Thắp sáng ước mơ cho huyện đảo tiền tiêu

Thứ Năm, 06/09/2018, 07:20
Dự án điện năng lượng mặt trời tại đảo Bé (huyện đảo Lý Sơn) được xây dựng trên diện tích 2.021m², bao gồm hạng mục hệ thống pin quang điện, công suất 96kW đã thay đổi căn bản cuộc sống người dân ở đây.


Tháng 9 mùa thu, cùng với nắng nhuộm vàng và bãi biển trải dài xanh thẳm khắp đảo Lớn, đảo Bé chào đón những chuyến tàu cao tốc cập cảng, đưa hàng nghìn lượt du khách đến với huyện đảo Lý Sơn (tỉnh Quảng Ngãi) thì đúng vào những ngày Tết Độc lập (2-9) năm nay, ngư dân ở hòn đảo được mệnh danh là "hòn ngọc giữa Biển Đông" còn tự hào kể những câu chuyện làm quà cho du khách, đó là, không chỉ đảo Lý Sơn đã được hòa vào lưới điện quốc gia mà người đảo Bé còn "tự làm ra điện"; chuyện các làng chài đâu chỉ bội thu nhờ tôm cá, mà giờ còn có nhiều hộ khá, giàu nhờ phát triển du lịch. Và độc đáo nhất, là chuyện tuyên truyền ATGT cho du khách của người dân ở huyện đảo Lý Sơn này…

Từ điện thắp sáng ở khắp đảo tiền tiêu

Lý Sơn là một huyện đảo của tỉnh Quảng Ngãi, nằm cách đất liền chừng 15 hải lý, với diện tích gần 10km² và dân số hơn 22.000 người. Đảo Lý Sơn  như bức tranh thủy mặc khổng lồ với một màu xanh biếc phủ khắp núi non, biển cả và cánh đồng tỏi bạt ngàn… 

Nhưng điều làm cho huyện đảo nhỏ bé này trở thành điểm đến thiêng liêng trong trái tim của hàng triệu người Việt chính là những di tích sống động về chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa. Nơi có tinh thần kiên trung bảo vệ chủ quyền Tổ quốc của những ngư dân huyện đảo tiền tiêu trước đầu sóng ngọn gió.

Nhưng ít ai biết đảo Lý Sơn chỉ mới được hòa lưới điện Quốc gia từ năm 2014. Trước đó, tháng 7-1999, tại 2 xã An Vĩnh và An Hải thuộc đảo Lớn, người dân trên đảo chỉ được cấp từ 1 tổ máy phát diesel 340 kW và 2 trạm biến áp phụ tải 160 kVA do UBND huyện Lý Sơn quản lý. 

Tuy nhiên, mỗi xã chỉ được sử dụng điện luân phiên một đêm có, một đêm không, mỗi đêm chỉ có điện từ 4 - 5 tiếng.  Đầu năm 2002, khi tiếp nhận lại hệ thống điện trên huyện đảo, ngành Điện (EVN CPC) đã lắp đặt bổ sung 8 tổ máy phát điện diesel với tổng dung lượng 3.520 kVA. Mặc dù vậy, người dân 2 xã trên đảo Lớn vẫn chỉ được sử dụng điện 6 giờ/ngày vào ban đêm, chủ yếu phục vụ ánh sáng sinh hoạt… 

Với nguồn điện như vậy, đã rất khó để đảo Lớn phát huy tối đa tiềm năng sẵn có cũng như đạt được các mục tiêu về phát triển kinh tế biển đảo... Riêng đảo An Bình (còn gọi là đảo Bé) với 150 hộ với khoảng 500 nhân khẩu thì có nhà máy điện năng lượng mặt trời chỉ mới gần đây thôi…

Nhờ vào sự quan tâm của Nhà nước, vào đúng vào những ngày tháng 9 lịch sử cách đây tròn 4 năm, ngày 28-9-2014, đảo Lý Sơn đã  sáng bừng ánh điện, chính thức hòa vào lưới điện quốc gia. 

Đó cũng là một kỳ tích cho người dân Lý Sơn, bởi nhờ hơn 26km cáp ngầm xuyên biển trị giá trên 650 tỷ đồng từ đất liền ra đảo Lý Sơn do Tổng Công ty Điện lực miền Trung đầu tư … nay huyện đảo Lý Sơn đã có hệ thống điện Quốc gia với khả năng truyền tải công suất lên đến 16,5 MVA. 

Đáp ứng yêu cầu cung cấp điện ổn định, chất lượng phục vụ nhu cầu sử dụng điện cho sản xuất và sinh hoạt, thúc đẩy phát triển kinh tế, nâng cao trình độ dân trí cho nhân dân huyện đảo Lý Sơn. Đặc biệt, đã góp phần giữ vững an ninh quốc phòng, chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Nhà máy năng lượng mặt trời trên đảo Bé ở huyện đảo Lý Sơn.

