Quảng Nam: Siết chặt quản lý, máu rừng vẫn chảy

Thứ Năm, 28/03/2019, 15:52
Mỗi năm, trên địa bàn tỉnh Quảng Nam có ít nhất vài vụ phá rừng bị phát hiện. Sau mỗi đợt rừng bị tàn phá, các cơ quan chức năng tỉnh này đã thực hiện nhiều biện pháp nhằm siết chặt việc quản lý, bảo vệ rừng vững chắc hơn, song rừng vẫn “chảy máu”.


Mới đây nhất, rừng phòng hộ Sông Tranh bị phát hiện hàng chục cây gỗ bị đốn hạ không thương tiếc, gỗ nằm ngổn ngang. Câu hỏi đặt ra rằng, có phải lực lượng kiểm lâm đang thờ ơ với công tác quản lí, với chỉ thị của tỉnh Quảng Nam hay tiếp tay cho lâm tặc?

"Trống rỗng" rừng phòng hộ

Gần một năm tìm hiểu, chúng tôi đã có chuyến lội ngược dòng thủy điện Sông Tranh 2 để tiếp cận hiện trường phá rừng tại tiểu khu 752, thuộc lâm phận rừng phòng hộ Sông Tranh (thuộc xã Trà Bui, huyện Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam). 

Từ bìa rừng tiến vào khu vực này, chúng tôi nhận thấy trong rừng phòng hộ Sông Tranh với nhiều dấu vết cây rừng bị cưa đổ, nhiều con đường mòn hằn sâu dấu chân trâu và những rãnh mòn sâu hoắm do lâm tặc vận chuyển gỗ ra ngoài. 

Nhiều dụng cụ kéo trâu cùng trâu dùng để kéo gỗ cũng được bỏ tại một con suối nhỏ. Tại các vách đá ở các đường mòn nhỏ rẽ nhiều hướng khác nhau cũng có cả vỏ cây bám vào, nhựa cây dính lên vẫn còn chưa khô.

Tiến vào sát khu vực này, tiếng cưa máy rền vang khắp cánh rừng. Khi thấy sự xuất hiện của người lạ, các đối tượng nhanh chóng tắt máy cưa, bỏ đi, để lại hiện trường hàng chục cây gỗ chuồn (thuộc nhóm III) nằm nghiêng ngả. Nhiều cây cao 30m, đường kính 1m bị đốn hạ; trong đó hơn 2/3 số cây vừa bị chặt hạ vẫn còn đang chảy nhựa; nhiều cây gỗ tròn được cắt khúc từ 2-3m, chưa kịp xẻ phách. 

Sau khi kiểm tra, lực lượng kiểm lâm cho biết, khu vực này thuộc khoảnh 6, khoảnh 7, tiểu khu 752, xã Trà Bui. Tổng có 20 cây gỗ bị đốn hạ, trong đó có 15 cây gỗ chuồn, 4 cây chò nâu, 1 cây mít nài. Tổng khối lượng gỗ bị tàn phá hơn 17m3, khối lượng gỗ còn lại tại hiện trường là gần 14m3.

“Tại vị trí các cây gỗ bị chặt hạ, một số gỗ còn để lại hiện trường. Đối tượng dùng cưa máy để chặt hạ cây, vết cắt cách mặt đất từ 50 đến 100cm, thời điểm chặt hạ khoảng từ 5 đến 10 ngày trước thời điểm kiểm tra. 

Trong quá trình kiểm tra hiện trường chưa phát hiện đối tượng vi phạm, hiện trường đã bị xáo trộn, một số lượng gỗ đã được vận chuyển ra khỏi hiện trường, chỉ để lại các bìa gỗ và phần thân cây, ngọn, cành, nhánh. 

Khu vực các cây gỗ bị chặt hạ nằm trong bán kính 500m. Qua dấu vết để lại hiện trường, quá trình vận chuyển gỗ ban đầu được xác định bằng phương pháp vận chuyển trâu kéo”, một thành viên lực lượng kiểm lâm thông tin.

Rừng phòng hộ Sông Tranh bị tàn phá.

