Nghệ An:

Cơ quan nào chịu trách nhiệm để lọt 569 bộ hồ sơ thương binh giả?

Chủ Nhật, 17/02/2019, 12:40
Thực hiện chế độ ưu đãi người có công với cách mạng, mỗi năm, tỉnh Nghệ An chi trả chế độ trợ cấp thường xuyên cho hơn 80.000 đối tượng hưởng chính sách theo quy định là người có công, với số tiền trên 115 tỷ đồng/tháng.


Tuy nhiên, qua công tác thanh tra của Bộ Lao động, Thương binh và xã hội (LĐTB&XH) và Sở LĐTB&XH tỉnh Nghệ An, đã phát hiện 569 trường hợp khai man, giả mạo giấy tờ hồ sơ Thương binh để trục lợi.

Số tiền mà các đối tượng đã hưởng sai phải truy thu dự tính là hơn 131 tỷ đồng. Trung bình mỗi người nhận từ 120 triệu đồng đến hơn 200 triệu đồng trong hơn 10 năm qua.

Làm giả hồ sơ, vận dụng như… vượt đèn đỏ

Theo số liệu của đoàn thanh tra, qua công tác Thanh tra giữa Đoàn Thanh tra của Bộ LĐTB&XH và Sở LĐTB&XH tỉnh Nghệ An, tính đến thời điểm hiện nay, có tới 18/21 huyện, thành phố, thị xã có đối tượng hưởng sai trợ cấp ưu đãi thương binh, đã phát hiện 569 trường hợp khai man, giả mạo giấy tờ hồ sơ thương binh để trục lợi, bị đình chỉ chế độ.

Bà Hồ Thị Châu Loan, Phó Giám đốc Sở LĐTB&XH tỉnh Nghệ An trả lời chất vấn báo chí tại buổi họp báo đầu năm 2019.

Đáng nói là trong 569 trường hợp khai man, giả mạo giấy tờ hồ sơ thương binh để trục lợi có không ít là cán bộ công chức đang công tác, nghỉ hưu, thậm chí một số trường hợp hiện đang đương chức cũng làm giả hồ sơ để trục lợi cả chục năm.

 Hiện các cơ quan chức năng đóng trên địa bàn tỉnh Nghệ An phối hợp với Sở LĐTB&XH tỉnh Nghệ An đã có thông báo đình chỉ 569 đối tượng hưởng sai chế độ thương binh từ ngày 01/8/2018.

Theo đó, UBND tỉnh Nghệ An giao cho Sở LĐTB&XH Nghệ An thông báo tạm đình chỉ chế độ đối với 569 trường hợp, ban hành quyết định đình chỉ trợ cấp ưu đãi thương binh đối với các trường hợp khai man, giả mạo giấy tờ, hoặc không có tên trong danh sách quân nhân bị thương, về bản gốc, lưu tại đơn vị.

Đáng nói là trong 569 trường hợp khai man, giả mạo giấy tờ hồ sơ Thương binh để trục lợi tại Nghệ An có ông Ngô Minh Trinh - Phó trưởng Ban quản lý Dự án của Công ty Điện lực Nghệ An và ông Nguyễn Văn Sáu - Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Hưng Lộc (TP Vinh). Ông Sáu đi bộ đội từ tháng 02/1975, làm công tác ở Cục Hậu cần, Quân khu 4.

Đến năm 1982, ông Sáu giải ngũ trở về địa phương. Ông Sáu làm giả hồ sơ thương binh và bắt đầu hưởng chế độ thương binh với tỷ lệ thương tật 27% từ năm 2003. Thời điểm cao nhất, mỗi tháng ông Sáu nhận tiền chế độ khoảng 1.000.000 đồng/tháng. Đến tháng 9/2018, đoàn thanh tra phát hiện ông Sáu làm hồ sơ thương binh giả và cơ quan chức năng đã cắt các khoản trợ cấp.

Trao đổi về việc làm giả hồ sơ thương binh để trục lợi, trái với quy định dành cho người có công, vị Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Hưng Lộc Nguyễn Văn Sáu nói: “Sau khi tìm hiểu và làm xong bộ hồ sơ giả thương binh, tôi đến nộp hồ sơ tại Hội đồng y khoa tỉnh Nghệ An (phường Hưng Dũng, TP Vinh). Sau đó họ gửi thông báo đến để khám”. Vậy hồ sơ bác tự làm hay mua của người khác?.

Ông Nguyễn Văn Sáu - Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Hưng Lộc (TP Vinh).

“Không nói ra thì các chú cũng biết, vào thời điểm đó sắm bộ hồ sơ giả nó đơn giản, giống như ta qua ngã tư đèn đỏ. Nhìn phía trước nhìn sau không thấy Công an là đi. Biết vượt đèn đỏ là sai, nhưng mình đứng lại thì xe phía sau họ cũng đẩy mình đi. Suy cho cùng tất cả vì kinh tế khó khăn”.

