Muốn đường tốt nhưng lo phí chồng phí?

Thứ Ba, 20/10/2020, 09:36
Bộ Tài chính vừa có Tờ trình gửi Thủ tướng Chính phủ về dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về phí sử dụng đường cao tốc thông qua trạm thu phí trên đường cao tốc do Nhà nước đầu tư. Nếu dự thảo được thông qua, sắp tới phương tiện lưu thông trên một loạt đường cao tốc lâu nay được đi như miễn phí thì nay sẽ phải đóng phí.


Nói được đi như miễn phí chứ không phải miễn, vì thực ra các phương tiện lưu thông dù đi trên loại đường nào thì trước đó cũng đã đóng phí sử dụng đường bộ theo đầu phương tiện.

Đường bộ cao tốc do Nhà nước đầu tư lâu nay không thu phí sử dụng đường bộ qua trạm thu phí là những tuyến nào? Đó là 6 tuyến: Láng - Hoà Lạc, Hà Nội - Thái Nguyên, Nội Bài - Nhật Tân; Mai Dịch - Thanh Trì (Vành đai III), TP Hồ Chí Minh - Trung Lương, Lào Cai - Cầu Kim Thành (trên biên giới Việt - Trung). Tổng cộng của 6 tuyến này là 196 km. Theo Bộ Tài chính, nếu thu phí dịch vụ 6 tuyến cao tốc nói trên với mức thu là 1.000 đồng/km/xe tiêu chuẩn thì dự kiến hàng năm sẽ thu được khoảng 2.142 tỉ đồng.

Lý giải qua Tờ trình, Bộ Tài chính cho biết, theo Quy hoạch đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt thì mạng đường bộ cao tốc Việt Nam gồm 21 tuyến với tổng chiều dài 6.411 km. Hiện cả nước mới có 16 tuyến, tổng cộng dài 968,7 km, mới đạt khoảng 15%.

Đường cao tốc Láng – Hòa Lạc lâu nay phương tiện được lưu thông miễn phí.

Với suất đầu tư mỗi km cao tốc khoảng 130 tỉ đồng (4 làn) và khoảng 190 tỉ đồng (6 làn) thì việc xây dựng đường cao tốc đòi hỏi vốn rất lớn, trong bối cảnh nguồn ngân sách để đầu tư các tuyến đường cao tốc còn hạn chế thì việc thu phí sử dụng đường cao tốc do Nhà nước đầu tư là cần thiết. Vì thế, cần thiết phải xây dựng Nghị quyết về phí sử dụng đường cao tốc do nhà nước đầu tư.

Cũng theo Bộ Tài chính, hiện nay chi phí bảo trì đường cao tốc là khoảng 830 triệu đồng/km/năm, trong khi vốn ngân sách nhà nước bố trí cho công tác quản lý, bảo trì hàng năm chỉ đáp ứng khoảng 35-40% nhu cầu tối thiểu. Từ đó dẫn đến tình trạng không thực hiện đầy đủ công việc bảo dưỡng thường xuyên và sửa chữa định kỳ nên chất lượng đường xuống cấp nhanh chóng.

Bộ Tài chính cũng dẫn ra trường hợp tuyến cao tốc TP Hồ Chí Minh - Trung Lương theo thiết kế thì vận tốc tối đa là 120 km/giờ, vận tốc trung bình khi có thu phí là 100 km/giờ; kể từ khi tạm dừng thu phí vào tháng 1-2019 thì lưu lượng phương tiện tăng đột biến. Do đó, khi không thu phí đường cao tốc do Nhà nước đầu tư thì người điều khiển phương tiện giao thông đường bộ sẽ có xu hướng tập trung di chuyển trên đường cao tốc, dẫn đến lưu lượng phương tiện tăng cao, ảnh hưởng đến trật tự an toàn giao thông, giảm vận tốc lưu thông, giảm hiệu quả khai thác đường cao tốc.

