Hoa nở trên đất phèn

Thứ Ba, 08/11/2016, 10:18
Với sự phấn đấu không mệt mỏi của nhiều lớp thế hệ cán bộ, chiến sĩ và sự lao động cải tạo bền bỉ của hàng vạn phạm nhân, Trại giam Phước Hòa đã tiến sâu vào vùng lòng chảo Đồng Tháp Mười, thực hiện cuộc "cách mạng xanh" làm biến đổi bộ mặt vùng đất phèn chua hoang hóa, trở thành vùng đất giàu tiềm năng, đúng như câu mọi người vẫn nói "vùng đất phèn đã nở hoa"!

Cuối năm 1980, Đại tá Trần Văn Dung được phân công tác tại Trại cải tạo Đồng Tháp (nay là Trại giam Phước Hòa). Từ đó đến nay, đã 36 năm (trong tổng số 40 năm thành lập trại) ông gắn bó với trại giam này. 

Và đến hôm nay, trải qua 40 năm chiến đấu và trưởng thành, với sự phấn đấu không mệt mỏi của nhiều lớp thế hệ cán bộ, chiến sĩ và sự lao động cải tạo bền bỉ của hàng vạn phạm nhân, Trại giam Phước Hòa đã tiến sâu vào vùng lòng chảo Đồng Tháp Mười, thực hiện cuộc "cách mạng xanh" làm biến đổi bộ mặt vùng đất phèn chua hoang hóa, trở thành vùng đất giàu tiềm năng, đúng như câu mọi người vẫn nói "vùng đất phèn đã nở hoa"!

Cuộc "cách mạng xanh" trên vùng  đất phèn

Trại giam Phước Hòa tiền thân là Trại cải tạo Đồng Tháp, được Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an) ra quyết định thành lập vào ngày 3-4-1976.

Mục đích là để tập trung quản lý, giáo huấn số quân của chế độ cũ tan rã tại chỗ và các tội phạm hình sự khác sau ngày đất nước thống nhất. Lúc đó, Trại đóng quân trên địa bàn xã Tân Hòa Đông, Mộc Hóa, tỉnh Long An nay là xã Thạnh Hòa, huyện Tân Phước, tỉnh Tiền Giang.

Trải qua 40 năm xây dựng và trưởng thành, Trại đã qua nhiều lần chuyển giao phân cấp quản lý với nhiều tên gọi khác nhau.

Đến năm 2005, Ban giám thị đã đề xuất đổi tên trại, lý do là vì tên Trại giam Đồng Tháp trùng với địa danh tỉnh Đồng Tháp nên gặp nhiều khó khăn trong quan hệ công tác, do đó khi nhận được đề xuất của Ban giám thị trại, Bộ Công an đã đồng ý cho đổi tên thành Trại giam Phước Hòa từ tháng 2-2005.

Hiện nay Trại giam Phước Hòa có cơ sở vật chất, phương tiện kỹ thuật cơ bản đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị.

Thừa ủy quyền Chủ tịch nước, Thượng tướng Phạm Dũng Thứ trưởng Bộ Công an gắn Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Ba lên cờ truyền thống của Trại giam Phước Hòa.

Nhớ về những năm đầu thành lập và khi ấy ông cũng chỉ mới là "lính mới" vào nhận nhiệm vụ, Đại tá Trần Văn Dung cho biết, trại thành lập ngay ở khu vực lòng chảo Đồng Tháp Mười (cái tên Trại cải tạo Đồng Tháp xuất phát từ đó) nên đã gặp vô vàn khó khăn. 

Nơi đây chính là vùng căn cứ địa cách mạng của cả hai thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Đây cũng là vùng phèn chua, trũng thấp, thời tiết rất khắc nghiệt chưa từng được con người khai phá: thực vật tự nhiên chỉ có cỏ năn, cỏ lác… lác đác vào mùa khô và lơ thơ những bụi tràm vào những mùa nước nổi.

Nhưng với sự cố gắng, phấn đấu không mệt mỏi của nhiều lớp thế hệ cán bộ, chiến sĩ và sự lao động cải tạo bền bỉ của hàng vạn phạm nhân, đã chung tay xây dựng, cải tạo hàng ngàn hécta đất hoang hóa thành vùng đất sống, thực hiện cuộc "cách mạng xanh" làm biến đổi bộ mặt một vùng đất phèn chua hoang hóa, trở thành vùng đất giàu tiềm năng không chỉ trồng tràm mà cả chăn nuôi, trồng lúa với ba vụ/năm và trồng được cả cây khóm (dứa), thanh long, góp phần không nhỏ cải thiện cuộc sống cán bộ, chiến sĩ mà còn tích lũy vốn xây dựng cơ sở vật chất như ngày hôm nay.

