Chuyện cười ra nước mắt về nghề ôsin

Thứ Ba, 01/08/2006, 13:33
Từ quê lên, lại không có người quen nên chị Hồng vào trung tâm giới thiệu việc làm để tìm việc. Tại đây, chị được giới thiệu đi giúp việc cho một nhà hàng. Nhưng khi về tới nơi chị bị ép bán dâm. Hãi hùng, chị tìm cách bỏ trốn.

Quê tôi vốn nghèo nhưng là vùng đất nổi tiếng hiếu học. Mười năm trước đây, những gia đình cho con cái đi học đại học, cao đẳng thường rơi vào những nhà có lương hưu. Còn với những gia đình thuần nông thì có đỗ đạt cũng đành chịu.

Nay thì khác, nhiều gia đình bố mẹ là nông dân một trăm phần trăm cũng cho con đi học. Nhưng thu nhập từ đồng ruộng làm sao có đủ mỗi tháng 500.000đ-600.000đ cấp cho con. Thế là nhiều người chấp nhận "đi ở" (người dân xứ Thanh quê tôi thường gọi nghề giúp việc như vậy) để lấy tiền cho con học đại học.

Cô Xoắn, hàng xóm nhà tôi ra Hà Nội được ba năm. Cô đi làm "ôsin" chăm sóc người già, ốm với mức lương 400.000đ/tháng. Cô bảo biết được trả lương thấp nhưng giữa lúc mình đang cần nên không đòi hỏi nhiều. Đó là lúc chỉ sau 10 ngày con trai cô nhận được giấy báo đỗ đại học ngành Thủy sản ở thành phố Vinh, Nghệ An. Cả nhà đều mừng, mừng rơi nước mắt. Nhưng mừng rồi lại lo. Mỗi tháng lấy đâu ra mấy trăm cho nó đi học đây.

Giữa lúc đó thì có người làng về quê tìm người giúp việc. Mừng như bắt được vàng, cô đi ngay. Thế là từ đó, hàng tháng cô gửi 400.000đ tiền lương cho con. Số tiền thiếu hụt thì chồng cô và đứa con trai út ở nhà nuôi trâu, mỗi năm bán một con nghé để phụ thêm. Nghe câu chuyện của cô Xoắn, tôi thấy chạnh lòng. Chẳng nhẽ con cái học giỏi là có tội? Tội vì chúng làm bố mẹ khổ hơn?!

Còn một năm nữa thằng Tuân ra trường, nhưng tôi lại nghe thầy cô và bạn bè bảo thằng Tuấn em nó cũng học rất giỏi. Nếu nó đỗ đạt thì mừng nhưng chắc chắn thời gian cô Xoắn làm "ôsin" sẽ kéo dài cho hết "nhiệm kỳ" 5 năm học đại học của Tuấn.

Ở quê tôi không riêng cô Xoắn mà chị Hà, chị Hiếu… đều có con đang học đại học và cũng đang đi làm giúp việc. Các chị đều ngoài 40 tuổi, trước đây chỉ quen với đồng ruộng. Nhưng con đi học đại học họ đành chịu xa chồng, xa con, xa quê đi làm thuê cho người. Nghĩ cũng buồn vì lẽ ra con cái học hành giỏi giang bố mẹ nó sẽ mát mặt, đằng này lại là người để người ta tìm đến thuê "đi ở".

Muốn tìm người giúp việc, tôi lên mạng "sớt" thì thấy nhiều địa chỉ. Có hẳn một website của một công ty chuyên kinh doanh trong lĩnh vực cung cấp người giúp việc. Vào đây, tôi rất hài lòng vì tính chuyên nghiệp của dịch vụ như đào tạo nghề, cung ứng các loại dịch vụ theo nhu cầu, người giúp việc được khám sức khỏe, đóng bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội…

Thấy quá hấp dẫn, tôi liền ghi ngay địa chỉ, số điện thoại để liên lạc. Gọi tới số máy bàn thì bên kia đầu dây cho biết đơn vị này đang ở giai đoạn chuyển giao nên không biết họ đang ở đâu. Gọi đến số điện thoại di động được ghi hotline (số điện thoại nóng) thì chủ nhân của nó nói đã chuyển sang chỗ làm mới gần một năm rồi.

Tôi lại vào địa chỉ khác đăng trên mục rao vặt thì được biết đấy chỉ là nơi môi giới "ôsin" để ăn hoa hồng. Phí dịch vụ là 300.000đ/lần cho người thuê, còn người làm thuê cũng mất 300.000đ khi nhận việc. Người trung gian "ăn đủ" từ cả hai phía thuê và được thuê. Tôi đã từng biết đến trường hợp "ôsin" quay vòng. Nghĩa là sau khi nhận tiền dịch vụ, người trung gian sẽ điều "ôsin" đến ở cho chủ nhà nhưng thời gian chỉ là dăm ba ngày rồi viện cớ nhà có việc xin về. Thực chất người này đến chỗ ở mới theo điều hành của người trung gian kia.

Mục đích của họ trong việc này để lấy phí dịch vụ. Nói vậy nhưng cũng có "ôsin" hết sức đáng thương. Đó là trường hợp của chị Hồng, 22 tuổi quê ở Hà Nam. Từ quê lên, lại không có người quen nên chị vào trung tâm giới thiệu việc làm để tìm việc. Tại đây, chị được giới thiệu đi giúp việc cho một nhà hàng. Nhưng khi về tới nơi chị bị ép bán dâm. Hãi hùng, chị tìm cách bỏ trốn. Biết hoàn cảnh của chị, một người bà con đã tìm cho Hồng công việc trông trẻ.

Nếu có dịp chứng kiến sân chơi tại các khu tập thể ở Hà Nội vào buổi chiều, ai cũng dễ dàng bắt gặp cảnh mỗi bà, mỗi chị quắp theo một đứa trẻ. Họ là những "ôsin" trông trẻ. Trông trẻ có một đặc thù là càng ở lâu đứa trẻ càng quý mến họ. Có những bà mẹ còn phát ghen khi con theo người giúp việc hơn theo mình. Nhưng cũng có "ôsin" lợi dụng đặc thù này để ép chủ như ra các yêu sách, tăng lương…

Nhiều chủ nhà đành chép miệng đáp ứng vì nếu thay người khác con cái họ sẽ bị ảnh hưởng. Tôi biết có chị làm "ôsin" ở Hà Nội đã 10 năm, qua 3 lần chủ. Chị này thường xuyên dùng chiêu này để ép chủ. Không chỉ vậy, chị ta còn dạy cho các đồng nghiệp khác áp dụng chiêu này. Tuy vậy đã có người áp dụng không thành. Thế là họ mất cả chì lẫn chài đành xách túi về quê

Cao Hồng
.
.
.