"Liệt sĩ" trở về sau hơn 48 năm nhận giấy báo tử

Thứ Năm, 10/01/2019, 07:07
Sau gần nửa thế kỷ lưu lạc xứ người, ông Phan Long Nghê (72 tuổi), bất ngờ trở về cố hương trước sự ngỡ ngàng của người thân và dòng tộc. Ngỡ ngàng cũng đúng thôi, vì đã chừng ấy năm, ông Nghê là một "liệt sĩ", thì nay lại đường đột "sống lại".


Kí ức mơ hồ về cố hương

Ngày gia đình nhận giấy báo tử của "liệt sĩ" Phan Long Nghê, người mẹ già như không tin vào sự thật đau đớn. Trước đó, khi ông Nghê vừa tạm biệt gia đình theo chú ruột lên công tác tại Trường Thông tin Quân khu V thì vợ của ông là bà Nguyễn Thị Quận cũng qua đời, bỏ lại đứa con bé bỏng mới được 7 ngày tuổi. Vậy mà, sau hơn 48 năm cách biệt, ông đã gặp lại con trong mừng mừng, tủi tủi không dám tin đó là sự thật, cuộc hội ngộ có cả nụ cười và nước mắt...

Theo lời kể của ông Nghê, năm 1962, khi còn là chàng thanh niên 16 tuổi, ông tham gia đội du kích tập trung của xã Phổ Cường, huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi. Đến năm 1966, trong một lần ghé về thăm nhà ở thôn Thanh Sơn, xã Phổ Cường, chú ruột của ông là cụ Phan Công Chánh lúc đó đang công tác tại Trường phân hiệu đào tạo cán bộ thông tin Quân khu V, đóng tại xã Sơn Màu, huyện miền núi Sơn Hà, tỉnh Quảng Ngãi, đã ngỏ ý muốn ông dẫn đường đưa lên lại căn cứ. 

Vì lúc đó giặc đang càn quét và bao vây quanh vùng rất nghiêm ngặt, khiến chú của ông không thể về lại đơn vị… Thế nhưng, trớ trêu là sau khi thoát được vòng vây của địch, hai chú cháu lên tới đơn vị thì ông Nghê lại không thể trở về lại đơn vị Xã đội được, vì cuộc hành quân càn quét của giặc kéo dài. 

Thấy tình hình nguy hiểm, cụ Phan Công Chánh quyết định giữ ông Nghê ở lại đơn vị. Cũng trong thời gian này, vợ của ông Nghê là Nguyễn Thị Quận đang tham gia du kích tại địa phương đã sinh con dưới hầm và mất sau đó không lâu, khi con gái chỉ mới 7 ngày tuổi.

"Liệt sĩ" Phan Long Nghê trở về sau hơn 48 năm nhận giấy báo tử.

"Đến năm tui 23 tuổi thì được tham gia lớp Trung đội trưởng Thông tin, khóa 4 đào tạo sơ cấp Trường Thông tin Quân khu V, sau đó được điều về công tác tại Đại đội 506a, Tỉnh đội Quảng Ngãi. Cuối năm 1969, trong một lần trinh sát dẫn đường để tải gạo, tui bị địch phục kích khi vừa qua khỏi đèo Đồng Ngô. Cả đoàn tải gạo rút về Hành Tín, huyện Nghĩa Hành, còn tui bị địch bắt giữ và tra tấn, đánh đập rất dã man. 

Vì sợ lộ bí mật đơn vị, tui khai tên là Phan Long Nghệ, làm nông, quê ở Thanh Sơn. Sau nhiều trận đòn tra tấn đến chết đi, sống lại của bọn giặc, tui bị chấn thương nặng, hỏng một mắt, móp đầu và lãng trí từ đó…", ông Nghê trầm ngâm hồi tưởng lại một thời chiến tranh đầy đau thương mất mát. 

Ông kể tiếp, trong một lần dọn cỏ trong khuôn viên trại giam, nhân lúc bọn lính canh lơi lỏng, ông lén trốn ra ngoài đường lớn, bám theo xe khách và lang bạt tới Đà Nẵng. Tại đây, ông gặp được bà Lê Thị Chư và đôi bên kết nghĩa vợ chồng, sinh được 6 người con. 

Tuy nhiên, chấn thương từ những trận đòn tra tấn của giặc trở thành nỗi ám ảnh quá lớn khiến cho ông lúc đó không thể nhớ rõ mình là ai, quê hương, gốc gác ở đâu?... Trong mảng kí ức mập mờ của ông lúc đó, mỗi khi nhắc về cố hương, ông chỉ nhớ rằng ở đó có đình Thanh Sơn...

Mặc dù không còn nhớ gì về lai lịch, gốc gác, nhưng suốt mấy chục năm qua, ông Nghê vẫn ôm trong mình một nỗi khắc khoải về nguồn cội. Ông khao khát muốn tìm lại được cố hương, tìm lại người thân, dòng họ. Đã có lần ông tìm về Quảng Ngãi để mong có thêm thông tin về người thân, nhưng vì ông không nhớ gì nhiều nên chẳng ai giúp được…

Trở về sau nửa đời người lưu lạc…

Ngồi tiếp chuyện với chúng tôi, "liệt sĩ" Phan Long Nghê cười hiền: "Đời tôi chưa bao giờ dám nghĩ đến có ngày sẽ tìm về được đây, gặp được con cái, người thân. Đúng là ngoài sức tưởng tượng...", vừa nói ông vừa nhìn cô con gái mà ông gặp lại sau hơn 48 năm cách biệt, ánh mắt sáng lên niềm hạnh phúc khó tả. 

