Nỗi niềm những người già lo bảo tồn làng cổ

Thứ Sáu, 20/09/2019, 18:04
Hơn 70% người sống ở Phước Tích đều đã ngoài 60 tuổi. Người trẻ chẳng thấy đâu, trong khi đó, người già càng ngày càng già yếu. Nếu tình hình không có gì đổi khác, khoảng chục năm nữa, nhiều nhà rường quý hiếm ở một trong 2 làng cổ nhất Việt Nam này sẽ không có người ở.

Mặc dù là làng cổ thứ 2 được Nhà nước công nhận và cấp bằng “Di tích quốc gia” sau làng cổ Đường Lâm ở ngoài Bắc nhưng có vẻ, làng cổ Phước Tích ở xã Phong Hòa, huyện Hương Điền, tỉnh Thừa Thiên – Huế ít được người ta biết đến hơn. Và dù cho thông tin về Phước Tích trên mạng internet không phải là hiếm nhưng khi hỏi đường tới Phước Tích thì ngay cả dân Huế, nhiều người cũng không biết đến sự tồn tại của địa danh này.

Đây là ngôi làng có những nét văn hóa cổ kính, kiến trúc mang đậm triết lý phương Đông với một hệ thống đình chùa, đền, miếu đặc biệt. Đến nay, ngôi làng có tuổi thọ hơn 500 năm này vẫn còn lưu giữ những di sản phi vật thể vô giá. 

Trong tổng số 117 nóc nhà ở Phước Tích thì có tới 28 nhà rường cổ (24 nhà dân và 4 nhà thờ họ theo kiến trúc nhà rường) và 17 nhà thờ họ lâu năm được đánh giá là di sản đặc trưng của đất Huế. Hầu hết nhà rường cổ đều lợp bằng mái ngói liệt, giữa bờ nóc có mặt nhật, bờ mái và bờ quyết đều được đắp nổi các kiểu trang trí. Hệ thống vì kèo được chạm trổ tinh xảo, mang đậm nét của nhà rường truyền thống.

Một nhà rường cổ ở Phước Tích.

Cùng với  hệ thống nhà rường, nhà thờ họ hiếm có, hệ thống văn tịch cũ cũng được bảo quản một cách nguyên vẹn. Ngoài ra, lối kiến trúc nhà vườn được ngăn cách bởi những hàng rào xanh ngắt cũng là một trong những nét đặc trưng của Phước Tích.

“Lão hóa” ở làng cổ

Khi nhắc đến những nhà cổ, người ta hay hình dung ra viễn cảnh một gia đình nhiều thế hệ chung sống hòa thuận với nhau. Song khi về Phước Tích thì không khí này lại vắng vẻ đến lạ thường. Đi từ đầu làng đến cuối làng, nếu may mắn mới thấy một bóng người mà hỏi đường. Dân thì ít, đình, chùa, miếu mạo, cây cối thì nhiều nên không khí lạnh lạnh bao trùm ngay giữa cái nắng mùa hè 37 độ C.

Ông Ðào dẫn phóng viên đi thăm làng Phước Tích.

Vợ chồng ông Lê Trọng Đào năm nay đều đã ngoài 70 tuổi. Hai ông bà là chủ nhân của ngôi nhà rường 3 gian 2 chái có tuổi thọ trên 100 năm. Ông Đào cho biết, ở làng này, chỉ có những người già trông nom và gìn giữ di sản nhà rường, những người trong độ tuổi lao động và trẻ đều đi làm ăn xa, định cư ở nói khác, lâu lâu có việc mới về quê một lần.

Làng này đông vui, nhộn nhịp nhất là 3 dịp: giỗ ngài khai căn vào ngày 5/1AL - 3 năm đại lễ một lần, lễ cầu an ngày 16/6AL, và ngày rằm tháng Giêng. Vào những dịp này, con cháu ở các nơi không cần hẹn mà vẫn về đông đủ. Còn bình thường, Phước Tích vắng như chùa Bà Đanh.

Theo tìm hiểu, Phước Tích có 100 hộ, 340 nhân khẩu. Trong đó, hơn 70% là người già, đều đã ngoài 60 tuổi. Làng cổ mà người cũng cổ. Ngày xưa có nhà trẻ nhưng vì không đủ số trẻ đến học nên nhà trẻ hiếm hoi đó cũng giải tán lâu rồi. Số trẻ ít ỏi của làng toàn phải đi học “nhờ” nơi khác.

Ông Đào lo ngại, với tình hình người già càng ngày càng già rồi mất đi dần, người trẻ lại trở nên “khan hiếm” như thế này thì độ chục năm nữa, sẽ có nhiều nhà rường, nhà thờ cổ không có chủ, không có người chăm sóc. Trong tổng số 24 nhà rường cổ thì hiện có 5 nhà không có người ở. Một số nhà đang xuống cấp nghiêm trọng, nếu không trùng tu kịp thời thì mai mốt số phận những ngôi nhà rường sẽ ra sao.

Làm du lịch, cũng chỉ để vui cửa vui nhà

Nhắc đến làng, người ta sẽ nghĩ, làng đó sẽ sống chủ yếu nhờ vào nông nghiệp. Song có một điểm khá bất ngờ khi về đây, Phước Tích không hề có đất ruộng. Một số ít người sống chủ yếu sống nhờ lương hưu, còn lại sống nhờ vào con cháu đi làm ăn xa rồi gửi tiền về chu cấp. 

