Có một vị danh y đã về trời

Thứ Tư, 13/06/2018, 21:47

Sáng 12-6, nhận được tin Thiếu tướng, GS.TSKH Lê Thế Trung qua đời, tôi lặng người dù biết ông đã được trời cho đại thọ 92 mùa xuân. Tôi gọi điện cho “cô bé” Nguyễn Thị Diệp – người đầu tiên được ghép gan ở Việt Nam nhờ đôi tay vàng của các thầy thuốc, trong đó có GS Lê Thế Trung – nay đã là một dược sĩ, công tác tại Khoa dược, Học viện Quân y. Diệp thảng thốt bảo: “Cháu chưa biết tin ạ. Cụ mất rồi hả chú?”…


Tôi vẫn nhớ năm ấy, ca ghép gan đầu tiên của Việt Nam nhận được sự quan tâm rất lớn của xã hội. Chắc hẳn nhiều người, trong đó có các nhà báo chúng tôi đã rất hồi hộp theo dõi ca ghép gan đầu tiên của Việt Nam được tiến hành vào đầu năm 2004. Năm ấy, đã bước vào tuổi 78, GS Lê Thế Trung vẫn tham gia vào ca ghép gan cho cháu Nguyễn Thị Diệp (SN 1995, tại Hải Hậu, Nam Định). 

Từ 9h sáng 31-1-2004, các bác sĩ bắt đầu tiến hành gây mê cho cả cha và con bệnh nhi Nguyễn Thị Diệp (người cho và người nhận gan)… Sau 16 giờ đồng hồ căng thẳng, với đôi tay vàng của các thầy thuốc trong và ngoài nước, ca mổ đã thành công tốt đẹp. Khi GS Lê Thế Trung bước ra từ phòng mổ và thông báo ca mổ đã hoàn tất với kết quả mỹ mãn, thì mọi người đều òa lên chúc mừng. Từ đó, bé Diệp và gia đình coi các thầy thuốc là ân nhân, là người tái sinh ra Diệp, bởi nếu không được phẫu thuật ghép gan, thì bé đã phải lìa xa cõi đời này...

Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Thiếu tướng, GS.TSKH Lê Thế Trung. Ảnh: QĐND

Sau khi đã vơi bớt sự xúc động trước tin GS Lê Thế Trung qua đời, Diệp kể với tôi: “Cụ Trung dành sự quan tâm đặc biệt cho cháu. Lần nào cháu đến thăm, cụ cũng tận tình hỏi thăm sức khỏe, căn dặn, động viên cháu phấu đấu học hành. Khoảng hơn 1 tháng trước, biết tin cụ bệnh nặng, cháu vào thăm cụ nằm điều trị tại khoa B11, Bệnh viện 103. Khi đó, cụ đã rất yếu nhưng vẫn nhận ra cháu. Cụ nắm tay cháu rất chặt, chớp mắt khi nghe cháu hỏi…".  

"Vâng lời cụ, cháu đã cố gắng rất nhiều. Lãnh đạo Học viện Quân y và Bệnh viện Quân y 103 đã rất tạo điều kiện cho cháu được học tập, công tác. Sau khi tốt nghiệp trung cấp dược hệ dân y, tháng 10-2017, cháu được kí hợp đồng làm việc tại Khoa dược của Học viện Quân y. Cháu thấy mình là người cực kì may mắn, được sinh ra lần thứ hai và được học hành, làm việc ở chính nơi đã cứu sống cháu… Cháu vừa gọi điện báo tin, bố mẹ cháu đang gặp lúa trên đồng. Bố cháu bảo: “Bố mẹ sẽ nhờ người gặt giúp, lên viếng cụ Trung!”.

Với đồng đội và học trò, GS Lê Thế Trung là người bạn trung hậu, nhân đức, người thầy khả kính… Lương y Đinh Thị Phiển (tỉnh Hòa Bình) được nhiều người biết đến với bài thuốc nổi tiếng từ cây Xạ đen. Hội Đông y tỉnh Hòa Bình đã giới thiệu, đưa bà Phiển đến gặp GS Lê Thế Trung. Với sự trân trọng những bài thuốc dân gian và nền y học cổ truyền, GS Lê Thế Trung và các đồng nghiệp Học viện Quân y đã lên Hòa Bình lấy tiêu bản cây Xạ đen để nghiên cứu. 

