Thiết thực và hiệu quả

Thứ Sáu, 13/05/2016, 14:27
Con bạn học lực khá, nhiều khả năng thi đỗ vào một số trường đại học nhưng vào một ngày nắng lửa, nó tuyên bố xanh rờn với bố mẹ: Con sẽ không học đại học, con muốn học một nghề con yêu thích, con muốn tự lập cuộc sống, bố mẹ đừng ngăn cản con… Không chỉ riêng bạn mà nhiều ông bố, bà mẹ khác khi nghe được điều này hẳn sẽ rụng rời và rồi ra sức thuyết phục để nó thay đổi quyết định của mình.


Với những người trẻ trước ngưỡng cửa cuộc đời, chúng có rất nhiều lựa chọn. Học tiếp đại học sau khi tốt nghiệp THPT chỉ là một trong số những lựa chọn đó. Tất nhiên, học tập luôn mang lại giá trị nhất định và học bao nhiêu cũng chưa đủ, nhưng để lập nghiệp, lập thân thì không phải tấm bằng đại học nào cũng là "cứu cánh". Những người trong cuộc sẽ hiểu rõ nhất điều này, rằng khả năng thực sự của họ là gì, họ đam mê gì và sẽ thành công ở lĩnh vực nào.

Mới đây, Sở Giáo dục - Đào tạo Hà Nội cho biết: kỳ thi THPT quốc gia năm 2016, toàn thành phố có 76.046 thí sinh đăng ký dự thi, trong đó có 16.390 thí sinh chỉ đăng ký thi để xét tốt nghiệp THPT. So với năm 2015, số thí sinh chỉ đăng ký thi tốt nghiệp tăng hơn 5.000 thí sinh.

Minh họa của Lê Tâm.

Thực tế này khẳng định một điều, lượng thí sinh chỉ có nhu cầu xét tốt nghiệp tăng mạnh. Cả phụ huynh và học sinh đã có cái nhìn thực tế hơn về năng lực bản thân và nhu cầu lựa chọn công việc trong tương lai thay cho việc cứ phải cố học để có một tấm bằng đại học.

Con trai của bạn tôi cũng từng theo học một trường đại học danh tiếng ở Hà Nội. Song, đến năm thứ 2, cháu kiên quyết bỏ học, bố mẹ cháu phải nhờ tôi đến thuyết phục cháu quay lại trường vì sợ cháu có những suy nghĩ dại dột. Mọi cố gắng của tôi đều không mang lại kết quả như mong muốn.

Rồi cháu xin một suất học bổng, theo học công nghệ thông tin một trường cao đẳng ở Nhật Bản, chuyên ngành hẹp là đồ họa hoạt hình. Cháu thật sự say mê với ngành học này và kết quả học tập rất tốt.

Ngoài giờ học buổi sáng, chiều và tối cháu làm thêm ở một nhà hàng, tiền lương đủ trang trải chi tiêu. Đến lúc này, bố mẹ cháu mới thở phào vì thấy con mình đã có quyết định đúng đắn.

Một vị hiệu trưởng trường dạy ẩm thực ở Hà Nội trong một lần trò chuyện đã khiến tôi không khỏi ngạc nhiên: Trường tuyển sinh liên tục các khóa, từ bếp căn bản đến bếp chính, bếp chuyên nghiệp quốc tế và bếp trưởng mà vẫn đông học viên. Thời gian học ngắn, học đi đôi với hành, tất nhiên chi phí thấp hơn nhiều so với học đại học và điều quan trọng là sau khi ra trường, 90% học viên có việc làm ổn định tại các khách sạn, nhà hàng.

Thời gian gần đây, trường còn dạy thêm bí quyết nấu một số món truyền thống vùng miền khiến học sinh rất có hứng thú với học tập.

Không chỉ trường ẩm thực trên, những con số của Tổng cục Dạy nghề, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cũng rất lạc quan. Trong 5 năm thực hiện Dự án "Đổi mới và phát triển dạy nghề" được Chính phủ phê duyệt (2011-2015), chất lượng đào tạo nghề đã có những chuyển biến tích cực, công tác tuyển sinh học nghề được hơn 9,1 triệu người, tăng 18% so với giai đoạn 2006-2010.

Rõ ràng, thay đổi quan niệm về học nghề cũng mang lại những hiệu quả thiết thực bởi các em thật sự thoải mái khi mặc chiếc áo vừa người, thấy có động lực để học và gia đình cũng bớt được gánh nặng khi không phải lo lắng việc làm cho các em.

Một mùa thi tuyển lại về. Mong các em sẽ có định hướng và sự lựa chọn phù hợp để không ân hận về những quyết định của mình.

Tuấn Nguyễn
.
.
.