Kỷ vật trở về Hỏa Lò

Thứ Hai, 29/08/2016, 13:06
Gần nửa thế kỷ, những kỷ vật của phi công Mỹ thời chiến tranh đã trở về chốn xưa Hỏa Lò Hà Nội.


Các phi công Mỹ từng bị bắt sống khi nhảy dù ra khỏi các máy bay bắn phá miền Bắc thời chiến tranh Việt Nam, được giam giữ tại Hỏa Lò. “Khách sạn Hilton”, cái tên mỹ miều được các phi công Mỹ đặt cho Hỏa Lò, từng mang đến cho họ nhiều kỷ niệm và kỷ vật. Khi được trao trả, họ mang về nước và giữ những kỷ vật như vật báu cho đến cuối đời…

Hôm 15-8, “khách sạn Hilton” một lần nữa đón khách Mỹ. Lần này là ông Thomas Eugene Wilber, con trai thứ hai của cố Trung tá phi công Hải quân Mỹ Walter Eugene Wilber. Người con của cựu “khách” của khách sạn  Hilton này đến để hiến tặng những kỷ vật của người cha trong gần 5 năm bị giam giữ tại đây (1968 -1973).

Thomas Eugene Wilber trong một lần đến Việt Nam. 

Kỷ vật Walter Eugene Wilber giữ được chỉ là những bức thư viết và gửi từ Hỏa Lò cho vợ con, là tấm giấy gói quà nhận được từ gia đình, do chính tay con trai Thomas gói và gửi sang… là tập báo đăng các bài viết về Walter Eugene Wilber sau khi ông được trao trả về Mỹ… Tất cả những thứ quý giá ấy được người cha lưu giữ cẩn thận, giữ gìn và truyền lại cho con…

Đã 9 lần đến Việt Nam, nhưng mới là lần thứ hai tham Hỏa Lò, Thomas Eugene Wilber quyết định trao tặng những kỷ vật vô giá này của người cha mà ông cùng gia đình đã lưu giữ suốt gần nửa thế kỷ qua. Ông mong muốn: “Góp phần chứng minh những thông điệp mà người cha của ông đã cảm nhận về chính sách nhân đạo của Chính phủ Việt Nam đối với tù binh phi công Mỹ, trong thời gian họ bị tạm giam tại Nhà tù Hỏa Lò”.

Thomas Eugene Wilber chia sẻ nỗi đau cuộc chiến. 

Những năm tháng ở Hỏa Lò, các phi công Mỹ được hiểu hơn về cuộc chiến mà họ tham gia tại Việt Nam và chính sách nhân đạo của người Việt.  Ngày 16-6-1968, chiếc máy bay F- 4  do Walter điều khiển, ném bom miền Bắc, bị bắn cháy trên bầu trời huyện Đô Lương (Nghệ An). Walter Eugence Wilber nhảy dù trong khi đồng đội Wilber bị bắt sống, được chuyển tới Hỏa Lò. Gần 5 năm bị giam ông nhận được sự đối xử nhân đạo. 

Trả lời phỏng vấn nhà báo quốc tế Wilber cho biết: “Việc rất nhiều tổ chức chống chiến tranh Việt Nam và hàng triệu công dân yêu chuộng hòa bình đang đấu tranh để kết thúc sớm cuộc chiến tranh này đã mang lại cho tôi niềm vui sướng vô cùng”.

Kỷ vật thời ở Hỏa Lò.

Ngày 12-2-1973, Wilber đã được trao trả cho Hoa Kỳ, theo tinh thần của Hiệp định Paris. Những kỷ vật trong thời gian bị giam giữ tại Hỏa Lò cũng được ông mang về Mỹ.

Sống với lương tâm day dứt, hơn 50 năm qua, ông vẫn mong được trở lại Việt Nam, gặp lại những ân nhân của mình. Vì lý do sức khỏe Wilber không thực hiện được ước mong. Ông qua đời năm 2015.

Người con trai thứ 2 của ông - Thomas Eugence Wilber thay cha thực hiện ước nguyện.

Thăm Việt Nam nhiều lần, Thomas và gia đình quyết định dành một số kỷ vật trại giam Hỏa Lò và một số tài liệu mà gia đình ông đã sưu tầm, cất giữ cẩn thận trong suốt gần nửa thế kỷ qua, trao lại cho Hỏa Lò phục vụ công tác nghiên cứu, giới thiệu tới công chúng.

“Tôi và gia đình tôi xin chân thành cảm ơn Chính phủ và nhân dân Việt Nam đã đối xử rất nhân đạo đối với cha tôi trong thời gian ông ở đây. Vì vậy dù trải qua thời gian gần 5 năm ở Hỏa Lò, cha tôi vẫn có được một sức khỏe rất tốt khi trở về nhà” – ông Thomas xúc động nói.

Mai Thế Đào
.
.
.