Đề nghị của Bộ Tài chính là có lý. Vì phương tiện lưu thông trên loại đường nào thì xét cho cùng là cũng phải đóng phí. Được lưu thông mà không phải đóng phí thì chi phí vận tải giảm, ai chẳng thích. Nhưng không có tiền để đầu tư tiếp thì hạ tầng giao thông không phát triển được, nền kinh tế sẽ bị kìm hãm. Rồi việc bảo trì, bảo dưỡng mà không đảm bảo thì hạ tầng đang có sẽ nhanh chóng hư hỏng, rốt cuộc đường sá sẽ tan nát. Cái khó nằm ở chỗ đó.

Nhưng nhân nói chuyện thu phí trên đường bộ cao tốc do Nhà nước đầu tư thì thấy cần nói ra vài việc. Việc đầu tiên là cái suất đầu tư cho mỗi ki-lô-mét đường cao tốc mà ở nước ta lâu nay dân tình vẫn đoán chắc là nằm vào top cao nhất thế giới. Cái này bên ngành giao thông đã nhiều lần trần tình nhưng dân vẫn chưa thông.

Rồi suất đầu tư cao như thế nhưng đâu phải là lúc nào cũng chắc chắn có đường để sử dụng cho đúng kế hoạch, thậm chí có đấy nhưng chất lượng thì rất khó để gọi cho đúng nghĩa cao tốc. Cái này thì cứ lấy trường hợp bết bát ở dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi mà ngẫm thì rõ. Rồi việc thu phí, thời hạn thu phí hay đặt trạm thu phí cho các tuyến cao tốc thì lâu nay có vô vàn chuyện để nói, nhất là ở những tuyến đầu tư bằng hình thức PPP (đối tác công - tư) hay BOT (xây dựng - vận hành - chuyển giao).

Riêng chuyện thu phí khi phương tiện lưu thông trên đường bộ cao tốc do Nhà nước đầu tư, thoạt nghe là rất có lý nhưng nhiều người đang nghĩ đến phí chồng phí, khi đã có việc thu phí sử dụng đường bộ theo đầu phương tiện? Chưa kể nói là vốn Nhà nước đầu tư thì cũng đã có phần từ nguồn thuế mà dân đóng góp, nên việc phải đóng phí khi phải lưu thông trên loại đường này nghe cũng khó thuyết phục. Nếu vẫn cứ phải đóng và đóng với mức như khi phương tiện lưu thông trên các loại đường cao tốc đầu tư bằng hình thức PPP hay BOT thì lại càng vô lý.

Lại nữa, lâu nay do không có trạm thu phí, tất nhiên là xe lưu thông rất “ngọt”, đã thế lại không mất tiền nên cánh tài xế dại gì mà không sử dụng. Nay mai, nếu có trạm thu phí thì chắc chắn họ sẽ phải cân nhắc, nếu đóng phí mà vẫn có lợi thì vẫn sẽ sử dụng, không thì chọn tuyến khác. Áp lực lưu thông dồn lên cao tốc đúng là sẽ giảm.

Nhưng vận tốc trung bình có tăng để đạt đến mức như thiết kế hay không thì còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nữa, trong đó có cả chất lượng đường và hình thức thu phí. Đã thu phí thì đường phải thông, vận tốc lưu thông phải đảm bảo, chứ cứ như tình hình trên các tuyến cao tốc đang có trạm thu phí lâu nay thì nghe chưa ổn. Cứ xem cái việc triển khai thu phí điện tử không dừng (ETC) thì rõ, ai cũng nói hiện đại, văn minh các kiểu, nhưng Thủ tướng phải 5 lần 7 lượt thúc giục mà suốt mấy năm qua vẫn cứ ì ạch đấy thôi.

Lắm chuyện liên quan để nói về đường cao tốc ở nước ta, tất nhiên không phải chuyện gì cũng giải quyết được bằng thẩm quyền của riêng một bộ cụ thể như Giao thông Vận tải hay Tài chính. Nhưng kể ra như thế để thấy dân rất thích có đường cao tốc,  mà vì sao cứ nghe nói đến chuyện thu phí thì lại lắm tâm tư. “Tư tưởng không thông, vác bình tông không nổi” là vậy.

Lương Duy Cường
.
.
.