Những nghịch lý giữa đại dịch COVID-19

Thứ Hai, 27/04/2020, 07:29
Thế giới đang trải qua những ngày đảo lộn mọi giá trị vì đại dịch COVID-19. Trong khi 500 triệu người trên khắp thế giới đang có nguy cơ trở lại cảnh nghèo đói, trong đó khoảng 250 triệu người có nguy cơ bị đói thì trên khắp thế giới, nống sản đang bị bỏ thối trên các cánh đồng vì nông dân không biết bán cho ai do gián đoạn chuỗi cung ứng.


Nhận cứu trợ để sống qua ngày

Hai tuần sau khi Ấn Độ ban hành lệnh phong tỏa toàn quốc, Sunita Devi lo không biết hai mẹ con cô sẽ sống trong những ngày tiếp theo bằng cách nào. Devi đến từ thành phố Fatehpur thuộc bang Uttar Pradesh, cách New Delhi khoảng 560 km về phía bắc. Chồng cô, một tài xế, đã qua đời vì bệnh lao hai năm trước. Trước phong tỏa, cô kiếm được 5.500 rupee (73 USD)/ tháng từ công việc dọn dẹp và nấu ăn cho ba gia đình trung lưu ở Paschim Vihar.

Trả 26 USD tiền thuê nhà, cô và các con gái trang trải cuộc sống với chưa đầy 2 USD mỗi ngày, bao gồm cả học phí. Devi không có khoản tiết kiệm nào. Vì vậy khi lệnh phong tỏa được ban bố, Devi bị sốc khi không thể đi làm.

Rau tại các trang trại ở Mỹ để thối trên đồng vì không bán được.

Ban đầu thời gian phong toả là 21 ngày, nhưng giờ đây đã gia hạn lên 6 tuần. Devi đã hết sạch tiền và hiện phải sống nhờ thực phẩm do chính phủ phân phát tại các ngôi trường công. "Khẩu phần ăn của chúng tôi rất ít. Chúng không đủ cho cả gia đình tôi", Devi nói. Trong khi đó những người chủ nhà không muốn Devi đến giúp việc nữa trong giai đoạn hiện nay.

Giờ đây, công việc của Devi là chờ đến 4h chiều lại đi đến một ngôi trường ở Nilothi, xếp hàng nhận gạo và đậu cứu trợ cho bữa tối. Cảnh xếp hàng chờ nhận lương thực phân phát này đã trở nên phổ biến ở hầu hết các thành phố lớn của Ấn Độ giữa đại dịch COVID-19.

Những người như Devi ở Ấn Độ rất nhiều bởi hiện gần 50% trong số 476 triệu người lao động của Ấn Độ là những lao động tự do, 36% nhận lương thời vụ và chỉ 17% là lao động nhận lương thường xuyên. 2/3 trong số này làm việc không ký hợp đồng và 90% không được hưởng an sinh xã hội hay bảo hiểm sức khỏe. Lệnh phong tỏa vì COVID-19 khiến cuộc sống của họ vốn đã khó giờ càng thêm khó.

Chính phủ sau đó thông báo những biện pháp cứu trợ, cung cấp cho mỗi người dân 5 kg gạo/bột mì trong ba tháng tới cùng 1 kg đậu Hà Lan cho mỗi gia đình. Tại bang Delhi, chính quyền tuyên bố sẽ cung cấp ngũ cốc cho 7,2 triệu người dân, tương đương 40% dân số bang. Song các học giả và nhà hoạt động cho rằng những hỗ trợ trên là chưa đủ vì hàng triệu gia đình yếu thế không nằm trong Hệ thống Phân phối Công cộng (PDS) sẽ bị bỏ lại.

Người Mỹ xếp hàng chờ lấy bữa ăn miễn phí.

Nhưng không chỉ ở Ấn Độ mới có những người đang bị bần cùng hoá vì COVID-19. Từ đầu tháng 4 này, hàng triệu người Mỹ đã phải làm đơn xin trợ cấp thất nghiệp, kêu gọi tiền ủng hộ trên mạng xã hội và đến các trung tâm hỗ trợ thực phẩm khi bất ngờ lâm vào cảnh thất nghiệp dù trước đó họ đều có việc làm và thu nhập ổn định. Tuy nhiên dịch COVID-19 như môt cơn bão đã quét đi tất cả.

