Nước mắt phu vàng

Thứ Tư, 18/05/2016, 08:57
Để mưu sinh, hàng trăm người dân tộc thiểu số tại các huyện miền Tây của tỉnh Nghệ An đã rồng rắn xách ba lô vào Quảng Nam làm thuê cho các bưởng vàng. Đánh cược mạng sống, nhiều người đã phải nằm lại vĩnh viễn nơi rừng thiêng nước độc, nhiều trường hợp phải tự đào thoát khỏi chốn "địa ngục trần gian". Cũng vì vàng, nhiều vành tang trắng đã phải chít lên đầu, đồng nghĩa với việc con mất cha, vợ mất chồng.


Liên quan đến câu chuyện về "giấc mơ vàng", hẳn người dân xứ Nghệ nói riêng và dư luận cả nước vẫn còn chưa quên câu chuyện cách đây 7 năm về trước, khi anh Lô Văn Ối, trú bản Hào, xã Yên Hòa, huyện Tương Dương (Nghệ An), trong lúc khai thác vàng ở suối Khe Pu đã nhặt được một cục vàng ròng nặng 2,1kg, bán được hơn 1 tỷ đồng.

Bỗng dưng trở thành "đại gia", anh Ối cất nhà mới, mua sắm 2 chiếc két sắt và máy xát lúa về để mưu sinh. Tuy nhiên, đến nay khi đã tiêu nốt những đồng tiền cuối cùng, lần lượt vợ anh Ối rồi anh này phải bỏ nhà sang Trung Quốc để làm thuê, hai đứa con gửi lại cho ông bà chăm nuôi. Câu chuyện của gia đình anh Ối chỉ là một trong muôn vàn những câu chuyện giữa đời thường từ trước đến nay, minh chứng cho triết lý "ăn của rừng rưng rưng nước mắt" mà cha ông đã đúc kết.

Bỏ mạng trong hầm vàng

Cách đây chưa lâu, vụ 7 phu vàng ngạt khí trong hầm khai thác trái phép tại thôn Dung, thị trấn Thạnh Mỹ, huyện Nam Giang (Quảng Nam) khiến 4 người thiệt mạng, trong đó có đến 3 anh em ruột, bao gồm Cụt Văn Sơn (SN 1982), Cụt Phò Pheng (SN 1989) và Cụt Văn Ngọ (SN 1997), trú tại bản Xao Va, xã Bảo Thắng huyện Kỳ Sơn (Nghệ An), đã một lần nữa gióng lên hồi chuông báo động về tình trạng bất chấp mạng sống để theo đuổi giấc mơ vàng.

Ngay sau khi sự việc đau lòng xảy ra, phóng viên đã có chuyến thực tế tại các huyện miền Tây xứ Nghệ, nơi vẫn được ví là "vựa người" cho các mỏ vàng trái phép trên địa bàn cũng như tại các điểm nóng về khai thác vàng trong cả nước, trong đó có Quảng Nam. Bản Xao Va những ngày này nỗi đau vẫn còn bao trùm bản nhỏ, gặm nhấm từng người thân còn lại trong gia đình ông Cụt Phò Quyên, bố của 3 anh em thiệt mạng dưới hầm vàng.

Vợ chồng ông Quyên với nỗi đau 3 người con đẻ bỏ mạng trong hầm vàng cùng một ngày. 

"Cũng vì nghèo khổ mà phải tha phương mưu sinh. Không ngờ kết cục quá bi thảm, chỉ thương mấy đứa cháu nội, bỗng chốc thành trẻ mồ côi", ông Quyên ngậm ngùi. Theo lời kể của người đàn ông này, vợ chồng ông sinh hạ được 8 người con, trong đó từ sau tết Nguyên đán vừa rồi, 4 trong số 5 đứa con trai đã vào Quảng Nam khai thác vàng tại các hầm vàng trái phép, còn làm việc ở nơi nào của tỉnh Quảng Nam, không một ai trong gia đình biết được cụ thể. Chỉ đến khi sự việc xảy ra, cơ quan chức năng báo tin vào nhận xác các con thì ông mới tường tận.