Không chỉ tiểu khu 752, nhiều khu vực khác trong lâm phận rừng phòng hộ Sông Tranh, chúng tôi cũng dễ dàng nhận thấy nhiều con đường mòn dẫn vào rừng với đầy rẫy những dấu chân trâu. Xung quanh khu vực bìa rừng, nhiều khu vực lá cây trong rừng bị khô héo do cây rừng bị đốn hạ. 

Ngay khu vực bờ sông Tranh còn có những chiếc ghe neo đậu, cả hàng chục lán trại được dựng lên trong rừng phòng hộ. Ngay cả khu vực lòng hồ thủy điện Sông Tranh 2, chúng tôi còn phát hiện nhiều phách gỗ được lâm tặc giấu dưới nước, một đầu đã được buộc dây dẫn nối vào cột tại các cây gỗ gần bờ.

“Những con đường mòn lớn lên núi mà có vết chân trâu nhiều có nghĩa là làm gỗ. Còn những chiếc ghe đậu ở đầu đường là những chiếc ghe chở người đi làm gỗ đấy. Những chiếc ghe này đi lên núi chỉ có thể đi làm gỗ chứ không làm gì khác. 

Ở đây có nhiều điểm như vậy lắm, từng nơi có từng người quản lí”, ông H, một người lái ghe đưa chúng tôi đi tiết lộ. Tôi hỏi, liệu có phải ghe người dân dùng để đi thả lưới không? Ông H khẳng định: “Thả lưới thì có món khác, lưới thả xong về, còn không ở lại thì cũng chỉ đi làm gỗ”.

Ông H còn cho biết, tình trạng cây rừng ở rừng phòng hộ Sông Tranh bị chặt phá không phải bây giờ mới xuất hiện mà đã diễn ra từ nhiều năm nay. Các đối tượng dùng trâu để kéo gỗ từ nơi khai thác xuống bài rừng, tập kết ở sông. 

Sau đó dùng ghe máy chạy dầu loại lớn để kẹp 2 bên mạn thuyền vận chuyển gỗ vượt sông Tranh theo hướng đập chính ra đường quốc lộ 40B và xe ôtô chở đi ngay trong đêm. Cả khi nước lớn hay nước ít “lâm tặc” đều thực hiện vận chuyển. Hoạt động này diễn ra chủ yếu vào ban đêm. 

Một chiếc ghe lớn có khi vận chuyển được 10 đến 20m³ gỗ. Trước đây có chở qua đập phụ nhưng giờ người dân vận chuyển keo nhiều quá nên không vận chuyển qua hướng đó nữa. “Bây giờ trong đó còn có bao nhiêu cây lớn nữa đâu, hết rồi”, ông H tiếc nuối.

Lực lượng kiểm lâm kiểm tra hiện trường vụ phá rừng.

Giữ rừng trên lời nói?

Trao đổi về vấn đề trên, ông Lê Văn Trường, Phó hạt trưởng phụ trách Hạt Kiểm lâm Bắc Trà My, kiêm Phó Giám đốc Ban quản lí rừng phòng hộ Sông Tranh cho biết, trên địa bàn có 2 trạm chốt chặn, tuần tra xử lý, 1 trạm Trà Giác gồm 7 người, trạm Trà Bui 5 người thường xuyên tuần tra xử lý, hướng dẫn cộng đồng bảo vệ rừng tuần tra ở khu vực rừng phòng hộ Sông Tranh. 

Tuy nhiên địa bàn Bắc Trà My rộng, các tuyến giao thông đi lại khó khăn. Các phương tiện giao thông đường thủy trên lòng hồ Sông Tranh hoạt động tự do khó kiểm soát các đối tượng khai thác gỗ, săn bắn động vật trái phép tại khu vực lòng hồ.

Đa số các vụ việc phá rừng nằm ở xa khu dân cư nên việc tổ chức truy quét và đưa các tang vật về nơi tạm giữ rất khó khăn. Diện tích rừng và đất rừng quá lớn, lực lượng bảo vệ rừng quá mỏng, cùng một lúc phải thực hiện nhiều công việc nên đôi lúc chưa được chủ động và kịp thời. 

