Tìm kiếm vật liệu thay thế cát để cứu các dòng sông

Thứ Năm, 02/08/2018, 16:00
Nhưng ngoài chuyện nhiều dòng sông bị ô nhiễm, nạn khai thác cát trái phép, thiếu quy hoạch đang dẫn đến tình trạng sạt lở đất.., điều đó đòi hỏi bức thiết phải có chiến lược sản xuất, quảng bá, phát huy những giá trị của cát nhân tạo, giúp cát nhân tạo trở nên phổ biến trên thị trường.


Các dòng sông đã oằn mình nuôi dưỡng những cánh đồng, con người dọc hai bên bờ và cả vẻ đẹp cảnh quan, trầm tích văn hóa lâu đời. Nhưng ngoài chuyện nhiều dòng sông bị ô nhiễm, nạn khai thác cát trái phép, thiếu quy hoạch đang dẫn đến tình trạng sạt lở đất, khiến những bãi bồi, những cánh đồng là bờ xôi ruộng mật của người dân bị trôi sông. 

Chẳng bao lâu nữa sẽ thiếu cát san lấp trên toàn quốc, điều đó đòi hỏi bức thiết phải có chiến lược sản xuất, quảng bá, phát huy những giá trị của cát nhân tạo, giúp cát nhân tạo trở nên phổ biến trên thị trường.

Tôi đã dành nhiều thời gian tìm hiểu về trầm tích văn hóa, đời sống bà con nơi các dòng sông ấy. Ngược lên sông Lô chảy qua Phú Thọ, Vĩnh Phúc, tôi nhận thấy những khúc sông đang "gào thét", chưa một ngày được yên bởi các tàu hút cát liên tục khai thác trong nhiều năm. 

Xuôi vào các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Khánh Hòa, Đắk Lắk… nơi đâu cũng diễn ra nạn khai thác cát trái phép. Ngay sông Hồng, dường như chảy qua địa bàn tỉnh nào thì cũng bị hút lấy cát, khiến đáy sông ngày càng sâu. 

Điều đáng nói hơn, không chỉ đời sống người dân ven sông, trong vùng có khai thác cát bị ảnh hưởng, mà các bãi bồi, nương ngô, ruộng lúa cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Cát nhân tạo của Công ty CP Thiên Nam.

Điều đó chỉ ra rằng việc quản lý nguồn tài nguyên khoáng sản đã không được làm chặt chẽ. Làm việc với các Sở Tài nguyên Môi trường (TNMT) Khánh Hòa, Hưng Yên, Vĩnh Phúc… chúng tôi đều nhận được những ý kiến chỉ ra rằng, đã nỗ lực quản lý, các đơn vị đều có sự phối hợp, thậm chí phối hợp với các tỉnh lân cận có chung dòng sông. Song, việc quản lý đã không được như mong muốn. 

Làm việc với lãnh đạo các Phòng TNMT TP Nha Trang (Khánh Hòa), TP Hưng Yên (tỉnh Hưng Yên), cán bộ chia sẻ những khó khăn của cấp phòng, vừa thiếu người, thiếu phương tiện và không thể kiểm tra độc lập mà phải phối hợp. 

Khi đó sẽ phải tổ chức rất nhiều người cùng đi, "cát tặc" sẽ biết và báo nhau dừng khai thác, như ông Nguyễn Khánh Nguyện, Phó trưởng phòng TNMT TP Nha Trang chia sẻ.

Làm việc với cấp xã, phường, những đơn vị ở gần dân, lắng nghe tiếng kêu cứu của dân và những dòng sông, họ cũng chia sẻ nỗi khó khăn của công tác này. Như ông Phan Bá Khanh, Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Sơn, huyện Anh Sơn (Nghệ An), một điểm nóng của tình trạng khai thác cát, nêu bức xúc: "Dù có đầu tư phương tiện, thì cấp xã không thể nhanh chóng nâng cấp như các đối tượng khai thác trái phép. Thuyền họ chạy nhanh hơn. Thuyền mình chở được vài người, khi phát hiện cũng cực kỳ khó xử lý các đối tượng".

Ngoài ra, quản lý cát sỏi lòng sông còn có sự góp mặt của lực lượng công an, ngành Công thương, ngành Giao thông vận tải… Song những lỗ hổng lớn về quản lý, để xảy ra nạn khai thác trái phép, khai thác thiếu quy hoạch và đánh giá tác động môi trường đã tạo nên sự bất ổn của dòng chảy, của những nếp làng xóm ven sông. 

Thậm chí có vùng ở Hưng Yên trải qua nhiều năm sông Hồng đã làm xóa sổ mất ba ngôi làng. Không chỉ sông đang giận, đang oằn oại xói lở, mà sông đang nói với con người rất nhiều điều về việc cần phải có biện pháp tốt hơn để bảo vệ sông, sinh thái sông ngòi và sâu xa hơn là văn hóa và kết cấu làng xã ven sông.

