Sâm núi Bà - Sâm Việt ở Nam Tây Nguyên

Thứ Năm, 23/01/2014, 11:00

Lên Lạc Dương cuối năm, ngồi nhâm nhi cà phê với nhóm bạn K’Ho Lạch dưới chân núi Langbian, tôi tình cờ gặp KSá Hà Rẻng ở buôn KLong, Klanh, núi Bà. Cũng đã khá lâu tôi mới gặp lại Hà Rẻng, trông anh già đi, nhưng vóc người khỏe mạnh. Tôi ôm anh, nói bằng thổ ngữ hỏi thăm sức khỏe. Hà Rẻng vui vẻ trả lời bằng tiếng kinh “khỏe như trâu đực mà! Bây giờ mình làm cho nông trại sâm Cao Lâm ở chân núi Bà rồi”. Nghe giới thiệu cây sâm trên vùng núi thiêng, tôi tò mò hỏi. Hà Rẻng kể vanh vách, còn cho tôi số điện thoại của chủ vườn. Hôm sau tôi phóng xe máy chạy trên 50km tìm đến buôn.

Núi Bà nằm ở phía Bắc huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng. Đây là dãy núi cao trên 2.000m với nhiệt độ quanh năm từ 10 đến 21độ C. Ở khu vực này, sáng sớm và chiều muộn sương mù mưa giăng ẩm ướt nên rất thích hợp cho các loại cây trồng xứ lạnh đặc biệt là cây thuốc đông dược. Tại chân núi Bà hiện nay là con đường mới mở, nối liền Đà Lạt và Nha Trang, chạy dọc theo ba xã người dân tộc K’Ho là Đạ Sar, Đạ Nhim và Đạ Chais.

Đến với vườn sâm

Chín giờ sáng chủ nhật. Từ Đà lạt chúng tôi tìm đến nông trại trồng sâm dưới chân núi Bà theo lời hẹn với ông chủ vườn qua điện thoại. Tỉnh lộ 723 dường như dài ra vì thờt tiết xuống 12 độ, cộng với sương mù và mưa giông phảng phất. Trên đường đi, chúng tôi mặc hai áo lạnh, khoác thêm một áo mưa nhưng vẫn run bần bật đến nỗi phải ghé hai ba lần vào quán cà phê để trốn cái lạnh se sắt mùa đông. Gần hai tiếng đồng hồ mới đến nơi, mặc dù chỉ có trên 50 cây số.

Trước mặt chúng tôi là một khu đất vườn và rừng thông đan xen với nhau. Nói là nông trại trồng sâm của Công ty TNHH Cao Lâm  (văn phòng 18A Trần Khánh Dư, phường 8, Đà Lạt) nhưng chỉ có hai ngôi nhà cấp 4 nằm lọt thỏm dưới chân đồi. Trên cánh đồng sâm dày đặc sương mù nhưng có đến 6 cô gái K’Ho đang lặng lẻ nhổ cỏ. Bên cạnh vườn là con suối trong vắt chảy rì rầm nghe buồn buồn như bản nhạc chiều ở vùng sơn cước.

Nông trại sâm Cao Lâm, núi Bà.

Ông Nguyễn Phú Tuấn, chủ nông trại, sau khi chiêu đãi mỗi người một ly trà sâm nóng, rồi khoác áo mưa dẫn chúng tôi lội khu dự án. Từ vườn cà phê, vườn chuối đến vườn cam vàng óng mà ông gọi là cam “tiến vua” ngày trước. Chúng tôi mỗi người chọn vài quả cam vàng vừa đi vừa bóc vỏ nhai ngấu nghiến, đúng là không hổ danh trái cây quý. Quả cam vàng vỏ mỏng, nhiều nước, vị ngọt lịm, mùi thơm một cách dịu dàng. Tôi không biết bây giờ loại cam này còn dùng để “tiến vua” nữa không! Nhưng ngày xưa, thảo dân cung cúc mang đến triều đình những quả ngon đầu mùa là một sự kính trọng. Có lẽ đó là lòng dân đối với vương triều, và ngày ấy cam chỉ “tiến” với những ông vua có đức tài, hết lòng vì sơn hà xã tắc.

