Tự động hóa chiến tranh và bạo lực có thể sẽ diễn ra?

Thứ Tư, 05/03/2014, 15:43

“Ngày nay người ta dễ dàng nhận thấy được một điều: công nghệ đang được tận dụng triệt để và phát triển mạnh mẽ trong tất cả các lĩnh vực. Quân sự cũng không nằm ngoài số đó...”. 

Trong quân sự người ta còn sử dụng những công nghệ tối tân nhất để sản xuất ra nhiều loại thiết bị phục vụ cho chiến đấu. Nhiều người đã biết tới những chiếc máy bay quân sự tàng hình không người lái, những loại tàu ngầm có sức mạnh không tưởng tới những loại vũ khí nhỏ nhưng có sức công phá mạnh mẽ. Thậm chí công nghệ hiện nay có thể phát triển tới việc thay thế những người lính bằng robot. Nhưng công nghệ càng phát triển, con người càng rùng mình khi nghĩ tới những hành vi bạo lực giữa con người với con người, nhưng lại được thực hiện dưới bàn tay của một robot vô tri vô giác.

Robotcop, tạm dịch là Cảnh sát người máy là tựa đề một phim viễn tưởng nhiều người biết đến xuất hiện từ năm 1987. Mới gần đây một đạo diễn đã xây dựng lại phiên bản 2014. Robotcop không còn là một khái niệm quá xa vời, đặc biệt trong sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ quân sự hiện nay. Nhưng bên cạnh việc hiện thực hóa nó còn rất nhiều điều cần nói đến.

José Padilha, đạo diễn của chính bộ phim Cảnh sát người máy làm lại từ bộ phim đầu tiên ra mắt năm 1987, đã phát biểu: “Chúng ta đã có những máy bay không người lái. Việc có những robot chiến đấu là việc sớm thôi” khi ông trò chuyện với một tờ báo trong câu chuyện về tự động hóa bạo lực trong chiến đấu. “Nó sẽ xảy ra, có nghĩa là mỗi quốc gia sẽ phải có luật pháp quản lý và quyết định rằng họ có sử dụng robot cho chiến tranh hay không. Điều đó đồng nghĩa với việc họ sẽ phải có cuộc đàm phán tại Liên hợp quốc và nhận được sự chấp nhận hoặc không chấp nhận về việc này. Đây là một vấn đề thực sự. Nó lớn hơn việc con người săn bắt động vật từ xa, lớn hơn việc sử dụng chiến cơ không người lái”.

Những người lính sẽ được thay thế bằng robot?

Tướng Robert Cone, người đứng đầu Trung tâm điều khiển và đào tạo thuộc quân đội Mỹ nhận định rằng thời đại chiến tranh robot hóa đang đến. Quân đội Mỹ cũng đang tìm cách tạo ra một thế lực nhỏ gọn nhưng nhanh nhẹn, hiệu quả hơn bằng cách thay thế người lính bằng robot và các chiến cơ không người lái. “Tôi đã có những hướng dẫn rõ ràng để suy nghĩ về việc bạn có thể thực hiện một số nhiệm vụ về khả năng cơ động một cách robot hóa trong tương lai của lực lượng”. Vị tướng này đã cho biết trong một Hội nghị chuyên đề hàng không quân đội tại Arlington, bang Virginia. “Có rất nhiều vị trí trong quân đội chúng ta có thể tự động hóa bằng robot hay những đội không người lái và giảm số lượng người tham gia”.

Bộ phim Cảnh sát người máy đầu tiên được sản xuất năm 1987 và vừa qua được đạo diễn Padilha làm lại với một phiên bản mới. Bộ phim miêu tả một cảnh sát trở thành người bị lập trình bằng máy chống lại tội phạm. Là người làm phim, ông cũng nghiên cứu rất nhiều về vấn đề robot hóa trong chiến đấu. “Sự liên kết giữa máy móc, tự động hóa bạo lực và chủ nghĩa phát xít là khá rõ ràng. Điều này đã được đạo diễn Verhoeven, người làm bộ phim Cảnh sát người máy thấy được ngay từ năm 1987. Chính vì vậy, nhân vật Cảnh sát người máy trong phim là người đàn ông tìm cách chống lại những mệnh lệnh của máy móc”, đạo diễn Padilha phát biểu.