Theo nhiều chuyên gia, đến năm 2020, Việt Nam sẽ thiếu trầm trọng cát phục vụ cho san lấp. Theo số liệu thống  kê của Viện Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng), nhu cầu sử dụng cát xây dựng trên toàn quốc khoảng 130 triệu m³/năm, nhu cầu cát san lấp khoảng 2,1 - 2,3 tỷ m³ (2016 - 2022), trong khi trữ lượng cát phục vụ cho san lấp đến năm 2020 chỉ còn 2,1 tỷ m³.  

Một giải pháp sâu xa hơn nữa, chính là sử dụng sâu rộng và tăng cường sản xuất cát nhân tạo, làm vật liệu xây dựng thay thế cát tự nhiên. Việc sử dụng cát nhân tạo là biện pháp căn cơ, lâu dài để giải quyết vấn nạn thiếu hụt nguồn cung cát tự nhiên. Ưu điểm của cát nghiền là thành phần hạt đồng đều, có thể chủ động điều chỉnh mô đun và tỷ lệ thành phần hạt theo từng cấp phối vật liệu cho các loại bê tông khác nhau.

Nhiều doanh nghiệp hướng đến những dây chuyển sản xuất cát hiện đại.

Quảng Ninh là một trong những địa phương có tốc độ đô thị mạnh, song lại khan hiếm cát tự nhiên. Tuy vậy, Quảng Ninh lại là địa phương diễn ra nhiều hoạt động khai thác than. 

Lượng đá cát kết thải từ các hoạt động khai thác than tại bãi thải của Tập đoàn công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam là rất lớn và có thể chế biến thành cát nhân tạo sử dụng trong xây dựng. Ngày 29/06/2018, Tỉnh ủy Quảng Ninh đã ban hành Thông báo số 957-TB/TU về việc điều chỉnh Quy hoạch thăm dò, khai thác, sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường và khoáng sản phân tán nhỏ lẻ trên địa bàn tỉnh đến năm 2020 tầm nhìn 2030. 

Thông báo cũng khuyến khích sử dụng cát nhân tạo, đề xuất các giải pháp sử dụng khoáng sản không tái tạo một cách hợp lý; sử dụng khoáng sản sao cho tiết kiệm, vừa phục vụ phát triển kinh tế, ổn định xã hội, vừa bảo vệ môi trường. Đối với công tác quản lý nhà nước cần triển khai đồng bộ các quy định về tài chính trong lĩnh vực khoáng sản, đấu giá quyền khai thác khoáng sản.

Ở một đề xuất khác, Viện Nghiên cứu kinh tế (Bộ Xây dựng), cho hay, hiện cả nước có 20 nhà máy nhiệt điện than, mỗi năm thải ra khoảng 15,8 triệu tấn tro xỉ. Hiện nay tro xỉ chủ yếu được chôn lấp, và ước tính cứ 4 năm thì diện tích dùng để chôn lấp sẽ mất diện tích bằng một xã trung bình. Các nhà nghiên cứu đang tiến hành phân tích, nghiên cứu để có thể biến tro xỉ thành cát nhân tạo, dùng trong xây dựng.

Phải khẳng định, trên thế giới đã có nhiều dạng vật liệu có thể thay thế một phần hoặc toàn bộ cát tự nhiên, trong đó nổi bật như cát nhân tạo, cát nghiền, cát biển hoặc bùn nạo vét, phế thải khai thác đá, khai thác than, xỉ nhiệt điện, phế thải phã dỡ công trình xây dựng. 

Tiến sĩ Tống Tôn Kiên (Đại học Xây dựng) cho biết:  Ở các nước Anh, Pháp, Mỹ, Trung Quốc… đều rất phát triển về cát nghiền từ đá và nhiều nguồn phế thải khác. Ở ta, tính chất, chất lượng của cát nhân tạo, cát nghiền từ đá đã được chứng minh về độ bền vững. 

Cát nghiền có nhiều chỉ tiêu kỹ thuật tốt, thông qua hệ thống máy nghiền nên có chất lượng ổn định, cấp phối hạt dễ khống chế và thỏa mãn yêu cầu chỉ tiêu về kỹ thuật hơn so với cát tự nhiên. Tốt như vậy nhưng người dân vẫn chưa dùng nhiều là vì thói quen. Chúng ta phải thay đổi được thói quen của người dân và các nhà xây dựng.

Đồng quan điểm ấy, lãnh đạo Hội VLXD Việt Nam chia sẻ: Thực tế việc sử dụng cát nhân tạo đã có từ lâu, hầu hết các công trình thủy điện sử dụng hơn 90% cát nhân tạo là cấp phối bê-tông. 

Vụ Vật liệu xây dựng cũng khẳng định, việc sử dụng các nguyên liệu thay thế cát đã được ứng dụng từ 10 năm nay. Điều đó chứng tỏ cát nhân tạo đã được các cơ quan chức năng công nhận về độ bền, chắc, và sự kiên cố của các công trình thủy điện đã chứng minh những tính năng ưu việt của cát nhân tạo.

