xã Hoài Thương mà thuần phong mỹ tục được bảo tồn, nền nếp gia phong được gìn giữ. Những người ông, người bố tuổi đã cao vẫn kiên trì, chịu khó học bằng được chữ khó học như chữ Hán - Nôm, chính là tấm gương cho con cháu.

Trong phong trào học chữ Hán - Nôm của lớp người cao tuổi huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh, xã Hoài Thượng nổi lên như một điển hình. Lớp Hán - Nôm đầu tiên của xã ra đời vào cuối năm 2004 do nhà giáo về hưu Lê Nho Bảo phụ trách với trên 20 học viên đều là hội viên Hội Người cao tuổi, trong đó có người là nhà giáo, cán bộ, sỹ quan về hưu, có người là nông dân.

Cuối tháng 11 vừa qua, xã tổng kết 2 năm dạy và học chữ Hán - Nôm. Từ một lớp ban đầu nay đã có 4 lớp với 50 học viên (so với 12 lớp và trên 200 học viên của cả huyện) do 3 thầy giảng dạy: Thầy Lê Nho Bảo dạy 2 lớp, thầy Nguyễn Đăng Oánh và thầy Nguyễn Đăng My mỗi người dạy một lớp. Cả xã có 9 thôn thì 7 thôn có người đi học.

Điều đặc biệt đáng trân trọng là tất cả các thầy dạy đều tận tình giảng dạy, hết lòng giúp đỡ học viên nhưng không hề nhận thù lao. Không những thế, các thầy còn bỏ tiền túi trích trong số lương hưu ít ỏi của mình để mua sách vở, tài liệu giảng dạy và tham khảo.

Về nội dung giảng dạy, các thầy phải mất nhiều công sưu tầm, chọn lọc từ giáo trình giảng dạy của Trường Đại học Ngoại ngữ, từ các sách Minh Đạo Gia Huấn, Minh Tâm Bảo Giám, các bài văn thơ hay của ông cha như: bài Nam Quốc Sơn Hà của Lý Thường Kiệt, Hịch tướng sỹ của Trần Hưng Đạo, Cáo Bình Ngô của Nguyễn Trãi, thơ của Nguyễn Khuyến, Tản Đà và đặc biệt là thơ chữ Hán của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Như vậy, học viên không chỉ học được chữ, hiểu được nghĩa mà còn học được truyền thống anh hùng của tổ tiên, giá trị nghệ thuật của văn học cổ và cả phẩm chất đạo đức làm người của ông cha.

Hằng năm, Tết Nguyên Tiêu được lấy làm ngày hội thơ: Nhiều bài thơ và câu đối hay ca ngợi quê hương đất nước, ca ngợi Đảng và Bác Hồ được sáng tác và trình bày, thu hút không chỉ các thành viên chi hội Hán - Nôm mà cả người ngoài hội. Lớp học còn tổ chức cho học viên đến thăm các nhà thờ từng dòng họ hoặc ra đình làng đọc và dịch các hoành phi, câu đối, gia phả, văn bia, giúp học viên hiểu biết và yêu quý quê hương hơn.

Cũng nhờ phong trào học chữ Hán - Nôm mà thuần phong mỹ tục được bảo tồn, nền nếp gia phong được gìn giữ. Trong các gia đình có những người ông, người bố tuổi đã cao vẫn kiên trì, chịu khó học bằng được chữ khó học như chữ Hán - Nôm thì thực sự đó là những gia đình hiếu học kiểu mẫu. Ở đây, người lớn tuổi đã nêu tấm gương sáng thật sống động cho con, cho cháu, chắc chắn hiệu quả giáo dục sẽ gấp nhiều lần những lời giáo huấn khô khan.

Mong sao những bài học kinh nghiệm của xã Hoài Thượng sớm được nhân rộng để vừa giữ gìn và phát huy bản sắc nền văn hóa dân tộc, vừa góp phần xây dựng xã hội học tập như Nghị quyết của Đảng đã đề ra

Nguyễn Tiến Chấn
.
.
.