Ông Cụt Thanh Hoài, Chủ tịch UBND xã Bảo Thắng kể: Gia đình ông Cụt Phò Quyên và các con thuộc diện nghèo nhất nhì ở bản miền biên giới này. Trong số 3 người con thiệt mạng của ông Quyên thì có hai người đã có vợ con. Anh Cụt Văn Sơn có 6 người con và anh Cụt Phò Pheng cũng đã có 4 người con. Ông Ốc Phò Thắng, Trưởng Công an xã Bảo Thắng cung cấp thông tin, hiện nay toàn xã có gần 90 người đi lao động bất hợp pháp tại các bãi vàng không phép. Phần lớn trong số này là vào Quảng Nam làm phu vàng hoặc làm thuê bốc vác, cửu vạn tại các tỉnh biên giới phía Bắc.

Thống kê của UBND xã Bảo Thắng cũng cho thấy, từ năm 2014 đến nay trên địa bàn đã xảy ra 6 vụ người dân đi lao động chui ở ngoại tỉnh gặp rủi ro, tai nạn lao động, trong đó có 5 người chết, 1 người bị thương nặng.

Những bà vợ tuổi mới đôi mươi có chồng bỏ mạng tại bãi vàng ở huyện Kỳ Sơn (Nghệ An).

Cũng không phải đến bây giờ, khi sự việc xảy ra, nhiều người mới giật mình với những cái chết tức tưởi trong giấc mơ tìm vàng đắng chát. Năm 2011, trên địa bàn huyện Tương Dương (Nghệ An) đã từng xảy ra vụ sập hầm vàng tại bản Đình Hương, xã Tam Đình khiến 5 người bỏ mạng.

Một năm sau đó, cũng tại huyện này, thêm một vụ sập hầm vàng nữa đã lấy đi mạng sống của 3 dân nghèo, làm 7 người khác bị thương ở xã Nga My. Cá biệt, vì bị ám ảnh vàng, năm 2014, thầy Nguyễn Ngọc Tuấn, Hiệu trưởng trường THCS Yên Tĩnh, huyện Tương Dương lợi dụng đào giếng, đã thuê máy múc vào xới tung khoảng 100m2 khuôn viên trường học để tìm vàng trong suốt 3 tháng hè. Sự việc bị phát giác và thầy Hiệu trưởng đã bị giáng cấp, kỷ luật chuyển trường sau đó.

Phần lớn những người ra đi tìm kiếm cơ hội đổi đời đều là lao động chính trong gia đình, do gia cảnh quá nghèo nên nhắm mắt đưa chân. Mỗi năm, trên địa bàn huyện Kỳ Sơn có hàng trăm người trở thành phu vàng, bán sức lao động cho các bưởng vàng, đi mà không lường trước được bất trắc, hoặc có thể lường trước rủi ro nhưng họ không còn lựa chọn nào khác.

Thậm chí, nhiều người ra đi đã không thể trở về. Cũng tại bản Xao Va, chúng tôi gặp anh Cụt Văn Bình (SN 1995), con trai của ông Quyên, cũng là em trai của các nạn nhân trọng vụ ngạt khí trong hầm vàng ở Quảng Nam cách đây hơn một tháng. Thời điểm 3 anh trai mình gặp nạn, Bình may mắn hơn khi làm thuê cho một bưởng vàng khác, cách đó không xa. Ngày đại tang ập đến với gia đình, anh Bình xách ba lô về bản, nhưng hơn tháng nay, sau khi lo xong việc cho các anh, Bình đang có ý định "Nam tiến", vì ở bản chẳng biết làm gì để kiếm tiền.

Nói về công việc trong các hầm vàng, anh Bình cho biết bãi vàng nơi anh ta làm việc có 18 người thì đến 16 người quê ở Kỳ Sơn, trong đó có 9 người ở xã Bảo Thắng. Sau cái chết 3 người anh của Bình, những người khác, dù sợ hãi nhưng vẫn bám trụ lại, lay lắt với giấc mơ đổi đời mong manh.

Tan giấc mơ vàng

Đánh cược cả mạng sống, thế nhưng thu nhập của các phu vàng cũng rất phập phù. Những ai mạnh khỏe, vạm vỡ sẽ được bưởng vàng tuyển lựa để vào sâu trong các hầm đào đất, còn những ai yếu ớt hơn một chút sẽ làm việc bên ngoài miệng hầm, làm công việc đãi vàng. Tất cả mọi công đoạn đều thực hiện thủ công và không có bất cứ phương tiện bảo hộ nào cho người lao động.

