Biển vẫn hát mãi bản hùng ca huyền thoại

Thứ Ba, 02/05/2017, 12:23
Hàng năm, sản lượng khai thác thủy sản ở vùng này cũng rất lớn, với khoảng 400 ngàn tấn. Nơi đây cũng được coi là vựa lúa lớn nhất, nhì của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, với sản lượng bình quân hơn 23 ngàn tấn mỗi năm.


Lộc An xưa nằm trong vùng Long Đất, Xuyên Mộc của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu - một vùng đất cách mạng kiên trung, anh hùng xưa nay đã trở thành địa phương có sự phát triển vượt bậc về kinh tế-xã hội. Hiện tại vùng đất này có đường bờ biển kéo dài, có nhiều di tích, danh thắng nổi tiếng, phát triển du lịch - lịch sử, về nguồn, thu hút hàng trăm ngàn lượt du khách đến tham quan nghỉ dưỡng mỗi năm.

Hàng năm, sản lượng khai thác thủy sản ở vùng này cũng rất lớn, với khoảng 400 ngàn tấn. Nơi đây cũng được coi là vựa lúa lớn nhất, nhì của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, với sản lượng bình quân hơn 23 ngàn tấn mỗi năm.

Cùng với đội quân “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”, những cán bộ, chiến sĩ trên những chuyến tàu Không số đã “góp lửa” cùng với Nam bộ kháng chiến, dệt nên bản hùng ca huyền thoại về đường Hồ Chí Minh trên biển. Ở bất kỳ nơi đâu trên dải đất hình chữ S này, dù là trên bầu trời, dù là ở mặt đất hay dưới biển cả mênh mông thì dấu ấn của ý chí quật cường về tinh thần đấu tranh giải phóng dân tộc, của lòng yêu nước nồng nàn vẫn trường tồn mãi vượt thời gian. Và với lịch sử của đoàn tàu Không số, biển cho đến tận muôn đời sau vẫn hát mãi bản hùng ca huyền thoại.

Nơi cửa biển “lộng gió thời đại”

Trong một ngày tháng 4 lịch sử, chúng tôi trở lại thăm bến Lộc An, xã Phước Thuận, huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Bến Lộc An nằm bên cửa sông Ray với 2 bên là rừng nguyên sinh, ngập mặn, nối liền với rừng phòng hộ Bình Châu, Phước Bửu và hệ thống rừng già rộng lớn ở phía Bắc và Tây Bắc. Lộc An cách cửa Cần Giờ chừng 20km - một trong những cửa sông có vị trí chiến lược quan trọng nhất của miền Đông Nam bộ.

Lộc An có ưu thế vượt trội là biển liền rừng, núi hiểm trở, luồng lạch sông sâu. Do địa hình rừng núi ngăn cách nên mạng lưới bố phòng của địch mỏng. Nhân dân vùng Xuyên Mộc, Long Đất có truyền thống cách mạng dũng cảm, kiên cường chiến đấu, một lòng một dạ phục vụ kháng chiến đến cùng.

Bến Lộc An đã đi vào lịch sử những con tàu Không số, trở thành điểm tiếp nhận 3 chuyến hàng chiến lược quan trọng vào các năm 1963, 1964 và 1965, góp phần cùng cả nước làm nên những chiến thắng lịch sử vang dội. Bến Lộc An cùng những chuyến hàng chiến lược là niềm tự hào, là truyền thống cách mạng anh hùng của quân và dân Bà Rịa-Vũng Tàu trong những năm kháng chiến chống Mỹ ác liệt.

Chuyến đầu tiên vào năm 1963 cập bến sau 10 ngày đêm lênh đênh trên biển mang theo 20 tấn vũ khí cho miền Nam. Số vũ khí này bổ sung cho các lực lượng vũ trang chủ lực Miền và các tỉnh miền Đông. Chuyến tàu thứ 2 mang 44 tấn vũ khí bổ sung cho bộ đội ta bước vào giai đoạn II của chiến dịch Bình Giã.

Bia di tích đường Hồ Chí Minh trên biển được xây dựng tại bến Lộc An hiện nay.

Chuyến hàng thứ 3 của đoàn tàu Không số cập bến Lộc An vào đêm giao thừa năm Ất Tỵ (ngày 1-2-1965), với 70 tấn vũ khí trang bị cho các đơn vị chủ lực miền Nam vừa tham gia chiến dịch Bình Giã và cấp phát cho bộ đội địa phương các tỉnh miền Đông. Số vũ khí trong đợt này phần lớn là AK47, B40, B41. Bộ đội chủ lực Miền và chủ lực Quân khu được bổ sung đầy đủ, trang bị vũ khí tốt trước khi bước vào các trận chiến đấu mới… góp phần làm nên nhiều chiến thắng vang dội ở Đồng Xoài, Dầu Tiếng, Bàu Bàng trong mùa hè năm 1965.

