Tranh cãi về người thay thế Thẩm phán Ruth Bader Ginsburg tại Tòa án Tối cao Mỹ

Thứ Năm, 24/09/2020, 08:33
Ngày 18-9-2020, Tòa án Tối cao Mỹ thông báo thẩm phán Ruth Bader Ginsburg, người được nước Mỹ ví là biểu tượng của công lý và quyền bình đẳng, đã qua đời ở tuổi 87 vì ung thư tụy.


Sự ra đi của bà Ginsburg khiến cuộc đua ghế Tổng thống Mỹ năm nay càng trở nên căng thẳng, bởi đảng Dân chủ hy vọng sẽ giữ được ghế của nữ thẩm phán theo khuynh hướng tự do này nếu ông Joe Biden giành chiến thắng. Trong khi đó, đảng Cộng hòa cũng muốn giành ghế này cho một thẩm phán theo khuynh hướng bảo thủ trong nhiệm kì thứ hai của Tổng thống Donald Trump.

Nữ luật sư có nghị lực phi thường

Joan Ruth Bader (tên thời con gái của bà Ruth Bader Ginsburg) sinh ngày 15-3-1933 tại khu vực Flatbush, Brooklyn, New York và là con của cặp vợ chồng người Do Thái nhập cư.

Năm 1954, Joan Ruth Bader tốt nghiệp Đại học Cornell và kết hôn với ông Marty Ginsburg, rồi đổi tên thành Ruth Bader Ginsburg. Khi mang thai con đầu lòng, bà Bader Ginsburg đã bị giáng chức tại Văn phòng an sinh xã hội. 

Ở thập niên 50 của thế kỷ trước, việc phân biệt đối xử với phụ nữ mang thai vẫn khá phổ biến. Điều này đã khiến bà Bader Ginsburg che giấu hoàn toàn lần mang thai thứ hai.

Năm 1956, bà Bader Ginsburg là một trong 9 phụ nữ đăng ký vào học tại Trường Luật thuộc Đại học Harvard. Sau đó bà chuyển sang Trường Luật Columbia tại New York. 

Dù nằm trong nhóm có thành tích cao nhất lớp nhưng bà Bader Ginsburg lại gặp khó khăn trong tìm việc vì các công ty luật tại thành phố New York khi đó chần chừ không tuyển dụng bà bởi xuất thân là phụ nữ, đã có con và gốc gác người Do Thái.

Thẩm phán Tòa án tối cao Mỹ Ruth Bader Ginsburg.

Năm 1963, bà Bader Ginsburg trở thành giáo sư tại Trường Luật Rutgers năm và là người đồng thành lập dự án Quyền Phụ nữ tại Liên đoàn Tự do Dân sự Mỹ (ACLU). Năm 1973, bà Bader Ginsburg nhận trọng trách là người đứng đầu bộ phận pháp lý của ACLU. 

Năm 1980, bà Bader Ginsburg được bổ nhiệm vào Tòa án quận Columbia. Năm 1993, Tổng thống Bill Clinton đề cử bà Bader Ginsburg vào Tòa án Tối cao. Từ đây, bà Bader Ginsburg chính thức trở thành người phụ nữ thứ hai được bổ nhiệm vào Tòa án Tối cao Mỹ.

Bà đã đưa ra những phiếu bầu quan trọng trong các phán quyết mang tính bước ngoặt đảm bảo quyền bình đẳng cho phụ nữ, mở rộng quyền của người đồng tính và bảo vệ quyền phá thai. 

Ginsburg là người theo chủ nghĩa tự do, được coi là đối thủ cứng rắn đối với Tổng thống Mỹ Donald Trump. Bà thường xuyên lên tiếng chỉ trích ông chủ Nhà Trắng, từng khẳng định "không muốn nghĩ tới" những ảnh hưởng của Trump với Tòa án Tối cao Mỹ.

Biểu tượng của công lý và bình đẳng

Đầu tháng 11-2018, bà Bader Ginsburg phải nhập viện do ngã tại văn phòng. Thông tin này khiến nhiều người dân Mỹ lo lắng. Khi nhập viện, bác sĩ chẩn đoán bà Bader Ginsburg gãy 3 xương sườn. Lập tức cộng đồng mạng xã hội tại Mỹ đã cập nhật thông tin và gửi lời chúc sức khỏe tới người phụ nữ 85 tuổi. 

