Viễn cảnh đáng ngại của báo chí in

Thứ Hai, 22/06/2020, 11:25
Những ví dụ về cuộc khủng hoảng ập đến với những tờ báo giấy ở các nước phương Tây thì nhiều. Vào đầu năm 2019, tổ hợp truyền thông DuMont (Đức) đã hoàn toàn đóng cửa màng lưới in ấn của mình và nhiều tờ báo địa phương, trong đó có Berliner Zeitung (ở Berlin), Morgenpost (ở Hamburg), Express (ở Koln) và nhiều tờ báo khác.


Nguyên nhân là cuộc khủng hoảng kéo dài hơn mười năm qua của các báo chí địa phương ở Đức khiến cho ấn lượng của tập đoàn DuMont bị giảm đi 43,5%. Chỉ riêng tờ Express ở Koln trong thời gian đó đã mất đi trên 100.000 độc giả. Ba năm trước, tài sản của nhà xuất bản DuMont trị giá gần 1 tỷ euro, nhưng đến bây giờ họ sẵn sàng bán đi với bất cứ giá nào.

Khủng hoảng sâu sắc

Tạp chí Der Spiegel đã nhận xét, toàn bộ báo chí phương Tây và liên quan với nó là nghề báo đang ở trong tình trạng khủng hoảng sâu sắc. Báo chí in nói chung rất có thể biến mất, tuy nhiên vẫn còn giữ được vị trí nhất định bởi vì truyền thông điện tử hiện thời không thể tạo được sự thay thế xứng đáng.

Mạng giải trí, tin tức BuzzFeed (Mỹ) từ 1.600 nhân viên đã buộc phải sa thải hàng trăm người.

Điều kỳ lạ đã xảy ra nhưng đó là sự thật: những kênh truyền thông phổ biến của Mỹ như BuzzFeed và HuffPost (trước kia là Huffington Post) của Jonah Peretti - một trong những cái tên có tầm ảnh hưởng nhất trong việc định hình không gian thông tin kỹ thuật số - từng cố gắng để tạo ra một ngành báo chí điện tử mới, cung cấp các nội dung giải trí và tin tức với một giọng điệu có sức cuốn hút không có đối thủ và hấp dẫn nhờ mạng lưới 19 văn phòng tin tức trên toàn thế giới và tổng số nhân viên khoảng 1.600 người.

Trang web này có 9 tỷ lượt xem nội dung hàng tháng trên tất cả các nền tảng - nhiều hơn bất kỳ nhà xuất bản nào khác, được 200 triệu người sử dụng mỗi tháng, có giá trị 1,7 tỷ USD, nhưng bản thân cũng lâm vào tình trạng khủng hoảng và buộc phải sa thải hàng trăm nhân viên.

Những tờ báo nghiêm túc như Frankfurter Allgemeine Zeitung thì lâu nay chỉ còn phiên bản điện tử, nơi họ buộc phải cộng sinh với báo chí hạng xoàng. Do ấn lượng báo chí bị sa sút, những nhà báo thượng thặng bị mất đi nguồn thu nhập, trong khi đó, không gian mạng lại tràn ngập những nam nữ bloger có lai lịch khó hiểu. Điều này đang đặt tương lai của nhà báo chuyên nghiệp dưới dấu hỏi.

Hiện thời không ai biết được công thức phải tài trợ cho công việc của tòa soạn, cho những nguồn thông tin chất lượng như thế nào. Khẩu hiệu cũ “tự do báo chí” đang mất đi ý nghĩa trong điều kiện các báo chí in không có được những nguồn tài chính tin cậy, mà không gian mạng đang bị những bloger tự phong là “nhà báo rất tài năng” lấn chiếm.

Một ví dụ nữa về sự khủng hoảng của báo giấy: tòa soạn L'Humanité (Nhân đạo) - cơ quan ngôn luận của đảng Xã hội Pháp, về sau là đảng Cộng sản Pháp, được sáng lập bởi Jean Jaurès (1859-1914) từ trước chiến tranh thế giới thứ nhất, cũng phải đóng cửa.

Tỷ phú Bezos đã đầu tư 250 triệu USD mua lại Washington Post.

Đây là tờ báo lâu đời và là nơi tiến hành công cuộc giáo dục có hệ thống nhất của nước Pháp. Báo L'Humanité được xuất bản hàng ngày, ở thời vàng son, số lượng của nó lên tới 300.000 bản. Tháng 2-2019, lãnh đạo tờ báo đã phải ra tòa vì mất khả năng thực hiện những nghĩa vụ tài chính, trên thực tế cũng là mở đầu cho các thủ tục phá sản.

Ở Mỹ, tờ báo uy tín nhất International Herald Tribune thực tế đã không tồn tại từ năm 2013, khi chỉ còn là một chi nhánh của tờ The New York Times. Còn sống sót và tìm được nhà tài trợ là những tờ báo thật lớn như The Washington Post, The New York Times, Los Angeles Times và The Wall Street Journal.

Có những tờ báo người ta đặt vấn đề không ở lợi nhuận ra sao, mà ở uy tín và sức ảnh hưởng chính trị như thế nào, ví dụ năm 2013, tỷ phú Jeff Bezos, ông chủ Amazon.com đã bỏ ra 250 triệu USD tiền mặt để mua tờ Washington Post. Chỉ những tờ báo như thế mới có thể cho phép mình trang bị một mạng lưới văn phòng đại diện sang trọng ở trong cũng như ngoài nước.

