Cây cầu mang tên cô giáo nhiều năm cõng học trò qua suối

Thứ Tư, 09/03/2016, 09:23
Trong thời gian “cắm bản” gieo chữ cho các em, cô giáo trẻ từ miền xuôi lên đây đã hết lòng vì học sinh thân yêu, được các em yêu quý, bà con cảm mến. Ngày rời bản, để ghi nhớ công ơn, bà con bản địa đã đề nghị cơ quan chức năng lấy tên cô giáo để đặt tên cho một cây cầu dẫn vào bản.


Từ khoảng hơn 10 năm trở lại đây, khi đi vào bản Buộc Mú 2, xã Na Ngoi, huyện Kỳ Sơn (Nghệ An), mọi người đều thở phào nhẹ nhõm khi không phải lội qua con suối chắn ngang đường như trước nữa, thay vào đó là một cây cầu bê tông vĩnh cửu đã bắc ngang, nối đôi bờ vui. Để ý một chút, sẽ nhận ra cây cầu được đặt tên rất khác lạ so với những chiếc cầu khác: “Cầu cô Oanh”. 

Qua tìm hiểu được biết, cô Oanh là tên của một cô giáo cắm bản phụ trách điểm trường Buộc Mú 2, vì nhớ đến công lao của nữ giáo viên trẻ này đối với sự nghiệp “trồng người” ở đây mà bà con dân bản đã thống nhất lấy tên cô giáo để đặt tên cho cây cầu dẫn lối vào bản.

Ông Mùa Dua Thái, Chủ tịch UBND xã Na Ngoi cho biết: Na Ngoi nằm cách trung tâm huyện lỵ Kỳ Sơn hơn 80km đường rừng, trước đây đi lại rất khó khăn, không có đường để xe ôtô vào tận xã. Để liên lạc được với bên ngoài, cán bộ xã phải cuốc bộ cả ngày trời. Không có đường, không có cầu, cuộc sống thường ngày của bà con vốn đã khó, công việc gieo chữ của các thầy cô giáo còn khó khăn gấp bội. Để vận động các cháu đến trường, các cô giáo phải xắn quần lội suối, trèo đèo, thậm chí phải cõng các em đến lớp và cõng về nhà sau giờ học.

Chuyện về cô giáo được đặt tên cây cầu, Chủ tịch xã Na Ngoi - Mùa Dua Thái kể rằng, cô Oanh – nhân vật chính được đặt tên cầu – là một người có thật, bằng xương, bằng thịt. Cô là Đặng Thị Oanh (40 tuổi), trú tại xã Phúc Sơn, huyện Anh Sơn (Nghệ An). Năm 1997, sau khi tốt nghiệp Trường CĐSP Nghệ An, cô Oanh xây dựng gia đình và cùng chồng tình nguyện lên công tác tại huyện biên giới Kỳ Sơn.

Năm 2001, cô Oanh được phân về phụ trách điểm trường Buộc Mú 2, phụ trách lớp 2. Bản Buộc Mú nằm biệt lập với thế giới bên ngoài, đường sá lúc bấy giờ đi lại đang rất khó khăn nên trong thời gian hơn 2 năm công tác tại đây, cô Oanh gần như phải cắm bản hoàn toàn. Tại đây, cô Oanh được bố trí ăn ở, sinh hoạt chung với gia đình ông Già Tồng Thù, Phó trưởng Công an xã Na Ngoi. 

Cây cầu mang tên cô giáo Đặng Thị Oanh ở bản Buộc Mù 2.

Kể về cô giáo Oanh, ông Thù xúc động: “Cô Oanh là người “khai sáng” văn minh cho gia đình ta và bà con bản Buộc Mú 2. Không chỉ dạy dỗ các cháu trong bản học cái chữ, cô Oanh còn dạy vợ ta và những người phụ nữ khác cách giữ vệ sinh chung, phòng bệnh, từ bỏ các loại hủ tục để sống cuộc sống văn minh, tiến bộ hơn”.

