Ngậm ngùi kho tàng của "vua cổ vật" Hồ Tấn Phan

Chủ Nhật, 15/12/2019, 18:24
Ông Hồ Tấn Phan (SN 1939), vốn được người dân xứ Huế và giới nghiên cứu gọi là “nhà nghiên cứu Huế”, “vua cổ vật” hay là “nhà cổ vật đáy sông Hương”. Là người tiên phong trong việc tìm đồ cổ dưới đáy sông Hương, ông Phan đã sưu tầm được một số lượng lớn đồ gốm có niên đại lên tới 2.500 năm và một kho sách. Năm 2016, ông Phan bị bạo bệnh qua đời.


Ông mất khi còn nung nấu mong muốn dùng tài sản, đất đai của mình lập một “Bảo tàng văn hóa sông Hương” trưng bày bộ sưu tập “Đi tìm thời gian đã mất” để du khách trong và ngoài nước đến Cố đô Huế thêm một điểm tham quan, nghiên cứu. Điều đáng tiếc, từ khi ông Phan mất đi, do không được bảo quản nên “kho tàng” cổ vật của ông đã bị hư hỏng, mất mát khá nhiều… 

Nếu không chắc chắn nơi mình đến, có lẽ chúng tôi đã dừng bước sau khung cổng dang dở dựng bằng những ống sắt nặng nề ngay đầu ngõ ngôi nhà 5/28 Cao Bá Quát, TP Huế. Đi sâu vào con ngõ đã bị cỏ dại che lấp, cuối cùng thì chính những chum, vò… đã dẫn lối chúng tôi vào ngôi nhà đang bị cỏ dại vây kín của nhà nghiên cứu Hồ Tấn Phan.

Di ảnh ông Hồ Tấn Phan.

Sống trong ngôi nhà là anh Hồ Tấn Chính, con trai của ông Phan. Nhưng, như anh Chính tâm sự, với 3.000m², khu vườn đang bị bỏ hoang cho cỏ dại vây phủ, do bởi một mình anh với thu nhập hạn chế đã không đủ sức duy tu ngôi nhà, nói chi đến việc làm vườn, thực hiện giấc mơ của người cha quá cố. 

Anh Chính cho biết, sinh thời cha anh mong muốn biến ngôi nhà đang ở trở thành nơi trưng bày kỷ vật gốm và sách miễn phí. Nhưng bây giờ, nơi đây là ngôi nhà hoang, khu vườn hoang với nhiều rọ sắt chứa hàng ngàn mảnh gốm vỡ, những đống chum vò lẫn trong cỏ, rác… 

Một không gian hoang phế khiến người vào e ngại có rắn rết trong những đống phế tích. Còn những người từng đến đây, chiêm ngưỡng những cổ vật, từng nghe ông Phan giới thiệu về hồn cốt những mảnh vỡ thời gian được vớt lên từ đáy dòng sông thơ mộng nhất Huế… sẽ cảm thấy tim mình thắt lại, một cảm giác nuối tiếc đến tê cứng… Hàng trăm quyển sách quý cũng có số phận không hơn gì lũ chum vại. 

Anh Chính cho biết do ngôi nhà cấp 4 đã ẩm thấp, trận lũ vào cuối năm 2017 đã làm một số tủ sách bị đổ, tủ bằng sắt đè lên khiến anh chỉ có thể cay đắng nhìn sách bị ngâm nước trong suốt một tuần. Trong đó, có những cuốn làm bằng giấy dó, những bản được viết bằng chữ Hán, chữ Nôm và những quyển sách hiếm từ những năm 40-50 sau công lịch. 500 quyển sách quý nhưng anh chỉ có thể cứu được hơn 200 quyển…

Một góc của bộ sưu tập đồ gốm của ông Phan.

Hàng chục ngàn mảnh vỡ nhà nghiên cứu Hồ Tấn Phan thu nhặt tích góp gần cả cuộc đời, là bộ sưu tập gốm sứ hiện thân của văn hóa sông Hương… đã được nhiều cơ quan thông tấn trong và ngoài nước giới thiệu, được ông công bố với tư cách nhà nghiên cứu tại nhiều tạp chí, hội thảo khoa học. 

Thế nhưng, khi ông mất vào giữa tháng 2-2016, sau hàng loạt bài viết đăng trên các báo giới thiệu về ông, về sách và cổ vật của ông, thì dần dần kho tàng cổ vật đáy sông Hương và những văn bản cổ tự… ở ngôi nhà 5/28 Cao Bá Quát hoàn toàn bị rơi vào quên lãng. 

Trao đổi về sự việc, anh Chính cho rằng, để có thể sửa sang lại ngôi nhà, xây dựng phòng trưng bày và phòng sách mà ông Phan sưu tầm, dự kiến sẽ tốn số tiền khá lớn. Chưa kể đến việc phục hồi lại một số kỷ vật và sách đã và đang dần bị hư hỏng theo thời gian. Đây là số tiền mà anh và gia đình không thể có. 

Rồi khi ông Phan mất đi, một vài người đã lợi dụng đổ rác vào khu vườn, lấn đất, phá hàng rào… Đỉnh điểm là vào mùa nắng, hồ trước nhà cạn nước, một số người đã lội vào lấy đi một lượng lớn cổ vật lu, gốm. Trong khi đó, cơ quan chức năng không giải quyết dứt điểm sự việc...

Những món đồ gốm ngổn ngang ngoài sân vườn bị cây leo che khuất.

Việc xây dựng phòng trưng bày cho cổ vật và sách sưu tầm của nhà nghiên cứu Hồ Tấn Phan sẽ giúp Cố đô Huế có thêm một địa chỉ văn hóa du lịch. Nhưng với anh Chính, anh đành bất lực và chỉ nói rất chân thật: “Nó là ước muốn của cha tôi, ông mong nó không chỉ để có thể giúp cho những người có nhu cầu có thể tìm hiểu, nghiên cứu, học tập dễ dàng hơn. Và bây giờ, điều tôi mong ước là làm sao cứu được kho tàng vô giá này”. 

Cần biết rằng trong gia tài cổ vật lên đến hơn 10.000 món đồ gốm của ông Phan có không ít món từ thời Đông Sơn, Champa, cho đến thời Lý, Trần, Lê, có cả các hiện vật từ thời Tống của Trung Quốc hay những món của Nhật, Pháp... 

Ngoài ra, kho thư tịch nổi tiếng của ông Phan và những tư liệu về chủ quyền biển đảo của Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là những tư liệu có giá trị văn hóa vượt qua một thư viện gia đình, trở thành kho báu văn hóa có giá trị của Huế. 

Một thành phố văn hóa được tạo nên bởi những người có nhiệt tâm và tầm nhìn văn hóa, luôn có khát vọng làm giàu có thêm bởi những địa chỉ văn hóa. Một phòng trưng bày bộ sưu tập của nhà nghiên cứu Hồ Tấn Phan nếu được quan tâm xây dựng không chỉ giữ cho Huế một địa chỉ có giá trị lịch sử và khoa học mà còn có thể trở thành điểm tham quan văn hóa độc đáo... 

Phước Châu
.
.
.