Cái chết được báo trước

Thứ Hai, 23/05/2016, 11:05
Thưa độc giả! Chưa bao giờ cuộc chiến chống thực phẩm bẩn lại được phát động một cách đồng loạt và trên diện rộng như hiện nay. Thực phẩm bẩn thực sự là một hiểm họa đe dọa trực tiếp đến tính mạng con người. Nó như một đại dịch tràn đến cuộc sống của chúng ta và gây ra bao điều bất ổn. Những căn bệnh, sự sợ hãi bao trùm khắp cộng đồng.


Theo thông tin từ giới khoa học, hiện nay mỗi năm Việt Nam có khoảng 150.000 người mới mắc ung thư và 75.000 người tử vong vì căn bệnh này, tức 205 người/ngày và con số này dự báo sẽ ngày càng tăng cao. Trong số đó có không ít người mắc bệnh vì thực phẩm bẩn. Vâng, chắc chắn là thế dù chúng ta chưa đưa ra được những con số chính xác về tỷ lệ người mắc bệnh nhưng ai cũng biết thực phẩm bẩn là một phần nguyên nhân của những cái chết tức tưởi vì ung thư, vì ngộ độc. 

Tôi thật sự không muốn dùng từ vô cảm ở đây. Xã hội chúng ta đã có quá nhiều vô cảm. Những cái chết thương tâm ở vấn nạn giao thông ở những tai nạn khác trong xã hội đủ làm dấy lên bao xót xa về sự vô cảm của cộng đồng nhưng ở lĩnh vực an toàn thực phẩm, sự vô cảm đã lên đến đỉnh điểm. Thực phẩm bẩn và sự vô cảm, đó thật sự là những tội ác khiến cả xã hội căm phẫn.

Thực ra sự mất an toàn thực phẩm âm ỉ đã từ lâu. Không phải không biết nhưng những gì nó gây ra hàng ngày cũng chỉ khiến cộng đồng cảnh giác và lên án với mức độ vừa phải. Chỉ khi cuối tháng 3/2016, báo chí phanh phui vụ bê bối 9.140kg salbutamol được Bộ Y tế nhập về trong hai năm 2014-2015 và đã có hơn 6 tấn bán ra thị trường. Đã có tranh luận giữa các cơ quan chức năng về thông tin này, trong đó có cả với báo chí.

Vậy salbutamol là cái gì mà dư luận phải dậy sóng. Xin thưa đó là một loại hoạt chất được nhập về để sử dụng làm thuốc điều trị từ nhiều năm nay. Nếu câu chuyện chỉ có thế thì chẳng có gì đáng nói. Nhưng không, hoạt chất salbutamol còn có công năng khác đó là tạo nạc cho gia súc chủ yếu là thịt lợn. Và nó là chất bị cấm sử dụng trong chăn nuôi bởi những gì từ nó ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người. 

Chất saltabumol trong gia cầm khi người ăn vào có có thể gây nhược cơ, làm giảm vận động của cơ, khớp, khiến cơ thể phát triển không bình thường. Có đáng giật mình, có đáng kinh sợ không nếu thông tin này được kiểm chứng. Chúng ta đã xơi hơn 6 triệu con lợn nhiễm chất cấm salbutamol trong thời gian qua.

Sự cố salbutamol đã tạo ra cơn địa chấn thật sự trong người Việt. Truyền thông đồng loạt vào cuộc. Báo chí tổng tấn công vào thực phẩm bẩn. Đến lúc này người ta mới nhìn nhận một cách tổng thể và quyết liệt với những gì diễn ra lâu nay. Các loại gia súc chăn nuôi được săm soi kỹ lưỡng. Hầu như toàn bộ thịt lợn của các hộ kinh doanh đều sử dụng chất salbutamol để tạo nạc. Đấy là chưa kể đến những thức ăn tăng trọng được sản xuất không trong tầm kiểm soát. Đến mức những người chăn nuôi không dám ăn con vật nuôi của mình. Chuyện này là có thật. 

Hiện nay có phong trào đụng lợn như thời bao cấp. Đó là ở làng quê một số hộ nuôi lợn bằng cách nuôi truyền thống tức là rau dưa cám bã tự nhiên không dùng thuốc. Những con lợn sạch này tất nhiên chậm lớn và nếu để kinh doanh thì nó không có lãi. Đến kỳ đụng, con lợn được giết thịt. Mọi người chia nhau từng phần ăn và cất đi để dành ăn dần. 

Sự vô cảm chính là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến cái chết từ thực phẩm bẩn (ảnh mang tính chất minh họa).

Cứ thế đến lân từng nhà, lần lượt những người nông dân đụng nhau ăn thịt sạch và bán đi những con lợn tăng trọng, tạo nạc. Không chỉ đụng ăn ở làng, họ còn cung cấp ra thành phố cho người nhà mình sử dụng thịt sạch. Nhà tôi từ lâu cũng đã ăn theo cách này. Nghĩa là ngoài chiếc tủ lạnh dùng thừa thãi từ bao năm nay giờ chẳng đủ, phải thửa thêm một tủ cấp đông to để trữ thực phẩm. 

Thịt lợn mua cả chục ký từ quê mang về băm chặt thành từng miếng có cân lạng và đánh dấu từng bọc hẳn hoi. Cứ từng bữa lấy ra rã đông xào nấu cách rách vô cùng. Dù biết là thức ăn đông lạnh không tốt và miếng ăn mất công mất sức quá nhưng thà thế còn hơn đánh đổi tính mạng cho chất cấm nó ăn tươi nuốt sống mình. 