Thời điểm đó, người dẫn chương trình truyền hình nổi tiếng Jimmy Kimmel đã khẳng định cần phải bảo vệ nữ thẩm phán Bader Ginsburg bằng mọi giá. Ngày 9-11-2018, bà Ginsburg đã xuất viện về nhà nhưng công chúng Mỹ vẫn lo lắng về sức khỏe của nữ thẩm phán này.

Sở dĩ công chúng Mỹ quan tâm tới bà Ginsburg là bởi thẩm phán này đã trở thành một biểu tượng. Đồng tác giả cuốn sách mang tiêu đề "Notorious RBG" Irin Carmon cho biết: "Ngay cả khi đã 85 tuổi, bà ấy vẫn bám trụ với cam kết về công bằng và bình đẳng. Chúng ta không có nhiều cá nhân như bà ấy".

Vì vậy khi thông tin bà Ginsburg qua đời, nhiều  người đã bày tỏ nỗi tiếc nuối. Chánh án Tòa án Tối cao John Roberts khẳng định: "Đất nước chúng ta đã mất đi một nhà luật học có tầm vóc lịch sử. Chúng tôi tại Tòa án tối cao đã mất đi một người đồng nghiệp đáng kính. 

Hôm nay, chúng ta thương tiếc để tang, nhưng với niềm tin rằng các thế hệ tương lai sẽ nhớ đến bà Ruth Bader Ginsburg như chúng tôi đã biết về bà ấy, một người đấu tranh không mệt mỏi và kiên quyết cho công lý".

Biểu ngữ kêu gọi không bổ nhiệm người thay thế bà Ginsburg cho đến khi tổng thống mới nhậm chức phía trước Tòa án Tối cao Mỹ.

Bà Ginsburg được ví như biểu tượng của công lý và quyền bình đẳng tại nước Mỹ, sau nhiều năm hoạt động không biết mệt mỏi nhằm thúc đẩy, bảo vệ quyền lợi của phụ nữ và người thuộc giới tính thứ ba.

Một trong những vụ việc quan trọng đầu tiên của bà Bader Ginsburg tại Tòa án tối cao là thay đổi chính sách chỉ nhận nam giới tại Viện Quân sự Virginia. Nữ thẩm phán Ginsburg khẳng định không có luật hoặc chính sách nào được từ chối cơ hội của nữ giới trong tham gia và cống hiến cho xã hội dựa trên năng lực cá nhân của họ.

Sau này, hình ảnh bà Ginsburg ngày càng trở nên phổ biến với công chúng Mỹ khi một sinh viên trường luật tạo tài khoản mạng xã hội Tumblr dành riêng cho bà với tên Notorious RBG. Từ đây, bà Ginsburg trở thành hiện tượng với thế hệ phụ nữ trẻ tuổi. Thậm chí phong cách thời trang của nữ thẩm phán Ginsburg cũng được công chúng ghi nhận và học hỏi.

Thượng nghị sĩ Charles Schumer ca ngợi bà Ginsburg là "người khổng lồ trong lịch sử của Mỹ, một nhà đấu tranh cho công lý, một người tiên phong cho phụ nữ". Thượng nghị sĩ Lindsey Graham, một đồng minh thân cận của Tổng thống Trump, cũng cho biết ông đánh giá cao những cống hiến của bà Ginsburg và coi bà là "người tiên phong". 

Cựu Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton ca ngợi bà Ginsburg đã mở đường cho rất nhiều phụ nữ, trong đó có cả bà và sẽ không bao giờ có một người khác giống như bà Ginsburg.

Sẽ có một thẩm phán nữ thay bà Ginsburg

Thẩm phán Ruth Bader Ginsburg là thành viên lớn tuổi nhất của tòa án và có thời gian giữ chức lâu thứ hai trong số các thẩm phán hiện tại. Bà là người phụ nữ thứ hai trở thành thẩm phán Tòa án Tối cao Mỹ, sau Sandra Day O'Connor, người được bổ nhiệm 12 năm trước đó. 

Gia đình cho biết chỉ vài ngày trước khi qua đời, bà Ginsburg nói rằng không muốn người thay thế bà ở Tòa án Tối cao được bổ nhiệm trước khi nước Mỹ có tổng thống mới.

Hai nữ thẩm phán Barrett (trái) và Lagoa được xem là ứng viên sáng giá cho một vị trí còn trống tại Tòa tối cao Mỹ.