Ông chủ nông trại dẫn chúng tôi đến vườn đảng sâm rộng 10ha trải dài ven suối. Nhìn cánh đồng sâm bạt ngàn, chúng tôi vừa mừng vừa lo. Mừng là xứ mình sâm được trồng đại trà không phải mất ngoại tệ để nhập khẩu nhưng lại lo, liệu ông chủ Nguyễn Phú Tuấn có giữ được thương hiệu sâm núi Bà, vì đã bao năm nay sâm Cao Ly đã đánh vào thị hiếu sính ngoại của người tiêu dùng Việt Nam. Mặc dù chất lượng thật giả khó phân biệt, cuộc cạnh tranh thị phần về mẫu mã, chất lượng giữa sâm Việt và sâm Hàn không phải dễ dàng. Ông Tuấn nhổ lên vài ba củ sâm bằng ngón chân cái, dài khoảng 20cm cho chúng tôi xem và ăn ngay tại cánh đồng. Sâm núi Bà rất lạ, có mùi thơm và vị ngọt dịu dàng quyến rũ. Anh Hưng, người quản lý vườn cho biết hiện nay củ còn non, khi đúng 3 năm dược tính mới đạt đến cao nhất.

Sống chết với cây sâm

Ông Nguyễn Phú Tuấn, kỹ sư địa chất, sinh năm 1963 tại Hà Tây, dáng trí thức, nói chuyện nhỏ nhẹ đặc quánh tình người. Là dân “Đào mỏ chuyên nghiệp” nên gần như ông hiểu về cấu tạo đất đá trên khắp vùng miền. Năm 1997 khi đến khảo sát chân núi Bà ở huyện Lạc Dương, ông phát hiện vùng đất này rất lạ. Với độ cao 1.700m, sương mù vĩnh cửu cây cối xanh tươi lại gần Nha Trang, nhưng đến hơn 10 năm sau ông mới xin chính quyền thành lập nông trại trồng rau sạch để cung cấp cho thành phố biển. Tuy nhiên ý tưởng ban đầu lại chuyển hướng, khi ông gặp phó giáo sư, tiến sĩ Trần Công Luận, giám đốc Trung tâm Sâm thuộc Viện Dược liệu. Thời gian này Tiến sĩ Luận đang thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học về cây sâm tại Lâm Đồng, với mục tiêu là nhân giống và phát triển nguồn gen. Biết ông Tuấn đam mê trồng cây dược liệu nên Tiến sĩ Luận mời ông vào cuộc ngay tại nông trại của mình. Nhưng nghề làm vườn giữa rừng hoang không phải lúc nào cũng có thể “đếm cua trong lỗ”.

Năm 2009, Công ty Cao Lâm tiếp nhận 1.000 cây giống từ Viện Dược liệu nhưng chỉ sau 3 tháng chỉ còn sống đươc 50 cây, còn lại 950 cây khác trở về với đất. Nhìn vườn sâm tàn tạ, bộ rễ rúm ró rồi biến mất, tinh thần vợ chồng ông cũng bắt đầu mềm nhũn như những cây sâm bỏ chủ ra đi không hẹn ngày trở lại, tín hiệu nợ nần phá sản cũng mờ mờ xuất hiện theo đường tiệm cận. Lúc ấy, nụ cười hy vọng của cả gia đình được thay thế bằng những tiếng thở dài. Không cam chịu thất bại, vợ chồng ông mang hết sự kiện “ bỏ vào bao” tìm đến các nhà khoa học về ngành sâm xin được tư vấn. Chính nhờ gặp được các chuyên gia, ông mới phát hiện vườn nhà thừa nước, cộng với lên luống thấp làm cây bị úng. Đến lần thứ hai lá sâm úa vàng rồi chết cháy, lần thứ ba đang bò trên mặt đất, nhưng thân bị gãy, cành lá rụng đầy. Chẳng lẽ lại “bỏ bao” đi tiếp! Ông Tuấn tra cứu các tài liệu thủy văn, đối chiếu với quy trình trồng trọt từ các khâu làm đất đến ghép chồi và thời gian xuống giống tưới tiêu. Trải qua thời gian lăn lộn ngoài đồng, thay đổi cách canh tác cuối cùng ông mới thành công.

