Nâng cao hiệu quả sử dụng mạng xã hội trong phòng, chống tội phạm

Thứ Hai, 01/04/2019, 07:45
Hiểu được tác dụng lan tỏa mạnh mẽ của mạng xã hội, Công an nhiều quận, huyện ở TP HCM đã tổ chức tiếp nhận thông tin tố giác tội phạm; phổ biến các thông tin pháp luật, thủ đoạn hoạt động tội phạm để có biện pháp phòng, tránh qua các nhóm mạng xã hội phổ biến như Facebook, Zalo... tạo mối liên kết chặt chẽ với nhân dân.


Việc làm này đã mang lại hiệu quả rõ nét, gợi mở cách thức tuyên truyền, phổ biến pháp luật hữu ích và nhất là đã góp phần xử lý hàng trăm vụ việc liên quan đến tình hình an ninh trật tự tại địa phương.

Lập kênh thông tin phòng chống tội phạm kết nối đến từng khu phố

Để có được mối liên kết chặt chẽ với nhân dân, nhằm tiếp nhận mọi phản ánh, tạo kênh thông tin trao đổi, tuyên truyền tới từng hộ dân trên địa bàn, Công an nhiều phường trên địa bàn quận Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh đã lập kênh thông tin phòng chống tội phạm riêng kết nối đến từng khu phố, từng người dân - xây dựng nhóm Zalo và Facebook cho người dân.

30 máy tính bảng được trang bị cho Công an 12 phường và các đội nghiệp vụ Công an quận Thủ Đức.

Trung tá Nguyễn Văn Tài, Trưởng Công an phường Tam Phú, quận Thủ Đức cho biết, hiện nay trên địa bàn phường, tại nhiều khu phố, người dân đã cùng với Cảnh sát khu vực (CSKV) lập nên những nhóm, hội trên mạng Zalo, Facebook để người dân có thể dễ dàng tố giác tội phạm, báo tin những sự việc xảy ra trên địa bàn.

Mới đây phát hiện có người lạ mặt vào Bệnh viện quận Thủ Đức nghi vấn có biểu hiện trộm cắp, người dân đã nhanh chóng báo tin cho CSKV qua mạng xã hội. Và ngay lập tức Cảnh sát đã có mặt theo dõi và bắt quả tang tên trộm này.

"Với những hội, nhóm này, người dân đã có ý thức báo tin ngay cho Công an khi thấy có người lạ mặt hay vụ việc gì bất thường xảy ra; ngay như biết có vụ tai nạn giao thông, người dân cũng báo tin cho CSKV…

Dù phường chúng tôi áp dụng phương cách này chưa lâu lắm, nhưng qua nhiều vụ việc cho thấy hiệu quả của mô hình này rất đáng kể. Ngoài ra, qua những hội, nhóm đó, cơ quan Công an còn tuyên truyền, vận động được người dân về nhiều mặt", Trung tá Nguyễn Văn Tài cho biết thêm.

Bên cạnh Tam Phú, Trường Thọ cũng là phường của quận Thủ Đức áp dụng mô hình này sớm và phát huy hiệu quả cao. Theo Công an phường Trường Thọ, cách thức tuy đơn giản nhưng lại rất hiệu quả vì gần gũi với người dân.

Bất cứ vụ việc gì người dân phản ánh, Công an sẽ nhanh chóng tiếp nhận, xác minh và cử lực lượng xuống địa bàn kiểm tra xử lý. Đặc biệt, cách đây vài ngày, người dân cung cấp thông tin về một chiếc xe máy bị mất trộm trước đó hơn 1 tháng đang di chuyển trên đường. Từ thông tin này, Công an phường Trường Thọ phối hợp kiểm tra, thu giữ được chiếc xe bị trộm…

Theo Đại úy Nguyễn Hữu Hậu, Phó Trưởng Công an phường Trường Thọ, sau hơn 1 năm hoạt động, kênh trao đổi thông tin trên đã phát huy tác dụng giúp lực lượng chức năng xử lý hàng trăm vụ việc liên quan đến tình hình an ninh trật tự (ANTT) tại địa phương…

Trao đổi về vấn đề này, Đại tá Lê Anh Tuấn, Trưởng Công an quận Thủ Đức cho biết, hiện nay trên địa bàn 12 phường của quận đã lập được 92 nhóm Zalo với hơn 3.800 người tham gia gồm, ban ngành, đoàn thể khu phố và người dân trên địa bàn.