Ông cũng trích dẫn một báo cáo gần đây ông đã tìm thấy trên tờ báo Telegraph của Anh Quốc, cho biết tướng Stanley McChrystal, chỉ huy cũ của lực lượng quân đội Mỹ tại Afghanistan đã cảnh báo về mối quan tâm đạo đức của chiến tranh tự động”. Vị tướng này đã trả lời trong chương trình Today của đài BBC rằng: “Có một sự nguy hiểm khi mọi thứ đều dễ dàng và không có nguy cơ hại tới mình, như việc không còn sợ bị trúng đạn khi ra chiến trường. Và nếu những nhiệm vụ đều không còn vướng ngại gì bởi nó đã trở nên dễ dàng thì đó lại chính là điều nguy hiểm nhất”.

“Loại bỏ những người lính khỏi chiến trường cũng đồng nghĩa với việc loại bỏ xung đột lương tâm từ hành động chiến tranh”, đạo diễn người Brazin Padilha bày tỏ quan điểm của mình. “Ý tôi là, Mỹ đã phải rút khỏi Việt Nam vì lính Mỹ đã chết và đó chính là áp lực để chấm dứt chiến tranh. Quân đội Mỹ cũng phải rút khỏi Iraq vì binh lính đã chết. Bây giờ, nếu loại bỏ con người khỏi vị trí người lính và thay thế bằng robot, điều gì sẽ xảy ra?”.

“Hoặc nghĩ về nó theo một cách khác, mỗi người lính, người cảnh sát trong một đơn vị khi tiếp nhận nhiệm vụ có thể nói không, hoặc tranh luận nếu nhiệm vụ thực sự phi lý và bạo lực. Nhưng nếu người cảnh sát là một cỗ máy, sẽ không có bất cứ một phản ứng nào ngoài việc tuân lệnh.” Đạo diễn Padilha có rất nhiều ưu tư trong vấn đề này. Ông nói: “Thậm chí có một cách thứ 3 để suy nghĩ về vấn đề này, đó là tất cả các bộ phận cảnh sát hay quân sự - thủ phạm của tội ác - đã được đào tạo và tẩy não để thực hiện nhiệm vụ”.

Đạo diễn José Padilha.

Mặc dù trong bộ phim của mình vẫn còn chứa rất nhiều cảnh quay khá bạo lực, nhưng không man rợ. “Chúng ta chỉ là những cỗ máy, hay cỗ máy vật lý, hay một điều gì khác trong con người?” - những vấn đề này được đạo diễn bàn luận bằng phim. Và ông cũng muốn tìm câu trả lời khi trong bộ phim, tình yêu của chàng Cảnh sát người máy với gia đình mình đã có thể giúp chính anh ta trở lại thành người và vượt qua được sự điều khiển của máy móc.

“Chúng ta không giải quyết vấn đề của xã hội trên màn ảnh”, đạo diễn Padilha cho biết với bộ phim của mình, con người có thể suy nghĩ về vấn đề đang thực sự diễn ra”.

Công nghệ là những gì con người tạo ra. Luôn có mối quan hệ giữa công nghệ và tự do. Công nghệ có thể mang tới cho con người tự do, có thể giúp con người tiến vào vũ trụ, vượt qua những thứ mà con người đã từng cho rằng không thể. Nhưng mặt khác, công nghệ có thể cướp mất tự do của con người. Chìa khóa mở cửa thiên đường cũng có thể là chiếc chìa khóa mở cửa địa ngục. Tự động hóa chiến tranh và bạo lực là điều hoàn toàn có thể xảy ra. Nhưng chính con người tạo ra chúng sẽ lại chính là nhân tố đấu tranh ngăn cản chúng trở thành tội ác

Hương Mai
.
.
.