Hai vợ chồng già gìn giữ trò Kiều trên đất Tiên Điền

Thứ Ba, 19/01/2016, 15:26
Đến Tiên Điền, Nghi Xuân, Hà Tĩnh, ai ai cũng biết, cũng nhắc tên hai vợ chồng ông Nguyễn Mậu-tộc trưởng dòng họ Nguyễn Tiên Điền- những người có công sưu tầm, hoàn thiện kịch bản và phục dựng trò Kiều.
Theo bước chân của những người dân Bắc kì vào miền Trung, miền Nam, trò Kiều hiện diện ở các tỉnh Bắc Trung Bộ, đầu tiên là ở vùng Nam Thanh Hóa, Bắc Nghệ An rồi vào Hà Tĩnh. Trò Kiều hay còn gọi là tuồng pha chèo. Riêng ở Hà Tĩnh, những năm 60 của thế kỉ 20, trò Kiều thịnh hành ở Tiên Điền, sau đó lan tỏa ra các xã Xuân Liên, Xuân Thành, Xuân Lĩnh của huyện Nghi Xuân.

Như một mạch nguồn tiếp nối Truyện Kiều của Đại thi hào Nguyễn Du, con cháu của cụ đã biết phát huy để rồi không chỉ có ngâm Kiều, vịnh Kiều hay bói Kiều, trò Kiều như một món ăn tinh thần "đậm đà", được thể hiện ngay trên quê hương Đại thi hào và trở thành niềm tự hào của các lớp con cháu.

Bao năm nay, người dân Tiên Điền đã quá quen với ánh đèn sân khấu, với các trích đoạn trò Kiều do chính người dân quê mình biểu diễn. Họ cũng không lạ gì với hình ảnh ông Nguyễn Mậu (70 tuổi), dáng gầy nhỏ nhưng nhanh nhẹn cứ tối tối lại xách ấm chè xanh, thêm mấy chiếc cốc, cùng với vợ là bà Trần Thị Phượng (60 tuổi) sang nhà văn hóa thôn An Mỹ tập trò Kiều.

Bà tập cho vai nữ, ông tập cho các vai nam và đảm nhận thêm phần trống, nhị... Và khi tiếng trống của đội trò Kiều vang lên thì bất kể ngày đêm luyện tập hay biểu diễn, dân làng vẫn kéo đến xem đội trò của làng luyện tập. Cứ thế, sau mỗi ngày làm việc mệt nhọc, đến cả ông bí thư chi bộ thôn cũng vì yêu trò Kiều, cũng tham gia một vai trò Kiều.

Ông bà Phượng - Mậu, hai người gìn giữ trò Kiều trên đất Tiên Điền.

Cách đây 15 năm, khi phong trào khôi phục các giá trị văn hóa truyền thống được quan tâm, khích lệ tới từng địa phương, ông Nguyễn Mậu tộc trưởng dòng họ Nguyễn ở Tiên Điền đã bắt tay sưu tầm trò Kiều - một hình thức diễn xướng dân gian truyền thống đã bị mai một. Từng là một thầy giáo dạy toán, sau khi về hưu, ông cùng với vợ đi sưu tầm trong dân gian, gom nhặt từng câu, từng đoạn trò Kiều đang lẫn lộn trong trí nhớ của các cụ già để tập hợp thành kịch bản trọn vẹn. Không ít câu, đoạn trò Kiều dang dở, được ông Nguyễn Mậu sáng tác, bổ sung thêm. Ví như trong đoạn Kiều khuyên Từ Hải ra hàng, khi không thể thu thập được tư liệu, ông phải giở Truyện Kiều ra.

Ông nói: "Tôi cứ viết dần, trong khi tập luyện có chỗ nào gãy thì bổ sung. Chỗ nào khó nữa mình lại giở Truyện Kiều của cụ ra để viết, ví dụ như đoạn thơ "Bó thân về với triều đình/Hàng thần lơ láo, phận mình ra đâu/ Áo xiêm ràng buộc lấy nhau/ Vào luồn ra cúi công hầu mà chi" là tôi phải lấy của cụ Nguyễn Du để đưa vào. Hay như trong đoạn Gia biến, từ ý câu thơ Kiều, ông lại sáng tạo nên những câu thơ mang ý nghĩa tương tự.