Nhưng điều đặc biệt và rất thú vị của người dân huyện đảo Lý Sơn, đó là "tự làm ra điện" và dư điện để dùng… Gặp nhiều người dân ở đảo Bé, ai cũng khẳng định: Đời sống thay đổi từ khi có điện 24/24h, nguồn điện này do chính đảo Bé làm ra kể từ ngày 31-8-2017 bằng dự án điện năng lượng mặt trời. 

Dự án điện năng lượng mặt trời tại đảo Bé được xây dựng trên diện tích 2.021m², bao gồm hạng mục hệ thống pin quang điện, công suất 96kW. 

Đặc biệt ở chỗ, thời gian xây dựng, lắp đặt toàn bộ hệ thống cũng thật kỳ tích chỉ trong vòng 70 ngày, rút ngắn đến 200 ngày trước dự kiến nhờ vào quyết tâm hoàn thành sớm cho người dân trước mùa mưa bão của lãnh đạo chính quyền xã đảo và Tổng Công ty Điện lực miền Trung.

Từ khi có điện đã phần nào thắp sáng những ước mơ bao đời của bà con nơi đây. Bởi khi nhà máy điện năng lượng mặt trời đi vào hoạt động và cung cấp điện cho cả xã thì cũng là lúc người đảo Bé được có nước ngọt từ nhà máy lọc nước biển đi vào vận hành… 

Cũng từ nguồn điện đặc biệt này, ở đảo Bé nay xuất hiện ngày càng nhiều xe taxi điện, phương tiện làm du lịch, dịch vụ đang đem lại thu nhập cao cho người dân đảo Bé. 

Anh Trần Thanh Lợi  (50 tuổi) người dân đảo An Bình  khoe rằng: Đảo Bé được thiên nhiên ưu ái với nhiều cảnh đẹp, những bãi cát trắng xóa cùng nước biển trong xanh như ngọc, thủy hải sản phong phú nhưng đó chỉ là những ngày sóng yên biển lặng. 

Nay nhờ có điện, nên ngoài đi biển, đánh cá, dân làng chài chúng tôi nảy ra sáng kiến phát triển kinh doanh du lịch và cũng đáp ứng nhu cầu tham quan đảo cần thiết của du khách. Vậy là, các hộ dân trên đảo, chừng 3 đến 4 nhà là có thể lập thành một tổ, tích góp tiền nhờ các chuyến đi biển trước đó để mua xe taxi điện trị giá từ 100 đến 150 triệu đồng.  

Luân phiên nhau, người nào không đi biển hoặc mất sức lao động nặng thì sẽ trở thành "tài xế kiêm hướng dẫn viên" chở khách du lịch khám phá đảo Bé. Nhờ đó, thu nhập bình quân mỗi hộ gia đình trên đảo Bé thêm khoảng từ 10-15 triệu đồng/tháng"... 

Còn bà Bùi Thị Thuyền (58 tuổi) thì cho biết: Từ khi đảo Bé có điện, bà con không phải qua đảo Lớn xạc bình ắc quy nữa. Giờ khách du lịch ngày càng biết đến vẻ đẹp hoang sơ của đảo Bé và tới càng nhiều. Nhờ vậy, người đảo Bé có cơ hội làm ăn, nhất là phát triển du lịch, homestay… Và hiện hòn đảo tiền tiêu này đang là điểm du lịch hấp dẫn thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước.

Taxi điện, một sáng kiến du lịch đem lại thu nhập cho người dân đảo Bé (huyện đảo Lý Sơn).

Đến chuyện người dân huyện đảo tuyên truyền ATGT cho du khách

Theo tàu từ đảo Bé trở về đảo Lớn, chúng tôi gặp Đại úy Nguyễn Hùng Thành, Đội trưởng Đội Cảnh sát quản lý hành chính GTTT cơ động Công an huyện Lý Sơn khi anh và toàn đội đang tích cực đảm bảo ATGT giữa ngày cao điểm du khách đến đảo vào dịp 2-9. 

Đại úy Thành chia sẻ, Lý Sơn không chỉ phấn đấu là huyện đảo 3 không "Không tội phạm, không ma túy, không tệ nạn xã hội"… mà chính quyền, người dân Lý Sơn còn quyết tâm có thêm 2 không: "Không có bất cứ du khách không đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông và không để xảy ra tai nạn giao thông trên đảo"… 

Đó là nhờ thực hiện tốt công tác tuyên truyền xử lý vi phạm trật tự an ninh đường thủy, đường bộ của chính quyền huyện đảo, lực lượng Công an và quan trọng nhất là sự ủng hộ cùng ý thức chấp hành TTATGT của người dân. 

