"Vay nóng" trên mạng: Tự đưa cổ vào tròng

Thứ Tư, 21/06/2017, 09:01
Những năm gần đây, rất nhiều đối tượng cho vay nặng lãi đã sử dụng mạng internet như một cách thức mới, hiệu quả cho việc mời chào "vay nóng", "vay nguội".

Đã có nhiều doanh nghiệp, người dân, học sinh, sinh viên sập bẫy các chiêu dụ dỗ của đối tượng "tín dụng đen". Vay thì dễ, trả thì khó, bao hậu quả khôn lường mà người vay đã phải gánh chịu.

"Sập bẫy" khi vay tiền  trên mạng

Do khó khăn về vật thế chấp, không đủ kiên nhẫn chờ đợi các thủ tục cho vay vốn của các ngân hàng, nhiều cá nhân, doanh nghiệp đã mạo hiểm tìm đến dịch vụ "vay nóng" tại một số "chợ đen" trên internet.

Bên cạnh những người có nhu cầu vay tiền làm ăn chân chính thì không nhỏ những cá nhân cần kíp tiền trong thời gian ngắn để trả nợ bài bạc, chữa bệnh, mua xe, thậm chí để làm đẹp.

Nhận thấy mạng internet là môi trường lý tưởng để đặt "chợ đen", các đối tượng đã rầm rộ quảng cáo khiến không ít người phải xiêu lòng. Hình thức "vay nóng" phát triển rầm rộ trên rất nhiều chợ mạng - hình thức vay ảo mà nợ thật đã khiến không ít người hứng chịu những khoản nợ khổng lồ.

Và khi khoản nợ khổng lồ đè lên đầu thì họ mới nhận ra rằng, vay được vốn "nóng" đồng nghĩa với việc lãi suất cũng rất "nóng", thế rồi họ phải thốt lên rằng "vay nóng" trên mạng chẳng khác nào tự đưa cổ vào tròng.

Wesite thế này chẳng mấy khó khăn để tìm được.

Anh Lê Phúc Lê (thị trấn Trôi, Hoài Đức, Hà Nội), một người từng "vay nóng" rất nhiều trên mạng cho hay, để có 100 triệu đồng đầu tư sản xuất, anh đã phải tìm đến một địa chỉ "vay nóng" qua mạng, với mức lãi thỏa thuận là 9% một tháng. Do một số lý do, anh Lê không thể trả lãi đúng hạn, chủ nợ đã tăng lãi lên gấp đôi.

"Nợ cũ chưa trả được, nợ mới lại đẻ ra. Tôi vay 100 triệu đồng chưa được một tháng mà tiền lãi đã nhảy lên đến gần 20 triệu đồng" - anh Lê than thở.

Tình trạng của anh Lê cũng giống rất nhiều trường hợp khi rơi vào vòng luẩn quẩn. Nợ cũ chưa trả xong đã phải đi "vay nóng" để trả nợ mới. Hiệu quả là việc kinh doanh chưa thấy đâu trong khi nợ ngày càng chồng chất.

Câu chuyện vỡ nợ của anh Bùi Văn Hạc (thị trấn Xuân Mai, Chương Mỹ, Hà Nội) cũng là một bài học cho những người có ý định vay nặng lãi qua mạng internet. Anh Hạc vốn là một tay chơi bời, cờ bạc có tiếng tại thị trấn Xuân Mai, có những đêm đánh bóng đá thắng thua vài trăm triệu là chuyện bình thường.

Tuy nhiên sau những tháng ngày chìm đắm vào đỏ đen, số nợ của Hạc đã lên tới cả tỷ đồng. Vay mượn bạn bè người thân để trả nhà cái không đủ, anh Hạc phải "hỏi thăm" đến những người cho vay nặng lãi trên địa bàn.

Khi số nợ ngày càng khủng khiếp, những chủ nợ tại địa bàn cũng mất lòng tin, vì khả năng chi trả của anh là không có. Trong lúc túng quẫn, anh Hạc lần mò trên mạng và thấy có nhiều nơi cho vay nóng mà không cần thế chấp.