Số nhóm này đã đăng tải 2.262 thông tin về phòng chống tội phạm. Từ thông tin các nhóm Zalo này, Công an các phường đã giải quyết nhiều thông tin về tình hình ANTT, mất vệ sinh môi trường… trong khu dân cư.

Theo Đại tá Lê Anh Tuấn, kế hoạch lập nhóm Zalo, Facebook kết nối với người dân được Công an các phường trong quận, CSKV thực hiện từ hơn 1 năm nay. Mục đích của các nhóm này là để Công an phường kịp thời tuyên truyền các phương thức thủ đoạn hoạt động của các loại tội phạm đến người dân.

Đồng thời, đây cũng là kênh để Công an phổ biến những quy định mới của pháp luật tới người dân. Thông qua các nhóm, người dân cũng thông tin, cung cấp thông tin về tình hình ANTT nơi mình sinh sống.

Đánh giá về hiệu quả của mô hình Công an lập nhóm Zalo, Facebook để kết nối với người dân trong công tác phòng chống tội phạm, ông Nguyễn Mạnh Cường, Bí thư Quận ủy quận Thủ Đức cho rằng đây là mô hình hay, tiết kiệm thời gian của Công an, đem lại hiệu quả trong công tác quản lý địa bàn.

Và để góp phần phát huy hiệu quả mô hình này và khích lệ tinh thần cán bộ chiến sĩ, ngày 22-3-2019, Công an quận Thủ Đức đã được lãnh đạo quận trao tặng 30 máy tính bảng, trang bị cho các đội nghiệp vụ và Công an 12 phường trên địa bàn, phục vụ cho công tác phòng chống tội phạm, bảo vệ ANTT. Các máy tính bảng này do một doanh nghiệp trong Khu chế xuất Linh Trung, quận Thủ Đức tài trợ.

Luôn tạo điều kiện để người dân tương tác với Công an

Mặt tích cực của mạng xã hội cũng đã được Công an quận Bình Thạnh phát huy hiệu quả, khi sử dụng trong công tác phòng chống tội phạm, tệ nạn, bạo hành gia đình… Theo đó, từ tháng 11-2017, Công an quận Bình Thạnh đã thành lập mô hình cùng người dân phòng chống và tố giác tội phạm qua nhóm trên Zalo, Facebook mang lại nhiều hiệu quả bất ngờ.

Đại tá Lê Anh Tuấn, Trưởng Công an quận Thủ Đức, nhận 30 máy tính bảng từ nhà tài trợ.

Đến nay, CSKV của hơn 89 khu phố thuộc 20 phường của quận Bình Thạnh đã tạo lập được gần 450 nhóm Zalo với hơn 11.000 thành viên, 31 nhóm Facebook với hơn 1.000 người tham gia và 3 nhóm Viber với 102 thành viên.

Từ khi đi vào hoạt động đến nay, các nhóm này đã giúp ngăn ngừa hàng trăm vụ lừa đảo; bắt quả tang hơn 30 vụ trộm; ngăn chặn hàng chục vụ mâu thuẫn xô xát, bạo hành trong gia đình. Đặc biệt, nhờ sự kết nối qua Facebook, Zalo giữa Công an phường và cư dân, cơ quan chức năng quận Bình Thạnh đã triệt phá được nhiều vụ ngay khi đối tượng vừa gây án.

Nhờ sự kết nối này mà Công an phường 11, quận Bình Thạnh đã ngăn chặn kịp thời nhiều vụ lừa đảo qua điện thoại… Công an phường 5 cũng nhờ người dân nhắn tin, đã bất ngờ kiểm tra và bắt quả tang 4 đối tượng vừa tụ tập để "chơi" ma túy tại nhà.

Trong khi đó, với Công an phường 19, từ khi có nhóm Zalo và người dân đã báo tin cho CSKV. Qua đó, Công an phường 19 đã bắt quả tang hàng chục vụ trộm, cướp tài sản với hàng chục đối tượng. Một vụ việc điển hình, bà N.T.M. ở chung cư Ngô Tất Tố khi thấy một đối tượng lạ mặt (Chu Xuân Nghĩa, 41 tuổi, ngụ quận 4) lảng vảng ở khu vực chung cư đã thông tin trên nhóm Zalo: "Có kẻ lạ mặt xâm nhập vào chung cư, nghi vấn trộm tài sản, bà con cẩn thận".