Vào tháng 4-2018, một hội thảo toàn quốc về cát nghiền thay thế cát tự nhiên đã được tổ chức. Tại đó các nhà khoa học đã nêu ra nỗi bức xúc và áp lực của các dòng sông trước đòi hỏi của nhu cầu cát xây dựng. Trong khi đó, nguồn tài nguyên và vật liệu có thể dùng là cát nhân tạo, cát nghiền ở nước ta hiện nay rất lớn. 

Bởi thế, cần phải làm thay đổi ý thức của người tiêu dùng, các nhà thầu xây dựng, để nhận ra trách nhiệm của mỗi người trong việc bảo vệ sông ngòi, chống ô nhiễm môi trường, giúp cát nhân tạo trở nên phổ biến trong đời sống.

Hiện nay trong cả nước đã có nhiều đơn vị đang tích cực sản xuất vật liệu thay thế là cát nhân tạo, các loại cốt liệu dùng đúc bê-tông, tấm lợp. Như Công ty Cổ phần Thiên Nam (đóng tại Quảng Ninh) đã đầu tư gần 300 tỷ đồng làm dự án sản xuất cát nghiền và vật liệu xây dựng sử dụng nguồn vật liệu từ đá, sỏi với công suất 1.100 tấn/giờ. 

Dù mới đi vào hoạt động chính thức từ tháng 2-2017, song sản phẩm cát nhân tạo và đá cấp phối của doanh nghiệp này đã cung cấp cho nhiều dự án trọng điểm của tỉnh như: Cảng Hàng không Vân Đồn Quảng Ninh đạt cấp 4E; dự án đường cao tốc Hạ Long - Vân Đồn, cầu Cẩm Y và dự án cải tạo, nâng cấp QL18 Hạ Long - Mông Dương, dự án đường cao tốc Cẩm Hải - Vân Đồn. Công ty TNHH Xây dựng Thanh Tuyền là một thí dụ điển hình về sử dụng tro xỉ nhà máy nhiệt điện trong sản xuất các loại vật liệu và cấu kiện không nung.

Ông Vũ Đình Kiên - Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc Công ty Cổ phần Thiên Nam cho biết: Công ty thực hiện Nghị quyết số 46/NQ-CP ngày 09/06/2017 của Chính phủ Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5 năm 2017 "...có các giải pháp sản xuất vật liệu thay thế cát tự nhiên để hạn chế khai thác cát lòng sông; Quyết định số 816/QĐ-UBND ngày 23/3/2016 của UBND tỉnh Quảng Ninh "Về việc ban hành danh mục dự án kêu gọi, thu hút đầu tư của tỉnh Quảng Ninh năm 2016, định hướng giai đoạn 2016-2020", trong đó danh mục đối với lĩnh vực môi trường: "Dự án chế biến cát xây dựng từ nguồn đá vụn trong chế biến đá ryolit, cát kết, cuội sỏi ở khu vực miền Đông và cát kết, cuội kết trong đá thải các mỏ lộ thiên trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh". 

Công ty đã đổi mới sáng tạo đầu tư nhà máy tái chế, chế biến đất đá thải của ngành than thành cát nghiền nhân tạo được cấp Giấy chứng nhận hợp quy sản phẩm: Giấy chứng nhận số QRCM0546/QĐ-CNSPHQ ngày 04/07/2017 đạt Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia QCVN 16:2014/BXD, đã được ứng dụng vào các công trình xây dựng đòi hỏi chất lượng kỹ thuật cao.

Ông Vũ Đình Kiên cũng cho biết, chất lượng cát của Công ty bảo đảm theo tiêu chuẩn quốc gia, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng nhưng lượng tiêu thụ còn chậm do đại đa số người dân, các chủ đầu tư chưa quen với việc sử dụng cát nghiền nên còn tâm lý e ngại. 

Vì vậy, cần có sự đầu tư nghiên cứu khoa học đầy đủ về nguồn gốc và các minh chứng khoa học của việc sử dụng các sản phẩm thu hồi từ đá cát kết; hoàn thiện và cải tiến thiết bị, công nghệ nhằm tăng tỷ lệ thu hồi cát nghiền đạt yêu cầu kỹ thuật nhằm từng bước hạ giá thành sản phẩm nâng cao tính cạnh tranh.

Cát không phải là nguồn tài nguyên vô tận. Sông ngòi cũng không phải là tài nguyên vĩnh viễn giữ được giá trị. Giá trị ấy luôn bị biến đổi bởi dòng chảy của đời sống. Con người chúng ta đã hưởng lợi nhiều từ các dòng sông, cũng đến lúc chúng ta có trách nhiệm hơn trước nguồn tài nguyên đang dần cạn kiện. Chỉ khi nào việc quản lý cát sỏi lòng sông được chặt chẽ, nhiều dự án cung cấp cát nhân tạo được hình thành, mới tránh khỏi tình trạng thất thoát tài nguyên, thất thu thuế, và các dòng sông mới được cứu.

Văn Học
.
.
.