Trò Kiều trở thành một nét sinh hoạt văn hóa của vùng đất Tiên Điền.

Hai câu thơ "Đất bằng nối sóng dây oan/ Án này có thấu mây dày trời xa" thể hiện sự oan trái của Vương Viên Ngoại, đã được ông Nguyễn Mậu biến đổi cho khác với những câu thơ của Nguyễn Du, để người nghe không cảm thấy nhàm chán. Kịch bản trò Kiều được hoàn thiện theo thời gian, với độ dài hơn 100 trang và được nhiều câu lạc bộ ở xã khác, ở phòng văn hóa huyện truyền nhau dàn dựng trên sân khấu.

Trong căn nhà nhỏ, đơn sơ của hai vợ chồng già, ông Nguyễn Mậu hồi tưởng lại thời kì khó khăn nhất trong việc phục dựng trò Kiều. Không quản ngại vất vả, cất công đi hết làng trên, xóm dưới, theo ông, điều khó nhất trong việc phục dựng trò Kiều là tìm cho ra các nhân vật. Họ không chỉ là những người say mê Truyện Kiều mà còn "diễn cho ra" hình ảnh các nhân vật.

Ông cũng "dự phòng" người này ốm phải có người kia thay, hay như vai diễn nào nặng quá thì cần có hai người để thay phiên nhau diễn "tấn trò Kiều"- một tác phẩm sân khấu mà dựng cho hết, công phu cũng phải 2 ngày 2 đêm. Đã thế, ban đầu, sau mỗi đêm tập luyện vất vả, sự động viên mỗi người chỉ là một gói mỳ tôm, cũng khiến cho ông cảm thấy băn khoăn, áy náy.

Nhưng không vì thế mà người dân Tiên Điền thôi không yêu trò Kiều. 15 năm nay, trò Kiều ở Tiên Điền vẫn được nhiều người xem đánh giá là chuẩn nhất: Chuẩn về lời, chuẩn về giọng điệu và cả ngôn ngữ, cách diễn xướng. Có được điều đó là bởi bà Phượng cũng là một người con của quê hương trò Kiều trên đất Nghệ An. Khi lấy chồng về Hà Tĩnh, bà đã tìm lại trong kí ức của mình những lần đóng vai Thúy Kiều thời con gái để truyền lại từng câu hát, từng cách nhấn nhá cho các thành viên trong câu lạc bộ.

Chị Trần Thị Giang- người đóng vai Thúy Kiều ở câu lạc bộ trò Kiều Tiên Điền cho biết: "Tập cho anh em, hai bác không có một đồng thù lao, nước cũng chuẩn bị cho anh em uống. Cách đây mấy năm, quê mình còn nghèo lắm, nhưng đều đặn, hễ ăn cơm tối xong hai bác lại động viên anh em đi tập. Mấy tháng trời tập luyện đến khi diễn, cả câu lạc bộ cũng chỉ được hỗ trợ mấy chục bạc. Nhưng yêu là vẫn tập. Câu lạc bộ được như ngày hôm nay là nhờ hai bác Phượng-Mậu".

Tập trò Kiều ở Tiên Điền mỗi tối.

Cũng bởi sự kiên trì tập luyện, các buổi biểu diễn của câu lạc bộ đều được người dân địa phương hưởng ứng. Có hôm trời mưa to, lãnh đạo địa phương, thậm chí cả lãnh đạo Sở Văn hóa vẫn đến xem, ủng hộ câu lạc bộ trò Kiều Tiên Điền. Còn người dân trong và ngoài thôn An Mỹ, biết tiếng trò Kiều đã lâu, vẫn kiên trì, đứng chật xung quanh nhà văn hóa thôn để xem.

Với một học sinh như Lê Đức Anh, học sinh trường Trung học phổ thông Nguyễn Du thì những đêm diễn trò Kiều ở câu lạc bộ Tiên Điền đều thú vị, bởi từng trích đoạn được ông Mậu và bà Phượng dàn dựng công phu, tỷ mẩn. "Trò Kiều hay ở chỗ là tái hiện được một khung cảnh thời xưa. Em rất thích nhân vật Từ Hải, thấy được chí khí, không chịu khuất phục của người xưa. Ông Mạnh trong đội trò Kiều diễn vai này rất đạt"- Đức Anh nói.

