Hệ thống bảo tàng, nhà truyền thống, di tích lịch sử - văn hóa CAND:

Nơi tri ân và truyền lửa cho các thế hệ Công an

Thứ Năm, 02/11/2017, 12:25
Theo Đại tá, TS. Nguyễn Văn Việt, Phó Viện trưởng Viện Lịch sử Công an, hệ thống bảo tàng, nhà truyền thống, di tích lịch sử - văn hóa của CAND đã góp phần lưu giữ, tôn vinh giá trị văn hóa - lịch sử CAND, đóng góp vào công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị tư tưởng cho cán bộ, chiến sĩ và nhân dân...


Gìn giữ tài sản quý báu của lực lượng CAND

Qua hơn 70 năm xây dựng và phát triển, chiến công của lực lượng CAND được ghi dấu trên mọi miền quê hương, và các di tích lịch sử - văn hóa (LS-VH) chính là những dấu tích hùng hồn, khách quan và chân thực khẳng định lịch sử truyền thống vẻ vang của lực lượng CAND trong dòng chảy của lịch sử với những cống hiến to lớn trong sự nghiệp cách mạng của dân tộc.

Theo Trung tá Trần Văn Nghị, Giám đốc Bảo tàng CAND, nhận thức được vai trò, ý nghĩa, giá trị của di sản văn hóa CAND nói chung, di tích LS-VH CAND nói riêng đối với công tác giáo dục truyền thống, bồi dưỡng kiến thức và tình cảm cách mạng cho các thế hệ cán bộ, chiến sĩ; đồng thời, nhằm ghi nhớ và tôn vinh những cống hiến to lớn của các thế hệ cha anh, trong những năm qua, Bộ Công an đã quan tâm đầu tư khôi phục, tôn tạo và phát huy giá trị các di tích LS-VH. 

Đến nay, trên cả nước đã có 5 khu di tích CAND (đã xếp hạng) được đưa vào khai thác, phát huy giá trị, trong đó có 3 di tích được xếp hạng Di tích Quốc gia như Di tích lịch sử “Địa điểm Nha Công an Trung ương 1947 - 1950” tại xã Minh Thanh, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang; Di tích lịch sử “Căn cứ Ban An ninh Trung ương Cục miền Nam” tại xã Tân Lập, huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh; Di tích Quốc gia Hòn Đá Bạc - Trung tâm Chỉ huy Kế hoạch Phản gián CM12 tại xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau…

Quang cảnh buổi tọa đàm khoa học “Thực trạng và giải pháp nâng cao hiệu quả công tác quản lý, khai thác phát huy giá trị di tích lịch sử, văn hóa CAND”.

Bên cạnh đó là các địa điểm lưu niệm sự kiện đã được tôn tạo như Di tích Lưu niệm cố Bộ trưởng Bộ Công an Trần Quốc Hoàn tại huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An; địa điểm Lưu niệm Trường Công an Trung ương tại huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang; điểm di tích lưu niệm Căn cứ Ban An ninh Trung ương Cục miền Nam tại Mã Đà, xã Phú Lý, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai, thuộc quần thể Khu Di tích Quốc gia Chiến khu D…

Ngoài ra, một số khu lưu niệm đang trong quá trình lập hồ sơ xin chủ trương đầu tư xây dựng tôn tạo hay sắp tới một số khu lưu niệm mới cũng sẽ được triển khai, đầu tư xây dựng như công trình Khu Lưu niệm Sáu điều Bác Hồ dạy CAND tại xã Nhã Nam, huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang, dự kiến hoàn thành đưa vào sử dụng đúng vào dịp kỷ niệm 70 năm ngày Bác Hồ gửi thư cho Công an Khu XII nêu sáu điều dạy về Tư cách người Công an cách mạng; Khu di tích An ninh Khu VIII tại huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp; Khu lưu niệm An ninh miền Đông Nam bộ tại huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai…

Tại buổi tọa đàm khoa học “Thực trạng và giải pháp nâng cao hiệu quả công tác quản lý, khai thác phát huy giá trị di tích lịch sử, văn hóa CAND” do Viện Lịch sử Công an phối hợp cùng Công an tỉnh Tây Ninh tổ chức vừa qua ở Khu di tích căn cứ Ban An ninh Trung ương Cục miền Nam (huyện Tân Biên, Tây Ninh), Trung tá Nguyễn Hoàng Thông, Trưởng Ban quản lý Khu Di tích lịch sử Căn cứ Ban An ninh Trung ương Cục miền Nam cho biết, Khu di tích Căn cứ Ban An ninh Trung ương cục miền Nam (gọi tắt là Khu di tích miền Nam) được Bộ Công an khởi công xây dựng năm 1997. 