Tạp chí điện tử Slate (Mỹ) nhận xét: cuộc khủng hoảng đụng chạm trước hết đến những báo chí vùng miền đang nối theo nhau biến mất cả ở Mỹ, cả ở Tây Âu. Từ năm 2004 đến nay, ở Mỹ 20% đầu báo địa phương đã đóng cửa, có 900 thành phố bị cắt thông tin mang tính cục bộ do báo chí cung cấp – theo nhận định của Slate – một phần là do lỗi của chính các nhà xuất bản.

Theo làn sóng của sự nổi tiếng (và kéo theo là lợi nhuận khổng lồ) trong 2 thập niên 1970-1980, họ không chịu bỏ tiền vào việc cải tiến báo chí vì đã giành được độc quyền thông tin, kết quả là trước những điều kiện mới và sự phát triển như vũ bão của internet trong những năm 1990, họ đã không có sự chuẩn bị. Báo chí in ra thì được những ô tô hòm chở đến các điểm bán, trong khi báo mạng internet thì đã vào đến tận từng nhà.

Công nghệ khiến tất cả thay đổi

Trước khi có internet, các toà soạn báo sống được không những bằng nghề báo và tin tức, mà còn nhờ vào tiền quảng cáo, thông báo. Tất cả đều đọc trong số này, các thông báo lớn nhỏ, cáo phó… và như thế mang lại lợi nhuận chủ yếu cho tòa soạn. Internet đến, độc quyền của báo chí in cũng như những tin tức địa phương và quốc tế bị xóa bỏ hoàn toàn, dần dần, các ấn phẩm điện tử giành lấy mọi chức năng truyền thông – tin tức online, quảng cáo, chương trình truyền hình và các tiếp xúc xã hội, v.v… Kết quả là chỉ riêng giai đoạn từ năm 2000 đến năm 2008, thu nhập từ quảng cáo của các báo chí in đã giảm tới hơn 60%.

Tổ hợp truyền thông DuMont (Đức) hoàn toàn đóng cửa mạng lưới in ấn.

Ở các nước phương Tây, quá trình này tiến triển với những tốc độ khác nhau. Nước Anh là chúa bảo thủ, nên báo chí giấy vẫn bán được cho đến thời gian gần đây, nhưng ấn lượng có sụt giảm. Tất cả những điều đó đã phản ánh tiêu cực đến chất lượng báo chí: các báo phải giảm ngân sách ở tòa soạn và cả lương bổng của các nhà báo, để tạo nên những tài liệu giàu chất lượng thì sẽ không kinh tế chút nào.

Việc cắt giảm tài chính của các báo dẫn đến hạ thấp chất lượng các bài đăng và theo đó, mất lượng người đọc, sức bán và lượng người đặt trước bị kém đi, gây nên giảm sụt quảng cáo và càng làm cho tình hình tài chính của các tòa soạn thêm gay go.

Phần lớn các nhà quan sát cho rằng việc lấy lại sự hùng mạnh đã có của báo chí in, cũng như việc cứu vãn phần lớn những tờ báo địa phương và ấn lượng nhỏ là điều bất khả thi. Nhưng liên quan đến những thủ lĩnh của truyền thông điện tử như BuzzFeed và HuffPost đang phải đối mặt với những vấn đề và sa thải hàng loạt nhân viên, thì các nhà phân tích bắt đầu nói đến “bong bóng số”.

Tại sao lại gọi như thế? Trong một thập niên gần đây, các nhà đầu tư đã bơm những khoản tiền khổng lồ cho truyền thông điện tử với hy vọng là họ sẽ mau chóng phục hưng trở lại nhờ vào khán giả rộng rãi. Nhưng kế hoạch đó đã không thành sự thực. Tiền thu hoạch từ quảng cáo chảy qua lại giữa các tập đoàn công nghệ như Facebook, Google và Amazon.

Theo thống kê thì 3 mạng này nhận đến 56% quảng cáo. Điều đó đã đẩy các nhà đầu tư xa rời truyền thông điện tử. Họ nhận thấy rằng dù đổ vào đó khoản tiền rất lớn (gần 500 triệu USD) nhưng đã 12 năm nay BuzzFeed vẫn không thấy có lợi nhuận.

Tạp chí Đức Der Spiegel đi đến kết luận: ngành báo chí Tây Âu đang gặp không ít điều bất ngờ tồi tệ: thị trường thông báo, quảng cáo bị đổ vỡ, các báo hàng ngày mất nhiều khách hàng đặt trước, chỉ có không nhiều toà soạn ra được ấn phẩm trên internet mà người đọc sẵn sàng trả tiền. Trong những năm gần đây, nhiều tờ báo phải biến mất, nhiều tòa soạn phải đóng cửa.

Cảm thông với điều đó không chỉ có các nhà báo, mà cả toàn thể các công dân. Trên thực tế, việc kiểm soát tình hình chính trị - xã hội trước các quan chức và bọn tham nhũng sẽ bị yếu hẳn. Song, báo chí chất lượng cao sẽ vẫn được cần đến, do có sự xuất hiện khó ngờ của những mô hình kinh doanh mới mẻ. Bởi vì khi những nhà xuất bản phương Tây già tuổi nhất ấp ủ sự nghiệp báo chí từ đầu thế kỷ XIX, không một ai tin vào thành công của mình, thế mà “kỷ nguyên vàng son” của báo giấy đã kéo dài được 200 năm.

Đăng Bẩy (Theo inosmi.ru)
.
.
.