Khác với ông Sáu là trường hợp ông Ngô Minh Trinh. Để được hưởng chế độ thương binh, trục lợi tiền Nhà nước, thay vì kinh tế gia đình khó khăn, vị Phó trưởng Ban quản lý dự án nhà cao cửa rộng, tiền lương, thưởng mỗi tháng hàng chục triệu đồng này lại thích cái “mác” thương binh ghi trong hồ sơ, gắn lên ngực để mọi người biết mình đã từng vào sinh ra tử để được cấp trên ưu ái xem xét nâng đỡ mỗi khi thăng quan, tiến chức.

Mặc dù vụ việc đã vỡ vạc, nhưng không hiểu vì sao, hiện nay ông Ngô Minh Trinh vẫn “yên vị” ghế Phó trưởng Ban quản lý dự án Sở điện lực Nghệ An.

Đình chỉ 568 trường hợp hưởng sai chế độ      

Tại cuộc giao ban Báo chí đầu năm 2019 do tỉnh Nghệ An tổ chức, vấn đề làm giả hồ sơ thương binh để trục lợi cũng được báo chí quan tâm chất vấn các Sở, ngành liên quan.

Theo lãnh đạo Sở LĐTB&XH tỉnh Nghệ An thì trong 569 trường hợp chỉ phục hồi 1 trường hợp ở huyện Đô Lương sau khi chứng minh hồ sơ là đúng, hiện cơ quan chức năng đã hồi phục lại chế độ đối với trường hợp này.

Theo chỉ đạo của Cục Chính trị Quân khu 4, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Nghệ An cũng thông báo sai phạm hồ sơ bằng văn bản đến từng đối tượng, thu hồi giấy chứng nhận bị thương, quyết định cấp giấy chứng nhận bị thương và trợ cấp thương tật.

Ông Ngô Minh Trinh - Phó trưởng Ban quản lý dự án của Công ty Điện lực Nghệ An.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Lê Minh Thông cho biết, tỉnh đang tiếp tục chỉ đạo các ngành liên quan phối hợp Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh, tiếp tục thu hồi thẻ thương binh giả theo chỉ đạo của Bộ Lao động Thương binh - Xã hội, đồng thời phân loại các đối tượng thương binh giả gồm ai là nông dân, ai là cán bộ công chức, ai là đoàn thể. Hiện tỉnh Nghệ An đã tạm dừng chi trả chế độ đối với 568 bộ hồ sơ giả thương binh theo chỉ đạo của Bộ LĐTB&XH.

 Bà Hồ Thị Châu Loan, Phó Giám đốc Sở LĐTB&XH tỉnh cho biết, đến nay, tỉnh Nghệ An đã thu hồi được gần 2 tỷ 200 triệu đồng từ 568 trường hợp làm giả hồ sơ thương binh.

Theo đó, địa phương có nhiều đối tượng bị đình chỉ nhất là TP Vinh trên 100 đối tượng; huyện Nam Đàn có 87 đối tượng, Quỳnh Lưu 79 đối tượng, Diễn Châu có 68 đối tượng.

Trao đổi với phóng viên về 568 đối tượng làm hồ sơ giả mạo thương binh tại Nghệ An, Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Lê Tấn Dũng cho biết: “Những đối tượng này đã làm hồ sơ giả, lợi dụng kẽ hở pháp luật để trục lợi. Tuy nhiên, cũng có những trường hợp thương binh thật, khi làm hồ sơ, họ không trình giấy tờ gốc mà muốn làm tắt cho nhanh. Những trường hợp này phải bình tĩnh xem xét theo quy định của pháp luật”.

Hội Cựu chiến binh Nghệ An cho rằng, hiện nay vẫn có những trường hợp đủ để xem xét, công nhận là thương binh nhưng chưa được, vì thất lạc hồ sơ, những trường hợp này phải xem xét cân nhắc. Với những trường hợp làm giả hồ sơ thương binh để trục lợi chính sách của Nhà nước, nhất là các đối tượng kinh tế khá giả, đương chức đương quyền, phải có chế tài xử lý nghiêm.

Còn Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Lê Tấn Dũng khẳng định, Bộ và UBND tỉnh Nghệ An sẽ làm quyết liệt, minh bạch, sai đâu khắc phục và xử lý thu hồi đến đó. Lãnh đạo Bộ cũng lưu ý địa phương phải kiên quyết và xử lý nghiêm minh đối với những trường hợp lợi dụng chính sách để làm giả hồ sơ nhằm trục lợi, nếu phát hiện đề nghị Cơ quan Công an vào cuộc để điều tra, khởi tố đảm bảo công bằng cho những người đã hy sinh xương máu vì đất nước.

“Tuy nhiên, những trường hợp trục lợi mà đã qua đời thì chúng tôi đang xin ý kiến Chính phủ. Còn đối với đối tượng “3 nghèo”: hộ nghèo, hộ cận nghèo, bệnh hiểm nghèo thì thu hồi là khó, nhưng không có nghĩa là xóa cho họ.

Quan điểm Bộ LĐ-TB-XH đối với đối tượng này, nếu chưa trả được ngày hôm nay thì ngày mai trả, mai chưa trả được thì ngày hôm sau trả, lúc nào có điều kiện là phải trả, bởi tiền chính sách cũng là tiền của người dân đóng thuế. Nguyên tắc là sai phải thu hồi” - ông Dũng nhấn mạnh. 