Thiếu tướng, GS.TSKH Lê Thế Trung

Công trình nghiên cứu bắt đầu từ năm 1989, đến tháng 8 năm 2002 thì GS Lê Thế Trung giới thiệu trong chương trình “Người đương thời” (Đài truyền hình Việt Nam) về tác dụng của cây Xạ đen trong việc “Ức chế, giảm trọng lượng của khối u, chống oxy hóa, giảm lượng dịch ổ bụng”. Hôm xem chương trình đó, bà Phiển vui mừng đến ứa lệ và thốt lên: “Mế ơi! Mế không còn sống để được nghe thông tin này! Giáo sư Trung cùng Học viện Quân y đã nghiên cứu cây Xạ đen có kết quả rồi, mế ơi !”.

Nhiều lần đến thăm GS Lê Thế Trung, bà Phiển được ông căn dặn, góp những ý kiến sâu sắc. Bà Phiển nhớ lại: “Có lần, GS nhắc: ‘Nay mai phải tích cực nghiên cứu thêm một số cây thuốc và bài thuốc khác nữa, chọn ổn định công thức, rồi chuyển đổi dạng thuốc thành cao, hoặc viên để tiện lợi cho người sử dụng!’...  Việc GS Lê Thế Trung và Học viện Quân y nghiên cứu về cây Xạ đen đã làm sáng tỏ nhiều điều. Bằng các phương pháp khoa học, GS đã chứng minh hiệu quả của bài thuốc gia truyền có cây Xạ đen là chủ vị của mế tôi, làm tôi rất phấn khởi. 

Một lần, để tỏ lòng tri ân người thầy khả kính, tôi đến thăm và mạnh dạn thưa với thầy: “Chúng con có chút quà cảm ơn thầy và Học viện” và đưa phong bì 50 triệu đồng biếu thầy. Nhưng thầy cương quyết từ chối. Đến khi chúng tôi tha thiết bày tỏ lòng thành, thì thầy bảo: ‘Nếu các anh, chị muốn tỏ lòng biết ơn tôi và các cộng sự của tôi, thì tôi xin thay mặt anh em cảm ơn, coi như đã nhận và tôi gửi lại. Đề nghị Lương y Phiển tặng khoản tiền này cho cháu Nguyễn Thị Diệp - ca ghép gan đầu tiên của Việt Nam vừa diễn ra ở Học viện Quân y. Các anh chị giúp cháu có thêm tiền ăn uống bồi dưỡng và mua thuốc chống thải ghép là rất quý. Đây cũng chính là góp phần thêm cho thành công của ca ghép gan đầu tiên của Y học nước nhà. Chúng tôi cũng đang kêu gọi và mong được nhiều người cùng giúp cháu!’.

Nghe thầy nói vậy, chúng tôi bàn bạc và quyết định thêm vào 50 triệu nữa, thành 100 triệu để giúp cháu Diệp. Thầy Trung cười vui lắm, rồi dặn: “Số tiền này các anh chị nên chia ra làm nhiều lần, mỗi lần đưa độ 10 triệu, kẻo gia đình cháu thấy nhiều tiền, lại tiêu vào việc khác, mà không tập trung cho việc bồi dưỡng thuốc thang của cháu!”.

Người viết bài này đã đôi lần được đàm đạo với GS Lê Thế Trung và cảm nhận ở ông lòng say mê với sự nghiệp “cứu nhân độ thế” của người thầy thuốc. Vẫn nhớ lần đầu đến thăm nhà ông, trong căn phòng rộng chừng 20m2 trên tầng ba của ngôi nhà, ông dành làm nơi đặt hai bàn thờ gia tiên và các vị danh y tiền bối. Trong phòng còn có một tủ sách lớn - như một bảo tàng mini về y học, có cả những mẫu thuốc đặc trị bỏng mà ông và các đồng nghiệp là tác giả. 

GS Lê Thế Trung và con trai GS Lê Trung Hải nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học và công nghệ (năm 2005).