Từ đó đến nay, khu di tích đã trở thành một quần thể di tích cách mạng có giá trị LS-VH - một “địa chỉ đỏ” lưu giữ những giá trị lịch sử và giáo dục truyền thống quý báu cho các thế hệ cán bộ chiến sĩ CAND về một thời chiến đấu anh hùng, bất khuất của lực lượng An ninh miền Nam thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, đồng thời phục vụ tốt cho đông đảo cán bộ và đồng bào cả nước đến viếng, tham quan thường xuyên. Trung bình hàng năm Khu di tích miền Nam đón tiếp khoảng 300 đoàn với hơn 25.000 khách đến tham quan.

Quy mô nhất trong hệ thống di tích LS-VH CAND là Khu di tích lịch sử Nha Công an Trung ương (gọi tắt Khu di tích CAND). Theo Đại tá Nguyễn Văn Bảo, Trưởng Ban quản lý Khu di tích CAND, Khu di tích CAND là một bộ phận thuộc quần thể di tích lịch sử cách mạng quốc gia đặc biệt Tân Trào. Đây là nơi lưu giữ những giá trị vật chất và tinh thần vô cùng quý báu, đã ghi dấu những ngày tháng hoạt động gian khổ nhưng vô cùng vẻ vang; chứng kiến nhiều sự kiện lịch sử có ý nghĩa rất quan trọng, đánh dấu những bước trưởng thành của lực lượng CAND (từ tháng 4-1947 đến 9-1950)…

Khu di tích CAND có hệ thống tham quan phong phú với 15 điểm tham quan như quần thể Tượng đài Chiến thắng (Quảng trường 19-8 và nơi ghi danh các liệt sĩ CAND); Tượng đài Bảo vệ an ninh Tổ quốc; 11 điểm di tích là nơi ở, nơi làm việc của cán bộ chiến sĩ Nha Công an Trung ương và Di tích Sân bay Lũng Cò; Khu trưng bày máy bay AD5, Bảo tàng CAND tại Khu di tích (hiện đang lưu giữ, trưng bày trên 2.000 hình ảnh, hiện vật lịch sử tiêu biểu thể hiện khái quát toàn bộ quá trình ra đời, chiến đấu, xây dựng và trưởng thành cùng những chiến công xuất sắc của lực lượng CAND và Công an các địa phương)... Hàng năm, Khu di tích CAND đã đón tiếp trên 400 đoàn với khoảng 40.000 - 50.000 lượt khách tham quan.

Một khu di tích đặc biệt khác tọa lạc trên một hòn đảo và một phần đất liền là Khu di tích lịch sử Hòn Đá Bạc. Nói về khu di tích này, Thiếu tá Đoàn Minh Nghĩa, Phó Trưởng phòng PX15, Công an tỉnh Cà Mau, cho biết trong thời kỳ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Chuyên án đấu tranh ngăn chặn âm mưu hoạt động phá hoại của tổ chức phản động lưu vong do Lê Quốc Túy và Mai Văn Hạnh cầm đầu (Kế hoạch phản gián CM12) là một trong những chiến công xuất sắc và đáng tự hào nhất của lực lượng CAND Việt Nam…

Nhằm góp phần giáo dục truyền thống yêu nước, ý thức cảnh giác cách mạng và ghi nhớ chiến công vẻ vang của lực lượng CAND, Bộ Công an đã quyết định đầu tư tôn tạo di tích lịch sử Kế hoạch CM12 tại Hòn Đá Bạc, xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau. Năm 2009, Khu di tích này đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng Di tích lịch sử Quốc gia.