Cơ quan nào chịu trách nhiệm?

Theo quy định, để hoàn thiện được bộ hồ sơ hoàn chỉnh gửi Bộ LĐTB&XH trình Chính phủ, mỗi địa phương phải thành lập Hội đồng xác nhận hồ sơ ở 3 cấp (tỉnh, huyện và xã) để hướng dẫn thiết lập và xác minh hồ sơ.

Ngoài việc công khai hồ sơ trên các phương tiện thông tin truyền thông tại địa phương và niêm yết hồ sơ tại nơi cư trú của thân nhân đối tượng, còn áp dụng các nghiệp vụ khác như truy cứu trong hồ sơ tàng thư, lấy thông tin từ lịch sử đảng bộ xã, huyện, thành phố, thị xã...

Đặc biệt, các hồ sơ tồn đọng đều được lấy ý kiến từ các đồng chí là cán bộ tiền khởi nghĩa, cán bộ qua hai thời kỳ kháng chiến và các đồng chí nguyên là lãnh đạo tỉnh qua các thời kỳ...

Hơn nữa, để đủ điều kiện được xác lập hồ sơ xác nhận thương binh các lực lượng chức năng và địa phương phải dựa vào Nghị định số 31/2013 ngày 9/4/2013 của Chính phủ quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng và Thông tư số 202 ngày 7/11/2013 của Bộ Quốc phòng về hướng dẫn trình tự, thủ tục xác nhận tổ chức thực hiện chế độ ưu đãi người có công với cách mạng thuộc trách nhiệm của Bộ Quốc phòng (Dũng cảm thực hiện công việc cấp bách, nguy hiểm phục vụ quốc phòng an ninh; dũng cảm cứu người, cứu tài sản của Nhà nước và nhân dân).

Tuy nhiên, khi lập hồ sơ phải có đủ các giấy tờ làm căn cứ xác nhận thương binh theo đúng quy định tại Khoản 5, Điều 11 Thông tư số 202/2013/TT-BQP.

Từ những nội dung trên, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh chỉ đạo các Bộ chỉ huy Quân sự huyện, thành, thị tiến hành rà soát, kiểm tra hồ sơ đăng ký, quản lý quân nhân bị thương hiện đang lưu giữ, nếu có cơ sở để đề nghị xác nhận thương binh theo quy định tại Điều 27 Nghị định số 31/2013 và Điều 12 Thông tư số 202/2013/TT-BQP nêu trên. Quy định thì quá cụ thể, chặt chẽ, nhưng vẫn để xẩy ra hàng trăm bộ hồ sơ giả thương binh để trục lợi là điều khó hiểu, dư luận bức xúc. 

 Để tìm hiểu thêm về nội dung này, chúng tôi có mặt tại Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, nhưng nhận được câu trả lời của Phòng Chính trị là phải có ý kiến Cục Chính trị - Quân khu 4 mới được phép pháp ngôn.

Đến Quân khu 4 thì một sỹ quan trực cổng trả lời: Theo quy định Quân đội là không cung cấp thông tin cho báo chí, mặc dù PV đã trình thẻ Nhà báo và nõi rõ quy định Luật Báo chí.

Dẫu biết rằng, việc xác nhận người có công với cách mạng còn tồn đọng qua các thời kỳ cách mạng là công việc khó khăn, phức tạp; do thời gian quá lâu, nhiều trường hợp bị thương từ trong kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ đến nay không còn các giấy tờ, người làm chứng để làm căn cứ xác nhận người còn sống, kẻ đã mất, do đó việc xác nhận là vô cùng khó khăn.

Tuy nhiên, không vì thế mà để đối tượng lợi dụng chính sách khai man, gian lận hồ sơ để hưởng chế độ, gây nhiều bức xúc trong dư luận xã hội. Là người làm chính sách thừa hiểu rằng nếu là người có công thực sự phải đảm bảo hồ sơ, thủ tục, chế độ chính sách, ưu đãi của Đảng và Nhà nước.

Đối với những trường hợp không có công nhưng làm hồ sơ để hưởng chế độ, thì kiên quyết thu hồi, xử lý. Kể cả các cấp, các ngành, cá nhân, tập thể nào có liên quan trong quá trình công tác làm sai hồ sơ này cũng xử lý trách nhiệm, chứ không phải chỉ tập trung vào hồ sơ sai để thu hồi.

Thiết nghĩ, ngoài việc kiến nghị xử lý, dư luận cũng trông chờ các cơ quan chức năng tiến hành điều tra, làm rõ, xử lý kỷ luật nghiêm đối với cán bộ có sai phạm hoặc thiếu trách nhiệm trong việc lập và xác nhận hồ sơ, đồng thời qua đó làm rõ trách nhiệm cơ quan nào chịu trách nhiệm để lọt 569 bộ giả hồ sơ thương binh để trục lợi hơn chục năm qua, gây thất thoát tiền Nhà nước hơn 100 tỷ đồng?

Hữu Trọng
.
.
.