Tìm lại mùa xuân

Thứ Ba, 20/10/2020, 10:05
Khi con người ta buộc phải bắt đầu hành trình làm lại từ đầu, thì khái niệm mùa Xuân sẽ mang ý nghĩa mới tinh khôi. Tôi  đến nơi mà con người vì nhiều lí do khác nhau, mà buộc phải trở về vạch xuất phát. Nơi ấy mỗi cá nhân phải có ý chí nghị lực để làm lại từ đầu, tự gây dựng lại mùa xuân của đời mình.


Tôi đến Phân trại Bắc Phong bằng sự e dè, lạ lẫm, không hẳn là háo hức và có chút ngại ngùng. Trong hình dung của tôi, nơi trại giam đầy những lam sơn chướng khí, âm u khuất nẻo nơi rừng già chốn sơn lâm, có những khuôn mặt giang hồ, dữ dằn và tôi đã chuẩn bị sẵn tâm thế đón nhận.

Từ thành phố vào đường rẽ Bắc Phong đúng 13 km. Đón chúng tôi là Phó đội trưởng Bùi Thanh Dương, anh tỏ ra chu đáo nhưng rất chừng mực kín kẽ và vẫn đủ chân tình để trò chuyện với chúng tôi. Thì cũng phải thôi, nghề nghiệp không cho phép quá cởi mở, nhất là đối với nhà văn, nhà báo như chúng tôi. Nghĩ thế và tôi hoàn toàn thông cảm với nghề nghiệp của các anh.

Chừng như thấy câu chuyện bên bàn nước thật khách sáo, xa cách, chúng tôi cùng đi dạo ra sân và mạch chuyện sôi nổi hơn. Những chuyện đời, chuyện người được nói ra, bàn luận, với các cung bậc tình cảm xa xót, tiếc nuối, cảm thông, khiến cho không gian buổi chiều ắng lặng phủ bóng núi trở nên gần gũi ấm áp.

Phân đội trại giam Bắc Phong được chính thức thành lập 1993. Tôi hỏi Dương: “Hồi đó chắc hoang sơ lắm nhỉ?”. Nhà thơ Lê Va – Trưởng đoàn của chúng tôi - xen vào chuyện: “Nhà giam tù và nhà làm việc đều bằng tranh tre nứa lá, chứ đâu được xây mấy tầng khang trang thế này”. Tôi kịp hỏi: “Thế hồi đấy có tù trốn trại không?”. Nhà thơ trả lời: “Không có đâu, chắc hồi đó con người tuy phạm tội nhưng vẫn hiền và lương thiện”. Câu trả lời của nhà thơ Lê Va gợi nhiều suy nghĩ về công việc cải tạo giúp con người tìm về thiên lương của mình.

Nhiều khi để cải tạo, cảm hóa tốt cho phạm nhân, cán bộ chiến sỹ Công an Nhân dân phải “ba cùng” với họ.

Nhà thơ nói tiếp bằng giọng đầy cảm xúc: “Nhưng ở đây chứa đựng một trời kỷ niệm của mình đấy”. Tôi không kịp hỏi một trời kỷ niệm của nhà thơ là những gì, chỉ biết hồi đó anh làm quản lí Trại giam Bắc Phong, còn nay thì làm nhà thơ. Nhưng đừng nghĩ trại giam tù là không liên quan đến thơ, tôi sẽ nói sau.

Dương kể, phân đội Trại giam Bắc Phong có 13 anh em cán bộ chiến sĩ, tất cả đều sống xa nhà, đều coi phân đội như nhà của mình vậy. Nhà Dương ở xã Dũng Phong, vợ ở nhà làm ruộng làm vườn cam và nuôi dạy 2 con gái. Tôi thấy niềm hạnh phúc của Dương trong ánh mắt ấm áp, anh có một hậu phương quá vững chắc.