Từ khi thành lập đến nay, mỗi năm Khu di tích đón hàng trăm đoàn khách trong và ngoài ngành, trên 50.000 lượt khách du lịch đến tham quan, tìm hiểu (trong đó có nhiều khách là Việt kiều và người nước ngoài). Nhiều đơn vị trong và ngoài tỉnh đã chọn nơi đây để tổ chức hội thảo, hội nghị, hội trại…

Cần đảm bảo tính hấp dẫn, mới lạ

Các di tích LS-VH, khu lưu niệm, hệ thống bảo tàng, nhà truyền thống CAND là tài sản quý giá của lực lượng CAND, nơi lưu giữ những giá trị văn hóa, giá trị lịch sử to lớn do lớp lớp thế hệ CAND tạo ra trong sự nghiệp bảo vệ an ninh, trật tự; là những chứng cứ lịch sử hùng hồn minh chứng về cuộc chiến đấu thầm lặng nhưng rất quyết liệt và chiến thắng vẻ vang của các thế hệ CAND. 

Các di tích LS-VH CAND đã và đang góp phần tích cực trong nhiệm vụ giáo dục truyền thống, xây dựng lực lượng CAND; từng bước đóng góp vào sự phát triển kinh tế, xã hội của địa phương, đồng thời góp phần quan trọng trong nhiệm vụ bảo tồn và phát huy di sản văn hóa CAND.

Tuy nhiên, dù đã đạt được những thành tựu nhất định, nhưng công tác bảo tồn, phát huy những giá trị các di tích LS-VH CAND vẫn còn một số bất cập, tồn tại. Bên cạnh những vấn đề như thiếu kinh phí, đội ngũ cán bộ hạn chế cả về số lượng và chất lượng…, theo ThS. Phạm Định Phong, Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hóa - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, nội dung, hình thức trưng bày của các bảo tàng, nhà trưng bày truyền thống, lưu niệm tại các di tích truyền thống ngành Công an đang bộc lộ một số bất cập, đó là sự trùng lặp và thiếu ý tưởng sáng tạo. Các hoạt động nghiệp vụ bảo tồn di tích tại các khu di tích nói chung chưa được phát huy hết giá trị vốn có...

Các di tích lịch sử - văn hóa CAND có ý nghĩa to lớn đối với công tác giáo dục truyền thống cho các thế hệ cán bộ, chiến sĩ.

Theo Trung tá Nguyễn Hoàng Thông, đến với di sản văn hóa nói chung và các di tích LS-VH nói riêng, người xem không chỉ đơn thuần là nhu cầu tìm hiểu, hưởng thụ các giá trị mà họ còn có nhu cầu giải trí, thư giãn. Để làm được điều này cần có các bước nghiên cứu tìm hiểu về nhu cầu và tâm lý khách tham quan - một khâu công tác trong điều tra xã hội học của khoa học bảo tàng. 

;Việc đổi mới nội dung trưng bày cùng với các hoạt động nghiên cứu, sưu tầm phát hiện bổ sung các di sản cũng chính là những hoạt động góp phần tạo tiền đề để tăng cường công tác nghiên cứu khoa học đối với di tích. Đây là một trong những mặt công tác mà hiện nay tại một số di tích gần như chưa có sự “khởi động” và rất cần có những cơ sở và sự hướng dẫn về nghiệp vụ…

Từ thực tế đó, nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động bảo tồn và phát huy các di tích LS-VH trong lực lượng CAND, ThS. Phạm Định Phong kiến nghị lãnh đạo Bộ Công an và thủ trưởng Công an các cấp cần có sự quan tâm kiện toàn tổ chức, bộ máy, nhân sự và nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan chủ quản, đặc biệt là đối với Ban quản lý các khu di tích.

Bên cạnh đó, một yêu cầu tối quan trọng là cần chú trọng đào tạo chuyên sâu, chuyên ngành, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực làm công tác bảo tồn, phát huy di sản cho các khu di tích. Đẩy mạnh nghiên cứu, khảo sát, vận dụng đổi mới và đa dạng hóa các hoạt động phát huy giá trị di tích CAND… Một trong những kênh quan trọng là liên kết du lịch lữ hành, tổ chức các chương trình du lịch về nguồn với nội dung và hình thức gắn liền với việc tuyên truyền quảng bá di sản văn hóa CAND.

Đồng thời, cần đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong hoạt động quản lý, khai thác phát huy di sản. Việc ứng dụng khoa học công nghệ có thể được áp dụng trong hoạt động quản lý thông qua áp dụng phương pháp, phần mềm quản lý; sử dụng trang thiết bị công nghệ hiện đại, số hóa… Tương tự như vậy, ứng dụng trong khai thác phát huy giá trị là việc áp dụng công nghệ số, hay tận dụng internet để tuyên truyền, giới thiệu quảng bá di sản… 

Phú Lữ - Đức Mừng
.
.
.