Trên bàn thờ các vị danh y, có bức tượng Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác và những công trình khoa học lớn, những cuốn sách viết về các vị danh y từ cổ chí kim, như Tuệ Tĩnh, Lê Hữu Trác, Tôn Thất Tùng và cả Tôn Thất Bách... Lần ấy, ông đã bộc bạch với tôi khi đôi tay run run thắp nén hương lên bàn thờ các vị danh y: “Phải nhớ ơn tiền nhân. Làm người, phải có hiếu nghĩa, có đức, rồi hãy nói tới tài”…

Trong số học trò của GS Lê Thế Trung, nhiều người đã có sự trưởng thành, đóng góp vào sự phát triển của nền y học nước nhà. Họ luôn cảm nhận và trân trọng cái tâm – cái tầm của người thầy kính mến. GS.TSKH Phạm Mạnh Hùng, nguyên Chủ tịch Tổng hội Y học Việt Nam; nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế; nguyên Phó trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, chiêm nghiệm: “Thầy Lê Thế Trung là một tấm gương sáng đã cho tôi nhiều bài học quý báu cả về kiến thức, tác phong chỉ huy. Những điều ấy đã giúp tôi rất nhiều kinh nghiệm trong bước đường công tác sau này”.

Còn Trung tướng GS.TS Nguyễn Tiến Bình, nguyên Giám đốc Học viện Quân y nhớ lại lần đến nhà GS Lê Thế Trung để được hướng dẫn làm luận án Tiến sỹ y khoa: “Tôi thấy tiếng cười của ông thật ấn tượng và rất khó bắt chước. Ông khen luận án của tôi có nhiều điểm sâu sắc, với nhiều từ “Tốt!…Tốt!”. Vừa nghe ông nói, tôi vừa cúi xuống lén giở từng trang quyển dự thảo luận án ông vừa đưa trả. Ôi Giời! Ông đã chữa, đã viết chi chít vào bên lề từng trang giấy. Những con chữ nghiêng nghiêng, rất to và béo -  mang đặc điểm rất là ông... 

Gia đình Thiếu tướng, GS.TSKH Lê Thế Trung. Ảnh: QĐND

Trên đường về tôi nghĩ và thầm cảm phục ông: “Thầy là một con người luôn bận rộn với bao công việc to lớn, lo lắng cho sự phát triển của Học viện và của ngành Quân y mà vẫn dành thời gian đọc, sửa chữa kỹ càng luận án cho học trò, cũng như dành thời gian chăm sóc tỷ mỉ từng cây cảnh, nhành hoa!”- Công việc của người thày đơn giản vậy thôi nhưng nó thực sự đem lại lòng tin yêu, kính trọng vô cùng cho mỗi học trò như tôi. Và, có lẽ đó chính là niềm hạnh phúc mà không phải người thày nào cũng làm được và có được!

Từ tấm gương mẫu mực của GS Lê Thế Trung, trong gia đình ông có thêm nhiều người là thầy thuốc tên tuổi và hiện có 2 vị tướng, nhiều người là Giáo sư, Tiến sỹ, Thạc sỹ; họ đã miệt mài cống hiến, mang lại niềm vui, hạnh phúc cho bao người bệnh… Một điều đặc biệt, cả 3 cha con GS Lê Thế Trung đều được trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học và công nghệ: Năm 2005 (đợt I), cha con GS Lê Thế Trung - GS Lê Trung Hải được vinh danh với vai trò đồng tác giả Cụm công trình Ghép tạng. Người con trai út của GS Lê Thế Trung là Đại tá, ThS Lê Trung Thắng, Phó Trưởng phòng Khoa học Quân sự kiêm Trưởng ban Công nghệ thông tin của Học viện Quân y cũng vinh dự nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh năm 2010 với vai trò là đồng tác giả của Cụm công trình Kết hợp Quân dân y…

Thiếu tướng, GS.TSKH, Anh hùng LLVTND, Thầy thuốc nhân dân Lê Thế Trung đã về cõi vĩnh hằng. Chắc hẳn nơi ấy, ông sẽ được gặp các vị danh y tiền bối và họ đều mãn nguyện vì đã làm tốt sứ mệnh “cứu nhân độ thế” ở cõi trần gian.

Thiếu tướng, GS.TSKH Lê Thế Trung sinh năm 1927 tại Hà Nội, từ trần ngày 10-6-2018 (tức ngày 27/4 năm Mậu Tuất), hưởng thọ 92 tuổi. Lễ viếng GS Lê Thế Trung được tổ chức tại Nhà tang lễ Bệnh viện Quân y 103 (Hà Đông, Hà Nội) từ 9h – 13h, thứ sáu ngày 15-6-2018. Lễ truy điệu được tổ chức lúc 13h cùng ngày. Hỏa táng tại Đài hóa thân Hoàn vũ (Văn Điển – Hà Nội).

Trần Duy Hiển
.
.
.