Nói là thay nhau trực, nhưng hầu hết anh em ít có ngày nghỉ cuối tuần. Bởi vì tuy cuối tuần không có phiên trực nhưng ở nhà phải luôn để điện thoại mở để có lệnh là vào trại luôn, phải luôn luôn trong tâm thế sẵn sàng. Chiến sĩ trẻ nhất Phân đội, trung úy Đinh Văn Đồng (nhà ở thành phố Hòa Bình) nói với tôi: “Thanh niên bọn em thì việc đi về trên dưới 50 cây số là chuyện bình thường thôi, chúng em quen rồi. Có cuối tuần em đi thăm người yêu, nhưng khi trở lại nơi này em thấy thích hơn nhiều so với Hà Nội, em đã quen và yêu nơi này, ở đây thích lắm chị ạ”. Nghe Đồng kể bằng cả đôi mắt ánh lên niềm yêu và tôi tin cảm xúc của Đồng không phải là bồng bột của tuổi trẻ.

Nói thật, đến trại giam, tôi vẫn quan tâm đến trại giam là chính. Tôi được biết ở phân trại này có đủ điều kiện vật chất cho các sinh hoạt văn hóa. Đội phó Dương bảo tôi: “ở đây có 1 sân bóng đá mini, 1 sân bóng chuyền, 1 sân cầu lông, sau buổi chiều làm việc, anh em chiến sĩ và tù nhân cũng cùng chơi thể thao, vui vẻ lắm chị ạ”. Khi chúng tôi ngỏ ý muốn tặng sách cho trại,  Dương tỏ ý tiếc và nói thật là, ở đây có báo Nhân Dân cấp cho đến Phân trại, nhưng chưa xây dựng được phòng đọc, có lẽ sau này, trại sẽ đề nghị lên cấp trên xin 1 phòng thư viện. Nhà thơ Lê Va nói, nếu có thư viện thì hội Văn học Nghệ thuật tỉnh sẽ ủng hộ sách thường xuyên.

Có bóng áo sọc thấp thoáng nơi vườn hoa, chúng tôi chuyển đề tài quan tâm đến những phần đời sau song sắt. Đội phó Dương kể: “Tù giam ở đây là án nhẹ, từ 5 năm trở xuống. Cá biệt có 2 phạm nhân người Mông, chịu án 15 năm, phạm tội  ma túy, là Khà A Cáu và Hàng A Pủa. Cả hai đã chịu án được 8 năm rồi, có nói được tiếng Kinh và tư tưởng cải tạo bây giờ thì tốt lắm rồi. Chứ hồi mới đến trại, hai tù nhân này cũng khiến các anh quản lí vất vả vì không hiểu tiếng nói phong tục văn hóa của họ. May mà trại này có chiến sĩ người dân tộc Mông Sùng A Chính, sinh năm 1998, quê ỏ Pà Cò, phân trại giao luôn cho quản lí 2 phạm nhân người Mông, nay thì tâm lí tù nhân đã bình thường và rất yên tâm cải tạo”.

Trung úy Đinh Văn Đồng thì tâm sự với tôi: “Anh còn trẻ mới ra trường 2 năm, còn thiếu kinh nghiệm thực tế, vì thế việc thuyết phục phạm nhân lớn tuổi, trước kia ngoài xã hội, họ có chức tước, địa vị xã hội, có nhận thức xã hội, trình độ này kia nọ khác, cũng khiến anh không thể tự tin. Nhưng mình cứ theo pháp luật mà thực hiện thôi, và dùng tình cảm để cảm hóa khiến cho họ yên tâm cải tạo. Tuy khó đấy nhưng không phải là không làm được”. Đồng nói và  nở nụ cười trong sáng, hồn nhiên như tuổi trẻ của anh vậy.

Đồng kể với tôi, khi tới Phân trại Bắc Phong làm việc, Đồng rất thích ca khúc Bắc Phong Ca do 1 phạm nhân sáng tác. Đồng không nhớ tên tuổi phạm nhân đó, nhưng Đồng nhớ rất rõ, phạm nhân vì yêu quý anh em trong Phân đội mà sáng tác ca khúc tặng lại anh em cán bộ chiến sĩ trước khi ra trại. Tuy không nhớ tên tác giả nhưng Đồng lại nhớ ca từ bài hát: “Nơi đây cam bưởi ngọt lành/ ngọn gió mơn man làn nước xanh…”. Đồng nói anh rất thích bài hát này và sau này anh cũng muốn làm thơ hoặc viết văn. Tôi nghĩ, sự kỳ diệu của tuổi trẻ là luôn khiến cho người ta tin vào tương lai. Tôi nghĩ Đồng sẽ gắn bó với nơi này và biết đâu sau này Hội Văn học nghệ thuật Hòa Bình lại có thêm hội viên Đinh Văn Đồng?