Lý do để bất cứ ai trong bản nhỏ này cũng nhớ đến cô giáo Đặng Thị Oanh, theo ông Già Tồng Thù, là “kỳ tích” cô Oanh đã làm được cho bà con Buộc Mú 2 khi xóa mù thành công cho bản làng, vận động được nhiều trẻ em trong độ tuổi đến trường. 

Từ trước đến khi cô giáo Oanh đặt chân đến bản, sự học gần như các gia đình đều phó mặc cho thầy cô giáo. Người dân trong bản, chủ yếu là người Mông và người Khơ Mú, lúc nào cũng coi cái ăn, cái mặc quan trọng hơn con chữ nên xao nhãng chuyện học của con cái. 

Cũng bởi vậy, việc kéo các em học sinh đến lớp đều đặn luôn là nhiệm vụ không hề dễ dàng đối với bất cứ giáo viên nào khi đến nhận nhiệm vụ tại đây. Trong chuyến công tác tại Na Ngoi lần này, chúng tôi may mắn gặp em Già Bá Mùa (19 tuổi), là học trò lứa đầu của cô giáo Oanh, sau khi tốt nghiệp THPT, Mùa không thi đại học mà đăng ký xét tuyển nghĩa vụ quân sự.

Nhớ về cô giáo cũ, Mùa cho biết, dù lúc bấy giờ bản thân còn ít tuổi nhưng em nhớ rất rõ những lần được cô đưa đón đến lớp, đặc biệt là những lần được cõng qua suối trong dịp mùa đông giá rét. “Cô Oanh rất kiên trì với các em, dù giá buốt, mưa gió hay nắng nóng, ngày nào cô cũng đón và đưa các em đến lớp, cẩn thận cõng từng đứa qua suối, có hôm còn tắm rửa cho các em”.

Những việc làm thầm lặng của cô giáo Đặng Thị Oanh đã từng bước làm thay đổi nhận thức của bà con dân bản nơi đây. Từ chỗ thờ ơ với việc học của con cái, đến nay nhà nhà ở bản Buộc Mú 2 đều tự sắm sửa cho con em mình một chiếc bàn để học tập, sự học không còn phó thác cho thầy cô như trước nữa mà các phụ huynh đã chung tay để đốc thúc thường xuyên. 

Năm 2003, mặc dù còn lưu luyến với học trò ở Buộc Mú 2 song cô Oanh đành phải theo chồng về xuôi, dạy học tại một điểm trường khác gần nhà. Thời điểm này, đường lớn được mở ra, chiếc cầu bê tông vĩnh cửu được bắc qua con suối nhỏ, nơi ngày ngày cô Oanh vẫn cõng các em nhỏ qua suối để đến trường. Để luôn nhớ về cô giáo, bà con nhân dân bản Buộc Mú 2 đã đề nghị nhà thầu đặt tên cây cầu là “Cầu cô Oanh” thay vì tên dòng suối như dự tính ban đầu.

Liên lạc qua điện thoại với cô giáo Đặng Thị Oanh, lúc này đang công tác tại Trường Tiểu học xã Phúc Sơn, thuộc điểm trường cao Vều, huyện Anh Sơn (Nghệ An), cô cho biết, ban đầu khi nghe tin tên mình được bà con dùng đặt tên cây cầu bắc qua suối, cô đã rất ngạc nhiên, xúc động và bất ngờ trước tình cảm mà người dân Buộc Mú dành cho mình. Thời điểm rời bản, cây cầu đang trong giai đoạn khảo sát, sau này nghe học trò cũ báo tin, cô Oanh đã rất cảm kích.

“Những việc tôi làm trong thời gian “cắm bản” tại Buộc Mú rất đỗi bình thường, và tôi nghĩ rằng ai ở trong hoàn cảnh của tôi cũng sẽ làm vậy. Thương học sinh và bà con dân bản nhiều lắm, chỉ tiếc là vợ chồng tôi chưa làm được gì nhiều để giúp đỡ họ bớt khó khăn, vất vả hơn”, cô giáo Oanh chia sẻ.

Thiên Thảo
.
.
.