Nguyễn Sơn - Người chiến sĩ Đoàn tàu Không số

Từ bến Lộc An, chúng tôi ngược trở lại thị trấn Phước Hải, huyện Đất Đỏ hỏi thăm vào nhà ông Nguyễn Sơn, thuyền trưởng tàu 56, Đoàn 759 - Đoàn tàu Không số để nghe ông kể về một thời hoa lửa của ông cùng các chiến sĩ năm xưa. Đã gần 40 năm rời xa quân ngũ, nhưng “chất lính” trong ông vẫn còn vẹn nguyên - dáng dấp nhanh nhẹn, giọng nói dõng dạc và đôi mắt sắc sảo… là những gì chúng tôi thấy đầu tiên khi gặp ông.

Sinh ra ở làng chài Phước Hải, sóng nước, biển cả như một người mẹ nuôi lớn khát vọng, ước mơ chinh phục biển cả của ông từ thời thơ ấu. Có lẽ vậy mà ông yêu biển bằng một tình yêu mãnh liệt và hiểu biển như hiểu bản thân mình. Như một định mệnh, khi ông quyết định tham gia cách mạng để bảo vệ quê hương, đất nước thì tình yêu và sự hiểu biết về biển đã góp phần không nhỏ giúp ông hoàn thành những nhiệm vụ lịch sử được thực hiện trên biển.

Khác với các chiến sĩ bộ binh, không quân, lục quân “tìm địch mà đánh”, nhiệm vụ của ông cũng như các chiến sĩ trên tàu Không số ngày ấy là “tìm cách tránh địch để bảo vệ vũ khí”. Trước mỗi chuyến đi, không chỉ ông mà các đồng đội trên tàu đều mang tâm thế sẵn sàng hy sinh, nếu tàu và vũ khí rơi vào tay giặc. Mỗi chiếc tàu trong Đoàn tàu Không số luôn được cài sẵn những khối thuốc nổ lớn ở mũi, thân và đuôi, phòng khi bị địch phát hiện, các chiến sĩ sẽ tự kích nổ để giữ bí mật, tuyệt đối không để địch phát hiện ra tuyến vận tải đặc biệt trên biển.

Bao nhiêu năm lênh đênh trên biển là bấy nhiêu khó khăn, nguy hiểm đến với ông và đồng đội. Và, đến hôm nay, kỷ niệm về những chuyến tàu vượt biển đầy gian khó ấy vẫn còn nguyên vẹn trong trí nhớ của ông. Đó là lần chiếc tàu gỗ mang số hiệu 41 bị địch phát giác khi ông và đồng đội đang chở vũ khí từ bến Đồ Sơn, Hải Phòng cập bến Lộc An vào cuối năm 1963.

Để tránh vòng vây dày đặc của địch và máy bay trinh sát ráo riết quần thảo, ông đã mưu trí treo cờ ba que, phơi lưới trên boong tàu và trà trộn với tàu đánh cá của ngư dân để đưa con tàu cùng hơn 20 tấn vũ khí cập bến an toàn. Ngay sau đó, tất cả vũ khí được nhanh chóng trang bị cho các đơn vị chủ lực, góp phần không nhỏ vào chiến thắng Bình Giã.

Một lần khác vào năm 1972, con tàu mang số hiệu 56 do ông làm thuyền trưởng nhận nhiệm vụ chở 50 tấn vũ khí vào đảo Cô Công, vịnh Thái Lan (Campuchia). Để đưa được chuyến hàng cập bến an toàn, tàu 56 phải vượt biển Đông qua vịnh Thái Lan, nhiều lần thay đổi màu sơn ngay trong đêm tối và lợi dụng nước biển để giấu hàng tránh sự phát hiện của địch. Nhờ sự mưu trí, can trường ấy mà con tàu 56 cập bến an toàn.

5 năm đối mặt với sóng, với gió – 15 năm chiến đấu dưới mưa bom, bão đạn, ông Nguyễn Sơn đã cùng đồng đội vận chuyển thành công hơn 150.000 tấn vũ khí, trang thiết bị và đưa hàng chục ngàn lượt cán bộ từ miền Bắc chi viện kịp thời cho chiến trường miền Nam. Đáng nhớ nhất là lần ông Nguyễn Sơn nhận nhiệm vụ trực tiếp đưa 2 đồng chí lãnh đạo của Đảng là đồng chí Võ Văn Kiệt, lúc bấy giờ là Bí thư Khu uỷ Khu 9 từ căn cứ A2 (thuộc đảo Hải Nam, Trung Quốc) về Cà Mau và đồng chí Lê Đức Anh, Tư lệnh Quân khu 9 từ Cà Mau ra miền Bắc an toàn.

Đất nước thống nhất, ông Nguyễn Sơn và các chiến sĩ thủy thủ của Đoàn tàu Không số gia nhập lực lượng Hải quân Việt Nam. Với chức vụ tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn 2 thuộc Trung đoàn 962 Hải quân, ông và đồng đội tiếp tục chiến đấu giải phóng vùng biên giới phía Nam.

Hải Âu
.
.
.