Nhắc đến hành trình tìm lại quê hương, ông nói: "Có lẽ ông trời thương mình, hơn nửa đời người sống như người không quê hương, tới tuổi này rồi mới tìm lại được chính mình, vậy cũng đủ mãn nguyện rồi!".

Việc tìm lại quê hương đối với ông Nghê cũng là một sự tình cờ, khi cháu ngoại của ông đang làm hồ sơ xét lí lịch vào Đảng. Gia đình sau đó đã gửi hồ sơ về xã Phổ Cường, huyện Đức Phổ để nhờ chính quyền xác minh lí lịch của ông. Tuy nhiên, sau khi kiểm tra, rà soát thì địa phương trả lời là không có người nào tên là Phan Long Nghệ mà chỉ có một người là Phan Long Nghê sinh năm 1946, là liệt sĩ đã hi sinh từ rất lâu rồi. 

Tưởng chừng như mọi sự tìm kiếm đang rơi vào bế tắc thì gia đình ông được sự giúp đỡ của địa phương, đã liên hệ được với cụ Phan Công Chánh, là một bậc cao niên của dòng tộc Phan Long và cũng chính là người chú ruột năm xưa đã dẫn dắt ông đi theo con đường cách mạng. 

Ngay khi cụ Chánh nhìn thấy ảnh của ông Nghê, cụ bỗng có linh cảm và tin chắc rằng, người này là cháu mình. Phan Long Nghê vẫn còn sống chứ chưa hi sinh. Để chắc chắn hơn, cụ Chánh đã liên hệ lại với người thân của ông Nghê, hỏi xem ông Nghê có răng khểnh không và khi được xác nhận là có, cụ Chánh lập tức yêu cầu cô con gái của ông Nghê ra Đà Nẵng tìm ông Nghê đưa về lại Quảng Ngãi để gặp và xác nhận trực tiếp… 

Để chắc chắn hơn, cụ Chánh đã nhờ đến sự hỗ trợ và giúp đỡ của Công an tỉnh Quảng Ngãi, tra cứu tàng thư lưu trữ xác nhận thông tin hồi đó địch có bắt giữ một người đàn ông lang thang tên Phan Long Nghệ và gia đình đã xin đối chiếu danh chỉ bản là dấu vân tay hiện tại của ông Nghê với vân tay lưu trong tàng thư thì nhận được kết quả trùng khớp hoàn toàn.

Ông Nghê gặp lại con gái ruột sau nhiều năm xa cách.

Ngay khi biết chắc chắn đây là "liệt sĩ" Phan Long Nghê ''đã từng có giấy báo tử trong chiến tranh, gia đình ông Nghê đã làm đơn báo cáo cơ quan chức năng và làm các thủ tục đề nghị trả lại nhân thân cho ông. Đồng thời, ông được đưa về quê ở thôn Thanh Sơn, xã Phổ Cường, huyện Đức Phổ để hội ngộ với con gái sau nhiều năm xa cách. 

Con gái ông Nghê - chị Phan Thị Thanh Hải (52 tuổi), ngay từ lúc lọt lòng đã không biết mặt ba mẹ, từ nhỏ chị được một tay bà nội nuôi nấng và chăm sóc. Nhìn gương mặt đầy nếp nhăn của người cha thất lạc bao năm, chị không giấu được xúc động: "Thật sự có nằm mơ tui cũng chưa bao giờ nghĩ có ngày lại gặp được người cha bằng xương bằng thịt như thế này. Ngay khi có thông tin là cha tui còn sống, tui còn không dám tin đó là sự thật, đến lúc gặp rồi mới vỡ òa, không biết nói gì hơn". 

Không chỉ riêng gì người thân trong gia đình, dòng tộc, mà tất thảy bà con làng xóm tại thôn Thanh Sơn ai nấy đều tỏ ra ngỡ ngàng. Chẳng ai nghĩ được người mà họ vẫn gọi là "liệt sĩ" mấy chục năm trời nay bỗng dưng trở về và vẫn còn khỏe mạnh. Sống chỉ cách nhau chưa tới 100km mà để tìm được nhau, lại phải mất đến hơn nửa đời người...

Trao đổi với chúng tôi, ông Đinh Xuân Sâm, Phó Giám đốc Sở LĐ,TB&XH tỉnh Quảng Ngãi cho biết, hiện Sở đã có văn bản chỉ đạo về việc "liệt sĩ" Phan Long Nghê còn sống và trở về. 

"Chúng tôi đang phối hợp với Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh để thực hiện các thủ tục cần thiết như thu hồi bằng Tổ Quốc ghi công, giấy báo tử... Đồng thời, tổ chức gặp gỡ ông Phan Long Nghê để động viên, trao đổi, tìm hiểu sự việc. Qua đó, trên cơ sở các quy định hiện hành về chính sách ưu đã đối với người có công, chỉ đạo cơ quan chuyên môn của huyện, xã rà soát, phối hợp hướng dẫn ông Nghê kê khai hồ sơ để xem xét và giải quyết theo quy định", ông Sâm nói.

Linh Nguyễn
.
.
.