Có thể thấy, vào mùa cao điểm du lịch vừa qua, hay cả trong dịp nghỉ lễ 2-9 này, dù đảo Lý Sơn đã đón hàng chục nghìn lượt khách du lịch từ đất liền ra tham quan, nhưng số vụ TNGT kể cả đường thủy và đường bộ tỉ lệ rất thấp, có thể nói là đã không xảy ra. Tình hình vi phạm TTATGT trên địa bàn huyện đảo từ đầu năm 2018 đến nay cũng đã giảm triệt để… 

Nhằm đảm bảo an toàn cho du khách, trước đó, Công an tỉnh Quảng Ngãi, mà chủ công là lực lượng Công an huyện đảo Lý Sơn cũng đã chuẩn bị kế hoạch phối hợp kiểm tra, kiểm soát, đảm bảo trật tự ATGT đường thủy, đường bộ góp phần cho những ngày nghỉ lễ an toàn, cho du khách hành hương về quê hương Hải đội Hoàng Sa vào đúng dịp Tết độc lập 2/9 này.

Huyện đảo Lý Sơn trở thành điểm sáng về bảo vệ ANTT của tỉnh Quảng Ngãi nơi đầu sóng ngọn gió.

Quả thật, nếu không trải nghiệm một vòng quanh các con đường, các khu chợ cá đông đúc ngay cầu cảng của đảo Lớn, đảo Bé thì chúng tôi chắc chắn sẽ ngạc nhiên lắm với lời "khẳng định" trên của đồng chí Đội trưởng CSGT đảo Lý Sơn. 

Du khách Hà Dung đi cùng đoàn với chúng tôi những ngày ở đảo Lý Sơn đã kể rằng: Với ý định đi phượt để tham quan chùa Hang, hồ chứa Nước, đỉnh Thới Lới, ngọn hải đăng, hòn Mù Cu, chị Hà Dung đã thuê một chiếc xe máy của nhà dân ngay bên cạnh khách sạn. Bất ngờ cho Hà Dung, khi chị vô tư trèo lên xe và nổ máy định phóng đi thì một cậu bé học sinh chạy đến nhắc nhở: "Cô ơi đội mũ bảo hiểm vào"… 

Đâu chỉ có Hà Dung, dù cứ ngỡ ở trên đảo xa, chỉ có vài con đường "độc đạo" vòng quanh đảo và muốn được cảm giác ngóng gió trời nên không ít du khách "chủ động" bỏ qua mũ bảo hiểm. Nhưng rất lạ, bất cứ du khách nào khi thuê xe máy của nhà dân, câu đầu tiên không phải họ nói về "giá cả" mà là: "Dù trên đảo, nhưng cô, chú nhớ đội mũ bảo hiểm". Và "ở đây tất cả mọi người dân, du khách khi đi xe máy đều phải 100% đội mũ bảo hiểm. Hãy cùng với dân đảo chúng tôi ý thức chấp hành ATGT"…

Chúng tôi còn được biết, huyện Lý Sơn gồm 3 xã, với hơn 22.000 dân, song từ khi thành lập huyện đến nay, nhờ sự sáng tạo trong việc đảm bảo ANTT… nên chưa có vụ trọng án nào xảy ra. 

Những năm qua, xác định công tác bảo vệ an ninh chính trị, TTATXH là mục tiêu quan trọng trong phát triển KTXH ở địa phương, của chính quyền huyện đảo Lý Sơn đã đề ra các Nghị quyết quan trọng trong thực hiện công tác này, nhằm vận động toàn dân đẩy mạnh phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc tại các địa phương, các khu dân cư trong huyện. 

Trong đó, lực lượng Công an là lực lượng nòng cốt trực tiếp tham gia công tác giữ gìn, đảm bảo ANTT ngay tại cộng đồng, khu dân cư. Theo đó, Công an huyện Lý Sơn đã chủ động phối hợp cùng các ban ngành, hội, đoàn thể của huyện và địa phương các xã, các cơ quan, đơn vị đóng quân trên địa bàn… thực hiện có hiệu quả các biện pháp đảm bảo TTATXH, chủ động nắm bắt tình hình, phát hiện, ngăn chặn kịp thời các hoạt động chống phá và các loại tội phạm; tiến hành đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ nhằm hạn chế và giảm tội phạm, kiểm soát được tình hình về ANTT, đảm bảo TTATGT... giúp huyện đảo Lý Sơn trở thành điểm sáng về bảo vệ ANTT của tỉnh Quảng Ngãi nơi đầu sóng ngọn gió. 

Hoài Thu
.
.
.