Sinh viên Văn khoa

Thứ Ba, 25/08/2020, 14:04
Trước khi trở thành một chiến sĩ Công an, tôi từng có khoảng thời gian ngắn ngủi là sinh viên theo học tại Khoa Ngữ văn của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2.


Suốt những năm học phổ thông, tôi luôn ước mơ trở thành một thầy giáo. Tôi tưởng tượng mình sẽ chải tóc ngôi lệch bóng mượt, đeo kính cận trong veo, mặc áo sơ mi trắng, xách cặp đen khoan thai bước lên bục giảng rồi gật đầu chào và mỉm cười với các học trò của tôi vừa đồng loạt đứng dậy. Và tôi thấy bừng lên trong đôi mắt ngây thơ của các em những khát vọng và hoài bão tuổi trẻ mà tôi mới đi qua. Tôi sẽ bắt đầu giờ văn bằng phấn trắng, bảng đen, và hàng chữ bay lượn với Vợ chồng A Phủ của nhà văn Tô Hoài hay Người lái đò sông Đà của nhà văn Nguyễn Tuân. Tôi sẽ là người truyền cảm hứng để các em cảm thụ được cái hay, cái đẹp của một tác phẩm văn học mà nhà văn đã sáng tác.

Ngòi bút của nhà văn - người thư ký trung thành của thời đại được viết bởi mồ hôi, nước mắt, máu và cả những cay đắng của cõi người đầy thương mến để dâng cho đời nghệ thuật của ngôn từ trác tuyệt. Văn học là nhân học và học văn là học làm người. Tôi may mắn vì được học những thầy cô luôn biết truyền cảm hứng và đam mê. Ước mơ của tôi đẹp đẽ lắm thay. Có những ước mơ trở thành hiện thực và có những ước mơ suốt đời dang dở.

Nghề dạy học luôn là một nghề cao quý (ảnh chỉ mang tính minh họa).

Tôi nhớ năm 2000, sau khi tôi thi tốt nghiệp trung học phổ thông và đang chờ kết quả, bố tôi đưa tôi xuống Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 để ôn thi đại học. Trường mọc giữa một thị trấn heo hút, bò và lợn đi nghênh ngang ngoài quốc lộ. Tôi ở trọ nhà cô Tùng, là cán bộ khoa Sinh học, đó là khu tập thể cho giảng viên nhà trường, cũ kĩ và tồi tàn. Nhà cô Tùng có ba phòng, một phòng cô ở còn hai phòng trống vốn là phòng của hai con gái đi vắng thì cho chúng tôi thuê trọ.

Chúng tôi gồm tôi từ Lào Cai xuống, chị Thương con bác tôi bên huyện Sóc Sơn sang, và hai bạn nữ tên là Vinh ở huyện Yên Dũng và Thanh ở huyện Khoái Châu lên. Chúng tôi là cá chép sắp vượt vũ môn để hóa rồng. Tôi là con trai được ở một mình một phòng, còn ba người con gái ở chung một phòng. Từ cửa sổ căn phòng tôi ở nhìn xuống một cái sân, ở giữa có giếng khơi rất to.

Buổi chiều các anh sinh viên vẫn ra tắm giội nước ào ào, các chị sinh viên ra giặt phơi quần áo trên dây thép sắc màu sặc sỡ. Tôi còn thấy những con chuột lông xù có cái đuôi rất dài chui lên từ nắp cống gần đấy. Người và chuột bước nườm nượp trên mảnh sân rộng. Thỉnh thoảng tôi ngồi học bài nghe tiếng một chị kêu toáng lên vì nhìn thấy chuột hoặc bị một anh giội nước bắn ướt hết người. Bố tôi quen cô Tùng nên dặn tôi không được hỏi về chồng của cô ấy. Bố tôi bảo chồng cô ấy tên là Kiểm, đi xuất khẩu lao động bên Liên Xô, có vợ bé rồi ở lại đấy luôn.

Trong nhà cô Tùng có bàn là, nồi áp suất, chảo nhôm, bếp điện dây "mayso", con lật đật… hẳn là được gửi từ xứ sở bạch dương tít tắp. Trên tường căn phòng tôi ở, có hai chữ K và T được viết lồng vào nhau, đó là tên của chú Kiểm và cô Tùng, và có lẽ căn phòng này trước đây là buồng cưới của cô chú ấy. Cô Tùng đã chuyển phòng ngủ khỏi buồng cưới này từ khi chú Kiểm không về nữa mà vô ý không tháo chữ lồng đi chăng.

Hai con gái của cô chú ấy có tên đệm là tên của chú và của cô. Chị con cả tên là Kiểm Chi, còn chị con út tên là Tùng Lan - hai cái tên thật đẹp và thật lạ. Một chị đã lấy chồng và một chị đang là sinh viên, cả hai chị đều ở dưới Hà Nội. Cô Tùng dáng hao gầy, đôi mắt thâm quầng, mỗi khi cười những nếp nhăn rủ nhau về trên nét mặt thiếu phụ trông thật buồn bã. Không hiểu sao mỗi khi nhìn cô Tùng tôi liên tưởng đến ngọn đèn sắp hết dầu, hoa sen sắp rã cánh.