Theo một phu vàng, nếu làm bên ngoài miệng hầm sẽ được trả lương khoảng 4 triệu đồng mỗi tháng, còn làm việc trong hầm vàng sẽ có mức lương gấp đôi, tương đương 7 - 8 triệu đồng. Tuy nhiên, bên ngoài hay trong hầm thì cuộc sống của các phu vàng cũng chẳng sáng sủa gì, thường xuyên bị các bưởng vàng ngược đãi, đánh đập.

Thậm chí, đối với những em gái trót dấn thân vào làm nghề này, ngoài những bạc đãi chung của cánh phu vàng, nhiều em còn bị lạm dụng tình dục, chịu không thấu phải tìm cách đào thoát khỏi "địa ngục trần gian".

Hai nữ phu vàng "nhí" Mông Thị Khất và Lò Thị Xí đào thoát khỏi hầm vàng trở về nhà.

Mới đây nhất, hai nữ phu vàng "nhí" Mông Thị Khất (SN 2000) và Lò Thị Xí (SN 2001), cùng trú bản Phia Khăm 2, xã Bắc Lý, huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) đã phải bỏ trốn khỏi hầm vàng vì không chịu đựng được sự bóc lột của bưởng, sau khi đi bộ suốt 6 tiếng đồng hồ trong rừng vắng, các em đã đến được Công an huyện Nam Giang (Quảng Nam) để kêu cứu vào được cơ quan này hỗ trợ tiền xe về nhà vào ngày 28-4.

Theo lời kể của Khất và Xí, nghe theo lời dụ dỗ của người lạ về việc đi làm công nhàn hạ và hưởng lương cao, khi đang học dở kỳ I lớp 10, các em đã trốn gia đình để nuôi mộng đổi đời. Thế nhưng, sau gần 2 ngày vật vã trên xe khách, thực tại phũ phàng ập đến khi cả hai đứa bị ném vào mỏ vàng ở xã Phước Thành, huyện Phước Sơn (Quảng Nam). Mãi sau này, các em mới biết đó là mỏ khai thác vàng của Công ty TNHH Phước Minh.

Tại đây, cùng với nhiều lao động khác trong độ tuổi vị thành niên, các em phải làm quần quật ngày 11 tiếng mới được nhận lương 2,5 triệu đồng/tháng nhưng phải làm đủ 6 tháng mới được nhận tiền. Cũng tại mỏ vàng của Công ty này, cách đây hơn 2 năm về trước, vào tháng 4-2014, hơn 100 phu vàng người Nghệ An đã băng rừng, đi bộ suốt gần một ngày để bỏ trốn khỏi bãi vàng vì cho rằng bị quỵt lương, điều kiện làm việc khắc nghiệt, ăn uống không đảm bảo.

Hơn một tháng sau cuộc bỏ trốn gây náo loạn huyện Phước Sơn của trăm phu vàng, thêm 4 thiếu niên người dân tộc Khơ Mú ở huyện Kỳ Sơn, gồm: Seo Văn Viềng, Cụt Văn May, Cụt Văn Tuột và Cụt Buôn Hương lúc đó chỉ mới 15 - 16 tuổi cũng bỏ trốn khỏi bãi vàng của công ty.

Hiện trạng khuôn viên trường THCS Yên Tĩnh, nơi bị Hiệu trưởng cho xới tung để tìm vàng.

Ông Nguyễn Thanh Hoàng, Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) cho biết, số liệu tính đến thời điểm này, cả huyện có khoảng 370 lao động đang làm việc tại các bãi vàng ở Quảng Nam, tập trung ở các xã có đông đồng bào Khơ Mú sinh sống. Tuy nhiên, đây chỉ là con số nắm được, còn cụ thể là bao nhiêu người thì không rõ vì phần lớn đều tự ý bỏ làng đi, không báo cáo với chính quyền.

Việc người dân bỏ đi lao động tại các bãi vàng đã gây ra những hệ lụy khó lường, không chỉ tính mạng của phu vàng bị đe dọa trực tiếp, tình hình an ninh chính trị tại địa phương bất ổn. Cách đây hơn một tháng, vào ngày 15-4, lợi dụng anh Moong Văn Nghệ, cha của bé Moong Thị Tân Mão (SN 2011), trú tại  bản Na Bè, xã Xá Lượng, Tương Dương (Nghệ An) đang đi làm cho một bãi vàng ở Quảng Nam, 5 đối tượng đã cấu kết, bắt cóc cháu bé để bán sang Trung Quốc với giá 70 triệu đồng khi cháu không có ai trông coi, chăm sóc.

Thiên Thảo
.
.
.