Thông tin này đã giúp người dân trong khu vực chú ý và CSKV cũng nhanh chóng có mặt tại chung cư để theo dõi các động tĩnh của đối tượng này. Và sau khi lấy trộm một máy ảnh từ trong căn hộ 408 lô B, đối tượng này xuống cầu thang để tẩu thoát thì ngay lập tức bị Công an phường 19 bắt giữ cùng tang vật…

Theo Công an phường 19, trên địa bàn phường hiện có khoảng 10 nhóm Zalo chia theo từng khu vực. Mỗi nhóm có khoảng 80 - 100 người dân tham gia. Việc chia nhóm nhỏ nhằm giúp CSKV nắm địa bàn tốt hơn, qua đó công tác phòng chống tội phạm đạt hiệu quả rất cao.

Với các nhóm này, CSKV có vai trò như một "admin" chăm chút cho nhóm của mình có nhiều thông tin thiết thực cho người dân như tuyên truyền về pháp luật, thông tin và hình ảnh về phương thức, thủ đoạn hoạt động của các loại tội phạm đến từng người dân, phòng chống trộm cắp, cháy nổ, ma túy, cướp giật… để mọi người cùng xem, cùng lưu ý. Và khi người dân nắm được các thông tin mới, các phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm, họ sẽ nâng cao ý thức cảnh giác, bảo vệ tài sản của mình và hàng xóm láng giềng.

Trước đây, khi muốn tuyên truyền những thông tin phòng, chống tội phạm thường phải đợi đến lúc họp tổ dân phố định kỳ…

Với các nhóm Zalo, Facebook, cơ quan Công an có thể phổ biến nhanh chóng thông tin đến người dân và người dân cũng tích cực tương tác trở lại, nhắn tin báo cho Công an một cách kịp thời, đã giúp cho mô hình này đạt nhiều kết quả rất khả quan. Nhiều người dân đã được Công an quận Bình Thạnh đề xuất khen thưởng vì có thành tích xuất sắc trong tham gia phát hiện và bắt giữ tội phạm thông qua các nhóm Zalo, Facebook.

Từ thành công của mô hình này ở Công an quận Bình Thạnh, quận Thủ Đức, Công an các quận 11, 12, Gò Vấp và huyện Hóc Môn… đã học tập làm theo và hiệu quả cũng rất đáng kể… Tuy nhiên, mô hình này cũng có mặt hạn chế, theo Trung tá Lê Minh Trí, Đội trưởng Đội Xây dựng phong trào và quản lý bảo vệ dân phố, Công an quận Bình Thạnh, đó là hiện chưa thể loại trừ khả năng kẻ xấu cố ý lợi dụng vào nhóm để kích động, xuyên tạc khi có vấn đề, vụ việc nhạy cảm, phức tạp về ANTT xảy ra trên địa bàn.

Để khắc phục, cần phải trang bị phần mềm quản lý, khi đó mô hình này sẽ thật sự mang lại hiệu quả tối ưu. Mặt khác, các nhóm Zalo, Facebook vẫn chưa đến được đối với những người không sử dụng smartphone, người già cả, tàn tật nên công tác tuyên truyền theo kiểu truyền thống vẫn phải tiếp tục duy trì để đảm bảo thông tin phòng chống tội phạm đến với mọi người dân.

Liên quan đến mô hình này, theo Trung tướng Lê Đông Phong, Giám đốc Công an TP Hồ Chí Minh, trong năm 2019, Công an thành phố sẽ xây dựng mô hình tiếp nhận thông tin khẩn cấp từ người dân - xây dựng Trung tâm Thông tin chỉ huy; hoàn chỉnh hệ thống bản đồ số ở trung tâm này trình UBND thành phố phê duyệt, nhằm nhanh chóng đưa hệ thống này vào thực tiễn.

Mô hình này ứng dụng khoa học công nghệ thông minh để giám sát tình hình ANTT qua hệ thống camera và những phần mềm thông minh, bản đồ số kết hợp với định vị GPS để có thể xác định chính xác nơi xảy ra các vụ việc, tạo điều kiện để người dân tương tác với cơ quan Công an; và cơ quan Công an cũng có thể nhanh chóng điều lực lượng đến hiện trường giải quyết kịp thời… Từ đó, mô hình này hứa hẹn sẽ đáp ứng được yêu cầu xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc một cách hiệu quả.

Phú Lữ
.
.
.