Những trái tim của biển

Thứ Năm, 31/12/2015, 10:00
Biển Vũng Tàu mùa này bình yên đến lạ, trên cầu cảng vùng Cảnh sát biển (CSB) 3, bóng những quân phục trắng xanh tăm tắp giơ tay chào, tiễn đồng đội ra khơi làm nhiệm vụ. Bình minh dát vàng phủ xuống những boong tàu, lấp lánh nụ cười, gửi người ra đi niềm tin vững vàng nơi những trái tim của biển.

Bản hùng ca trên những con tàu

Chiều Vũng Tàu biển nổi sóng nhẹ, bóng các anh trải dài trên cầu cảng, quện vào nắng, gió và muối mặn. Đại tá Đinh Quốc Ruân - Chủ nhiệm chính trị vùng CSB 3 dẫn chúng tôi xuống thăm tàu 4034, con tàu năm 2012 được Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tặng Huân chương Chiến công hạng 3 vì thành tích giải cứu tàu và bắt sống thành công 11 tên cướp biển người Indonesia. Những người hùng trên tàu 4034 ấy xuất hiện trước mặt chúng tôi, giản dị đến lạ.

Thuyền trưởng Lê Tiến Kim, chàng trai tròn 30 tuổi nhỏ thó, thư sinh, nếu không nhanh giới thiệu thì chúng tôi không nghĩ anh là thủ lĩnh của một con tàu nổi tiếng. Nụ cười của anh mặn mòi như muối biển. Cái chất "bộ đội" trong anh chỉ được toát lên khi anh kể những câu chuyện về biển.

Lực lượng CSB Việt Nam tuyên truyền pháp luật cho ngư dân trên biển.

Đó là ngày 19/11/2012, Trung tâm chia sẻ thông tin Cục CSB nhận được thông báo từ Trung tâm thông báo cướp biển của Cục Hàng hải quốc tế tại Kuala Lumpur (Malaysia) về việc tàu ZAFIRAH của Maylaysia chở khoảng 350 tấn dầu nhẹ đã bị cướp trên vùng biển nước ngoài khi đang đi về phía Bắc. 

Hai hôm sau, thông tin ngư dân Bà Rịa - Vũng Tàu cứu được 9 thuyền viên người nước ngoài gồm 5 người Myanmar và 4 người Indonesia trôi dạt trên phao cứu sinh. Các thuyền viên cho biết, họ là thành viên trên tàu chở dầu ZAFIRAH bị cướp biển tấn công. Trên đường đi, bọn cướp biển bám theo và leo lên tàu khống chế bằng rìu, búa, súng… 9 thuyền viên bị bọn cướp nhốt vào khoang tàu không cho ăn uống. Chúng phá hủy thiết bị định vị trên tàu và quăng các thuyền viên xuống phao cứu sinh bỏ mặc họ trôi dạt lênh đênh ngoài biển.

Ngay lập tức, Bộ Quốc phòng, Cục CSB ra lệnh cho Vùng CSB 3 triển khai hai biên đội tàu gồm 5 chiếc mang số hiệu: 4031, 4034, 9001, 2011, 6007 ra hiện trường tìm kiếm. Tuy nhiên, việc tìm kiếm tàu cướp biển giữa hàng loạt tàu bè lớn nhỏ đang hoạt động trên biển vào ban ngày đã là khó khăn, thì tìm vào ban đêm chẳng khác gì mò kim đáy bể. Đến khoảng 4 giờ ngày 22-11, Biên đội tàu Cảnh sát biển 4034 và 4031 phát hiện ra tàu khả nghi đang di chuyển vào một khu vực có nhiều ghe cá hoạt động.