Song song với cuộc "cách mạng xanh", Trại giam Phước Hòa đã quản lý, giam giữ phạm nhân với các biện pháp giáo dục cải tạo bằng chính trị, pháp luật, học văn hóa; tổ chức lao động, sản xuất, truyền dạy nghề, cảm hóa họ bằng tình người, tình thương, kỷ cương, trách nhiệm, bằng tấm gương sống động về phẩm chất đạo đức, lòng nhân hậu, vị tha, hướng đến chân - thiện - mỹ của những người thầy đặc biệt.

Đáp lại những nỗ lực không ngừng đó, mầm thiện đã nở hoa trên đất phèn, vùng đất tưởng chừng như không thể hồi sinh đã có hàng chục ngàn lượt phạm nhân được cảm hóa, giáo dục trở thành người lương thiện, có ích trả về cho gia đình và xã hội.

Cuộc thi "Viết thư gửi lời xin lỗi" đã có gần 3.000 bức thư xin lỗi do phạm nhân viết.

Mục tiêu cao nhất là giáo dục, cải tạo phạm nhân thành người lương thiện

Kể về một số phạm nhân "có tiếng" đã và đang thụ án, cải tạo tại trại, Đại tá Trần Văn Dung nhắc tới Bình "Kiểm" (tên thật là Phạm Đức Bình). Đây là kẻ đã thực hiện vụ bắt cóc đòi tiền chuộc 10 triệu USD gây chấn động Sài Gòn một thời.

Sau khi bị tòa tuyên án 28 năm tù, Bình Kiểm được đưa về Trại giam Phước Hòa từ ngày 1-1-2008. Vì là thành phần đặc biệt từ ngoài xã hội nên từ khi vào đây, Bình Kiểm luôn được các cán bộ quản giáo theo dõi kĩ, đề phòng Bình có những manh động khó lường.

Bên cạnh đó, các cán bộ quản giáo cũng bằng nhiều biện pháp nghiệp vụ để giúp Bình Kiểm ổn định tâm lý, yên tâm thụ án. Vì thế, trong thời gian thụ án ở Trại giam Phước Hòa cho đến khi được chuyển qua một trại giam khác tiếp tục thụ án cách đây mấy năm thì Bình luôntỏ ra rất nghiêm túc, tích cực cải tạo.

Đặc biệt, theo Đại tá Trần Văn Dung thì Bình Kiểm luôn được xếp loại cải tạo khá và là một thành viên tích cực trong các phong trào thể dục thể thao của phân trại, nhất là Bình Kiểm rất thích đá bóng và đọc sách… Những gì mà Bình Kiểm thể hiện ở trại, không ai nghĩ đây là một tay anh chị từng một thời "dọc ngang lừng lẫy" được dân giang hồ kiêng sợ.

Một phạm nhân khác cũng "nổi tiếng" không kém được vị Giám thị nhắc tới, là Thuyết "buôn vua" (tên thật Trần Văn Thuyết) cũng từng có thời gian thụ án tại trại cho đến ngày được đặc xá. Thuyết được xem là một "mưu sĩ" chuyên chạy án cho "ông trùm" Năm Cam một thời.

Năm 2003, sau khi nhận mức án 20 năm tù về tội danh "đưa hối lộ", Thuyết "buôn vua" được đưa đến Trại giam Phước Hòa để giam giữ, cải tạo.

Điều đáng nói là sau khi vào trại, Thuyết "buôn vua" tỏ ra chấp hành mọi nội quy và các biện pháp giáo dục cải tạo của cán bộ trại.

"Trong những năm thụ án tại trại, anh ta (Thuyết “Buôn vua”) luôn chấp hành cải tạo tốt và tham gia các phong trào của trại rất tích cực nên đã sớm được đặc xá", Đại tá Trần Văn Dung cho biết.

Sau 13 năm thụ án, Thuyết "buôn vua" đã được trại xét và cho đặc xá tha tù trước thời hạn.

Ngoài hai phạm nhân kể trên, theo Đại tá Trần Văn Dung thì trại còn không ít phạm nhân "nổi đình nổi đám" khác như Hiệp "phò mã", Bảy "Si"… Tuy nhiên, trước sự giáo dục, cải tạo của trại, hầu hết các phạm nhân này đều chấp hành án nghiêm túc và tham gia các phong trào của trại.