“Thời gian qua, lực lượng kiểm lâm cũng đã tăng cường tuần tra kiểm soát nhưng vẫn còn một số vụ việc xảy ra. Từ 3-1 đến 10-2, đơn vị đã phát hiện và lập biên bản 16 vụ vi phạm luật lâm nghiệp. Tổng số lượng gỗ tạm giữ là 13,490m³ gỗ xẻ, tạm giữ 3 xe ô tô tải và 1 xe máy”, ông Trường nói.

Ông Thái Hoàng Vũ, Chủ tịch UBND huyện Bắc Trà My cho hay, thời gian qua chính quyền địa phương chỉ đạo rất ráo riết, siết chặt về công tác quản lý bảo vệ rừng nhưng do địa bàn quá rộng, lực lượng mỏng nên công tác quản lý còn nhiều khó khăn. 

“Thời gian tới, địa phương đang xem xét đến trách nhiệm địa phương, nghiêm túc, xem xét xử lý trách nhiệm từng cá nhân. Tiếp tục kiểm điểm, rà soát kiểm tra lại. Sai đến đâu sẽ xử lí đến đó”, ông Vũ nói.

Không phải cho đến bây giờ câu chuyện về trách nhiệm trong công tác quản lý, bảo vệ rừng mới được nhắc đến. Mà trong tất cả cuộc họp liên quan đến rừng, công tác quản lý cũng như trách nhiệm của các chủ rừng, các ban quản lý luôn được đưa ra để nhìn nhận trước tình hình thực tiễn. 

Nhưng, có một trùng hợp không ngẫu nhiên là cứ mỗi khi phá rừng xảy ra, lực lượng kiểm lâm dường như không hay biết. Câu trả lời địa bàn rộng, lực lượng mỏng dường như thường trực. Có ý kiến cho rằng, đã có sự buông lỏng, thiếu trách nhiệm trong công tác quản lý, bảo vệ lâm phận của chủ rừng.

Lán trại lớn dựng ngay trong rừng phòng hộ.

Ông Lê Trí Thanh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam khẳng định: “Chúng tôi đã cử lực lượng tiếp tục điều tra, xử lí, nếu có sự tiếp tay cho lâm tặc sẽ xử nghiêm”. Ông Thanh cũng cho biết, hiện tỉnh Quảng Nam đang thực hiện phương án sắp xếp lại lực lượng ban quản lý bảo vệ rừng trên địa bàn tỉnh. Ngoài ra, năm nay cũng có thực hiện ứng dụng công nghệ cao trong quản lí và bảo vệ rừng.

Theo kế hoạch, thời gian tới Quảng Nam sẽ giải thể, sắp xếp, sáp nhập và chuyển hình thức quản lý đối với nhiều BQL, hạt kiểm lâm rừng phòng hộ, đặc dụng trên địa bàn tỉnh. 

Cụ thể, theo phương án sắp xếp, có 6 BQL rừng phòng hộ thuộc Chi cục Kiểm lâm tỉnh chuyển sang UBND các huyện quản lý; 4 BQL rừng đặc dụng và BQL rừng phòng hộ Phú Ninh và ven biển Quảng Nam từ Chi cục Kiểm lâm tỉnh sang trực thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Theo lộ trình được Chi cục Kiểm lâm tỉnh đề xuất, trong năm nay, Quảng Nam sẽ giải thể 5 hạt kiểm lâm rừng phòng hộ: Nam Sông Bung, Bắc Sông Bung, A Vương, Sông Kôn, Đăk Mi; đồng thời thành lập 2 BQL rừng phòng hộ Đông Giang, Tây Giang trực thuộc UBND huyện Đông Giang, Tây Giang. Bên cạnh đó, phương án sắp xếp lực lượng quản lý bảo vệ rừng cũng tính toán đến việc tuyển dụng, thành lập lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách ngoài lực lượng kiểm lâm. 

Hà Vy
.
.
.