Tăng cường đảm bảo an ninh trật tự tại các bệnh viện

Thứ Tư, 04/12/2019, 14:58
Thời gian gần đây, những vụ côn đồ xông vào bệnh viện đại náo, đánh các bác sĩ, nhân viên y tế… vẫn liên tiếp xảy ra. Đây là hồi chuông báo động về vấn nạn đội ngũ bác sĩ, nhân viên y tế không được đảm bảo an toàn trong chính môi trường làm việc của mình.


Nhiều vụ hành hung y, bác sĩ

Vụ việc gây bức xúc dư luận khi một điều dưỡng của Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP HCM bị người nhà bệnh nhi hành hung gây thương tích nặng. Theo đó, vào khoảng 21h tối ngày 16-11, bệnh nhi H.T.L (9 tuổi, ngụ quận 6) được cha mẹ đưa đến khoa Cấp cứu, Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP HCM trong tình trạng khó thở, người mệt mỏi.

Sau khi thăm khám, bác sĩ nhận định bé bị hen suyễn nên chỉ định phun khí dung. Sau khi phun khí, sức khỏe bệnh nhi đã khá hơn và được nằm ở phòng lưu bệnh để theo dõi. Bác sĩ ghi nhận tình trạng bệnh nhi L. không có bất kỳ dấu hiệu nặng nào và đưa ra hướng điều trị, sau đó sẽ cho thuốc về nhà điều trị và hẹn tái khám. 

Trong lúc đang ngồi đợi, bệnh nhi tự ý chạy lên giường lưu để ngồi chơi (giường dành cho bệnh nhân cần theo dõi trước khi nhập viện). Vào thời điểm này, phòng lưu rất đông bệnh, để có thể giải quyết giường nằm cho một bệnh nhân nặng mới được chuyển đến nên điều dưỡng trực tên H. mời thân nhân và bệnh nhi L. ra khu vực ghế dành cho bệnh nhân đợi.

Trong lúc điều dưỡng đang giải thích, ông Huỳnh Ngọc C., cha bệnh nhi L., có thái độ bất hợp tác, hăm dọa, xúc phạm và bất ngờ dùng tay đánh vào mặt  điều dưỡng H. Điều dưỡng H. phải nhập viện ở Bệnh viện Nhân dân 115 điều trị. Kết quả chụp CT Sanner, X-quang vùng mặt xác định điều dưỡng H. bị tổn thương vùng đầu mặt (gãy xương hàm).

Một vụ việc khác, tối 26-6-2019, ông Nguyễn Công Lâm (32 tuổi, ngụ TP Biên Hòa) trong lúc nằm đợi vợ sinh tại Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai thì nghe tiếng loa phát thanh thông báo của khoa phát ra tiếng hú khó chịu nên đã đến nói nhân viên y tế tắt loa. Lúc này, nhân viên y tế khoa Sản đã báo cho nhân viên kỹ thuật của bệnh viện lên sửa chữa.

Tuy nhiên, trong lúc đợi nhân viên kỹ thuật lên, Lâm lao vào phòng cấp cứu của khoa Sản lôi kéo và đấm vào mặt bác sĩ Nguyễn Lan Hương (26 tuổi, ngụ TP Biên Hòa)...

Trước đó, vào chiều 26-2, nữ hộ sinh tên Tr. (Bệnh viện Từ Dũ, TP HCM) đi qua Bệnh viện Nhi Đồng 2 họp. Khi đang trong thang máy, nữ hộ sinh Tr. bị một người đàn ông đánh vào mặt chấn thương nặng: bể xương ổ mắt, gãy sống mũi.

Hình ảnh diễn tập trong lúc các bác sĩ thăm, khám thì các đối tượng la hét, đe dọa.

Đảm bảo ANTT tại bệnh viện

Không chỉ hành hung bác sĩ, nhân viên y tế, ở bệnh viện còn tồn tại nhiều vụ việc gây mất ANTT. Theo đó, nhiều người thân của bệnh nhân đã bị một số đối tượng dàn cảnh lấy trộm tiền, tài sản. Điển hình là chuyện cụ bà 80 tuổi Nguyễn Thị Khinh (quê Đồng Nai) bị bọn trộm dàn cảnh lấy cắp 23 triệu đồng vào ngày 27-10.

Khi đó cụ Khinh đang chăm con bị gãy chân ở hành lang Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình TP HCM, một nam thanh niên tiến lại bắt chuyện. Rồi bất ngờ, người này làm đổ cháo lên đầu và dính vào áo quần cụ, sau đó nói cụ đi tắm. Lúc vào nhà tắm, cụ treo chiếc áo lên tường, vừa cúi xuống xối nước thì ai đó đã nhanh tay lấy chiếc áo trong túi có 23 triệu đồng.

Để cải thiện tình hình ANTT và góp phần bảo vệ an toàn cho bác sĩ và nhân viên y tế tại các bệnh viện trên địa bàn thành phố, Sở Y tế và Công an TP HCM đã tổ chức diễn tập phối hợp trong phát hiện, ngăn chặn các sự cố gây mất an ninh, trật tự tại một bệnh viện theo mô hình “Code grey” (hệ thống báo động nhằm phát hiện và giải quyết kịp thời các tình huống cấp bách 24/24h tại bệnh viện - gọi tắt là báo động an ninh khẩn cấp).

Theo đó, tình huống diễn tập là có hai nhóm giang hồ ẩu đả, đánh nhau ở ngoài. Trong lúc hai bên ẩu đả, hai người bị thương được đưa vào Bệnh viện Nhân dân Gia Định. Trong lúc các y bác sĩ đang cố gắng chạy chữa cho nạn nhân thì một nhóm đối tượng trên 10 người, mang theo hung khí, gậy gộc tiếp tục kéo đến bệnh viện truy sát, đại náo.

Ngay sau khi khởi động quy trình Code Grey, chỉ vài phút sau lực lượng Công an có mặt và trấn áp những người mang hung khí, gây náo loại Khoa Cấp cứu, đưa về trụ sở Công an để xử lý.

Theo TS.BS Nguyễn Anh Dũng, Giám đốc Bệnh viện Nhân dân Gia Định, với quy trình này, nhiều sự cố an ninh sẽ được phát hiện sớm và ngăn chặn kịp thời, đảm bảo an toàn người bệnh và nhất là giải tỏa sự lo lắng của nhân viên bệnh viện vì tình hình mất an ninh, trật tự, thậm chí đe dọa cả tính mạng của nhân viên y tế khi đang thực hiện nhiệm vụ chăm sóc bệnh nhân.

Đặc điểm chính của hệ thống phản ứng khẩn cấp là giải quyết sự cố an ninh, trật tự trong bệnh viện, đó là khi kích hoạt Code Grey thì ngay lập tức các lực lượng được phân công nhiệm vụ từ bảo vệ đến các nhân viên chuyên trách an ninh, trật tự trong bệnh viện, cho đến sự chi viện và hỗ trợ kịp thời của Công an địa phương sẽ nhanh chóng có mặt tại hiện trường và ngăn chặn kịp thời các vụ gây rối an ninh, trật tự trong bệnh viện.

Đặc thù Khoa Cấp cứu tại các bệnh viện luôn là nơi “đầu sóng ngọn gió” vì thường xuyên tiếp nhận cấp cứu cả ngày lẫn đêm, không phân biệt đối tượng. Sau khi bệnh viện đưa vào sử dụng hệ thống “Code grey” thì tất cả nhân viên y tế đều cảm thấy an tâm khi có ẩu đả xảy ra bởi vụ việc sẽ được giải quyết nhanh chóng.

Ánh Xuân
.
.
.