Cũng phải nói qua về cơ chế bổ nhiệm thẩm phán tại Toà án Tối cao Mỹ. Tòa án Tối cao Mỹ là toà án liên bang cao nhất tại Mỹ, có thẩm quyền tối hậu trong việc giải thích Hiến pháp Mỹ, và có tiếng nói quyết định trong các tranh tụng về luật liên bang, cùng với quyền tài phán chung thẩm (có quyền tuyên bố các đạo luật của Quốc hội Mỹ và của các Viện lập pháp tiểu bang, hoặc các hoạt động của nhánh hành pháp liên bang và tiểu bang là vi hiến).

Là định chế quyền lực cao nhất của nhánh tư pháp trong Chính phủ Hoa Kỳ, Tòa án tối cao là tòa án duy nhất được thiết lập bởi Hiến pháp. Tất cả tòa án liên bang khác được thành lập bởi Quốc hội. 

Đa số các trường hợp được đem ra trước Tòa án tối cao là các vụ kháng án, chuyển đến từ các toà tối cao tiểu bang hay các toà liên bang. Bổ nhiệm thẩm phán cho toà tối cao là một quy trình mang nhiều yếu tố chính trị và luôn luôn gây tranh cãi. Cơ quan này hiện có 9 thẩm phán, là những người được bổ nhiệm trọn đời, nghĩa là họ chỉ bị thay thế khi qua đời hoặc chủ động nghỉ hưu. 

Số lượng 9 thẩm phán đã được xác lập từ năm 1869, dù nó có thể bị thay đổi bởi Quốc hội. Tiến trình bổ nhiệm bắt đầu khi một thẩm phán qua đời, từ chức, về hưu hay bị bãi nhiệm vì bị luận tội và bị kết án (điều này chưa bao giờ xảy ra).

Như một quy luật, tổng thống sẽ đề cử vào Tòa án tối cao những người đồng quan điểm với mình, với ít nhiều nhượng bộ, để bảo đảm sự đề cử sẽ được thông qua tại Thượng viện. Vì vậy, sau khi bà Ginsburg qua đời, Tổng thống Donald Trump sẽ đề cử một ứng viên mới. 

Ứng viên do ông Trump đề cử sẽ được Ủy ban Tư pháp Thượng viện Mỹ phỏng vấn, xem xét trong khoảng 60 ngày về năng lực, tư cách. Thượng viện Mỹ sau đó sẽ bỏ phiếu phê chuẩn. Ứng viên sẽ trở thành tân thẩm phán Tòa án Tối cao nếu được đa số thượng nghị sĩ tại Thượng viện bầu chọn.

Theo Reuters, việc bà Ginsburg qua đời đã trao cho Tổng thống Trump cơ hội bổ sung thêm một thẩm phán bảo thủ khác vào Tòa án tối cao, từ đó đạt được đa số 6-3 với 6 thẩm phán bảo thủ và 3 thẩm phán cấp tiến. Đây được xem là cơ hội giúp ông Trump bồi đắp cho nền chính trị vốn đang chia rẽ của Mỹ.

Ngày 19-9, Tổng thống Donald Trump tuyên bố ông sẽ đề cử một phụ nữ vào ghế trống tại Tòa án Tối cao Mỹ trong tuần sau để thay thế bà Ginsburg. Trước đó, Tổng thống Trump khen ngợi hai nữ thẩm phán làm việc tại các tòa phúc thẩm liên bang, nói rằng họ có thể là ứng viên sáng giá thay bà Ginsburg tại Tòa tối cao. 

Cả hai nữ thẩm phán Amy Coney Barrett (48 tuổi) tại thành phố Chicago (bang Illinois) và Barbara Lagoa (52 tuổi) tại thành phố Atlanta (bang Georgia) đều là những người bảo thủ. Theo giới quan sát, thêm một thẩm phán theo đường lối cánh hữu bảo thủ sẽ tạo lợi thế cho đảng Cộng hòa tại Tòa tối cao.

Tuy nhiên, việc bà Ginsburg qua đời ở thời điểm này đã đã khơi mào cuộc chiến chính trị nảy lửa về việc liệu ông Trump có nên tìm người lấp vào vị trí của bà hay không khi cuộc bầu cử đã đến gần như vậy, với việc bỏ phiếu sớm đã được tiến hành ở một số bang.

Đức Quý (tổng hợp)
.
.
.