Công an – Quân đội hiệp đồng chiến đấu trong Chiến dịch Tây Nguyên

Chủ Nhật, 05/04/2015, 09:14
Trong Chiến dịch Tây Nguyên xuân 1975, Bộ Quốc phòng - Tổng Tư lệnh đã có một kế hoạch tác chiến tài tình, mưu lược nhằm thu hút toàn bộ chủ lực của Quân khu 2 ngụy lên Bắc Tây Nguyên, giam chân chúng ở đó để ta tập trung lực lượng đột phá vào Buôn Ma Thuột. Kế hoạch đã thành công mỹ mãn, làm cho địch hoàn toàn bất ngờ, đến khi nhận ra thì đã quá muộn…

Ở Tây Nguyên, chủ lực của ta chỉ có 2 sư đoàn là Sư đoàn 10 và Sư đoàn 320. Khi chuẩn bị mở chiến dịch, Bộ Tổng Tư lệnh tăng thêm 2 Sư đoàn 316 và 968, cùng các Trung đoàn bộ binh 25 và 95, nâng số đơn vị của ta lên 4 sư đoàn, 2 trung đoàn độc lập và các đơn vị xe tăng, pháo binh, công binh, phòng không, thông tin… 

Trước đó, cả tình báo Mỹ, Bộ Tổng Tham mưu ngụy và Phạm Văn Phú đều cho rằng mùa xuân này hướng tiến công chính của chúng ta sẽ là Bắc Tây Nguyên, mục tiêu chủ yếu là thành phố Pleiku hoặc KonTum.

Trên thực tế, ngay từ đầu năm 1974, khi xây dựng kế hoạch tác chiến chiến lược ta chủ trương mở chiến dịch ở Nam Tây Nguyên và mục tiêu chủ yếu là Buôn Ma Thuột. Vì vậy nhiệm vụ của chiến dịch đặt ra trước khi nổ súng là phải giữ bí mật tuyệt đối ý định và tiến hành nghi binh kéo lực lượng chủ lực của địch ra khỏi Buôn Ma Thuột.

Vấn đề giữ bí mật việc Sư đoàn 968 vào thay cho Sư đoàn 10 và 320 ở Bắc Tây Nguyên là nhiệm vụ rất khó khăn cho cả đơn vị rút đi và đơn vị mới đến, vì khối lượng vận chuyển rất lớn bao gồm các đơn vị bộ đội, vũ khí, phương tiện, vật chất. Các trục đường cơ động của ta đều ở gần làng bản, nương rẫy của nhân dân nên dễ bị bọn gián điệp hoặc các toán biệt kích trà trộn nắm tình hình.

Để giữ bí mật các hoạt động của bộ đội, Sư đoàn 968 đã làm việc với 2 tỉnh Gia Lai, Kon Tum và thống nhất giao cho Phòng Chính trị Sư đoàn làm việc với các huyện của 2 tỉnh có lực lượng của Sư đoàn hoạt động, thống nhất kế hoạch phối hợp giữa bộ đội và Công an trong việc vận động nhân dân giữ bí mật, phát hiện các hoạt động của gián điệp, biệt kích tung ra vùng giải phóng hoạt động. Ở khu vực Tây Nam Pleiku, các đơn vị của Sư đoàn thường xuyên hoạt động cả ban ngày như các trận địa pháo, cối, phòng không, vận chuyển vũ khí, lương thực, làm đường đều ở gần các làng đông dân như làng Gao, Gao Lang, Plei Ngol, Ple M rông…

Ở các làng này, cán bộ bảo vệ của bộ đội và Công an huyện đã cử các tổ công tác xuống từng làng, gặp các già làng tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, quy định của huyện về phòng gian giữ bí mật để cùng nhân dân hiểu và tham gia. Bên cạnh đó, việc kết hợp giữa bộ đội và Công an huyện còn giải quyết tốt vấn đề ngôn ngữ khi giao tiếp với nhân dân, lực lượng Công an đã cử các tổ xuống trực tiếp ở với dân để nắm tình hình và giúp bà con khi cần giao tiếp với bộ đội.

Thiếu tướng Nguyễn Như Huyền trao đổi với PV Báo CAND.

