Khổ vì “chạy” trường

Thứ Bảy, 26/05/2018, 13:02
Cháu ngoại tôi mới một tuổi rưỡi, nghĩa là phải hơn 4 năm nữa mới vào lớp 1, nhưng ngay từ bây giờ, bố mẹ nó đã mặc định là sẽ phải vào học ở một trường công lập nổi tiếng, nằm ở trung tâm thành phố. Vẫn biết để có một suất vào trường này là điều không hề dễ dàng. Vì thế, ngay từ bây giờ, bố mẹ cháu đã kết nối với khá nhiều quan hệ và hy vọng được vào ngôi trường mơ ước đó với mức chi phí thấp nhất.


Ai cũng vậy, khi con cái đủ tuổi đến trường, cha mẹ nào cũng mong con được vào học ở những trường tốt nhất, đặc biệt là những trường tiểu học bởi họ quan niệm, trẻ con như tờ giấy trắng, năm đầu đời đến trường là vô cùng quan trọng. Nó sẽ hình thành những thói quen tốt trong suốt quãng đời học sinh và tạo tiền đề cho những năm học tiếp theo.

Nhưng các trường VIP trong nội thành, nhất là những trường ở khu vực trung tâm thành phố, những trường có lớp chuyên, lớp chọn… thì số lượng cũng có hạn. Tối đa cũng chỉ 50 em học sinh một lớp. Để con mình trở thành một thành viên chính thức của lớp học là cả một hành trình vô cùng nan giải, mệt mỏi của nhiều phụ huynh.

Minh họa của Lê Tâm.

Cũng là chuyện chạy trường, chạy lớp, nhưng năm nay được đánh giá là quyết liệt hơn cả bởi số lượng học sinh nhập học đầu cấp tăng vọt. Theo thống kê của Sở GD&ĐT Hà Nội, số trẻ vào lớp 1 trên địa bàn tăng khoảng 20.000 em, học sinh vào lớp 6 tăng 11.000 em và lớp 10 tăng khoảng 24.000 em so với mọi năm. Sở GD&ĐT TP.Hồ Chí Minh cũng đưa ra các số liệu, năm học 2018-2019, Thành phố tăng 60.000 em từ tiểu học đến THPT. Trong đó, tiểu học và THPT là bậc học có tỷ lệ tăng cao, trung bình hơn 20.000 học sinh. Riêng bậc tiểu học tăng gấp đôi năm ngoái.

Câu chuyện dân số “tăng vọt” này đã được báo chí đề cập khá nhiều. Nguyên nhân là các phụ huynh đã lên kế hoạch từ trước cho việc ra đời của những đứa trẻ. Cụ thể, chúng phải được sinh ra vào những năm tốt, tài lộc và may mắn. Cùng với đó là quan niệm mà hầu như người Việt nào cũng biết, đó là trẻ sinh vào năm “Đinh, Nhâm, Quý thì tài”. Chính vì thế, nhiều gia đình đã chọn những năm này sinh con. Năm 2018, lứa học sinh "rồng vàng" - sinh năm Nhâm Thìn 2012 vào lớp 1; Đinh Hợi - "lợn vàng", sinhnăm 2007 vào lớp 6 và Quý Mùi - "dê vàng", sinh năm 2003 - vào lớp 10.

Các trường công lập nổi tiếng, có thương hiệu, uy tín, nằm ở khu vực trung tâm… luôn là lựa chọn hàng đầu cho các phụ huynh. Để thỏa mãn mục đích, họ phải có quan hệ với ban giám hiệu hoặc thông qua các nhân vật trung gian, hoặc mua lại các suất ngoại giao hay thông qua cò mồi… 

Tóm lại là mọi con đường đều sẽ tới đích cuối cùng. Kèm với nó là một khoản tiền không nhỏ. Số tiền này tỷ lệ thuận với thương hiệu của ngôi trường và mức độ quan hệ của các phụ huynh. Ít thì một vài chục triệu đồng, nhiều thì hàng trăm triệu đồng.

Trong thời đại thông tin bùng nổ, nhiều phụ huynh còn nhờ mạng xã hội để tìm những người môi giới cho con được vào học trường điểm, lớp chọn. Đây cũng là “mảnh đất màu mỡ” cho kẻ xấu trục lợi. Chúng sẵn sàng mạo nhận là quen người này, người nọ có khả năng chạy vào những trường VIP với chi phí hợp lý nhất. Không ít người nhẹ dạ tin vào những lời quảng cáo này để rồi tiền mất tật mang.

Tiêu chuẩn, điều kiện để vào các trường học đều được quy định rất rõ. Nhưng không ít người vẫn “vượt rào” để đạt mục đích của mình. Tôi không có ý tranh luận về việc này, chỉ buồn một điều, những đứa trẻ non nớt vừa bước vào ngưỡng cửa học đường đã phải chứng kiến một bài học không lấy gì tốt đẹp: Bài học về sự bất công! 

Đó là khi bố mẹ chúng dùng quyền uy, quan hệ, tiền bạc để cho chúng vào những nơi họ mong muốn, bỏ qua những quy định chặt chẽ khác. Hy vọng rằng, ngành Giáo dục cùng với những đổi mới cơ bản về nội dung giảng dạy sẽ có những giải pháp cần thiết để loại bỏ tình trạng này và bằng sự nỗ lực của mình, mỗi ngôi trường sẽ tự tạo ra một thương hiệu cho riêng mình.

Tuấn Nguyễn
.
.
.