Cuối năm 2009, vườn sâm của ông có đến 85% cây sống sót, nhưng nụ cười vẫn còn nằm trong phương trình ẩn số, vì khá nhiều vốn liếng gia đình cứ đội nón ra đi: “Có lúc tôi quá mệt mỏi, nhưng được PGS, TS. Lê Xuân Thám, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Lâm Đồng động viên cố gắng giữ nguồn sâm núi Bà cho tỉnh nên tôi tiếp tục theo nghề”, ông Tuấn buồn buồn chia sẻ.

Ông Nguyễn Phú Tuấn thu hoạch sâm.

Đảng sâm được mệnh danh là sâm của người nghèo. Loại sâm này dễ trồng, khoảng 3 năm tuổi thì thu hoạch, chất lượng gần ngang nhau với sâm Hàn Quốc nhưng rẻ tiền hơn và cũng có tác dụng tương tự như: Bổ dưỡng, tăng lực và chống stress. Những nghiên cứu gần đây cho thấy rễ đảng sâm điều trị hạ đường huyết, điều hòa miễn dịch…

Trong phục vụ sức khỏe con người, thượng đảng nhân sâm không những thay thế nhân sâm mà còn là một loại thực phẩm sử dụng hàng ngày như: Chè sâm, cháo sâm, canh sâm hầm cùng với các thứ khác. Cũng có thể làm món sinh tố, xay chung với cà rốt các loại củ quả khác để làm đẹp da. Sâm tươi lát mỏng ngâm với mật ong. Củ sâm 3-4-5 tuổi ngâm với rượu cũng không thua kém gì sâm Hàn Quốc. Mới đây các nhà nghiên cứu cho biết đảng sâm còn phục hồi bệnh liệt dương cho các quý ông. Trong chuỗi ngày mò mẫm vật lộn trên ruộng đồng, khát vọng mà ông Tuấn trăn trở đã giúp ông vượt qua chính mình. Ông chia sẻ: “Tại sao vùng núi Bà của mình trồng được sâm mà phải mua tận bên Hàn Quốc với giá cao rất nhiều lần! Tại sao mình không chế biến thành thương phẩm mang ra thị trường với giá phù hợp để cho dân ta ai cũng được dùng sâm bồi bổ sức khoẻ như món ăn thường xuyên trong mọi gia đình!”.

Hiện nay trại sâm của ông đã từng bước đi vào ổn định với năng suất 2 tạ/ha, và để chuẩn bị thị trường lâu dài, ông Tuấn mang sản phẩm đi kiểm nghiệm, kết quả hàm lượng saponin (hoạt chất chính tạo nên công dụng của sâm) đạt 6,37% (chuẩn là 3%). Đầu năm 2012, chị Huỳnh Thị Bích Thu (vợ anh Tuấn), Giám đốc Công ty TNHH Cao Lâm đã công bố sản phẩm củ sâm tươi do công ty sản xuất đảm bảo chất lượng. Sau đó được sở Y tế Lâm Đồng cấp giấy chứng nhận (thời hạn 3 năm) về chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm và được phép lưu hành. Và sâm của Công ty Cao Lâm sau khi đóng gói xử lý vô trùng bằng máy đã có mặt hầu hết các siêu thị ở TP Hồ Chí Minh được khách hàng đón nhận.

Lúc rời nông trại, ông Tuấn bắt tay chúng tôi thì thầm: “Mơ ước của mình sẽ chuyển sang canh tác nông nghiệp công nghệ cao để nâng cao chất lượng sâm. Ngoài ra vận động hướng dẫn bà con dân tộc trong vùng theo mô hình trồng sâm nhân dân. Công ty Cao Lâm sẽ bao tiêu sản phẩm và tạo việc làm cho bà con dân tộc KHo”. Trên đường về chúng tôi mong cây sâm ở Lâm Đồng đi vào tâm thức mọi người. Một vùng đất được thiên nhiên ưu đãi. Sâm núi bà sẽ trở thành thương hiệu không những cho tỉnh nhà mà còn lan tỏa trên mọi miền đất nước với mẫu mã mang logo núi Bà và hàng chữ “Produce of Vietnam” (sản phẩm của Việt Nam). Mỗi mùa xuân đến, xóm làng người Việt có bình sâm Việt cho mình cho bạn là một điều hạnh phúc. Chả lẽ nhân dân mình có đất đai, thời tiết thích hợp, có nguồn lao động ở tận vùng sâu vùng xa, lại phải đi nhập sâm nước ngoài!

Trần Đại - Lại Hồng Nhật
.
.
.