Đến nay, câu lạc bộ trò Kiều Tiên Điền đã phục dựng gần hết kịch bản "Tấn trò Kiều". Duy chỉ có phần "Trả ân báo oán" và " Hậu Kim Trọng" là chưa dựng được. Ông Nguyễn Mậu cho biết: Nếu dựng đủ hai trích đoạn này thì ít nhất phải mất 30 triệu. Nhưng ở nông thôn, những người như ông không thể lấy đâu ra chừng ấy tiền. Trong khi đó, sự quan tâm của các cấp chính quyền cũng có giới hạn. "Nhiều khi vợ chồng tâm sự với nhau, vài ba chục bạc mà mình không thể hoàn thiện được tấn trò Kiều. Không biết sau này con cháu có hoàn thành được không?"- ông nói.

Thêm vào đó, bấy lâu nay người dân Nghi Xuân, Hà Tĩnh vốn đã quá quen với kịch bản trò Kiều do ông biên soạn. Nhưng nếu sau này, nếu không có ai yêu trò Kiều, có thể sáng tác thêm nhiều kịch bản khác thì trò Kiều sẽ đi về đâu? Nỗi lo ấy của ông Nguyễn Mậu và bà Trần Thị Phượng đối với trò Kiều cũng giống như với nhiều loại hình nghệ thuật truyền thống hiện nay. Câu hỏi ấy cũng chưa có lời đáp và cũng không còn nhiều người đủ thời gian, tâm sức, dành tuổi già của mình để làm những công việc lặng thầm, gìn giữ những giá trị văn hóa như họ.

Ông Nguyễn Hải Nam-Chủ tịch huyện Nghi Xuân:

"Trên quê hương Nghi Xuân chúng tôi có rất nhiều giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể. Chúng tôi cũng xác định phải đi lên bằng văn hóa và du lịch. Hiện nay chúng tôi đang đẩy mạnh công tác bảo tồn, phát huy các giá trị này bằng nhiều kênh: một là thông qua ngân sách hàng năm, hai là thông qua công tác xã hội hóa. Nghi Xuân là một trong những huyện đầu tiên đưa dân ca vào học đường. Đối với các câu lạc bộ ca trù, trò Kiều hoạt động thường xuyên, biểu diễn phục vụ địa phương cũng như tiếp tục truyền dạy cho những ai yêu thích loại hình này. Để phát huy tốt thì chúng tôi đang cùng với các đơn vị du lịch sẽ đẩy mạnh việc quảng bá, thông qua các tua du lịch để phục vụ du khách, để du khách biết nhiều hơn về các loại hình nghệ thuật này".

Ông Nguyễn Ban- nguyên Trưởng phòng Văn hóa huyện Nghi Xuân, nay là nhà nghiên cứu văn hóa dân gian:

Cùng chuyển thể từ kiệt tác Truyện Kiều của Đại thi hào Nguyễn Du nhưng làn điệu giữa chèo Kiều và trò Kiều khác nhau. Vũ điệu của chèo mềm mại, uyển chuyển, còn trò lại giống với tuồng hơn. Khi trò Kiều sang đến đất Hà Tĩnh, một vai diễn dù không có trong Truyện Kiều nhưng rất quan trọng trên sân khấu là vai hề, tiểu đồng xuất hiện bên cạnh các nhân vật. Mục đích là để thu hút sự chú ý của khán giả trong một đêm diễn, cũng là để nói lên những thói hư tật xấu, những mặt trái của xã hội. Nhiều khán giả đi xem nhiều, thuộc nhiều trích đoạn trò Kiều như diễn viên. Cũng nhờ sức lan tỏa, sự đam mê của người dân mà trò Kiều lưu giữ được trong lòng dân gian. Khôi phục được trò Kiều Tiên Điền là nhờ công của ông Mậu và bà Phượng, vừa là trách nhiệm với chủ trương nhà nước nhưng cũng là trách nhiệm dòng họ. Ý thức đó làm cho ông bà dày công xây dựng đội trò Kiều đến ngày hôm nay (với hơn 10 thành viên).

Phương Thủy
.
.
.