"Tôi nhìn thấy mà như vớ được vàng, bốc máy gọi luôn cho các số điện thoại trên đó. Chỉ cần sổ hộ khẩu, chứng minh nhân dân, hóa đơn tiền điện, bằng lái xe máy… là có thể vay được một khoản kha khá. Không chỉ vay ở một chỗ, tôi sử dụng các giấy tờ khác nhau này vay vài chỗ. Mỗi chỗ cũng chỉ vay vài chục triệu, vậy mà sau đôi ba tháng lãi mẹ đẻ lãi con lên đến ngót 1 tỷ.

Vay nóng trên mạng nhiều chỗ còn lấy lãi mặn hơn cả ở ngoài, nhưng biết làm thế nào khi mà mình đang quá cần tiền?". Do số nợ ngày một nhiều, các chủ nợ liên tục dồn đòi, họ sử dụng đủ chiêu trò khiến anh Hạc phải bán ngôi nhà mặt tiền tại thị trấn Xuân Mai để trang trải.

Hay câu chuyện của anh Nguyễn Văn Toàn (xã Tự Nhiên, Thường Tín, Hà Nội) cũng khiến nhiều người rơi nước mắt. Đang là sinh viên năm thứ 2 tại Đại học Hàng hải, nhà không khá giả nhưng hằng tháng bố mẹ vẫn chu cấp đủ cho Toàn tiền ăn học.

Do đua đòi bạn bè, Toàn sa ngã vào cờ bạc, nợ bạn bè ngày một nhiều hơn. Không còn cách nào khác anh đã lên mạng tìm nơi cho vay nóng để trang trải. Toàn không có gì giá trị ngoài chiếc thẻ sinh viên, anh đặt đó làm tin và vay được 50 triệu đồng.

Chỉ sau khoảng 4 tháng, số tiền Toàn nợ người ta lên tới 80 triệu, do không trả được nên lãi mẹ đẻ lãi con. Không trả được, chủ nợ đã đến tận trường nơi anh đang theo học, Toàn bị đuổi học ngay trong tháng đó.

"Nghĩ lại mới thấy mình quá dại dột, đáng lý ra mình đã ra trường và tìm công việc nhẹ nhàng rồi. Bây giờ phải về quê, lao động chân tay mới thấm thía sự cơ cực để làm ra đồng tiền" - Toàn bùi ngùi nhớ lại.

Không chỉ tiếp cận khách hàng trên mạng, các pano quảng cáo thế này được treo khắp nơi.

Vay dễ như mua rau      

Nhiều người nói, lên mạng vay tiền đơn giản như mua rau ngoài chợ. Quả đúng như vậy, chỉ cần gõ từ khóa "vay nóng" có thể cho ra hàng nghìn kết quả liên quan. Rất nhiều website, forum xuất hiện theo dạng cho "vay nóng" hoặc muốn được "vay nóng", kêu gọi vốn đầu tư… rất nhiều lời mời chào ngọt như mía hiện ra trước mắt.

Một topic trên muare.vn chào: "Tôi đang có nguồn vốn rất rảnh khoảng 5 tỷ đồng. Ai thực sự có nhu cầu "vay nóng" liên hệ nhé, không cần tài sản thế chấp, không cần công ty bảo lãnh.

Lãi suất ưu đãi nhất có thể. Số tiền cho vay từ 10 triệu đến 200 triệu đồng tùy theo nhu cầu và thu nhập của khách". Thời gian cho vay kéo dài từ 12 đến 48 tháng, giải ngân sớm nhất là 3 ngày kể từ khi khách hàng nộp đủ các chứng từ cần thiết.

Không chỉ có website, dân "tín dụng đen" còn sử dụng cả fanpage để tiếp cận khách hàng.

Những lời quảng cáo cho "vay nóng" rất bùi tai, khiến những người cần tiền không thể cưỡng lại được. "Chúng tôi thấu hiểu được những phiền phức mà các bạn đang gặp phải. Các bạn không thể vay tín chấp ngân hàng? Vay qua các trung tâm môi giới? Đều rất phiền phức và phải mất phí, hãy đến với chúng tôi để được tư vấn, những thủ tục vô cùng nhanh gọn…".

Hoặc: "Tôi có nhiều phương thức để bạn có thể vay được số tiền như bạn mong muốn, vay vốn không thế chấp tài sản, vay vốn thế chấp tài sản, vay vốn dự án, kinh doanh, vay vốn tiêu dùng, mua sắm, "vay nóng", mọi thứ bạn cần vay".

