'Đại phẫu' cho căn bệnh lười đọc

Thứ Sáu, 31/07/2015, 19:00
Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch vừa tổ chức hội thảo góp ý dự thảo đề án Phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng giai đoạn 2015-2020, định hướng 2030. Dự kiến kinh phí của dự án là 230 tỷ đồng. Việc làm này được cho là một cú hích, một sự "giải cứu" cần thiết để vực dậy căn bệnh lười đọc sách bấy lâu nay trong xã hội. Tuy nhiên, để khuyến khích mọi người chăm đọc sách, việc cung cấp sách thôi là chưa đủ.

Một quan chức ngành văn hóa lo ngại, hình ảnh bắt gặp bất cứ nơi công cộng nào, dù trẻ con hay người lớn, đều là hình ảnh lúi húi với chiếc điện thoại hoặc ipad trên tay. Hiếm hoi lắm mới có người cầm cuốn sách, như một cách tiêu dùng thời gian vào những phút không phải lo lắng công việc. Công nghệ đã phủ sóng từ thành thị tới nông thôn, miền núi. Ngỡ như người ta chỉ cần một chiếc điện thoại trên tay là sở hữu toàn thế giới.

Thực tế chúng ta thấy, thời gian đọc của một người một ngày không phải là ít. Giới trẻ thì đa phần trên mạng từng phút, từng giờ. Một người nông dân cũng biết chơi facebook hay lên mạng tìm kiếm những thông tin. Vấn đề đặt ra là, họ đã đọc những gì và thực sự những thứ họ đọc có cần thiết và bổ ích cho cuộc sống tinh thần, cuộc sống lao động sản xuất của họ? Họ đang ăn những thức ăn bổ dưỡng hay độc hại cho trí não, thông qua việc đọc?

Sách là nền tảng của tri thức.

Thực tế ở nông thôn hiện nay không có nhiều sách. Thư viện các làng xã thường lèo tèo mấy cuốn sách, và bụi phủ nhiều lớp vì lâu không có người đọc. Chế độ đãi ngộ đối với đội ngũ thủ thư không được tốt, khiến họ chẳng mấy mặn mà với sách. Cho nên, việc kích thích văn hóa đọc phải bắt đầu từ hạ tầng cơ sở.

Đề án đầu tư cho văn hóa đọc cần phải được bắt đầu từ việc xây lại các trụ sở thư viện một cách hệ thống từ xã tới huyện, tỉnh. Một không gian riêng biệt cho văn hóa đọc, đủ rộng, yên tĩnh, sạch đẹp, thoáng mát sẽ là điều kiện để thu hút người dân tới đọc sách. Tôi đã từng đến một vài thư viện cấp xã. Gọi là thư viện cho vui, nhưng thực ra chỉ là những căn phòng rất nhỏ, ánh sáng không đủ để đọc, bàn ghế thì ẩm mốc. Điều kiện đó không đủ tiêu chuẩn cũng như sức hút với những người yêu sách, nhất là các em học sinh. Việc đọc phải được chăm chút như một niềm vui, niềm hứng thú. Phải tạo ra niềm vui, niềm hứng thú đó thì người đọc sẽ dần yêu sách.

Việc quan trọng nữa là kỹ năng đọc sách. Hướng dẫn các kỹ năng chọn sách và đọc sách cho người đọc là rất cần thiết. Các em học sinh phải được dạy ngay trong nhà trường về lợi ích của đọc sách cũng như việc đọc gì để phù hợp với lứa tuổi của mình.

Quan tâm văn hóa đọc không thể nói chung chung mà cần thiết phải có sự phân tầng người đọc rõ rệt. Chẳng hạn, hệ thống thư viện ở thành thị và hệ thống thư viện ở nông thôn phải có cách tổ chức khác nhau, phù hợp với nhu cầu và tâm lý đọc của các đối tượng đọc sách khác nhau. Sách ở nông thôn thực sự đang là vấn đề. Người nông dân đang rất cần có nhiều sách hơn để đọc, đặc biệt là những sách liên quan đến đời sống sản xuất, chăn nuôi của họ.

"Sách" ở đây bao gồm cả sách in và sách điện tử e-book. Hiện đại hóa thư viện, nghĩa là người dân dù thành thị hay nông thôn, miền núi đều có thể tiếp cận với sách điện tử để bắt kịp xu hướng văn hóa đọc của nhân loại là cần thiết.

Việc khó khăn không kém nữa là phải bằng mọi cách tạo ra, nuôi dưỡng thói quen đọc sách cho người dân. Dự án hàng trăm tỉ đồng sẽ thất bại nếu không tạo ra một thói quen đọc sách trong toàn xã hội. Làm sao để con trẻ yêu sách hơn, lựa chọn đọc sách chứ không chỉ tiêu tốn thời gian lên mạng đọc những thứ vô bổ, thậm chí là độc hại. Làm sao để người nông dân tìm đến sách như tìm đến một công cụ hỗ trợ đắc lực cho những vấn đề đời sống của họ, đặc biệt trong lao động, sản xuất. Làm sao để người dân miền núi hay vùng sâu, vùng xa dễ dàng có sách để đọc hơn, hiểu biết hơn về kiến thức pháp luật, đời sống cũng như kỹ năng trồng cây, nuôi gia súc.

Rèn luyện thói quen đọc sách có khi còn quan trọng hơn cả việc cung cấp sách. Vì sách thì có thể mua, nhưng kỹ năng thì cần thời gian, sự kiên trì. Theo đó, những người có vị trí quan trọng hơn phải làm một tấm gương cho việc đọc. Trong gia đình cha mẹ phải đọc sách nhiều hơn, làm gương cho con. Ở trường, các thầy cô phải đọc sách nhiều hơn, làm gương cho học trò. Ở cơ quan, người lãnh đạo phải đọc sách nhiều hơn, làm gương cho cấp dưới của mình.

Ở địa phương, cán bộ phải đọc sách nhiều hơn, làm gương cho nhân dân. Báo chí truyền thông cần sự tuyên truyền, phản ảnh nhiều hơn những điển hình của văn hóa đọc. Nên chăng hình ảnh một người cầm điện thoại hay ipad nơi công cộng được thay bằng hình ảnh một người cầm sách. Không có sự "làm gương" ấy (mà làm gương một cách thực sự, không màu mè, hình thức) thì hiệu ứng lan truyền thói quen đọc sẽ khó mà được nhân rộng.

Sách là nền tảng tri thức cho mỗi người. Trong tình trạng suy giảm văn hóa đọc hiện nay, một đề án để "kích" văn hóa đọc là vô cùng cần thiết. 230 tỉ đồng và một đề án, nếu làm tốt, thì đó thực sự là một cuộc "đại phẫu" chữa trị căn bệnh lười đọc trong xã hội.

Hội Quân
.
.
.