Làm việc tử tế, không cần xin phép!

Thứ Ba, 24/05/2016, 13:36
Nếu bạn vô tình thấy người hàng xóm quét sân nhà họ và tiện thể cua luôn rác nhà mình, bạn sẽ tức giận hay mỉm cười cảm ơn?


Nếu bạn nhìn thấy một người xả rác ra đường, bạn sẽ tỏ thái độ khuyến khích hay cau mày giận dữ?

Nếu bạn nhìn thấy một ông Tây cùng bạn bè của ông ta lao xuống con mương nước bốc mùi hôi thối, dùng tay nhặt từng cọng rác, bạn sẽ ngưỡng mộ hay xấu hổ vì mình chưa từng làm được những việc tương tự?

Đừng nói với tôi, là bạn sẽ hoạnh hoẹ ông Tây lấy tư cách gì mà nhặt rác? Rác là rác đường rác phố, rác công cộng chứ chả riêng nhà nào, càng chả phải của nhà ông Tây.

Minh họa Lê Tâm.

Vậy, ông Tây lấy tư cách gì mà nhặt rác?

Hẳn là bạn sẽ cười khi tôi hỏi những câu vừa ngố vừa nhặng xị ấy. Tư cách gì ư? Đó là tư cách của một người tử tế, khi nhìn thấy những việc chưa tử tế, là cách ứng xử của một người tử tế trước những cảnh huống chưa tử tế.

Là chuyện của một ông Tây, có thời gian 3 năm làm thầy giáo dạy tiếng Anh. Hằng ngày, đi qua các con kênh mương của Hà Nội, ông không khỏi bức bối khi thấy các dòng kênh, lẽ ra có nhiệm vụ điều hoà không khí, thì lại bốc mùi hôi thối và nước thì đen ngòm, rác ngập ngụa.

Ông vì những đống rác nhức mắt nhìn như những chiếc mụn cóc xấu xí mọc vô ý thức trên gương mặt của một cô gái kiều diễm. Ông quyết định làm "bác sĩ thẩm mĩ", phẫu thuật những chiếc mụn cóc ấy, với hy vọng giữ lại được nhan sắc của cô gái.

Nhưng...

Không đơn giản như ông tưởng. Việc làm tưởng là đơn giản, là nhu cầu của mỗi người tử tế, hoá ra lại không suôn sẻ.

Người ta yêu cầu ông phải... xin phép!

Nhưng cũng thật may cho... ông và đỡ xấu hổ cho chúng ta, khi mà chỉ cách đây hơn chục tiếng đồng hồ, Chủ tịch UBND TP Hà Nội đã kịp thời "sửa sai". Ông Chủ tịch đã đến thăm ông Tây, bày tỏ sự hài lòng và cảm ơn ông Tây cũng như bạn bè của ông đã có những hành động thật đẹp cho Hà Nội.

Vì những việc làm đẹp đẽ của mình, ông Tây được gắn Huy hiệu.

Quét nhà - đổ rác! Công việc chúng ta vẫn làm hằng ngày đấy chứ. Sao bỗng nhiên chúng ta cảm thấy thật... kỳ quái và lạ lẫm, khi chứng kiến một người nước ngoài làm việc đó. Phải chăng lâu nay, tâm lý chung của chúng ta là "đèn nhà ai, nhà nấy rạng"? Thế nên khi thấy đèn nhà "nó" rạng nhà mình, ta bỗng thấy xấu hổ?

Ta xấu hổ vì lâu nay, ta chưa từng làm những việc tương tự?

Ta xấu hổ vì người ta là khách, lại phải làm công việc của chủ nhà?

Ta xấu hổ vì lâu nay ta cứ tưởng việc tử tế phải là gì đó cao siêu, bay ngang trời và phát ra ánh hào quang lộng lẫy, chứ không hình dung nổi, đôi khi nó chỉ là một hành động nhặt đi một cọng rác ngay dưới chân mình.

Không cần đao to búa lớn, không cần hô vang khẩu hiệu, việc tử tế thường rất nhỏ nhặt, được thực hiện từ những cá nhân bình dị.

Và vì thế, làm việc tử tế, không phải xin phép!

Hiền Đinh
.
.
.