Mặt trời đã xuống khuất sau dãy núi, Đồng đưa tôi đi thăm dãy chuồng lợn có khoảng 50 con lợn thịt, lợn giống, lợn nái. Con nái mẹ được ở riêng ô chuồng sạch. Chúng tôi rẽ sang khu chuồng dê và chuồng bò, vừa lúc đàn bò và dê được lùa về chuồng. Đồng bảo tôi, tất cả sản phẩm nuôi trồng ở trại đều dùng cải thiện đời sống cán bộ chiến sĩ và phạm nhân.

Thấy chúng tôi, người chăn bò đi chậm và cúi mặt xuống, chừng như không muốn giáp mặt, tôi vẫn thoáng thấy một khuôn mặt già nua, khắc khổ. Tôi ngạc nhiên khi Đồng nói rằng phạm nhân đó còn trẻ, sinh năm 1985, án ma túy. Tôi hiểu sự mặc cảm của họ, khi mà chính họ đã tự tước đoạt tự do của mình.

Vì  Đội phó Thanh Dương có nói nếu muốn gặp phạm nhân thì chúng tôi nên nán lại chiều muộn, tôi háo hức nhận lời, vì cũng muốn gặp cho bài viết có nhân vật. Tôi bị bất ngờ khi anh nhắc đến vụ án nổi tiếng, khiến cả nước đổ về tỉnh Hòa Bình năm trước. Dương kể: “Bác sĩ mà ở tù thì cũng tiếc thật đấy, nhưng ai cũng phải chịu trách nhiệm trước pháp luật chứ? vâng thì trong nhóm đấy có phạm nhân trẻ nhất, cậu ấy còn quá non nớt trước làn sóng dư luận, nên dễ gục ngã, nhưng sau khi đi thi hành án thì hết trầm cảm rồi, bây giờ vui vẻ, béo khỏe ra nhiều, cũng sắp xong án rồi”.

Dương  hỏi tôi có muốn gặp phạm nhân P.Q. D. không, để anh gọi ra, thì tôi từ chối. Thú thật, tôi chưa chuẩn bị tâm thế cho cuộc gặp bất ngờ này. Trước đây tôi đã từng gặp anh vài lần trong các cuộc tiệc tùng sự kiện, vui vẻ và  bia rượu chảy như suối, khi anh còn ở cương vị Giám đốc. Nếu bây giờ gặp lại, tôi không biết nói gì và nhỡ anh lại càng không muốn nói gì thì sao, và trong tình huống này, sự chia sẻ an ủi có cần nữa không? Khi chúng tôi đã yên vị trên xe trở ra thành phố, nhà thơ Lê Va kể rằng có gặp nhân vật “yếu nhân” đó ở bên khu chăn nuôi lợn, đã hỏi han nói chuyện vài câu chia sẻ và thông cảm và cũng chẳng mặn mà gì khi gặp lại người quen, điều dễ nhận thấy nhất là họ rất yên tâm cải tạo. Tôi nhớ mãi lời nói của Đồng lúc chia tay: “Chúng em ở đây phạm nhân và chiến sĩ rất thân thiện, em nghĩ ngoài thực hiện pháp luật, thì mình cần cảm hóa họ bằng tình cảm”.

Chúng tôi yên lặng và tôi nghĩ đến những anh em quen biết khi xưa, nay vướng vòng lao lý, tôi nghĩ họ đã vô cùng may mắn khi được thụ án ở Phân Trại giam Bắc Phong và tôi tin mùa Xuân sẽ luôn ở lại trong thung lũng nhỏ nơi chân núi.

Phan Mai Hương
.
.
.