Mà cũng chả cứ lợn, bây giờ bất cứ con vật gì cũng liên quan đến thuốc. Trâu, bò, dê, chó, nhím, gà, vịt, ngan, ngỗng… đến cá, tôm, cua… dưới nước tất tần tật. Tất nhiên không bi quan đến mức trăm phần trăm đều độc nhưng thật mà nói niềm tin vào thực phẩm an toàn bây giờ ở mức không thể liều nhắm mắt mà nuốt cố được.

Không chỉ thịt gia cầm, không chỉ cua cá, rau cũng là nỗi kinh hoàng cho người tiêu dùng. Những cánh đồng rau ngoại thành dùng các chế phẩm thuốc kích thích tăng trưởng vô tội vạ. Rau được rút ngắn thời gian trưởng thành. Củ, quả, rau không thứ gì không dùng thuốc. Thuốc trừ sâu xưa nay là bạn với người nông dân thì nay lại là kẻ thù của người tiêu dùng bởi liều lượng của nó gây độc tố với cả người làm lẫn người ăn. 

Tôi có một bạn nhà văn bỏ nghề đi làm rau và chăn nuôi gia cầm sạch. Chị này thuê đất chừng hecta ở một cánh đồng ngoại thành. Rau sạch nghĩa là rau dùng phân hữu cơ không phun thuốc. Vất vả lắm nhưng chị muốn bản thân gia đình mình và bạn bè không phải ăn rau độc. Bạn bè ủng hộ. Rau và thực phẩm sạch của chị như gà thịt, trứng, nấm… được bán trong phạm vi chỉ bạn bè nhưng cung không đủ cho cầu. 

Âu cũng là một phương cách tốt để chống lại thực phẩm bẩn. Nhiều hộ dân thành phố trở lại như ngày xưa nghèo đói cũng tự chăn nuôi gia cầm và trồng trọt. Họ tận dụng mọi khoảnh đất trống, thậm chí là ban công hoặc trên sân thượng nhà mình.

Tại sao người nông dân lại trực tiếp làm như thế với đồng bào của mình? Câu hỏi này cứ ám ảnh tôi mãi. Cái nghèo chăng? Vì lợi nhuận, vì miếng cơm manh áo mà họ làm thế? Hay nữa là sự thiếu hiểu biết và vô cảm? Có nhưng không phải tất cả. Đó là do hệ thống quản lý của chúng ta yếu kém. Nếu quản lý tốt các chất cấm, nếu cấp chính quyền sâu sát không vô cảm thì không đời nào những người nông dân chân chất lại có đủ điều kiện để nhẫn tâm với đồng loại. Họ lý giải đơn giản nếu họ không làm thì nhà khác vẫn làm. 

Minh chứng cho điều này ở cả lĩnh vực chế biến thực phẩm và đồ uống. Các loại chất bảo quản mang độc tố được sử dụng quá liều lượng trong công nghệ chế biến. Hoa quả được ướp thuốc bảo vệ thực vật để chín nhanh, để giữ lâu hàng tháng trời. 

Chúng ta có đủ các ban bệ để có thể kiểm soát vấn đề này nhưng không phải lúc nào bộ máy cũng hữu hiệu. Thậm chí có thể nói không ngoa nó vô hiệu. Và đây nữa những thực phẩm bẩn được tuồn từ ngoài biên giới vào. Ai tiếp tay điều này, tất nhiên là thương lái nhưng không thể phủ nhận sự yếu kém của cơ quan quản lý. 

Nói đến thương lái, không thể bỏ qua họ và những hộ buôn bán. Ngay cả siêu thị cũng gian dối tuồn thực phẩm bẩn vào bán. Thành phần trung gian này cũng là tác nhân gây ra thảm trạng trên. Thực phẩm bẩn tồn tại uy hiếp trực tiếp sức khỏe người Việt không ai khác do chính người Việt chúng ta gây nên. Thật đáng buồn.

Sự thụ động trong chống thực phẩm bẩn có từ gia đình đến xã hội. Gia đình tôi ngoài trữ thịt, cá đông lạnh, mua rau sạch có nguồn gốc, còn cẩn thận đến mức thửa một thiết bị đo tồn dư hóa chất nitrate nhưng cũng chỉ là để tự an ủi mình chứ chưa thật sự an toàn. Các gia đình, mỗi nhà mỗi vẻ gồng lên chống chọi với vấn nạn thực phẩm bẩn và bi kịch ở chỗ để tồn tại họ không thể không ăn. Với các cơ quan quản lý thì hầu như không kiểm soát nổi tình hình vì những lý do trên và cả vì chế tài xử phạt trong khi người dân thì nhờn luật và bất chấp tất cả để có lợi nhuận. 

Thật may đến tháng 7/2016, bộ luật hình sự mới đi vào thực hiện đã có điều khoản xử phạt tiền và tù với loại tội phạm sử dụng chất cấm trong chăn nuôi và trồng trọt. Tôi hy vọng điều ấy đủ sức để răn đe. Nhưng chấm dứt được tội ác thực phẩm bẩn cần có sự đồng bộ. 

Liệu có tin tưởng được không khi mới đây những con cá chết vì nhiễm độc ở vùng biển miền Trung lại một lần nữa cho thấy sự yếu kém và vô cảm của chính quyền địa phương khi không kịp thời phong tỏa lập các chốt chặn để lọt nhiều tấn cá chết được thương lái thu mua và tẩu tán. Liệu những gia đình nào sẽ ăn phải chai nước mắm làm bằng cá độc hay chính họ ăn trực tiếp phải những thứ thức ăn giết người kia? Cái chết rõ ràng được báo trước nhưng đã không được ngăn cản. Sự vô cảm, vâng chính nó là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến cái chết từ thực phẩm bẩn.

Hà Nội, 26/4/2016

Phạm Ngọc Tiến
.
.
.