Adedyo Codrington, nhân viên triển lãm thương mại và người quản lý công đoàn. Trước đó thu nhập của anh là 1.500 - 2.000 USD/tuần, nhưng giờ đây anh cũng phải tới ngân hàng thực phẩm nhận đồ ăn. Dù đã nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp ngay khi phải nghỉ việc vào 8/3, anh phải đợi thêm một thời gian mới đến lượt nhận tiền.

Lần đầu tiên đến nơi hỗ trợ thực phẩm, người cha 41 tuổi được thông báo nguồn cung cấp đã hết. Lần thứ 2, bỏ qua sự mặc cảm và xấu hổ, anh cố gắng đến sớm hơn nhưng nhanh chóng phải ra về với một túi đậu xanh vì hàng người đến xếp hàng đông đúc. Dù đồng nghiệp quyên góp giúp 100 USD, số tiền này chẳng giúp gia đình anh cầm cự được bao lâu. Giờ Codrington chỉ dám ăn một bữa/ngày, cố gắng cầm cự bằng nước đường và 2 lát bánh mì.

Cũng như Adedyo Codrington, cô gái 22 tuổi Ashyle Horton từng là tình nguyện viên tham gia chương trình điều hành phòng hỗ trợ thực phẩm ở Đại học Arkansas (Mỹ). Nhưng giờ đây, sau khi  bị cắt giảm giờ làm việc ở trung tâm chăm sóc người tàn tật, cô cũng phải đến ngân hàng thực phẩm để nhận đồ cứu trợ.

Đoàn xe ôtô dài hàng cây số của người Mỹ đến nhận cứu trợ tại các ngân hàng thực phẩm.

"Tôi chưa bao giờ nghĩ mình sẽ gặp nhiều khó khăn như vậy", cô nói. Horton cho biết mình rất cần mì ống, gạo và các nhu yếu phẩm khác trên kệ thực phẩm, nhưng cô lo lắng rằng những người khác có thể phán xét cô, rằng họ sẽ nghĩ cô có thể tự lo thay vì đến xin đồ.

Theo thống kê, hiện đã có khoảng 22 triệu người Mỹ nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp và các ngân hàng lương thực thì phải chật vật đáp ứng nhu cầu ngày một lớn. Bà Claire Babineaux-Fontenot, Giám đốc Điều hành tổ chức cứu trợ Feeding America lớn nhất tại Mỹ, cho biết, tổ chức này sẽ hỗ trợ thêm cho 17,1 triệu người trong 6 tháng tới do ảnh hưởng vì dịch COVID-19.

Feeding America cũng ước tính khoảng 37 triệu người, trong đó có 11 triệu trẻ em và 5,5 triệu người cao tuổi, không được đảm bảo về lương thực, thực phẩm. "Tôi chưa từng chứng kiến việc hệ thống bị quá tải như hiện nay. Lần đầu tiên trong lịch sử, chúng tôi phải từ chối một vài người. Và đó là điều chúng tôi không bao giờ muốn làm", bà Claire cho biết.

250 triệu người có nguy cơ bị đói trong khi thực phẩm bị bỏ thối

Ngày 21/4, Liên hợp quốc đã cảnh báo thế giới có nguy cơ đối mặt với nạn đói "có quy mô như được đề cập trong Kinh thánh" do đại dịch COVID-19.

Báo cáo ước tính rằng số người bị đói có thể tăng từ 135 triệu đến hơn 250 triệu. Những người có nguy cơ cao nhất là ở 10 quốc gia bị ảnh hưởng bởi xung đột, khủng hoảng kinh tế và biến đổi khí hậu. Báo cáo lần thứ tư toàn cầu hàng năm về khủng hoảng lương thực cho biết đó là các quốc gia Yemen, Cộng hòa Dân chủ Congo, Afghanistan, Venezuela, Ethiopia, Nam Sudan, Sudan, Syria, Nigeria và Haiti. Theo báo cáo, 61% dân số Nam Sudan bị ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng lương thực năm ngoái.

Phát biểu trước Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc trong một cuộc họp video, ông David Beasley, người đứng đầu Chương trình Lương thực Thế giới (WFP), cho biết cần có hành động khẩn cấp để tránh thảm họa. "Chúng ta có thể phải đối mặt với nhiều nạn đói với quy mô như trong Kinh thánh trong vài tháng tới. Sự thật là chúng ta không có thời gian", ông nói.