Phát hiện mục tiêu khả nghi, tàu 4034 chạy với tốc độ khoảng 30 hải lý/giờ nên rất nguy hiểm vì dễ đâm va các tàu thuyền và chướng ngại. Các chiến sĩ làm việc không mệt mỏi vì đây là nhiệm vụ quốc tế rất quan trọng. Nhưng thắc mắc lớn nhất vẫn là IMO (số hiệu của tàu). Bởi so với kích thước, trọng tải… đã được cung cấp thì không sai nhưng thân tàu có màu đen chứ không phải màu xanh, tên tàu là SEA HORSE, IMO lại không trùng khớp với tàu bị cướp.

Giây phút thư giãn.

Thuyền trưởng của tàu bị nạn được đưa ra nhận dạng tàu khả nghi. Mặc dù đã sơn lại số hiệu để ngụy trang, nhưng chúng vẫn để lộ một vài kẽ hở như cột khói, màu chữ… Thuyền trưởng tàu bị cướp đã phát hiện ra và xác nhận đây chính xác là tàu bị cướp. Ngay lập tức, tàu 4031 và tàu 4034 tạo thành thế gọng kìm chạy với tốc độ 23 - 25 hải lý ép chặt bọn hải tặc, ba tàu còn lại chạy áp sát.

Thuyền trường Lê Hải Trường kêu gọi bọn chúng thả neo và đầu hàng bằng tiếng Anh. Bọn chúng giả vờ không hiểu. Sau nhiều giờ tuyên truyền cuối cùng bọn chúng đáp lại trên kênh 16 rằng mình chỉ là tàu hàng bình thường chứ không phải là hải tặc.

Nhận thấy bọn chúng vô cùng ngoan cố và có thể manh động gây nguy hại đến lực lượng của ta, Đại tá Lê Xuân Thanh, Chỉ huy trưởng Vùng Cảnh sát biển 3 ra lệnh bắn chỉ thiên cảnh cáo. Tất cả các vị trí chiến đấu đã sẵn sàng cho một cuộc chiến có thể sẽ đổ máu. Loạt đạn đầu tiên, chúng vẫn ngoan cố, Đại tá Lê Xuân Thanh ra lệnh bắn vào cabin tàu. Tiếng mảnh kính loảng xoảng từ thân tàu bên kia tung tóe. Lúc này bọn chúng mới lúc nhúc chui từ khoang và đưa hai tay lên đầu hàng. Ngay trong ngày, CSB Việt Nam đã đưa 11 tên cướp biển người Indonesia về Vũng Tàu và bàn gian cho Bộ đội biên phòng tỉnh điều tra xử lý.

Đại tá Đinh Quốc Ruân cho biết, đây là vụ bắt sống cướp biển kinh điển của lực lượng CSB Việt Nam. Bởi từ trước đến nay trên thế giới, các vụ đối đầu với cướp biển thì lực lượng chức năng hoặc là phải nổ súng tiêu diệt hoặc bọn cướp sẽ chống trả và tự hủy tàu. Một điều đặc biệt nữa mà các anh em vẫn hay nhắc đến trong cuộc vây bắt cướp biển, có sự tham gia của ba chú cháu trong một gia đình. Đó là Đại tá Lê Xuân Thanh - Chỉ huy trưởng vùng CSB 3, Thuyền trưởng tàu 4031 Lê Hải Trường và Thuyền trưởng tàu 4034 Lê Tiến Kim.

Nói về truyền thống gia đình, Thuyền trưởng Lê Tiến Kim không giấu được niềm tự hào: "Cha tôi từng là hải quân, mẹ là thanh niên xung phong Trường Sơn. Cha dạy anh em tôi lý tưởng của một người lính. Sau khi anh trai Lê Hải Trường vào hải quân, nghe anh kể những câu chuyện về biển thì khát vọng trở thành người lính trong tôi lúc nào cũng dồn dập".

Dẫn giải cướp biển người Indonesia vụ tàu dầu ZAFIRAH năm 2012.

Trong căn phòng ấm cúng của tàu CSB 4034, những ly trà nóng cứ vơi dần và câu chuyện về biển của các anh khiến chúng tôi không nỡ tạm biệt. Trên những nụ cười của họ luôn sáng rực một ý chí, niềm tin, họ sẵn sàng ra khơi khi Tổ quốc gọi.