Các đối tượng này còn khẳng định có mối quan hệ với một số ngân hàng lớn, để khách hàng lựa chọn việc vay vốn. Có những người còn quảng cáo mình có hàng nghìn tỷ cho vay, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu vay hàng trăm tỷ đồng của các doanh nghiệp.

Tuy nhiên, qua tìm hiểu của phóng viên thì những quảng cáo cho "vay nóng" trên mạng chủ yếu là các cá nhân núp bóng doanh nghiệp, họ đưa ra mức lãi suất cũng rất khác nhau.

Bên cạnh việc quảng cáo ngon ngọt trên mạng thì các đối tượng này còn cho phát tờ rơi, phát tận tay người đi đường hoặc dán khắp các con phố, nơi tập trung nhiều học sinh, sinh viên, công ty… Phần lớn các tờ rơi này rao: "cho vay tiêu dùng", "cho vay không cần thế chấp" và kèm theo số điện thoại, trang web ở phía dưới.

Tuy nhiên, số người quảng cáo cho vay tiền tỷ là không nhiều, chủ yếu là một số cá nhân có vốn nhàn rỗi lập ra những topic mời gọi. Các đối tượng mà những người này hướng tới thường là những sinh viên, công nhân lao động. Những sinh viên con nhà có điều kiện, lại chơi bời là khách hàng béo bở của dân tín dụng đen.

Thủ tục vay tiền cực kỳ đơn giản, nhanh gọn. Người cho vay chỉ yêu cầu giấy tờ: Thẻ sinh viên còn hiệu lực trên 2 năm, chứng minh nhân dân, số điện thoại di động. Mỗi sinh viên có thể vay từ 5 đến 50 triệu đồng.

Tuy nhiên đối với những "ngân hàng tín dụng đen" này, cho "vay nóng" cũng chịu những rủi ro không nhỏ. Khi mà họ không thể thẩm định kỹ người đi vay. Khi cho vay không cần thế chấp chỉ cần có hộ khẩu, hoặc KT3 (giấy tạm trú dài hạn) và giấy xác nhận 3 tháng lương gần nhất. Trên thực tế những loại giấy tờ này hoàn toàn có thể làm giả hoặc mua được.

Theo giới "chợ đen" chuyên lo các giấy tờ thủ tục thì chỉ cần bỏ ra khoảng 4 triệu đồng là có giấy KT3, và chỉ mất vài trăm nghìn đồng là có giấy chứng nhận 3 tháng lương gần nhất. Hoặc rất nhiều người cho "vay nóng" trên mạng gặp phải khách hàng không có khả năng chi trả.

Đến khi đó, những chủ nợ buộc phải tự thân vận động, đòi nợ bằng những cách riêng của mình. Đặc biệt họ không muốn mọi chuyện bung bét và đưa ra pháp luật xử lý.

Anh Lê Công Hồng (Đông La, Hoài Đức, Hà Nội), người có thâm niên lâu năm trong nghề "cho vay nóng" chia sẻ: "Nói chung là rủi ro không phải là nhỏ, nếu như không có máu mặt, không có kinh nghiệm thì không làm được nghề này đâu. Trước đây mở quán cầm đồ, cho vay nặng lãi thì đơn giản hơn chút, mình nhìn thằng nào có khả năng trả hoặc con nhà giàu, lắm tiền nhiều đất mới cho vay. Giờ làm ăn trên mạng kiểu này tuy đông khách nhưng cũng phải hết sức cẩn thận, phải thường xuyên bám sát các con nợ. Nó mà trốn nợ là mình toi".

* Trao đổi về vấn đề trên, luật sư Trương Quốc Hòe, Trưởng Văn phòng Luật sư Interlia cho biết: Hoạt động cho vay nặng lãi là một hoạt động phi pháp chỉ có hoạt động huy động vốn và cho vay của ngân hàng, tổ chức tín dụng mới là hoạt động chính thức, được pháp luật công nhận và cho phép. Bởi ngân hàng đang là một công cụ hữu hiệu giúp cho nền kinh tế quốc dân phát triển và đang giúp cho GDP tăng trưởng hàng năm.

Trong các Điều 476, Điều 479 của mục 4: Hợp đồng vay tài sản, Bộ luật Dân sự năm 2005 đã quy định rất rõ, ngăn cấm dịch vụ "vay nóng" với lãi suất cắt cổ. Do đó, người cần vay vốn nên thông qua các ngân hàng để được đảm bảo quyền lợi của mình. 

Song Anh
.
.
.