Vợ chồng ông Đào đều là giáo viên nghỉ hưu, lương hưu cũng chỉ đủ ăn. Trong khi đó, nhà rường thì không được phép bán, bán cũng chẳng ai dám mua vì hầu hết là đất hương hỏa, cũng không được phép xây thêm, nhân khẩu càng ngày càng đông, không biết sống bằng gì nên nhiều người đã chuyển đi nơi khác sống. Làng đã neo người, lại càng neo người hơn.

Trước khi về Phước Tích, PV có tìm hiểu thì biết rằng ngoài hệ thống nhà rường, nhà thờ họ, Phước Tích còn nổi tiếng với nghề gốm cổ truyền. Tuy nhiên cả làng hiện nay cũng chỉ còn một lò gốm duy nhất với 3 người làm, lại làm theo phương thức mới, học hỏi từ Bát Tràng. Sản phẩm làm ra cũng chỉ đủ cung ứng cho Huế và một số tỉnh lân cận. 

Một chi tiết được chạm trổ tinh xảo bên trong nhà rường của bà Thú.

Ông Đào kê rằng, nghề gốm Phước Tích đã bị mai một, “tàng hình” hơn nửa thế kỷ rồi, hiện nay chính quyền cũng đang muốn khôi phục lại nghề gốm cổ truyền nhưng chưa tìm được đầu ra nên người dân cũng chưa biết như thế nào mà lần. Còn nghề bánh, nghề bột của làng mà một số bài báo viết, thực ra, cũng chỉ có một vài gia đình làm mà thôi.

Khi đề cập đến vấn đề thu nhập từ dịch vụ kinh doanh du lịch, ông Đào lắc đầu. Kinh doanh cũng với mục đích vui cửa vui nhà mà thôi. Thời điểm khách du lịch đến với Phước Tích đông nhất trong năm là dịp Noel và dịp nghỉ hè. 

Tuy nhiên, “đông” ở đây cũng chỉ ở mức trung bình 50 người tham quan/ năm. Khách lưu trú qua đêm và sử dụng dịch vụ homestay cũng chỉ ở mức khiếm tốn: 30 người/năm. 

Và trong 24 nhà rường của người dân làng Phước Tích, cũng chỉ có 3-4 gia đình là khách hay lui tới. Một số nhà khách đến họ cũng không thích. Hỏi ông Đào, chi phí lưu trú của mỗi khách ra sao, ông nói rằng khoảng 100 – 150.000 đồng/ngày, cũng chỉ vừa đủ tiền điện, tiền nước nôi.

So với Đường Lâm, Phước Tích cũng chẳng hề kém cạnh về giá trị văn hóa. Tuy nhiên, nếu người dân Đường Lâm sống được từ kinh doanh du lịch và làm ăn bên ngoài thì dân làng Phước gần như “kín cổng cao tường”. Số khách tham quan về thăm Đường Lâm hằng năm cũng nhiều hơn, nhộn nhịp hơn. Nói ra để thấy, rõ ràng, tiềm năng phát triển du lịch của Phước Tích vẫn chưa được khai thác hết.  

Theo lời một vài người dân Phước Tích kể lại, chính quyền cũng đang có kế hoạch làm nhà nổi, xây dựng hồ sen để phục vụ phát triển du lịch. Tuy nhiên, đây cũng mới chỉ là kế hoạch trên giấy, chưa có kinh phí rót về. Trong khi đó, giá trị cốt lõi của Phước Tích nằm ở hệ thống nhà rường, nhà thờ họ và những đình, đền, miếu, chùa thì chưa được quan tâm đúng mực.

Một mảnh đất có giá trị nhưng thiếu sức sống, vắng bóng hơi thở của người trẻ thì mảnh đất đó khác gì mảnh đất “chết”. Người già là những người “truyền lửa”, là những người kể chuyện ở những ngôi nhà rường trăm năm ngày một già đi, con cháu thì chẳng mặn mà gì. Mà cho dù mặn mà cũng không ai dám sống, biết lấy gì mà sống?

Bà Trương Thị Thú kể chuyện nhà rường.

Bà Trương Thị Thú năm nay gần 90 tuổi, một mình bà sống trong căn nhà rường cổ rộng gần 1,000 m². Vì tuổi cao sức yếu, lúc nào bà cũng canh cánh về số phận ngôi nhà rường đã gắn bó với bà cả đời người này sẽ ra sao. Bà mong muốn con cháu mình tiếp quản và trông nom nó nhưng nghĩ đi nghĩ lại, về đây, “chúng sẽ lấy gì mà ăn?”.

Trong khi đó, chính quyền cũng chưa tạo ra những tiền đề kích thích sự phát triển du lịch của mảnh đất này. Chỉ khi nào thu hút được người trẻ về quê thì mạch nước ngầm ở một trong 2 ngôi làng cổ nổi tiếng của Việt Nam này mới được tiếp nối một cách trọn vẹn. Cũng như bà Thú, ông Đào thở dài, không biết sắp tới, số phận 28 nhà rường cổ, 17 nhà thờ họ, sẽ ra sao đây?

Tháng Sáu
.
.
.