Hình ảnh đẹp và những lời dạy của thầy cô giáo luôn theo suốt chúng ta đến hết cả cuộc đời.

Cô Tùng mang vẻ đẹp của sự lụi tàn. Có lần tôi hết nước uống chưa kịp đun, sang phòng cô Tùng xin nước, cô Tùng nằm nghiêng trên giường, tóc chảy tràn ra gối. Cô dậy búi tóc rồi đi lấy nước cho tôi, mắt cô đỏ hoe, hình như cô Tùng vừa khóc. Và tôi cũng sớm biết chạnh lòng trước nỗi đau của phận người nhỏ bé. Một hôm, cô Tùng đem sang cho tôi một chiếc áo, cô nói rằng của chú Kiểm gửi về cho em cậu, nhưng em cậu chê nhất quyết không mặc. Cô nói nếu tôi thích thì lấy mà mặc. Đó là một cái áo sơ mi cộc tay, vải đũi, có mác chữ Liên Xô, kẻ hồng sọc trắng rất điệu. Tôi mặc vừa như in. Tôi chưa có cái áo nào đẹp thế.

Lại nói về ba người trọ học cùng tôi. Chị Thương con bác tôi học kém nên thi kiểu "đánh trống ghi điểm" chứ cũng chẳng mong "vinh quy bái tổ". Cô Thanh thì bảo nhà có tiệm vàng lớn nhất phố huyện Yên Dũng nên thi cho xong chuyện chẳng cần đỗ đạt làm gì, về tiếp quản nghề chế tác kim hoàn sướng hơn, nên cô ấy đi học thì ít mà… đi ngủ thì nhiều. Mỗi khi ngủ, cô ấy trùm chăn kín mặt chỉ thò ra hai cái chân trông rất ghê.

Có lần, cô Thanh rình trộm tôi tắm qua lỗ thoáng. Từ đó, tôi sợ phải xuống tắm ở giếng khơi dưới sân. Còn cô Vinh thì vừa đi ôn thi tuần trước thì tuần sau đã có bạn trai là thầy giáo dạy thể dục ở trường cấp ba lên thăm, hẹn hò đi chơi hồ Đại Lải, leo núi Thằn Lằn đến tận hôm sau mới về. Năm ấy, có mỗi mình tôi chăm chỉ dùi mài kinh sử nên thi đỗ đại học, hẳn rồi.

Khi tôi trở thành sinh viên văn khoa, cô giáo Chủ nhiệm của tôi là cô Nhung phát hiện ra tôi có chất giọng trầm ấm đặc biệt nên cử tôi tham gia Câu lạc bộ Phát thanh của trường. Tôi có năng khiếu sáng tác văn học, nên được phân công làm biên tập và phát thanh viên chuyên mục Văn học trẻ.

Giọng đọc của tôi thường vang lên cuối mỗi buổi chiều tan học, khi các sinh viên nam đang giội nước tắm ngoài giếng ào ào, các sinh viên nữ đang phơi quần áo trên dây thép sắc màu sặc sỡ. Mỗi khi gặp tôi trên giảng đường, ngoài hành lang, trong hội trường, các bạn thường nhận ra anh chàng phát thanh viên có giọng đọc truyền cảm, lôi cuốn thính giả. Vì vậy, mà tôi nổi tiếng đến nỗi mỗi buổi trưa đi ăn cơm bụi với thằng Duy cùng phòng kí túc xá, cô bé béo ịch phục vụ ở quán cơm thường gắp thêm cho tôi một miếng chả cá sốt thì là hay một miếng sườn xào chua ngọt mà giá thành không thay đổi, vẫn chỉ mười lăm nghìn đồng chẵn, khiến cho thằng Duy phải nhiều lần thốt lên "Sao hôm nào mày cũng nhiều thức ăn hơn tao thế?" rồi nở một nụ cười tinh quái trong khi tôi - một phát thanh viên "hotboy" của đài trường vẫn cắm cúi ăn không thèm ngẩng lên đáp lời kẻo giảm năng suất và tiến độ bữa ăn.

Nhà văn Hoàng Anh Tuấn (hoanganhtuan.calc@gmail.com).

Khi tôi quyết định rời khỏi mái trường sư phạm, từ bỏ ước mơ trở thành một thầy giáo dạy văn, thì cô giáo chủ nhiệm đặt tay lên vai, nhìn thẳng vào mắt tôi và nói: "Cô tin vào quyết định của em, nhưng dù sao cô vẫn thấy em thích hợp để trở thành một nhà giáo". Tôi cảm ơn cô vì cô đã đặt lòng tin trọn vẹn vào tôi. Tôi muốn tiếp tục đi trên con đường mà ông tôi, bố tôi đã chọn để trở thành một chiến sĩ trong lực lượng vũ trang nhân dân. Tôi chưa bao giờ hối hận vì quyết định mang tính bước ngoặt này. Tuy vậy, trong những giấc mơ chập chờn tôi vẫn thấy mình chải tóc ngôi lệch bóng mượt, đeo kính cận trong veo, mặc áo sơ mi trắng, xách cặp đen khoan thai bước lên bục giảng trong một giờ văn dưới một mái trường xa xôi nào đó.

Hoàng Anh Tuấn
.
.
.