Trong 10 năm tới, ASEAN sẽ mất 28 triệu việc làm bởi công nghệ tự hành?

Thứ Hai, 17/09/2018, 11:28
Lực lượng lao động có tay nghề thấp trong ngành dịch vụ và nông nghiệp sẽ bị dịch chuyển nhiều nhất do những phát triển mới như hệ thống định vị toàn cầu, viễn thông, cảm biến thông minh được triển khai một cách hiệu quả hơn.


Theo một nghiên cứu của Cisco và Oxford Economics được công bố chiều 12-9, những đổi mới trong công nghệ Trí tuệ nhân tạo (AI), cùng với sự áp dụng ngày càng tăng của nó sẽ có tác động lớn đến lực lượng lao động trên khắp ASEAN trong một thập kỷ tới. 

Với chủ đề "Công nghệ và tương lai của việc làm trong ASEAN", nghiên cứu nhấn mạnh rằng những đổi mới trong công nghệ số sẽ mang lại những cơ hội lớn cho các nền kinh tế ASEAN, giúp tăng năng suất và thịnh vượng. 

Việc áp dụng rộng rãi các công nghệ hiện có cùng với những tiến bộ trong việc sử dụng AI thông qua phần mềm, phần cứng hay robot sẽ giúp giảm chi phí hàng hóa và dịch vụ, thúc đẩy nhu cầu và tạo ra hàng triệu việc làm mới. Nghiên cứu cũng dự đoán rằng trong thời kỳ này, một số ngành sẽ có sự gia tăng lao động lớn bao gồm: bán buôn và bán lẻ (1,8 triệu); chế tạo (0,9 triệu); xây dựng (0,9 triệu) và vận chuyển (0,7 triệu). 

Việc áp dụng trí tuệ nhân tạo trong sản xuất sẽ khiến ASEAN mất đi nhiều việc làm.  

Tuy nhiên, sẽ có một sự thay đổi rõ rệt trong thị trường lao động khu vực bởi các việc làm đòi hỏi tay nghề thấp sẽ bị xóa bỏ. Theo nghiên cứu, với mức tăng năng suất từ việc áp dụng công nghệ hỗ trợ AI thì đến năm 2018, 6 nền kinh tế lớn nhất ASEAN sẽ mất đi khoảng 28 triệu việc làm (tương đương với hơn 10% lực lượng lao động hiện tại). 

Lực lượng lao động có tay nghề thấp trong ngành dịch vụ và nông nghiệp sẽ bị dịch chuyển nhiều nhất do những phát triển mới như hệ thống định vị toàn cầu, viễn thông, cảm biến thông minh được triển khai một cách hiệu quả hơn. 

Việc tái cơ cấu việc làm so với tổng số nhân lực hiện tại cũng sẽ rất cao, đặc biệt là trong các nền kinh tế công nghệ tiên tiến nhất. Trong đó Singapore sẽ có tác động lớn nhất với 21% số lao động bị ảnh hưởng. Nhưng, cắt giảm mạnh mẽ nguồn nhân lực cho phép các doanh nghiệp tận dụng các cải tiến và thành tựu có sẵn. 

Việt Nam và Thái Lan là hai quốc gia tiếp theo với tỉ lệ lao động bị ảnh hưởng lần lượt là 14% và 12%. Hiện tại, mặc dù một số lượng lớn việc làm ở Indonesia, Malaysia và Philippines cũng sẽ được cắt giảm song những tác động ở các nước này được cho là nhỏ hơn bởi cấu trúc của thị trường lao động mỗi quốc gia khác nhau.

Nghiên cứu cũng dự đoán rằng trong khoảng thời gian 10 năm tới, các tác động cạnh tranh của việc thay đổi cơ cấu việc làm và sáng tạo sẽ bù lấp cho nhau. Các công việc mới sẽ được tạo ra ở những nơi khác nhau. Như vậy, khoảng 6,6 triệu lao động tại 6 nền kinh tế lớn nhất ASEAN sẽ cần phải thích ứng và trau dồi nhiều kỹ năng hơn để duy trì được việc làm hiệu quả trong thị trường lao động đang phát triển như hiện nay. 

Đáng chú ý là 41% trong số những người bị mất việc là những người thiếu hụt kỹ năng về CNTT. Gần 30% người trong số đó thiếu kỹ năng tương tác cần thiết cho việc tìm kiếm công việc trong tương lai như đàm phán, thuyết phục, kỹ năng dịch vụ và chăm sóc khách hàng. Hơn 25% người thiếu kỹ năng cơ bản như học, đọc, viết và những kỹ năng quan trọng khác trong sự phát triển của thị trường lao động ASEAN.

Naveen Menon, Chủ tịch khu vực Đông Nam Á của Cisco cho biết: "ASEAN đã làm rất tốt công việc của mình trong vòng 10 năm qua. Việc sở hữu lực lượng lao động lớn, cùng với các doanh nghiệp và nhu cầu của người tiêu dùng đòi hỏi việc áp dụng các công nghệ mới phải được mở rộng hơn nữa. 

Tuy nhiên, ngoài tập trung vào đầu tư công nghệ thì cũng phải tập trung vào đào tạo để đảm bảo rằng sự phát triển sẽ giúp đất nước không bị thụt lùi lại phía sau và người lao động cũng không bị bỏ lại". Những đòi hỏi như vậy, theo Naveen Menon, yêu cầu tất cả các bên liên quan bao gồm doanh nghiệp, chính phủ và các nhà tri thức phải làm việc cùng nhau để đảm bảo rằng lực lượng lao động hiện tại và tương lai của khu vực đang cải thiện những kỹ năng cơ bản cần thiết. 

Trong một tương lai số, nơi tất cả mọi người đều có quyền truy cập và sử dụng chung một nguồn dữ liệu thông tin thì những kỹ năng như giải quyết vấn đề, thiết kế, làm việc nhóm... chính là điểm tạo ra sự khác biệt giữa ranh giới việc làm. 

Đồng thời, nghiên cứu của Cisco và Oxford Economics đã đề xuất một loạt phương pháp đào tạo, bao gồm cam kết về đào tạo nghề, các khóa học trực tuyến, linh hoạt hơn về kinh doanh, chia sẻ kinh nghiệm và các kỹ năng cần thiết trong những thập kỷ tới.

H.Chi-L.Đan.
.
.
.