Ở hậu phương, em cũng là chiến sĩ

Nếu chỉ nói về những người lính CSB thôi chưa đủ, phía sau họ còn có những người vợ, những đứa con đang là nguồn động viên tinh thần giúp các anh vững vàng hơn nơi đầu sóng ngọn gió. Trong chuyến công tác tại vùng CSB 3, chúng tôi đã được gặp gỡ, tiếp xúc với "hậu phương" của các chiến sĩ CSB đang làm nhiệm vụ ngoài biển khơi.

Trong ráng chiều thơ thẩn của biển Vũng Tàu, hai đứa con ngây thơ của Thượng úy Nguyễn Văn Thủy (nhân viên máy tàu 8001) đùa nhau cười khanh khách. Chị Lê Thị Loan, vợ anh Thắng kéo hai con gái về phía lòng, nói vỗ về: "Đứa lớn 5 tuổi rồi nên biết bố đi biển, ngày nào cháu cũng hỏi bố sắp về chưa, còn đứa nhỏ mới hơn một tuổi chưa biết gì đâu".

Phòng trọ ba mẹ con chị Loan chỉ hơn 10m2, nhưng dường như nó thênh thang hơn khi vắng bóng người chồng. Tiếng cười, khóc của con trẻ phần nào làm dịu đi nỗi trống vắng và nhớ chồng của người vợ trẻ. Những ngày chồng đi biển, mẹ con chị Loan được các anh em trong đơn vị thường xuyên tới thăm hỏi động viên và thông báo tình hình của anh Thủy để người ở nhà yên tâm.

Thượng tá Lê Văn Thu - Phó chủ nhiệm chính trị vùng CSB 3 cho biết, những người vợ chúng tôi gặp đều trong cảnh thất nghiệp sau khi sinh con nên gặp giờ nào cũng được. Phòng trọ của chị Lê Thị Phượng, vợ Trung úy Bùi Hướng Đương nằm sâu trong con hẻm nhỏ của đường 30/4 (TP. Vũng Tàu). Tất bật với con nhỏ, lam lũ với công việc mưu sinh nhưng khi kể về chồng, người vợ của lính CSB vẫn lấp lánh tự hào, chị nhớ lại: "Ngày tôi đang mang thai tháng thứ 3, vẫn đang trong thời kỳ thai nghén thì anh Đương nhận lệnh ra khơi. Anh chỉ kịp dặn vợ ở nhà giữ gìn sức khỏe để nuôi con. Rồi đi biền biệt, không có một dòng tin nhắn".

Những câu chuyện về cha thường được người mẹ chỉ lên tấm hình kể cho con nghe.

Nhớ chồng, ngày nào chị Phượng cũng bấm máy điện thoại gọi, dẫu biết rằng đầu dây bên kia tiếng chuông khô đanh liên tục thông báo: "Số máy quý khách vừa gọi hiện không liên lạc được". Nhưng chị vẫn gọi, đơn giản là động tác nhằm làm vơi đi nỗi nhớ.

Những người vợ của các chiến sĩ CSB chúng tôi gặp hôm nay, dù họ đang gặp những khó khăn về kinh tế, dù cuộc sống chồng vợ phải xa nhau biền biệt, nhưng họ vẫn lạc quan, một lòng hướng về biển khơi, giúp những người chồng vững tâm làm nhiệm vụ. Họ xứng đáng là những chiến sĩ kiên cường ở hậu phương.

Hai ngày ở vùng CSB 3, cho dù đã cố gắng đi thật nhiều, gặp gỡ thật nhiều, nhưng chúng tôi không thể nói hết, viết hết những điều thiêng liêng quá đỗi đời thường của những người lính CSB. Dẫu biển có nổi sóng, nhưng ở đây, sóng trong lòng người, sóng trong trái tim cứ dạt dào, mênh mang bất tận.

Ngọc Thiện
.
.
.