Giao thừa của những người làm sạch đường phố

Thứ Bảy, 09/02/2019, 06:31
0h đêm 4-2 (đêm Giao thừa), tiếng pháo hoa đồng loạt vang lên tại các điểm bắn pháo hoa trên địa bàn thành phố cũng là lúc mà tiếng chổi tre của các nhân viên vệ sinh môi trường loạt xoạt trên khắp nẻo đường, hè phố lại cất lên. Việc thường xuyên vắng nhà, đón giao thừa trên đường đã trở thành chuyện cơm bữa của các anh, các chị - những “đóa hoa xuân” làm sạch đường phố Hà Nội.


Những ngày cuối năm âm lịch dường như là một ngày làm việc dài và vất vả nhất của các nhân viên vệ sinh môi trường. Rác đường, rác chợ gấp mấy lần so với ngày thường.

Theo lịch làm việc đưa ra, tất cả các thành viên trong tổ nhóm vệ sinh môi trường của Công ty Môi trường Thăng Long phụ trách thu dọn vệ sinh môi trường ở một số khu vực thuộc quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội) có mặt tại trụ sở từ sớm ngày 4-2-2019 (tức ngày 30 Tết).

8h, các nhân viên của công ty tất tả tỏa đi các tuyến phố, con ngõ trên địa bàn và bắt đầu ca làm việc mới. Người dân sinh sống trên địa bàn phường Cổ Nhuế 1 – quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội) khá quen thuộc với hình ảnh chị Nguyễn Thị Hải, tổ 3 – Công ty Môi trường Thăng Long điều khiển chiếc xe chở rác vòng đi, vòng lại qua các con ngõ để thu gom rác trong những ngày Tết Nguyên đán.

Chị Lê Thị Nghị - nhân viên vệ sinh môi trường trên phố Trần Cung đã có 19 năm đón giao thừa trên phố.

Năm nay là năm thứ 9, chị Hải không về quê, và đón giao thừa trên các tuyến phố. Chị Hải bảo, do đặc thù công việc – làm sạch các tuyến phố, nên chị cùng đồng nghiệp bắt đầu công việc thu gom rác sớm hơn và nghỉ việc muộn hơn so với ngày thường.

Dịp trước trong và sau Tết, lượng rác thải sinh hoạt của người dân tăng gấp 2-3 lần so với ngày thường, bởi vậy công việc của anh chị em trong tổ luôn bận rộn. Nếu như ngày thường, chị chỉ đi thu gom rác vào hai ca (ca chiều và đêm) thì trong dịp Tết, nhất là ngày 30 Tết, số ca thu gom tăng lên 3-4 ca. Việc tăng ca thu gom nhằm mục đích sớm giải phóng lượng rác thải của các hộ gia đình cũng như làm sạch đường phố khi thời khắc chuyển giao năm cũ sang năm mới sắp đến.

Dẫu có những nỗi niềm, vất vả, song dường như sự say nghề, tính chất đặc thù của công việc, nên chị Hải và những người đang trực tiếp làm công việc thu dọn vệ sinh môi trường vẫn luôn cần mẫn “bám” đường, thầm lặng thu gom rác thải sinh hoạt. Mọi người tạm gác việc nhà sang một bên và tập trung cho công việc của mình. 0h ngày 4-2 (tức đêm giao thừa), tiếng pháo hoa tại các điểm bắn pháo hoa trên địa bàn thành phố Hà Nội vừa đồng loạt nổ cũng là lúc mà tiếng chổi xào xạc quét từng đống rác trên con phố Trần Cung của chị Lê Thị Nghị - nhân viên vệ sinh môi trường cứ thế đổ dồn.

Đống rác ven đường nhanh chóng được chị thu gom, chất lên chiếc xe chở rác chuyên dụng do đồng nghiệp - chị Đào Hồng Tâm điều khiển. Với chị Nghị, việc thường xuyên vắng nhà, đón giao thừa trên đường với những đống rác thải sinh hoạt đã trở thành chuyện cơm bữa.

19 năm trong ngành vệ sinh môi trường là 19 đêm giao thừa chị “nhờ” chồng ở nhà làm cơm cúng tổ tiên. Nghe chị Nghị kể, tôi được biết, năm nào cũng vậy, kết thúc công việc thu gom rác trên phố, trở về nhà ở xã Phú Thị, huyện Gia Lâm (Hà Nội) cũng là lúc mà đồng hồ điểm 4h ngày mùng 1 Tết.

Đưa tay lên thấm những giọt mồ hôi trên khuôn mặt, chị Nghị, chị Tâm lại cười nói rôm rả như thể động viên nhau, chia sẻ không khí đón giao thừa trên phố. Đêm giao thừa, có trực tiếp đi trên các tuyến phố ở Hà Nội như: Nguyễn Văn Huyên, Đào Tấn, Hoàng Hoa Thám, Kim Mã, Hoàng Quốc Việt v.v.., mới thấy được hết sự nỗ lực của các nhân viên vệ sinh môi trường trong việc thu gom rác thải, làm sạch đường phố. Những “đóa hoa xuân” ấy đang lặng lẽ góp sức mình để đường phố sạch sẽ, khang trang cho người dân Thủ đô vui xuân đón Tết.

Đêm giao thừa thật thiêng liêng đối với mỗi gia đình. Đêm giao thừa cũng là lúc mà các thành viên trong gia đình chia sẻ, chúc tụng nhau một năm mới tốt lành, song đây cũng là thời khắc mà các nhân viên vệ sinh môi trường đô thị bám đường làm sạch môi trường, tạo cảnh quan cho đường phố. Công việc thầm lặng ấy rất đáng trân trọng.

Trần Huy
.
.
.