Ở Phòng Tham mưu Sư đoàn có một tổ trinh sát kỹ thuật thu tin địch bằng máy vô tuyến điện, làm việc liên tục 24/24h trong ngày để theo dõi các toán biệt kích thám báo. Các tin này cũng được thông báo đến An ninh huyện để kịp thời phối hợp theo dõi. Nhiều toán biệt kích đã bị bộ đội, Công an và du kích phát hiện, truy đuổi khi chúng vừa vào vùng giải phóng, một số tên bị bắt đưa về khai thác tin tức.

Các hoạt động này cũng thu được nhiều kết quả, khiến cho Sư đoàn phó Sư đoàn 23 của nguỵ lo lắng, phải lập tức báo với Phạm Văn Phú, Tư lệnh quân khu là ta đã bắt nhiều binh sỹ của chúng ở Nam Pleiku, đây là vấn đề rất đáng lo ngại cần được chú ý. Những thông tin như thế càng củng cố thêm nhận định của chúng là Việt Cộng đang ráo riết chuẩn bị tiến công ở hướng Pleiku.

Cuối tháng 2/1975, Sư đoàn 968 tiếp tục mở gấp 3 tuyến đường, vừa để nghi binh thu hút địch vừa để chuẩn bị đường cơ động cho lực lượng ta vào trận địa chuẩn bị tiến công. Ở Bắc Kon Tum mở thông đường từ Võ Định về hướng An Khê để sẵn sàng đưa lực lượng ra cắt đường 14 Nam Kon Tum.

Trên hướng Pleiku, ta mở đường từ vùng giải phóng Đức Cơ đến Tây Pleiku, chỉ cách sở chỉ huy Quân khu 2 địch từ 7 - 10km. Tuyến thứ 2 từ Đức Cơ ra đường 14 Nam Pleiku, 2 trục đường này kẹp thị xã Pleiku vào giữa và sẵn sàng chia cắt, cô lập nó với Buôn Ma Thuột. Hàng nghìn nhân dân của hai huyện 3 và 5 đã cùng bộ đội tham gia mở đường với khí thế phấn khởi, khẩn trương nhưng rất bí mật. Cán bộ bảo vệ và Công an còn mời các già làng tham gia, vừa để động viên con cháu, vừa theo dõi đề phòng người lạ trà trộn vào làm lộ bí mật. Ở các làng gần địch thường cử nam nữ thanh niên khỏe mạnh cùng bộ đội làm đường, gùi đạn gạo, kéo pháo… 

Lực lượng Công an đã đưa ra sáng kiến tổ chức thành từng nhóm 10 người, trong đó có một người phụ trách để đôn đốc anh em làm việc và quản lý chặt chẽ hơn. Với sự kết hợp như thế, trong suốt quá trình Sư đoàn thay quân, xây dựng trận địa, vận chuyển pháo đạn đều giữ được bí mật tuyệt đối…

Trong quá trình mở đường, gặp những tảng đá quá lớn, Sư đoàn cho phép công binh nổ bộc phá để mở đường cho kịp thời gian, nhưng lại gặp sự chất vấn của người dân: "Bộ đội "bắn" đá to quá địch nó biết cho máy bay đến thả bom và bắn súng lớn vào làng chết dân thì sao?".

Trước tình hình đó, bộ đội phải nhờ các cán bộ Công an vốn là người địa phương thông thạo tiếng dân tộc giải thích cho bà con.Trước ta chỉ dùng xe chở vũ khí, lương thực thì có thể đi chậm và vẫn qua được, nhưng bây giờ xe kéo pháo dài hơn, nếu gặp đá lớn xe bị lắc ngang rất mạnh sẽ gây đổ xe. Mặt khác, việc ta nổ mìn cũng nhằm "đánh tiếng" cho địch biết ta đang mở đường, làm cho chúng càng tin ta đang chuẩn bị đánh lớn.

Nhiệm vụ nghi binh đã được tổ chức và diễn ra với kết quả ngoạn mục bằng sự tham gia của các lực lượng thuộc Sư đoàn 968, lực lượng Công an, dân quân du kích và nhân dân các tỉnh Bắc Tây Nguyên, tạo điều kiện thuận lợi để tiến công đánh chiếm mục tiêu chủ yếu của chiến dịch là thành phố Buôn Ma Thuột.

Thiếu tướng Nguyễn Như Huyền, Nguyên Cục trưởng Cục Tác chiến, Bộ Tổng Tham mưu, Bộ Quốc phòng
.
.
.