Trong những năm gần đây, nhất là giai đoạn 2012 - 2016, mặc dù gặp nhiều khó khăn trong công tác quản lý, giáo dục phạm nhân, nhưng Trại giam Phước Hòa đã luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ giáo dục, cải tạo phạm nhân.

Theo đó, Ban Giám thị trại luôn quan tâm việc phổ biến thông tin thời sự, chính sách, học tập văn hóa xóa mù chữ, giáo dục pháp luật, đạo đức công dân, giáo dục chung, giáo dục riêng, các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao, vui chơi giải trí cho phạm nhân.

Đặc biệt, trại đã chủ động phối hợp Công an, Tỉnh đoàn Tiền Giang, Phòng Giáo dục - Đào tạo huyện Tân Phước, Trung tâm Giáo dục cộng đồng xã Thạnh Hòa (Tân Phước) tổ chức, duy trì các lớp học tập tư vấn cho phạm nhân theo quy định của pháp luật; đồng thời tuyên truyền sâu rộng việc phòng chống ma túy, HIV/AIDS bằng băng đĩa hình, sách báo, pano, khẩu hiệu, tuyên truyền miệng; lớp tư vấn cho phạm nhân chấp hành án xong và phạm nhân được đặc xá tái hòa nhập cộng đồng, các lớp giáo dục lao động, lớp nghề và nhiều lớp học khác...

Kết quả có 74,93% phạm nhân vi phạm kỷ luật đã cải tạo tiến bộ, đồng thời kiện toàn và duy trì có hiệu quả Ban tự quản phạm nhân, chăm lo chế độ chính sách, đời sống của phạm nhân, chăm sóc sức khỏe cấp phát thuốc và điều trị... 

Tổ chức thành công cuộc thi "Ban tự quản phạm nhân", các cuộc thi viết "Sự hối hận và niềm tin hướng thiện", "Viết thư gửi lời xin lỗi", vẽ tranh "Khát vọng hoàn lương"; luân chuyển 2.000 đầu sách cho 3 thư viện dành cho phạm nhân; các hoạt động thể thao, văn nghệ trong dịp lễ, tết được tổ chức quy mô.

Riêng cuộc thi "Viết thư gửi lời xin lỗi", chỉ từ ngày 7-4-2014 đến 1-8-2015 đã có gần 3.000 bức thư xin lỗi do phạm nhân viết, nội dung thể hiện sự ăn năn, hối hận đối với người bị hại, thân nhân người bị hại và lời xin lỗi của phạm nhân đối với gia đình của mình…

Những hoạt động dạy nghề, lao động cải tạo… tại Trại giam Phước Hòa.

Chính từ phong trào viết thư "Gửi lời xin lỗi" này, đã giúp phạm nhân bình tâm suy nghĩ, nhận thức lại chính mình, tác động tích cực đến công tác ổn định an ninh trật tự trại giam và giúp phạm nhân thi đua học tập, lao động cải tạo tiến bộ, hướng thiện, giúp tự tin hơn khi trở về với gia đình, xã hội, ngăn ngừa tình trạng tái phạm tội…

Bên cạnh đảm bảo thực hiện công tác chuyên môn, Trại cũng luôn quan tâm đến hoạt động tình nghĩa góp phần với địa phương thực hiện chính sách xã hội như: phụng dưỡng 4 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, xây dựng 17 nhà tình nghĩa, 28 nhà đại đoàn kết. Các dịp lễ tết trại tổ chức thăm hỏi tặng hàng trăm phần quà cho các hộ nghèo, gia đình chính sách tổng trị giá hàng tỷ đồng. Qua đó, phối hợp chính quyền địa phương làm tốt công tác vận động quần chúng tham gia phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc, xây dựng thế trận an ninh nhân dân vững chắc trong khu vực địa bàn…

Với sự nỗ lực phấn đấu không mệt mỏi trong 40 năm qua, Trại giam Phước Hòa đã vinh dự được Đảng và Nhà nước trao tặng nhiều phần thưởng cao quí như: Đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân thời kỳ đổi mới (năm 1998), Huân chương Lao động hạng Nhì (năm 1997), Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Ba (năm 2007), Huân chương Chiến công hạng Ba (năm 1980) và nhiều phần thưởng cao quý khác.

Mới đây nhất, vào ngày 3-11 tại buổi lễ kỷ niệm 40 năm Ngày thành lập Trại giam Phước Hòa đã được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Ba cùng nhiều bằng khen khác của các cấp, các ngành cho tập thể và cá nhân của trại.

Phú Lữ
.
.
.