Trước đó, trong báo cáo mang tựa đề "Cái giá của nhân phẩm", Tổ chức Oxfam cũng đưa ra cảnh báo dịch COVID-19 có thể khiến 500 triệu người, tức khoảng 8% dân số thế giới có nguy cơ bị rơi vào cảnh bần cùng. Trong đó, các nước đang trên đà phát triển ở châu Phi, Trung Đông, châu Mỹ Latinh đặc biệt bị tác động mạnh.

Tuy nhiên, điều đáng nói là trong khi hàng trăm triệu người đang "đói vàng mắt" thì một lượng lớn lương thực, thực phẩm đang bị bỏ thối trên các cánh đồng hoặc đổ bỏ vì các lệnh phong toả khiến chuỗi cung ứng lương thực thực phẩm bị gián đoạn toàn cầu.

Ở Ấn Độ, nơi 70% dân số làm việc trong ngành nông nghiệp, là một trong những quốc gia dễ bị tổn thương nhất bởi sự gián đoạn này. Trên những cánh đồng màu mỡ ở huyện Satara, phía Tây Ấn Độ, nông dân đang cho gia súc ăn xà lách, dâu tây. Một số nông dân khác đang đổ hàng xe tải nho vào đống phân ủ.

Họ không có lựa chọn nào khác ngoài cho gia súc ăn hoặc mặc chúng thối rữa. "Không ai muốn mua dâu vì lệnh phong tỏa", Anil Salunkhe, người đang đổ dâu cho bò ăn, nói. Khách du lịch địa phương không đến mua, ông cũng không bán được hàng cho lái buôn. Salunkhe thậm chí đã rao tặng miễn phí, nhưng chỉ rất ít người dám mạo hiểm rời nhà đến lấy dâu.

Tại Canada, lượng nhập khẩu các loại rau củ quả Ấn Độ như hành tây, đậu bắp, cà tím, đã giảm 80% trong hai tuần qua vì đường bay bị hạn chế. Ở Pháp, Bộ trưởng Nông nghiệp Didier Guillaume đã phải đưa ra lời kêu gọi những người mới phải thôi việc hoặc sa thải vì COVID-19 trở thành lực lượng thay thế cho đội quân lao động nhập cư ở trang trại.

"Chúng tôi cần lượng lớn lao động mùa vụ vào lúc đó. Nếu không ai đáp ứng lời kêu gọi, nông sản trên cánh đồng sẽ thối hết", Christiane Lambert, người đứng đầu công đoàn nông nghiệp lớn nhất nước Pháp FNSEA, nói.

Tại Mỹ, các nhà sản xuất sữa ở Wisconsin, Vermont và những bang khác đổ đi hàng xe sữa thừa xuống cống hay xuống đồng. Trước đây, sữa thường được bán cho hệ thống trường học. Nay, trường học đóng cửa, với những nhà sản xuất, việc chuẩn bị và đóng gói thực phẩm để bán lẻ thay vì bán buôn, cũng như vận tải hàng hóa là một vấn đề mới và tốn kém không dễ giải quyết.

Không chỉ sữa phải đổ bỏ, tại nhiều trang trại, nông dân bất lực nhìn nông sản thối trên cánh đồng hay sữa đổ xuống cống trong lúc vội vã đi tìm nơi nhập hàng. Hàng tỷ USD thực phẩm sẽ bị lãng phí khi người trồng và người sản xuất từ California tới Florida đang đối mặt khủng hoảng thừa các mặt hàng dễ hư hỏng.

Đây là một nghịch lý không thể chấp nhận khi các ngân hàng thực phẩm cứu trợ tại Mỹ và các cửa hàng thực phẩm đang chật vật để giữ hàng đầy kho thì nông dân khắp nơi lại đổ bỏ sữa, nhổ bỏ rau củ. Theo báo cáo của Liên minh Nông nghiệp Bền vững Quốc gia Mỹ, thiệt hại của ngành nông nghiệp nước này có thể lên tới 1,32 tỷ USD từ tháng 3 tới tháng 5.

Minh Trang (tổng hợp)
.
.
.